SpStinet - vwpChiTiet

 

Đưa kết quả nghiên cứu ra ruộng đồng

Thành công từ hợp tác nghiên cứu và triển khai (R&D) giữa Đại học Putra Malaysia (UPM - Universiti Putra Malaysia) và Công ty Diversatech đã giúp đưa kết quả nghiên cứu ra ruộng đồng, tăng năng suất lúa, cải thiện đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu tự cung cấp đủ nhu cầu gạo của Malaysia.

Nghiên cứu từ yêu cầu  thực tiễn

Theo cách trồng lúa truyền thống ở Malaysia, sau mỗi lần thu hoạch, ruộng lúa được làm ngập nước cho mềm đất, dễ cày xới. Khi cày xong, lại đưa nước vào ruộng, cho ngập khoảng 1 cm để gieo hạt. Trong thời gian này, hạt gieo có thể bị chim, chuột,… phá hoại, khiến số nảy mầm chỉ đạt khoảng 65% lượng hạt giống được gieo. Cùng với cỏ dại, hạn chế này làm năng suất lúa bị giảm. Cũng không thể để nước ngập sâu vì làm cho hạt giống hoặc mầm lúa bị hư. Những tồn tại này làm giảm năng suất trồng lúa ở Malyasia.

Sản xuất lúa gạo ở Malaysia chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu. Tuy nhiên, trước thực trạng đô thị hóa nhanh chóng, đất sản xuất thu hẹp, yêu cầu tăng năng suất lúa để đảm bảo nhu cầu gạo trong nước là mục tiêu của Chính phủ Malaysia. Năm 1999, các nhà nghiên cứu Khoa Nông nghiệp - Đại học UPM nhận nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ để tăng năng suất lúa. Đơn vị này đã hợp tác với Diversatech (M) Sdn. Bhd. (Diversatech), một công ty nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp ở Malaysia, để cùng giải bài toán đặt ra. Các nhà khoa học xác định hướng nghiên cứu tìm giải pháp để tăng năng suất lên 38%-40%. Thông thường, năng suất trồng lúa là 6,87 tấn/ha, nghiên cứu cần tăng từng bước, đầu tiên lên 8 tấn/ha, sau đó là 10 tấn/ha.

Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu giải pháp gieo hạt giống ngập sâu trong nước để chống cỏ dại và chim, chuột phá hoại nhưng hạt không bị hư hại và vẫn nẩy mầm tốt. Năm 2001, các nhà khoa học đã tìm ra công thức đặc biệt, tạo ra sản phẩm với tên gọi ZAPPA.  

ZAPPA gồm có hydrogen peroxide (H2O2), sulfuric acid (H2SO4), formaldehyde (CH2O) và chất thúc đẩy hạt lúa nhanh chóng nẩy mầm thành mạ trong cả hai điều kiện hiếu khí hoặc kỵ khí. Khi sử dụng ZAPPA, tỉ lệ hạt lúa giống nảy mầm lên đến 90%, mạ non mạnh khỏe hơn, giúp chúng vượt qua cỏ dại để phát triển, tạo khả năng tăng năng suất.

Hạt lúa giống được xử lý với ZAPPA trước khi gieo trên đồng ruộng. Trước tiên, hạt giống được ngâm với ZAPPA 24 giờ, sau đó để khô trong 24 giờ. Hạt đã xử lý được gieo trên ruộng ngập nước, mức nước có thể ngập sâu từ 5-15 cm để chim, chuột không phá hoại được. Nhờ ZAPPA chứa hydrogen peroxide nên cung cấp đủ oxy để thúc đẩy hạt giống nẩy mầm trong điều kiện kỵ khí, đồng thời nhờ ZAPPA, bộ rễ phát triển và gia tăng khả năng đâm chồi lên 90-120%; giảm dịch bệnh trên cây lúa như bệnh đốm nâu (biopolaris oryzae) và bệnh đạo ôn (pyricularia oryzae).

