Diễn đàn năm 2015 được tổ chức trùng vào tuần lễ đêm trắng tại Saint Peterburg, với gần 6.000 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 900 đại biểu đến từ hơn 110 nước (nhiều hơn so với khoảng 60 nước năm 2014) và gần 2.000 nhà báo đưa tin về Diễn đàn.
Diễn đàn Kinh tế Saint Peteburg diễn ra trong bối cảnh nước Nga vẫn bị cấm vận của các nước phương Tây. Mặc dù vậy, với số lượng lớn đại biểu và nhiều nước tham dự, chứng tỏ nước Nga vẫn đang đứng vững trong khó khăn thách thức và đang có nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Một trong những hội nghị bàn tròn của Diễn đàn là về vấn đề điện hạt nhân và cơ cấu điện năng, được tổ chức ngay ngày đầu diễn ra Diễn đàn (18/6/2015), với sự tham gia của ông Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và ông Kirienko, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử của Liên bang Nga (ROSATOM). Câu hỏi được đặt ra cho thảo luận như sau: Điện hạt nhân vẫn tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng. Có vẻ như chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau tai nạn Fukushima để tiếp tục phát triển điện hạt nhân mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới, điều đó có đúng không?
Trao đổi quan điểm về vấn đề này, ông Amano cho rằng điện hạt nhân vẫn tiếp tục phát triển và là lựa chọn của nhiều nước trên thế giới. Có 438 tổ máy đang vận hành, hơn 69 tổ máy đang được xây dựng tại nhiều nước. Đặc biệt các dự án điện hạt nhân đang được xây dựng tại nhiều nước Châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là các nước phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân nhất trong khu vực và thế giới. An toàn là yêu cầu số một trong phát triển điện hạt nhân hiện nay, và sau tai nạn Fukushima, an toàn điện hạt nhân đã được đảm bảo ở mức độ cao hơn nhiều nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN). Ông nói: “Nhiều nhà máy điện hạt nhân mà tôi đến thăm trong mấy năm gần đây đã an toàn hơn nhiều so với trước khi Fukushima xảy ra. KH&CN sẽ đảm bảo an toàn điện hạt nhân cũng như sự phát triển bền vững”.
Năng lượng tái tạo và điện hạt nhân là những nguồn điện không phát thải khí CO2, và có vai trò quan trọng trong chống biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ cùng với nóng ấm toàn cầu và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Mặc dù vậy, so với năng lượng tái tạo, điện hạt nhân ưu việt hơn trong đảm bảo nguồn điện ổn định, công suất lớn cho phát triển công nghiệp, kinh tế. Với công nghệ mới đảm bảo chu trình nhiên liệu khép kín, điện hạt nhân có thể đảm bảo cung cấp năng lượng lâu dài hàng nghìn năm. Công nghệ thế hệ mới III+ đảm bảo an toàn, đặc biệt lò nơtron nhanh và lò công thế hệ mới (SMR) đảm bảo tối ưu chu trình nhiên liệu hạt nhân cho phát triển bền vững, lâu dài.
Vấn đề kinh tế của điện hạt nhân là liên quan đến tuổi thọ nhà máy, đến chu trình nhiên liệu. Vấn đề kéo dài tuổi thọ nhà máy bao gồm nhiều lĩnh vực KH&CN tiên tiến. Việc kéo dài tuổi thọ các tổ máy điện hạt nhân (cũ và mới xây dựng), cùng với lựa chọn tối ưu chu trình nhiên liệu sẽ làm cho kinh tế điện hạt nhân tốt hơn, đảm bảo sự canh tranh của điện hạt nhân với các nguồn điện khác.
Tại Hội nghị, ông Amano nêu rõ, IAEA đánh giá cao vai trò của Liên bang Nga trong phát triển điện hạt nhân, thúc đẩy KH&CN điện hạt nhân cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Chia sẻ quan điểm, ông Kirienko cho rằng nước Nga có một ngành công nghiệp điện hạt nhân phát triển trên nền tảng KH&CN tiên tiến. Hiện nay ROSATOM đang xuất khẩu các tổ máy điện hạt nhân sang nhiều nước trên thế giới. Sau sự cố Fukushima, có thể thấy rằng các nước mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân đã có những quan điểm khác khi xây dựng các nhà máy điện đầu tiên của họ, cụ thể là:
- Trọng tâm phát triển điện hạt nhân hiện nay đã chuyển dịch về Châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nhiều nước trong đó xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
- Yêu cầu an toàn hiện nay cao hơn đối với thiết kế công nghệ điện hạt nhân. Nếu như trước đây, người ta cho rằng xây tổ máy điện hạt nhân giống như mua ôtô, có ôtô sang, có ôtô rẻ hơn, không quan trọng, miễn là chạy được ổn định, thì hiện nay quan niệm này đã không còn nữa. Các nước mới xây dựng muốn có công nghệ điện hạt nhân an toàn nhất có thể, tiên tiến.
- Vấn đề kiểm chứng của công nghệ cũng rất quan trọng đối với các nước mới bắt đầu điện hạt nhân, họ phải nhìn thấy, “sờ được” công nghệ mà họ muốn có, và đây cũng là yêu cầu chính đáng.
- Ngoài việc công nghệ an toàn, kiểm chứng, các nước mới bắt đầu điện hạt nhân yêu cầu các nước cung cấp công nghệ (ROSATOM) giúp đỡ hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân.
- Các nước mới phát triển điện hạt nhân muốn IAEA tăng cường sự hỗ trợ và giám sát đối với các dự án điện hạt nhân của họ.
- Yêu cầu về đảm bảo cung cấp nhiên liệu hạt nhân một cách lâu dài, ổn định.
- Xây dựng năng lực khoa học hỗ trợ chương trình phát triển điện hạt nhân, là một phần quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân. Xây dựng và vận hành thành công tổ máy điện hạt nhân đầu tiên đồng nghĩa với việc đưa năng lực KH&CN của đất nước lên một tầm cao mới.
- Nếu như trước đây, giá thành điện hạt nhân được tính theo suất đầu tư (USD/kW) thì hiện nay yêu cầu của các nước mới bắt đầu xây dựng nhà máy là giá thành điện (US cent/kWt). Giá thành điện phản ánh đúng hơn giá trị và tính cạnh tranh của nguồn điện. Điều này đòi hỏi không những suất đầu tư thấp, mà còn tuổi thọ nhà máy, chu trình nhiên liệu hợp lý. KH&CN tiên tiến có thể đảm bảo an toàn cũng như tuổi thọ nhà máy dài hơn, đáp ứng tính kinh tế của điện hạt nhân.
- Nhà máy điện hạt nhân vận hành lâu dài, hàng trăm năm, do đó dự án điện hạt nhân thoát khỏi sự ảnh hưởng của các quyết định chính trị ngắn hạn, của tư duy nhiệm kỳ. Đây là suy nghĩ mới, đòi hỏi đất nước xây dựng điện hạt nhân phải có chiến lược lâu dài, bền vững và cam kết cho chiến lược phát triển điện hạt nhân của mình.
Trả lời câu hỏi: “Khi có các thiết bị lưu giữ điện năng (ví dụ ắc quy) tốt, thì năng lượng tái tạo sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với điện hạt nhân. Quan điểm của IAEA và Nga về vấn đề cạnh tranh này như thế nào?”, ông Kirienko cho rằng điện hạt nhân và năng lượng tái tạo cạnh tranh lành mạnh. Khi có thiết bị lưu giữ điện năng tốt, sẽ mở ra cơ hội cho việc sử dụng ôtô điện, điều này dẫn đến nhu cầu điện tăng cao, không chỉ cho khuyến khích năng lượng tái tạo mà cả thúc đẩy phát triển điện hạt nhân.
Vấn đề kéo dài tuổi thọ các tổ máy cũ và tháo dỡ nhà máy hiện nay, ông Kirienko nói: “Hiện nay có nhiều tổ máy đã vận hành hơn 30 năm. Vấn đề tháo dỡ ở nước Nga trước đây do Nhà nước chịu trách nhiệm, hiện nay do các công ty điện lực chịu trách nhiệm. Kinh phí sẽ được tích lũy cho việc tháo dỡ. Nếu kéo dài tuổi thọ nhà máy, một mặt cần chi phí để nâng cấp, đảm bảo các biện pháp, hệ thống an toàn. Mặt khác các tổ máy kéo dài tuổi thọ cũng sẽ mang lại nguồn tài chính đáng kể do giá thành điện thấp. Do đó đây sẽ là sự xem xét và lựa chọn. Tại Nga, việc cấp phép kéo dài tuổi thọ có thể chỉ 5 năm, hoặc 2-3 năm dựa trên các báo cáo phân tích, đánh giá an toàn cụ thể của từng tổ máy”.
Hội nghị bàn tròn về điện hạt nhân và cơ cấu điện năng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Peterburg 2015 đã diễn ra thành công, với nhiều tư duy mới được khẳng định. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, chắc chắn điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng và là giải pháp tốt cho vẫn đề này, cũng như đáp ứng nhu cầu điện năng ổn định, an ninh năng lượng, bên cạnh thúc đẩy mạnh mẽ KH&CN.
Nguồn: http://tiasang.com.vn