Bão Haiyan đổ bộ vào Philippine đã gây những thiệt hại không tưởng tượng nổi về nhân mạng. Ước tính có 3.974 người chết và 1.186 người mất tích, thiệt hại khoảng 5,8 tỉ USD. Ngày 10/11/2013, bão Haiyan đổ bộ vào Việt Nam. Rất may, cơn bão này đã không gây thiệt hại nhiều về người và của tại Việt Nam.
Để tìm hiểu về sức hủy hoại của cơn bão này, phóng viên (PV) tạp chí STINFO đã tìm gặp tiến sĩ Norman Cheung, giảng viên cao cấp phòng Quản lý Hiểm họa thiên nhiên và Thiên tai tại đại học Kingston London. Ông là nhà địa vật lý và khí hậu học và là chuyên gia về hiểm họa thiên nhiên - đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa bão, giông bão, sạt lở đất và lũ lụt.
PV:Tại sao cơn bão Haiyan trở nên mạnh mẽ như vậy?
Tiến sĩ Norman Cheung (TS. NC): Có hai yếu tố làm cho cơn bão này trở nên mạnh mẽ như vậy. Một là nhiệt độ nước biển khoảng 300C. Các cơn bão nhiệt đới chỉ cần 260C đề hình thành, vì thế nhiệt độ 300C trong thời gian dài đã cung cấp rất nhiều năng lượng cho cơn bão. Thứ hai là gió nghịch chiều – loại gió đổi hướng từ thấp đến cao tại một điểm trong một thời gian nhất định – đã tạo điều kiện cho phép các cơn bão hình thành. Có thể nói điều kiện môi trường đã làm cho các cơn bão trở nên mạnh mẽ. Trong thực tế, Haiyan không phải là siêu bão đầu tiên xuất hiện ở Philippine hay ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Trong năm nay , đây là lần thứ tư bão xuất hiện ở khu vực này.
PV:Tại sao cơn bão Haiyan gây ra nhiều thiệt hại?
TS. NC: Cơn bão có áp suất thấp và tốc độ gió cao gây rất nhiều thiệt hại cho các tòa nhà. Điều chủ yếu là cấu trúc các tòa nhà tại vùng cơn bão đi qua vốn khá yếu. Nhà cửa tại đây khá đơn giản, được xây dựng và duy trì ở mức tối thiểu. Vì vậy, khi gió làm thay đổi áp suất bên trong và bên ngoài tòa nhà, kết nối giữa mái nhà và tòa nhà yếu nên chúng dễ dàng bị sụp đổ. Đó là do gió. Thứ hai là mực nước dâng do bão. Cơn bão này có mực nước dâng không cao, chỉ khoảng 5 mét. Tuy nhiên, Philippines và Việt Nam có các khu vực trũng, nơi thu hút các cơn bão. Nhưng chúng ta phải cẩn thận suy xét vì mực nước dâng do bão phụ thuộc vào nơi mà nó sẽ đổ bộ. Trong một số vùng, mực nước dâng do bão chỉ khác biệt chút ít so với bình thường. Tuy nhiên, tại khu vực ven biển, các cơn sóng đã khuếch đại mực nước dâng do bão và làm nó trở nên cao hơn. Lý do thứ ba tại sao nó đã gây thiệt hại lớn như vậy là vì cơn bão này chứa rất nhiều nước; nó mang từ 33 - 38 cm mực nước mưa khi đổ bộ vào Việt Nam và Nam Trung Quốc.
PV:Tại sao Haiyan được coi là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận?
TS. NC: Với mức di chuyển kỷ lục là 195 dặm/giờ (khoảng 310 km/h), Haiyan là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền trong lịch sử. Tất nhiên, chúng ta biết có nhiều cơn bão rất mạnh ngoài đại dương được tạo ra do độ sâu của đại dương nhưng chúng ta đang nói về cơn bão đổ bộ vào đất liền. Với vận tốc 195 dặm/giờ, Haiyan là thảm họa.
PV: Làm thế nào một cơn bão mạnh xuất hiện trong thời gian này của năm khi mùa này mưa bão đã tương đối yên tĩnh? Đây có phải là điều bất thường?
TS. NC: Tôi sẽ không nói Haiyan là không bình thường vì vùng Tây Bắc Thái Bình Dương là nơi bão hoạt động mạnh nhất. Năm nay chúng tôi ghi nhận có 32 cơn bão nhiệt đới trong đó có 4 cơn bão cấp 5 (cấp mạnh nhất với sức gió ≥252 km/h) và vài cơn bão cấp 4 (cấp mạnh thứ hai với sức gió 209–251 km/h) lốc xoáy. Nhiệt độ bề mặt nước biển trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương rất cao, vì vậy năm nay, từ đầu năm đến tháng Sáu, chúng tôi chỉ ghi nhận có 3 cơn bão trong mỗi tháng, tuy nhiến đến tháng Tám, tháng Chín và tháng Mười, số lượng các cơn bão tăng đột ngột. Vì vậy, tôi nghĩ bão xuất hiện vào thời điểm này khá bình thường. Tuy nhiên, nhiệt độ bề mặt nước biển cao bất thường trong năm này làm cho cơn bão hơi đặc biệt.
PV: Có khả năng để một cơn bão lớn như Haiyan xuất hiện lần nữa trong năm?
TS. NC: Khả năng xảy ra điều này sẽ nhỏ ít vì thông thường mùa bão kết thúc khoảng thời gian này. Thậm chí ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nhiệt độ bề mặt nước biển cũng trở nên mát hơn, làm cơn bão khó hình thành. Tuy nhiên chúng ta cần cẩn thận vì khó dự đoán được sự thay đổi của thiên nhiên. Có thể nhiệt độ bề mặt biển và các yếu tố thiên nhiên khác sẽ phản ứng với nhau để tạo thành cơn bão mới. Tại thời điểm này, hiện tượng El Nino đang xảy ra, có nghĩa là vẫn có thể có điều kiện thuận lợi cho cơn bão hình thành. Tôi hy vọng nó sẽ không xảy ra và đứng trên phương diện khí tượng học, ít có khả năng là nó có thể xảy ra lần nữa. Nhưng người dân ở Philippines và Việt Nam nên cẩn thận và chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất trong tương lai.
PV: Sự hình thành Haiyan bão có mối quan hệ giữa sự nóng lên toàn cầu không?
TS. NC: Tôi sẽ không đi theo hướng đó vì sự nóng lên toàn cầu đang là đề tài gây tranh cãi giữa các nhà khoa học. Một số vẫn nghĩ rằng các cơn bão nhiệt đới đang suy giảm ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng tôi đã ghi nhận một số lượng lớn của các cơn bão xuất hiện trong năm nay. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một phần của chu kì xuất hiện bão - Có thể có 5 năm hoặc 10 năm bão hoạt động mạnh và tiếp đó là 5 hoặc 10 năm yên tĩnh ít bão; tôi cho rằng điều đó có nhiều khả năng hơn là do biến đổi khí hậu.
Hoàng Mi