Sau khi ZAPPA được phát triển không lâu, Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Malaysia (MARDI - Malaysian Agricultural Research and Development Institute) tham gia với UPM để đánh giá hiệu quả làm hạt giống nẩy mầm và kiểm soát cỏ dại của ZAPPA qua hai vụ trồng lúa ở hai vùng trũng thấp Tanjung Karang (bang Selangor) và Bertam (bang Penang). Tổ chức Nông dân (FOA-Farmer’s Organization Authority) ở phía Nam bán đảo Malaysia cũng triển khai thử nghiệm ZAPPA qua 6 vụ mùa, từ tháng giêng/2003 đến tháng 2/2005, năng suất lúa đạt 8,3 tấn/ha so với 4,2 tấn/ha khi không sử dụng ZAPPA, nông dân được hưởng lợi từ sáng chế ZAPPA nhờ tăng năng suất lúa, lợi tức gia tăng khoảng 500 USD/ha.

Đồng hành cùng doanh nghiệp từ đầu nghiên cứu

 


Thùng ZAPPA (Photo: ICC)

Hợp tác với Diversatech từ buổi đầu nghiên cứu đã tạo điều kiện thuận lợi để thực nghiệm cũng như thương mại hóa ZAPPA. Diversatech hỗ trợ hoạt động R&D, quản lý việc tiếp thị và thương mại ZAPPA. Diversatech đã kiểm soát và tài trợ thử nghiệm công nghệ với các tổ chức khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo tính độc lập trong việc đo lường hiệu quả của ZAPPA.

Diversatech đầu tư 110.000 USD xây dựng nhà máy sản xuất ZAPPA, và hợp tác với Perantis Pelangi Sdn. Bhd. (Perantis), một công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Malaysia, để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ ra khu vực tư nhân. Song song đó, Diversatech hợp tác với các hội nông dân ở Malaysia để tiếp thị ZAPPA và hỗ trợ kỹ thuật để nông dân sử dụng ZAPPA đúng cách.

UPM và  Diversatech thuyết phục nông dân và đối tác thương mại thông qua giới thiệu ZAPPA tại các triển lãm về nông nghiệp. Lần đầu tiên công nghệ được “trình làng” tại Triển lãm Nghiên cứu và sáng tạo ở sân trường UPM vào năm 2002, sau đó là tại các buổi triển lãm, sự kiện trong nước và thế giới. ZAPPA đến với nông dân tại các buổi trình diễn, giới thiệu về lợi ích và cách sử dụng. Người trồng lúa có thể tự thử nghiệm miễn phí và được Diversatech đảm bảo bồi thường, nếu lúa của họ có năng suất thấp hơn thông thường. Qua những nỗ lực như vậy, nông dân, các tổ chức nông nghiệp và cả Diversatech đều tin tưởng vững chắc hiệu quả của ZAPPA. Cột mốc quan trọng trong việc thương mại hóa ZAPPA là khi Bộ Nông nghiệp Malaysia (Malaysian Ministry of Agriculture) quyết định ký hợp đồng trong 3 năm (với khoản kinh phí 2,5 triệu USD) để Diversatech đưa ZAPPA đến nông dân để họ làm quen và được hướng dẫn kinh nghiệm sử dụng.

Quản lý tài sản trí tuệ

Suốt thời kỳ đầu phát triển hoạt động R&D, UPM và các nhà nghiên cứu đều không chú trọng vào tài sản trí tuệ (IP- Intellectual Property), chưa có chính sách IP cụ thể hay cơ quan bảo vệ IP. Dù vậy, UPM cũng đã ký kết các thỏa thuận bảo mật thông tin (NDAs – Non Disclosure Agreements) với các nhà nghiên cứu và đối tác.

Trong nhóm nghiên cứu của UPM có nhiều sinh viên tốt nghiệp tại đại học này. Một trong số đó đã đánh cắp công thức ZAPPA và tạo ra sản phẩm, bán dưới tên gọi khác. May mắn cho UPM và Diversatech là người này không thành công trên thị trường và nhanh chóng “dẹp tiệm”!

Không có động thái đáp trả chính thức về việc IP bị xâm phạm, nhưng UPM và Diversatech đã nhận thức được tầm quan trọng của IP, nên đã chú tâm hơn vào công tác bảo vệ. Sau đó, tất cả nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu được yêu cầu ký thỏa thuận NDAs và cam kết giữ bí mật về mọi thứ có thể mang lại hậu quả không tốt cho UPM. Theo quy định của UPM, Đại học này sẽ sở hữu các IP do các nhà nghiên cứu trong trường phát triển.

Năm 2006, UPM thành lập ICC (Innovation and Commercialization Center), Trung tâm này có trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến IP đối với các công nghệ mới và quản lý việc thương mại hóa. Lúc đó, không có một chiến lược quản lý IP bằng văn bản cụ thể, nhưng ICC hoạt động theo nguyên tắc tổng quát là tối đa hóa lợi ích do các IP được phát triển tại UPM mang lại. Nhiệm vụ chính của ICC là: (1) Duy trì việc gặp gỡ thường xuyên với các nhà nghiên cứu UPM và viện nghiên cứu để có thông tin về các công nghệ mới, giúp chuyên gia ICC tìm hiểu để có thể trình bày, giới thiệu các công nghệ một cách tốt nhất; (2) Nếu công nghệ được nhiều quan tâm từ kênh thương mại hay đạt giải thưởng trong các sự kiện, ICC sẽ thực hiện việc đánh giá nội bộ về khả năng chuyển giao và thương mại công nghệ; (3) Một công nghệ khi giới thiệu tại các hội thảo sẽ được các chuyên gia xem xét nên hay không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu IP. Nếu xác định cần phải bảo vệ IP, trước tiên sẽ nộp đơn đăng ký sáng chế trong nước, đồng thời cân nhắc trong vòng 12 tháng nên hay không nộp đơn bảo hộ sáng chế quốc tế theo hệ thống PCT (Patent Cooperation Treaty).

Với việc thành lập ICC, chính sách quản lý IP và sự quan tâm đến ZAPPA từ bộ phận thương mại, UPM nhận thức được việc nộp đơn bảo hộ công thức tạo ra ZAPPA rất quan trọng, chống khả năng bị xâm phạm, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. Vì vậy, UPM nộp đơn bảo hộ sáng chế tại MyIPO (Intellectual Property Corporation of Malaysia) vào tháng 10/2003 và được cấp bằng sáng chế số MY133162A vào tháng 10/2007. Sáng chế công thức tạo ra ZAPPA được bảo hộ có tên: “Seed treatment reagent for direct seeding paddy rice”, với các tác giả là: Syed Omar Syed Rastan, Ahmad Husni Mohd. Hanif, Halimi Mohd Saud. Thương hiệu ZAPPA cũng được UPM đăng ký bảo hộ tại MyIPO vào năm 2006.

Chuyển giao công nghệ

Có nhiều cách để trường đại học chuyển giao công nghệ, phổ biến là thỏa thuận cấp phép hay thành lập công ty spin-off (được hiểu là công ty công nghệ triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu với hình thức đồng sở hữu giữa cơ sở nghiên cứu và nhà nghiên cứu, được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu).

Tại UPM, nếu ký thỏa thuận cấp phép, nhà nghiên cứu sẽ được hưởng phần trăm nào đó tiền bản quyền. Nếu thành lập công ty spin-off, nhà nghiên cứu sẽ có được cổ phần trong công ty (nhưng không quá 51%) và có thể tham gia ban giám đốc công ty; nhà nghiên cứu cung cấp các bí quyết công nghệ trong khi tiếp tục làm việc như là lao động toàn thời gian của UPM.

Trong trường hợp thương mại hóa ZAPPA, vì Diversatech tham gia từ khi bắt đầu R&D nên việc cấp phép là lựa chọn đương nhiên để chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, vì ZAPPA đưa ra thị trường thành công trước khi công thức tạo ra ZAPPA được nộp đơn đăng ký sáng chế và UPM chưa có chính sách IP chính thức, nên không cơ sở vững chắc để đàm phán ký kết một thỏa thuận cấp phép. Dù vậy, UPM mong muốn hợp thức hóa mối quan hệ với Diversatech bằng một thỏa thuận cấp phép chính thức khi ICC được thành lập.

Kết quả cuối cùng có được là trong các điều khoản thỏa thuận cấp phép giữa UMP và Diversatech, UMP nhận 2% tiền bản quyền từ tổng doanh thu (được trả thành hai lần trong năm, vào tháng 6 và tháng 12) và 2% tiền lãi để phát triển công nghệ. Nếu Diversatech yêu cầu hỗ trợ công nghệ từ các nhà nghiên cứu, công ty sẽ phải trả thù lao và thời gian chuyên gia hỗ trợ không quá một tháng mỗi năm. Thỏa thuận được ký kết chính thức vào 16/01/2008 trong thời hạn 5 năm. Năm 2012, tổng doanh thu hơn 2,6 triệu USD và tiền bản quyền UPM nhận được là hơn 52.000 USD.

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả