Các nhà nghiên cứu đã so sánh sản lượng sản xuất nông nghiệp toàn cầu với các khuyến cáo về dinh dưỡng và nhận thấy có sự chênh lệch khá lớn.
"Đơn giản là chúng ta không thể cùng lúc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với hệ thống nông nghiệp toàn cầu như hiện nay. Vì kết quả cho thấy, sản lượng ngũ cốc, chất béo và đường bị dư thừa, trong khi sản lượng trái cây và rau quả lại ở mức thấp. Đồng thời sản lượng thực phẩm cung cấp protein như thịt cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hiện tại của con người." Giáo sư Evan Fraser, đồng tác giả của nghiên cứu và là giám đốc Viện thực phẩm Arrell cho biết.
Nghiên cứu (được đăng trên tạp chí PLOS ONE) đã tính toán khẩu phần ăn cho mỗi người trên trái đất tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm dựa trên bản hướng dẫn ăn uống lành mạnh "Healthy Eating Plate" của Đại học Harvard. Bản hướng dẫn khuyến cáo rằng 50% khẩu phần ăn của chúng ta phải là trái cây và rau quả, còn lại là 25% ngũ cốc nguyên hạt và 25% protein, chất béo và sữa.
Kết quả cho thấy sản lượng ngũ ngũ cốc hiện nay đang là 12 phần/người (thay vì 8 phần/người như khuyến cáo); trái cây và rau là 5 phần (thay vì 15 phần); dầu và chất béo là 3 phần (thay vì 1 phần); 3 phần protein (thay vì 5 phần); và 4 phần đường (thay vì 0 phần).
"Những gì chúng ta đang sản xuất ở cấp độ toàn cầu hiện nay không phải là những gì chúng ta nên sản xuất, nếu theo các khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng", GS. Fraser cho biết.
Theo Krishna KC (nghiên cứu viên Khoa Địa lý, Môi trường và Địa chất tại Đại học Guelph), hiện các nước đang phát triển tập trung chủ yếu trồng ngũ cốc vì chúng tương đối dễ trồng và có thể nuôi sống nhiều người. Bên cạnh đó, các nước phát triển cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ cho sản xuất ngũ cốc và ngô trong nhiều thập kỷ nhằm tạo ra nền nông nghiệp tự đảm bảo nhu cầu và lãnh đạo sản xuất lương thực trên thế giới. Các quốc gia này cũng dành nhiều nguồn lực tài chính cho các nghiên cứu tạo mới các giống ngũ cốc và ngô, hơn là cho các loại trái cây và rau quả. Ngoài chất béo, đường và muối cũng là 2 loại thực phẩm thu hút nên đã sản xuất dư thừa hai loại thực phẩm này.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tốt hơn cho cơ thể mà còn cho cả hành tinh của chúng ta. Krishna KC cho biết, "nếu con người chuyển sang chế độ ăn dinh dưỡng, thì diện tích đất cần cho canh tác lương thực nhằm nuôi sống dân số ngày càng tăng sẽ giảm xuống".
Việc chuyển đổi hình thức canh tác để phù hợp với các hướng dẫn về chế độ ăn lành mạnh sẽ chỉ cần diện tích gieo trồng ít hơn khoảng 50 triệu ha so với trước đây, do trái cây và rau sẽ cần ít đất hơn cho sản xuất ngũ cốc, đường và chất béo. Nhưng, để đạt được điều này, người tiêu dùng phải ăn ít thịt hơn, và ngành nông nghiệp phải sản xuất ra nhiều loại thực vật giàu protein hơn, để thay thế cho thịt.
"Những thành viên cốt lõi trong ngành công nghiệp protein đang đầu tư vào các thực phẩm thay thế như protein thực vật, và người tiêu dùng sẽ là người nhận được nhiều lợi ích nhất khi nhiều loại thực phẩm chứa protein thay thế cho thịt được tung ra thị trường, " Fraser nói.
Nếu không có thay đổi nào, thì việc cung cấp lương thực cho 9,8 tỷ người sẽ cần thêm 12 triệu ha đất trồng trọt và ít nhất 1 tỷ ha đất đồng cỏ trong tương lai.
“Cung cấp lương thực cho thế hệ tiếp theo là một trong những thách thức lớn nhất mà con người cần phải đối mặt trong thế kỷ 21. Đối với tình trạng dân số ngày càng gia tăng, những tính toán của chúng tôi cho thấy cách duy nhất để có thể áp dụng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tiết kiệm diện tích trồng và giảm phát thải khí nhà kính là phải tiêu thụ và sản xuất ra nhiều trái cây và rau củ hơn, cũng như chuyển sang các loại thực vật chứa nhiều protein," Fraser nói.