Vi khuẩn sinh sôi 800m dưới bề mặt băng Nam cực
29/08/2014
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn ở độ sâu 800m, dưới bề mặt băng ở Nam Cực. Khám phá này làm dấy lên hi vọng, thấy sự sống ngoài trái đất.
Sự sống vẫn có thể tồn tại dưới bề mặt băng giá ở Nam Cực - Ảnh: NASA
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học quốc tế phát hiện cộng đồng vi khuẩn sinh sôi nảy nở tại hồ Whillans nằm ở độ sâu 800 m dưới bề mặt băng ở Nam Cực. Đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện sự sống tồn tại trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt như vậy.
Nhóm nghiên cứu cho biết các vi khuẩn này tồn tại nhờ lấy năng lượng từ các loại hóa chất trong đá và chất cặn dưới đáy hồ Whillans. “Các vi khuẩn này hoạt động mạnh và có chức năng riêng” - nhà nghiên cứu vi sinh vật Jill Mikucki thuộc ĐH Tennessee (Mỹ) đánh giá.
Bà cho biết chúng là một phần của hệ sinh hóa toàn cầu mà giới khoa học vẫn chưa hiểu hết. “Khoảng 10% diện tích bề mặt trái đất bị băng bao phủ. Chúng ta biết rất ít về các hoạt động sinh hóa ở môi trường bên dưới. Thông qua các phản ứng hóa học nội tại, các loại vi khuẩn này làm những việc như giải phóng chất dinh dưỡng từ đá” - chuyên gia Mikucki nhận định.
Nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện này cho thấy sự sống tương tự hoàn toàn có thể tồn tại ở mặt trăng Europa của sao Mộc, mặt trăng Enceladus của sao Thổ và thậm chí cả sao Hỏa. Cả Europa và Enceladus đều có đại dương nằm dưới bề mặt băng giá.
Trên trái đất, các chuyên gia đang nhắm tới dự án nghiên cứu sự sống tại hồ Vostok, hồ nước khổng lồ nằm dưới bề mặt băng ở Nam Cực.
Nguồn: Tuổi Trẻ