Phát triển máy tính hóa học lưu trữ ảnh bằng phân tử nhỏ
21/07/2019
KH&CN nước ngoài
Các nhà khoa học thuộc Đại học Brown của Mỹ đã tìm ra cách mã hóa và giải mã những ảnh, không phải bằng vi mạch mà bằng những phân tử nhỏ, với độ chính xác tới 99,5%.
(Nguồn: newscientist.com)
Các nhà khoa học thuộc Đại học Brown của Mỹ đã tìm ra cách mã hóa và giải mã ảnh, không phải bằng vi mạch mà bằng những phân tử nhỏ, với độ chính xác tới 99,5%.
Nghiên cứu này đã được công bố ngày 3/7 trên tạp chí PLOS ONE.
Trước đây, các phân tử sinh học như DNA được sử dụng để giúp lưu trữ thông tin. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng phân tử khác. Đó là các chất chuyển hóa vốn là những phân tử nhỏ, đa dạng hơn và có tiềm năng để lưu thông tin ở mức độ lớn hơn so với bộ gene.
Chất chuyển hóa là bất kỳ chất hóa học nào tham gia quá trình trao đổi chất, được xem như chất cần thiết hoặc là một sản phẩm của sự trao đổi chất.
Trong khi tiến hành nghiên cứu, các robot xử lý chất lỏng đã được dùng để viết thông tin số bằng cách biến các hỗn hợp chất chuyển hóa thành hệ thống các dấu chấm nhỏ trên một mặt phẳng. Một công cụ được gọi là phổ ký khối có thể đọc được các vị trí và nhận diện các chất chuyển hóa, sau đó trả lại kết quả là dữ liệu nhị phân.
Phương pháp lưu trữ thông tin bằng phân tử nhỏ này có thể mã hóa và giải mã thông tin của ảnh với độ chính xác khoảng 98-99,5%. Phương pháp này có thể mã hóa thành công hơn 100.000 bit ảnh kỹ thuật số thành những chất chuyển hóa tổng hợp.
Trưởng nhóm nghiên cứu Jacob Rosenstein nhấn mạnh một máy tính hóa học hay ổ cứng phân tử dường như chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, song ngành sinh vật học ngày nay chứng tỏ điều này là hoàn toàn có thể xảy ra.