Sự liên kết, hợp tác giữa các viện/trường và doanh nghiệp (Industry – Academy Collaboration, trong bài viết này gọi tắt là hợp tác I-A) là nền tảng cho sáng tạo và ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế-xã hội. Ở các quốc gia phát triển, nhờ sự hợp tác I-A rất chặt chẽ đã sáng tạo nên những công nghệ có tác dụng mạnh mẽ đến đời sống con người.
Các viện/trường ở những nước phát triển hầu hết đều có một bộ phận đủ mạnh để tiến hành các hoạt động hợp tác I-A, thực hiện chuyển giao công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng các công ty khởi nghiệp và quản trị tài sản trí tuệ,…Hoạt động này còn rất hạn chế ở các nước đang phát triển. Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Năm 2014, Ấn Độ có hơn 100.000 bài báo công bố các nghiên cứu, xếp hạng thứ 9 toàn cầu. Tuy nhiên, lại hạn chế trong việc biến các kết quả nghiên cứu thành sáng chế được bảo hộ và chuyển giao công nghệ. Trở ngại chính là thiếu sự gắn kết giữa I-A và thiếu các chuyên gia, các tổ chức thực hiện việc bảo vệ và thương mại tài sản trí tuệ (TSTT)!
FITT ra đời
Tổ chức Đổi mới và Chuyển giao công nghệ (FITT-Foundation of Innovation and Technology Transfer) là tổ chức do Chính phủ Ấn Độ thành lập vào năm 1995 với kinh phí được cấp ban đầu là 16,2 triệu INR tại Học viện Công nghệ Delhi (IIT-D), một trong những học viện công nghệ hàng đầu của Ấn Độ, nhằm thúc đẩy hợp tác I-A, , đã tạo những thay đổi đáng kể tình trạng nêu trên.
Hoạt động độc lập, tự chủ, với nhiệm vụ chính là “kết nối với doanh nghiệp nhằm sáng tạo, phát triển và thương mại hóa công nghệ để đôi bên cùng có lợi”, FITT được tổ chức theo hình thức Hội đồng quản lý và Hội đồng nghiên cứu. Hội đồng quản lý gồm đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đề cử từ Bộ Phát triển nguồn nhân lực (Ministry of Human Resources Development) và từ Ban Giám đốc IIT-D. Hội đồng nghiên cứu được chọn lựa từ các giảng viên của IIT-D có kinh nghiệp hợp tác I-A.
Những hoạt động FITT thực hiện gồm: liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ; quản lý TSTT; chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển nhượng; thúc đẩy hợp tác I-A; ươm tạo doanh nghiệp; huấn luyện kiến thức khởi nghiệp, quản lý kinh doanh. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao, triển khai các giải thưởng của FITT.
Ươm tạo và xây dựng doanh nghiệp
FITT ươm tạo và xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp bằng việc tạo lập những trung tâm ươm tạo tại IIT-D để cung cấp cho những người muốn khởi nghiệp cơ sở hạ tầng, không gian thử nghiệm; các điều kiện sáng tạo hay phát triển sản phẩm; thử nghiệm quy mô nhỏ, mô phỏng và tạo nguyên mẫu; huấn luyện kỹ năng. Những doanh nghiệp khởi nghiệp có kế hoạch kinh doanh đáng tin cậy và TSTT sẽ được FITT hỗ trợ trong hai năm đầu. Giai đoạn phát triển sau đó tùy theo mục tiêu hoạt động. Hoạt động ươm tạo doanh nghiệp được tiến hành ở FITT có thể kể đến như:
- Vườn ươm TBIU (Technology Business Incubation Unit): được khởi đầu tại IIT-D năm 2000 nhằm thúc đẩy tinh thần, khả năng tạo dựng doanh nghiệp trong sinh viên và các nhà sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trưởng thành từ TBIU và gặt hái thành công. Giai đoạn 2014-2015, có 12 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tại TBIU.
- Biotech Incubator Facility được FITT thành lập năm 2014. Do lĩnh vực công nghệ sinh học được Chính phủ Ấn Độ chú trọng phát triển, hoạt động ươm tạo này được hỗ trợ 87 triệu INR. Hoạt động này hỗ trợ khởi nghiệp và cung cấp các điều kiện ươm tạo, thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Cũng vào năm 2014, từ nguồn tài trợ của BIRAC (Biotechnology Industry Research Assistance Council), một tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ Ấn Độ, FITT thành lập BBIF (Biotechnology Business Incubator Facility) để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ sinh học thông qua việc cung cấp các trang thiết bị đặc biệt, điều kiện thí nghiệm, hướng dẫn về TSTT và kết nối với thị trường.
