SpStinet - vwpChiTiet

 

“Bà lang” Trung Quốc 85 tuổi nhận một nửa giải Nobel Y học

Lần đầu tiên một công dân nước CHND Trung Hoa được trao giải Nobel khoa học, hơn nữa người đoạt giải thưởng khoa học cao quý này lại là phụ nữ.
 


Mùa giải Nobel năm nay mở đầu bằng việc công bố giải Nobel Y học vào 11h30 ngày 5/10/2015 tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, tức 16h30 cùng ngày, giờ Hà Nội. Theo đó, bà Youyou Tu (Trung Quốc) nhận một nửa giải thưởng, phần còn lại chia đều cho hai ông William C. Campbell (Ireland) và Satoshi Ōmura (Nhật).

Ủy ban Nobel cho biết, Campbell và Omura được vinh danh nhờ các phát hiện liên quan tới phương pháp điều trị mới các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi giun tròn ký sinh, trong khi bà Youyou Tu được tôn vinh nhờ những phát hiện liên quan tới một phương pháp điều trị mới bệnh sốt rét.

Tin này lập tức làm dư luận Trung Quốc dậy sóng, bởi lẽ đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, một công dân nước CHND Trung Hoa được trao giải Nobel khoa học, hơn nữa người đoạt giải thưởng khoa học cao quý nhất lại là phụ nữ.

Thảo dược Trung y kết hợp công nghệ hiện đại

Điều thú vị chưa mấy người biết là nhà dược học Youyou Tu chưa hề có học vị tiến sĩ, mấy lần dự bỏ phiếu bầu làm viện sĩ đều bị trượt, và công trình nghiên cứu của bà hoàn toàn thực hiện trong nước, không có yếu tố nước ngoài.

Ủy ban Nobel cho biết những bệnh do ký sinh trùng gây ra đã gây khó khăn cho loài người suốt mấy nghìn năm qua, trở thành vấn đề sức khỏe lớn có tính toàn cầu.

Bà Juleen Zierath, Chủ tịch Ủy ban Nobel Y học, phát biểu: “Nhà khoa học nữ Trung Quốc Youyou Tu đã chiết xuất được chất Artemisinin dùng để điều trị bệnh sốt rét. Điều đó chứng tỏ thảo dược Trung y truyền thống của Trung Quốc cũng có thể đem lại những gợi ý mới cho các nhà khoa học.” Bà Zierath nói, nhờ kết hợp công nghệ chiết xuất hiện đại với y học hiện đại, thảo dược Trung y đã lập được thành tựu “rất xuất sắc” về chữa bệnh.

Thập niên 1960-1970, trong điều kiện cực kỳ gian khổ, nhóm nghiên cứu Youyou Tu đã nghiên cứu cách điều trị bệnh sốt rét. Họ lấy cảm hứng từ các thư tịch y dược cổ điển Trung y, như “Trửu hậu bị cấp phương”, dẫn đầu phát hiện chất Thanh hao (
青蒿素, Artemisinin), sáng tạo phương pháp mới điều trị sốt rét. Hàng trăm triệu người dân trên thế giới đã được hưởng lợi ích từ “Thần dược Trung Quốc” này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Artemisinin và các dược phẩm liên quan vào danh mục dược phẩm cơ bản.

Youyou Tu có rất ít bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Luận văn gần đây nhất của bà là bài “Phát hiện chất Thanh hao – món quà tặng của y dược Trung Hoa” đăng trên nguyệt san khoa học nổi tiếng “Nature”, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có bản dịch bài này.

Bài báo viết : “Tôi suốt đời tham gia nghiên cứu thảo dược Trung Quốc ở Viện Khoa học Y học Trung Quốc. Từ năm 1959 đến 1962, tôi tham gia lớp đào tạo Trung y dành cho các bác sĩ biết Tây y, điều đó đã dẫn tôi đến với kho tàng quý báu của thảo dược Trung Quốc.”

Năm 1967, Trung Quốc khởi động Dự án 523 toàn dân chống sốt rét. “Chúng tôi đã điều tra hơn 2.000 loại thuốc thảo dược, chọn ra 640 bài thuốc có thể chữa sốt rét. Cuối cùng, từ 200 loại thảo dược, đã chiết xuất được 380 chất dùng để thí nghiệm chống sốt rét trên chuột bạch, nhưng tiến triển không thuận lợi.”

“Bài thuốc của Cát Hồng
葛洪 đời Tây Tấn [năm 265-317] đã đem lại cảm hứng cho tôi. Ngày 4/10/1971, lần đầu tiên tôi thành công dùng Ether có điểm sôi thấp chiết xuất được chất Thanh hao, sau đó khi đưa vào làm thí nghiệm, chúng tôi quan sát thấy chất này có tỷ suất ức chế vi trùng sốt rét đạt 100%. Đây là bước ngoặt giải quyết vấn đề, nó chỉ xuất hiện sau 190 lần thất bại.”

“Chất Thanh hao đã hoàn toàn thành công khi thí nghiệm điều trị sốt rét trên động vật, như vậy khi tác dụng lên cơ thể loài người, liệu có an toàn hay không? Để xác định vấn đề này một cách nhanh nhất, tôi và các đồng nghiệp đã dũng cảm xung phong làm người tình nguyện đầu tiên thử nghiệm ngay trên cơ thể mình. Đây là biện pháp duy nhất để mọi người tin rằng dùng thảo dược có thể chữa được bệnh sốt rét, vì hồi ấy còn chưa có quy trình đánh giá hiệu quả lâm sàng và tính an toàn của dược phẩm.”

“Sau khi thí nghiệm thành công trên cơ thể mình, nhóm dự án chúng tôi xuống thâm nhập vùng Hải Nam làm khảo sát thực địa. Chúng tôi thử dùng thuốc cho 21 bệnh nhân sốt rét và phát hiện chất Thanh hao có hiệu quả lâm sàng kỳ diệu bất ngờ trong điều trị bệnh này.”

“Nhà khoa học ba không”


Youyou Tu, chữ Hán viết là
屠呦呦, đọc theo âm Hán-Việt, tức âm chữ Nho, là Đồ U U. Cái tên U U có nguồn gốc từ câu “U U lộc minh, thực dã chi hao “呦呦鹿鸣,食野之蒿”“ trong sách “Kinh Thi 诗经». Chữ Hao chính là Thanh hao 青蒿. Người cha đặt tên cho con gái mà đâu có nghĩ tới việc sau này con mình sẽ kết mối duyên bền chặt với cây Thanh hao.

Đồ U U sinh ngày 30/12/1930, hiện là nhà dược học nổi tiếng Trung Quốc, Nghiên cứu viên suốt đời kiêm Nghiên cứu viên đứng đầu của Viện Nghiên cứu Trung y Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chất Thanh hao. Năm 1980 bà được mời làm thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh thạc sĩ, năm 2001 hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cống hiến đột phá của bà là sáng chế ra loại thuốc mới chữa bệnh sốt rét – Artemisinin và Dihydroartemisinine
青蒿素和双氢青蒿素.

Tháng 9/2011, bà được trao giải Nghiên cứu y học lâm sàng Lasker (Lasker~DeBakey Clinical Medical Research Award), giải thưởng được coi là cái “phong vũ biểu” của giải Nobel Y học tương lai. Đây là giải thưởng cao nhất cấp thế giới mà giới y học Trung Quốc từng giành được. Thông báo trao giải viết: Bà Youyou Tu được trao giải Lasker “vì đã phát hiện ra chất Thanh hao, một dược phẩm điều trị sốt rét từng cứu được hàng triệu mạng người trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển”.

Vì không có học vị tiến sĩ cùng học hàm viện sĩ, cũng như không nghiên cứu ở nước ngoài, báo chí Trung Quốc gọi đùa bà là “nhà khoa học ba không”. Từ trước tới nay, toàn bộ người Hoa từng được trao giải Nobel khoa học đều có quốc tịch nước ngoài, có học vị tiến sĩ trở lên và đều nghiên cứu ở phương Tây.

Nguồn: http://tiasang.com.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả