Siêu chuột giúp chữa ung thư
19/03/2014
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học Anh - Úc đã giới thiệu siêu chuột đầu tiên trên thế giới, với mỗi tế bào chứa cảm biến sinh học phát quang.
Các vùng vàng - xanh thể hiện hoạt động của protein Rac trong siêu chuột - Ảnh: Science Daily
Cảm biến sinh học phát quang trong các tế bào của siêu chuột được thiết kế để bắt chước hoạt động của một phân tử protein gọi là “Rac”, đóng vai trò lèo lái chuyển động của tế bào trong nhiều loại ung thư, theo tờ Telegraph.
Đây cũng là lần đầu tiên một con chuột được can thiệp gien thành công để hiển thị phân tử Rac xuyên suốt cơ thể mà không làm ảnh hưởng đến chức năng tế bào, theo người tạo ra siêu chuột là tiến sĩ Heidi Welch của Viện Babraham (Anh).
Điều này cho phép các chuyên gia theo dõi và đánh giá các tế bào ung thư và thuốc ngay tức thời và trong điều kiện ba chiều, làm dấy lên hy vọng rằng siêu chuột sẽ cho phép giới khoa học nghiên cứu sâu hơn về các tình trạng bệnh tật so với trước đây.
Cụ thể, chuột có thể được dùng để nghiên cứu bất cứ dạng ung thư nào, cũng như dễ dàng thích ứng nếu cần nghiên cứu các căn bệnh khác ngoài ung thư.
Trên thực tế, Rac hoạt động như một công tắc với hai trạng thái: bật hay không bật.
Khi bật, cảm biến sinh học bắt lấy các tín hiệu hóa chất và tỏa ra ánh sáng xanh dương, còn nếu tắt sẽ hiển thị màu vàng.
Áp dụng với các kỹ thuật chụp ảnh phức tạp, các chuyên gia có thể theo dõi hoạt động của Rac trong bất cứ cơ quan nội tạng nào và vào bất cứ lúc nào, cho phép theo dõi sát sao phản ứng của các cơ quan khi tiếp nhận thuốc điều trị.
Chẳng hạn, bạn có thể nhìn thấy các phần của một khối u chuyển màu xanh dương sang vàng khi thuốc đánh trúng mục tiêu, sau khi đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân khoảng 1 giờ.
Nguồn: Thanh Niên