Ngoài ra, FITT còn là đối tác của Cục Công nghệ thông tin (DIT-Department of Information Technology) trong kế hoạch hỗ trợ phát triển những tài năng, ươm tạo công nghệ và phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đồng hành cùng các nhà sáng tạo và doanh nghiệp
Việc phát triển kỹ năng cho các nhà sáng tạo cũng như nhân lực tại doanh nghiệp cùng với các chương trình thúc đẩy sáng tạo được FITT thực hiện đã tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu triển khai tại IIT-D và các doanh nghiệp.
FITT kết hợp với IIT-D tổ chức các khóa huấn luyện khác nhau cho các khoa của IIT-D để nâng cao kiến thức và kỹ năng sáng tạo, những khóa huấn luyện ngắn hạn về sáng tạo công nghệ mới, hay tổ chức những hội thảo để cập nhật những tri thức mới nhất của các lĩnh vực công nghệ khác nhau; thường xuyên hỗ trợ các khoa tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế về khoa học và công nghệ.
Công viên Khoa học và công nghệ (Science and Technology Parks) được FITT thành lập nhằm cung cấp nền tảng tốt hơn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, thúc đẩy phát triển vốn tri thức, tạo điều kiện cho khởi nghiệp cũng như thành lập doanh nghiệp công nghệ.
Do công nghệ sinh học được đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển ở Ấn Độ, năm 2013, FITT hợp tác với NII (National Institute of Immunology) ở New Delhi và BIORxVenture Advisors khởi động chương trình Bioaccelerator (Bioaccelerator programme) để thúc đẩy kết quả sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học ra thị trường. Chương trình này tập trung vào các hoạt động sáng tạo theo nhu cầu của thị trường, dành cho các nhà quản trị, nhà nghiên cứu, mong muốn thương muốn thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình.
Với doanh nghiệp, FITT tổ chức các khóa huấn luyện về những vấn đế liên quan đến thị trường, xu hướng công nghệ, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ, nâng cao trình độ quản lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để tạo điều kiện kết nối hiệu quả giữa IIT-D với doanh nghiệp trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, FITT đã khởi động chương trình hợp tác để cung cấp các dịch vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các nghiên cứu tại IIT-D. Lệ phí tham gia chương trình này không đáng kể. Các doanh nghiệp thành viên sẽ được cập nhật thông tin về các chương trình khác nhau của IIT-D và những cơ hội hợp tác; cung cấp thông tin về các công nghệ đã và đang phát triển tại IIT-D thông qua các hội nghị, hội thảo, trong bản tin hay trong các khóa huấn luyện công nghiệp,…; tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm bất kỳ công nghệ nào và tiếp xúc trao đổi với nhà tư vấn. Đến nay, hơn 250 doanh nghiệp nhận được lợi ích từ chương trình này. Con số này không chỉ nói lên sự thành công của chương trình mà còn chứng minh cách làm hiệu quả để doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với các viện/trường.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kế hoạch thúc đẩy sáng tạo khoa học và công nghệ cũng được khởi động để nâng cao tính cạnh tranh. Nguồn tài chính Chính phủ Ấn Độ cung cấp cho kế hoạch này là 40,1 triệu INR.
Chương trình thúc đẩy sáng tạo PRISM (Promoting Innovation in Individuals, Start-ups and MSMEs), được bảo trợ bởi DSIR (Department of Scientific and Industrial Research) được FITT tiến hành dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có hai giai đoạn được hỗ trợ gồm: thúc đẩy phát triển công nghệ theo nhu cầu thị trường và chuyển giao TSTT. Chương trình này hỗ trợ đến 0,2 triệu INR để thực hiện thí điểm các mô hình; mức hỗ trợ từ 2-5 triệu INR để chế tạo các mô hình, thử nghiệm, đăng ký bảo hộ sáng chế và chuyển giao công nghệ.
