Huyết thanh từ bệnh nhân hồi phục giúp ngăn tác hại của virus Zika gây bệnh đầu nhỏ
20/01/2017
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, huyết thanh có thể ngăn chặn sự sao chép của virus Zika gây bệnh đầu nhỏ ở chuột.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Di truyền và Phát triển sinh học Trung Quốc đã phát hiện huyết thanh từ bệnh nhân phục hồi có thể ngăn chặn sự sao chép của virus Zika gây bệnh đầu nhỏ ở chuột. Những phát hiện này đã được công bố trong tạp chí Cell Research.
Zika là một dạng virus do muỗi lan truyền mới xuất hiện, có thể gây bệnh dịch nghiêm trọng. Dịch Zika có liên quan đến hội chứng Guillain-Barre ở người lớn và đầu nhỏ trong bào thai. Chưa có phương pháp điều trị cụ thể hoặc vắc-xin ngừa bệnh Zika, khiến yêu cầu phát triển các tác nhân điều trị chống Zika là vô cùng cấp bách.
Sử dụng huyết thanh của một bệnh nhân hồi phục do nhiễm Zika từ hai tháng trước, các nhà nghiên cứu do Giáo sư Xu Zhiheng dẫn đầu nhận thấy rằng, huyết thanh có thể trung hòa virus Zika trong ống nghiệm. Để kiểm tra xem huyết thanh có hoạt tính điều trị trong cơ thể hay không, họ tiêm khoảng 650 đơn vị PFU virus Zika vào não của phôi một số chuột. Các chuột mẹ mang thai sau đó đã được xử lý truyền huyết thanh của người khỏe mạnh và huyết thanh của người vừa hồi phục sau khi nhiễm Zika, vào các ngày đầu tiên và thứ hai sau khi phôi đã bị nhiễm.
Kết quả, bào thai từ chuột mẹ được truyền huyết thanh người khỏe mạnh có tỉ lệ virus Zika cao và tế bào chết trong não. Trong khi đó, bào thai từ chuột mẹ được truyền huyết thanh của người bệnh hồi phục đã giảm đáng kể mức độ sao chép của virus Zika cũng như lượng tế bào chết.
Như vậy, huyết thanh chứa kháng thể có thể bảo vệ chống lại sự lây nhiễm bào thai gây bệnh đầu nhỏ, cho thấy tiềm năng ứng dụng các kháng thể đơn dòng ở phụ nữ mang thai tại các khu vực liên quan.
Theo: asianscientist.com