Chính phủ và các nhà khoa học Tây Ban Nha cho biết ngày 24/7 tới kính viễn vọng có đường kính lớn nhất thế giới đặt tại đảo La Palma trên quần đảo Canarias của nước này sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Kính viễn vọng Canarias. (Ảnh: Wikipedia)
Công cụ thiên văn mang tên "Kính viễn vọng lớn Canarias" này có một thấu kính quan sát với đường kính lên tới 10,4 mét, lắp ghép từ 36 tấm. Chi phí chế tạo và lắp đặt kính thiên văn này là 130 triệu euro.
Bộ trưởng Khoa học và Sáng tạo Tây Ban Nha Cristina Garmendia cho biết quá trình tính toán thiết kế kính viễn vọng này kéo dài tới 30 năm với sự tham gia của khoảng 600 nhà nghiên cứu. Bà khẳng định kính thiên văn này sẽ “đặt Tây Ban Nha vào vị trí tiên phong trong nền khoa học thế giới”.
Theo ông Francisco Sánchez, Giám đốc Viện Vật lý học thiên thể Canarias, kính thiên văn này đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ năm 2007 nhưng cho tới nay việc lắp đặt các dụng cụ nghiên cứu vẫn chưa hoàn tất.
Hiện tại, các nhà khoa học mới đưa vào hoạt động máy quang phổ Osiris, có khả năng ghi lại các sóng điện từ, và chuẩn bị hoàn tất việc lắp đặt máy quay CanaryCam, có khả năng đo được các vật thể lạnh giá nhất trong vũ trụ. Hai máy quang phổ thế hệ hai sẽ được lắp đặt xong vào năm 2012.
Ông Sánchez mô tả kính thiên văn này “sẽ như một cỗ máy du hành trong không gian và thời gian giúp tìm kiếm những hành tinh tương tự như Trái Đất, do kỹ thuật quang học thích nghi (giúp loại bỏ tác động của bầu khí quyển lên trường quan sát) cho phép quan sát một cách chi tiết các ngôi sao”. Ông cũng cho biết việc điều chỉnh các thấu kính là rất phức tạp và hiện tại vẫn chiếm tới một nửa thời gian làm việc của các nhà khoa học tại đài thiên văn.
Trong quá trình thử nghiệm, các nhà thiên văn học đã tiến hành 7 nghiên cứu với kính viễn vọng này và bắt đầu công bố các công trình trên. Trong số đó có việc phát hiện hiện tượng bùng phát tia gamma từ một vụ va chạm giữa hai sao neutron tại một thiên hà xa xôi.
Ngoài ra còn có công trình nghiên cứu bầu khí quyển của các hành tinh xoay quanh một số ngôi sao khác (không phải Mặt Trời).
Nhờ kính thiên văn mới, các nhà khoa học không chỉ dừng lại ở việc theo dõi hành trình của các hành tinh quay quanh ngôi sao, mà còn đo được độ hấp thụ ánh sáng từ bầu khí quyển của chúng và qua đó xác định thành phần hóa học của chúng nhằm tìm kiếm các hành tinh có sự sống như Trái Đất.
Một công trình ấn tượng khác là việc quan sát các “vệt lạnh” của bức xạ mang tên “nền tảng sóng cực ngắn vũ trụ” (CMB: cosmic microwave background). Các CMB được coi là những “hóa thạch” của quá trình tạo ra vũ trụ, hay nói cách khác là những bức xạ còn lại từ “vụ nổ lớn” (Big Bang).
Ông José Miguel Rodriguez, Giám đốc khoa học của đài thiên văn mới này, cho biết đã nhận được tới 80 đơn đặt hàng về việc quan sát và đo đạc cho các công trình nghiên cứu cụ thể. Ông tuyên bố kính viễn vọng mới sẽ biến Tây Ban Nha, hiện đang là cường quốc thứ 8 trong nền thiên văn học thế giới, trở thành nước đi đầu trong ngành khoa học này./.
TX (theo Hà Nội Mới)