Quản lý tài sản trí tuệ
Hoạt động quan trọng tại một học viện là tổ chức quản lý TSTT. Trước khi FITT ra đời, số lượng nộp đơn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại IIT-D rất thấp (6%), đa số phát sinh từ năm 1996 đến nay (BĐ1). FITT trợ giúp hoàn toàn để IIT-D nộp đơn bảo vệ quyền SHTT tại Cơ quan Sáng chế Ấn Độ (Indian Patent Office) hay các tổ chức sáng chế khác, thông qua việc đánh giá các đề xuất nộp đơn cấp bằng sáng chế và các quyền SHTT khác. Việc đánh giá và quyết định liên quan đến việc nộp đơn bảo vệ quyền SHTT tại IIT-D do bộ phận về quyền SHTT của FITT chịu trách nhiệm. Qua hai thập kỷ, có hơn 200 đơn đăng ký quyền SHTT, bao gồm các sáng chế, bản quyền, mẫu thiết kế, kiểu dáng công nghiệp.
BĐ1: IIT-D nộp đơn sáng chế theo thời gian trước và sau khi có FITT
Kết quả ngoài mong đợi
Những tổ chức như FITT trong các học viện là bộ phận xúc tác để nâng cao hoạt động liên kết I-A làm gia tăng phát sinh những công nghệ, sản phẩm, sáng chế; thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển kinh tế vững mạnh.
Đến nay, FITT đã có mối liên kết, hợp tác với hơn 300 doanh nghiệp; thúc đẩy việc bảo vệ quyền SHTT của IIT-D bằng cách nộp hơn 200 đơn đăng ký bảo vệ quyền SHTT; gần 15 Spin –off trưởng thành; nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và hiện đang ươm tạo 15 doanh nghiệp. FITT thực hiện cấp phép 40 công nghệ được phát triển tại ITT-D, hơn 10 công nghệ biến thành sản phẩm thương mại thành công.
Ngoài ra, dưới sự trợ giúp của FITT, việc hợp tác giữa sinh viên và doanh nghiệp tại IIT-D tiến triển thuận lợi, nhiều dự án nghiên cứu được sinh viên thực hiện, phát triển các công nghệ có thể thương mại.
FITT có thu nhập chủ yếu từ lợi tức tiền gởi và cổ phiếu, thực hiện các dự án và phí đóng góp từ các thành viên. Trong năm tài chính 2014-2015, FITT có 356 triệu INR, tổng chi tiêu khoảng 13 triệu INR; triển khai 96 dự án và ký kết chuyển giao công nghệ giá trị 168 triệu INR. Ngoài ra, cấp phép chuyển giao 5 TSTT.
FITT là mô hình hợp tác I-A thành công ở Ấn độ, mang lại nhiều lợi ích hữu hình lẫn vô hình cho các bên. Xây dựng bộ phận I-A như FITT tại các học viện giúp nhà khoa học đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường thông qua đăng ký bảo vệ các TSTT. Những nhà khoa học của IIT-D không phải bận tâm về thương mại các kết quả nghiên cứu của họ, và dành 100% thời gian để giảng dạy và tiến hành nghiên cứu để đạt kết quả cao nhất. Đồng thời phát triển việc tạo dựng doanh nghiệp từ ứng dụng kết quả nghiên cứu, từ hoạt động khởi nghiệp.
Thành lập FITT tại ITT-D đã làm gia tăng mạnh số lượng sáng chế, chuyển giao công nghệ, sáng tạo sản phẩm, tăng nguồn tài chính và hình thành các doanh nghiệp, nhờ đó làm tăng thêm uy tín cho học viện. Đây là cách làm hiệu quả để phát triển công nghệ trong nước, sáng tạo nên “phần hồn” cho doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để nền kinh tế quốc gia cất cánh.
Ghi chú: *: Có nhiều khái niệm khác nhau về spin- off, tuy vậy, có thể khái quát doanh nghiệp spin- off có các đặc điểm:(i) Được thành lập trên cơ sở một nhóm các nhà khoa học nắm giữ một hoặc một số bí quyết công nghệ; (ii) Sản xuất kinh doanh dựa trên các sản phẩm công nghệ cao hoặc công nghệ mới. (iii) Sau quá trình tích lũy trong hệ thống mẹ, gặp một số điều kiện thuận lợi (được đầu tư về vốn, cơ chế chính sách, …) thì tách ra hoạt động độc lập.
Anh Vũ (CESTI)