Tàu không gian Nhật trở về từ tiểu hành tinh
05/07/2010
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Tiểu hành tinh có tên gọi Itokawa được ghi hình và nhận diện ở nhiều góc độ khác nhau, nó trông giống như một củ khoai tây với chiều dài chừng 500m.
Cơ quan quản trị không gian Nhật Bản-JAXA quyết định chinh phục Itokawa bằng việc sản xuất tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa rồi phóng nó đi vào năm 2003. Sau 7 năm với quãng đường du hành hơn 6 tỉ kilomet, Hayabusa đã quay về mái nhà xưa.
Thực ra không phải nguyên chiếc tàu Hayabusa mà chỉ một khoang đặc biệt của nó được thu hồi. Khi Hayabusa quay về cách trái đất ở độ cao hơn 200 km, khoang đặc biệt được tách ra, cùng với phần còn lại của con tàu lao vào bầu khí quyển. Phần Hayabusa không được bảo vệ sẽ bốc cháy tạo thành một vệt lóe sáng tuyệt đẹp trên bầu trời vùng Adelaide, Úc. Khoang đặc biệt chứa các mẫu vật, bụi đá của tiểu hành tinh Itokawa sẽ lao vào không khí với tốc độ 12 km/giây và ma sát với bầu khí quyển tạo nên nhiệt độ đến 3.0000C.
Nhờ được che chở đặc biệt nên khoang này sẽ không bị tổn hại. Đến khoảng cách 10 km, dù sẽ được mở ra để nó đáp xuống an toàn. Việc tìm kiếm khoang đặc biệt nhờ đèn hiệu và tín hiệu radar.
Hai chiếc trực thăng chở các nhà khoa học đến khu vực cấm Woomera, cách thủ phủ Adelaide 485 km về hướng tây bắc để thu hồi khoang đặc biệt của Hayabusa.
Sau khi được phóng vào năm 2003, tàu Hayabusa đã hai lần đáp xuống tiểu hành tinh Itokawa. Lần đầu vào ngày 20/11/2005, nó ở lại đây 30 phút nhưng việc thả thiết bị để lấy đá không thành công. Lần thứ hai hạ cánh là vào ngày 25/11/2005, tàu Hayabusa bắn ra một viên đạn khoan sâu vào Itokawa và thu thập được các mẫu bụi, đất, đá.
Theo kế hoạch thì sau khi thu thập mẫu vật, tàu Hayabusa sẽ quay về trái đất năm 2007. Nhưng nhiều trục trặc kỹ thuật đã xảy ra như: hỏng động cơ ion, vỡ một bánh kiểm soát, trục trặc bộ phận tích điện... Vì vậy đến nay Hayabusa mới về được.
Với những mẫu vật mà khoang đặc biệt mang về, các nhà khoa học hy vọng hiểu được việc định hình của tiểu hành tinh diễn ra vào thời điểm nào, theo cách ra sao, biết được tài nguyên vật lý của nó, biết được sự tương tác của các vật thể khác đến nó, gió mặt trời và bức xạ đã ảnh hưởng ra sao.
Nếu các nhà khoa học chính thức xác nhận khoang đặc biệt đem thành công các mẫu vật trở về thì đây là một trong 4 lần các tàu vũ trụ đem được mẫu vật từ không gian về trái đất trong suốt quá trình lịch sử nghiên cứu vũ trụ. Ba lần trước là mẫu đất đá trên mặt trăng do chương trình Apollo thực hiện, mẫu vật chất sao chổi do Stardust thu thập và những vật thể khác do tàu Genesis lấy được.
Việc nghiên cứu, phân tích các mẫu vật sắp đến sẽ do nhóm các nhà khoa học quốc tế gồm Nhật, Mỹ, Úc thực hiện.
TH(tchdlh.org.vn)