Hydrogen peroxide giúp bảo vệ thực vật khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời
16/11/2017
KH&CN nước ngoài
Theo một nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Sinh học Anh (BBSRC), các nhà nghiên cứu của Đại học Exeter và Đại học Essex cho biết, thực vật sử dụng hydrogen peroxide (H2O2) để kiểm soát phản ứng của tế bào với các mức độ ánh sáng khác nhau.
Giáo sư Nick Smirnoff của Đại học Exeter cho biết: "Thực vật có thể nhận diện được lượng ánh sáng nên chúng có thể khai thác tối đa cho sự quang hợp. Chúng cũng phải điều chỉnh để tự bảo vệ, vì cường độ sáng quá cao có thể làm hỏng lá". Theo giáo sư Phil Mullineaux từ đại học Essex: "Có rất nhiều tín hiệu khác nhau được gửi đến nhân tế bào để chuyển gen và tổ chức lại các tế bào hoạt động. Đây là lần đầu tiên quan sát được các tín hiệu này di chuyển từ lục lạp (nơi quang hợp diễn ra) đến hạt nhân".
Sử dụng một protein huỳnh quang nhận diện H2O2, các nhà nghiên cứu có thể quan sát H2O2 di chuyển từ lục lạp và phát hiện được trong nhân tế bào. Nghiên cứu cho thấy thực vật kích hoạt các gen cần thiết cho lá như thế nào để thích ứng với những tác động của ánh sáng. Trong quá trình này, lạp lục giao tiếp với nhân tế bào để đảm bảo sự quang hợp của thực vật theo sát với môi trường, có tính chất quyết định đến sự phát triển và năng suất của cây.
Các nhà khoa học cũng thấy rằng một số lục lạp tạo ra các tín hiệu H2O2 được gắn vào nhân tế bào, cho phép chúng di chuyển tín hiệu rất hiệu quả. "Có được bước đột phá này là nhờ sự phát triển các cảm biến protein huỳnh quang H2O2, cho phép quan sát sự chuyển động của H2O2 trong tế bào thực vật trong thời gian thực", Tiến sĩ Marino Exposito-Rodriguez (Đại học Essex) cho biết.