Xe cứu thương "áp suất âm" có gì đặc biệt?
Dịch viêm phổi cấp do virus corona (2019-nCoV) khởi phát từ Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào tháng 12/2019 hiện lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. 304 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 14.500 trường hợp dương tính với nCoV được ghi nhận tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để đối phó với dịch bệnh đang lây lan mạnh, chính quyền Vũ Hán vừa bàn giao bệnh viện dã chiến đầu tiên cho lực lượng quân y. Theo đó, 1.400 bác sĩ quân y Trung Quốc sẽ vận hành bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn có 1.000 giường bệnh. Bệnh viện được khởi công ngày 25/1 để giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện khác tại Vũ Hán, tâm dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới.
Xe cứu thương áp suất âm được lắp thêm nhiều thiết bị,
hệ thống y tế chuyên dụng hơn so với xe cứu thương thông thường.
Ngoài ra, bệnh viện dã chiến thứ hai mang tên Lôi Thần Sơn với 1.500 giường cũng dự kiến hoàn thành ngày 5/2 trong một bệnh viện khác với 600 giường đang được xây tại Ngạc Châu. Các bệnh viện dã chiến được xây theo kiểu lắp ghép giống cơ sở điều trị Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) tại Tiểu Sương Sơn, Bắc Kinh hồi năm 2003.
Khi hệ thống các bệnh viện dã chiến hoàn thiện, các bệnh nhân từ cơ sở y tế ban đầu sẽ được chuyển đến các bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị. Và để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như tránh lây lan dịch không mong muốn, chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng một loại xe cứu thương đặc biệt có tên gọi là "xe cứu thương áp suất âm".
Được biết, kể từ khi đại dịch virus corona xuất hiện, xe cứu thương áp suất âm đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với người dân Trung Quốc. Xe cứu thương áp suất âm khác biệt với xe cứu thương thông thường ở chỗ chúng có thể đạt được hiệu quả cách ly ở “áp suất âm". Loại phương tiện này có thể thực hiện điều trị khẩn cấp các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện đột ngột, bảo vệ môi trường bên ngoài khỏi ô nhiễm, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn và hoàn thành việc cách ly, di chuyển bệnh nhân an toàn.
Việc cách ly trong điều kiện "áp suất âm" được diễn ra ở phần quan trọng là khoang y tế ở phía sau xe cứu thương. Ở đây, hệ thống áp dụng nguyên lý cơ học chất lỏng thông qua máy điều hòa không khí và quạt để tạo thành bên trong khu vực sạch (nghĩa là khu vực dành cho nhân viên y tế với môi trường sạch khuẩn trong xe) đến khu vực nguồn nhiễm trùng (tức là khu vực bệnh nhân nằm trên cáng). Cuối cùng, không khí bên trong xe sẽ được khử trùng qua bộ lọc và thải ra khỏi xe.
Do khu vực cabin y tế trong xe có áp suất âm thấp hơn 10-30Pa so với áp suất khí quyển bên ngoài, không khí mà bệnh nhân thở ra sẽ không thoát ra từ khe hở giữa cửa và cửa sổ của xe, có thể ngăn ngừa nhiễm virus một cách hiệu quả trên đường đi. Không khí trong lành vào xe cũng sẽ được lọc để đảm bảo bệnh nhân không bị nhiễm bệnh khác từ môi trường bên ngoài.
Xe cứu thương áp suất âm được sử dụng rộng rãi
trong trường hợp có dịch bệnh đột xuất, chuyên dụng đối phó với các dịch nguy hiểm.
Ngoài hệ thống áp suất âm, các thiết bị khử trùng trong xe như đèn khử trùng bằng tia cực tím cũng rất cần thiết cho xe cứu thương áp suất âm. Bên cạnh đó, xe cứu thương áp suất âm còn được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ như máy thở, máy khử rung tim, màn hình ECG... Xe không chỉ cách ly bệnh nhân, mà có thể tiến hành ngay phẫu thuật cắt bỏ và khâu vết thương thông thường, hồi sức tim phổi và cứu hộ khác ngay trên xe.
Nhu cầu tăng mạnh, Trung Quốc tăng tốc sản xuất SAIC Chase
Do dịch bệnh virus corona đang lây lan mạnh với số người nhiễm liên tục tăng, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải tính đến phương án gia tăng thêm số lượng các xe cứu thương áp suất âm. Được biết, để chuyển đổi từ một xe cơ bản sang chiếc xe cứu thương đặc biệt (thêm các thiết bị, nội thất y tế) sẽ mất khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, hiện tại, do nhu cầu cấp bách nên các nhà sản xuất bắt buộc phải rút ngắn hơn nữa thời gian cho ra những chiếc xe cứu thương nói trên.
Nhiều hãng xe đang tích cực sản xuất thêm xe cứu thương áp suất âm.
Vào ngày 24/1/2020, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) đã giao nhiệm vụ sản xuất 25 xe cứu thương áp suất âm cho Công ty TNHH Beiqi Foton Motor với tổng số tiền ước tính là khoảng 3 triệu nhân dân tệ dòng xe cứu thương áp suất âm Beiqi Foton bao gồm các mẫu Tuyano, Scenic G9 và Scenic G7.
Tập đoàn Brilliance cũng đã nhận đặt hàng của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin sản xuất 30 xe cứu thương áp suất âm. Phiên bản mô hình này dựa trên khung gầm chiếc Jinbei Ge Ruisi.
Liên doanh Phúc Kiến - Mercedes-Benz cũng đã xuất kho và gửi đến điểm dịch ngay trong đêm 26/1/2020. Lô xe này sẽ được sử dụng để cải tạo xe cứu thương áp suất âm. Giá xe cứu thương Mercedes-Benz Vito là khoảng 400.000 nhân dân tệ (giá xe trần, không bao gồm giá thiết bị y tế), tổng cộng 20 chiếc trong kho, có giá trị ít nhất 8 triệu nhân dân tệ.
Hình ảnh bên ngoài của một xe cứu thương áp suất âm
Hãng SAIC đã nhận nhiệm vụ sản xuất 60 xe cứu thương áp suất âm. Được biết, giá phiên bản xe cứu thương SAIC Chase V80 sửa đổi là 156.600 nhân dân tệ (giá xe trần, không bao gồm giá thiết bị y tế), tổng cộng 60 đơn đặt hàng với giá trị số tiền khoảng 9,36 triệu nhân dân tệ. Jiangling Motors (liên doanh với Ford) đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng xe cứu thương, trong đó 200 chiếc là xe cứu thương áp suất âm.
Hãng Chery River cũng chủ động xin sản xuất cho 20 xe cứu thương áp suất âm với tổng giá trị ước tính hơn 3 triệu nhân dân tệ. Yutong với 55 xe cứu thương.
Thanh Thảo