Phát hiện mùi bằng trứng ếch
20/09/2010
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo thành công bộ cảm biến có khả năng phát hiện mùi hoặc khí hóa học với độ chính xác cao nhờ trứng ếch biến đổi gien.
Công trình của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học công nghiệp, Đại học Tokyo, được đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences số mới nhất. Đây là lần đầu tiên trứng ếch được sử dụng trong robot. Nhóm nghiên cứu hy vọng sáng chế của họ sẽ là bước đệm để trong tương lai có thể tạo ra những chiếc máy phát hiện những chất khí gây ô nhiễm môi trường.
Kỹ sư Shoji Takeuchi và các cộng sự đã cấy một số đoạn DNA từ 3 loại côn trùng khác nhau, gồm tằm, sâu tơ và ruồi giấm vào trứng của ếch móng châu Phi (tên khoa học Xenopus laevis). Số trứng này sau đó được đặt vào một chiếc hộp được thiết kế đặc biệt và cho tiếp xúc với các mùi và hóa chất khác nhau. Takeuchi cho biết nhóm của ông đã sử dụng đến 3 loại pheromone (mùi do động vật tiết ra để thu hút các con cùng loài) và một loại hương nhân tạo với thành phần hóa học tương tự nhau để thử nghiệm, nhưng số trứng này đều có thể phân biệt rõ ràng.
Các nhà khoa học đặt trứng giữa một cặp điện cực nhằm tạo ra công cụ dò. Công cụ này đo dòng điện phát ra khi các cơ quan thụ cảm trên trứng "trói" các phân tử mùi. Bằng công nghệ trên, nhóm của ông Takeuchi đã tạo ra một robot biết lắc đầu khi đánh hơi được pheromone. Nó có thể phát hiện những dung dịch chỉ chứa vài phần tỉ phân tử mục tiêu.
Ông Takeuchi cho biết công nghệ có tính đột phá trên "rất quan trọng đối với môi trường". Chẳng hạn như nó có thể được sử dụng để phát hiện khí CO2."Muỗi có thể tìm đến con người do chúng ta thở ra khí CO2. Vì vậy, muỗi có cơ quan thụ cảm CO2. Khi có thể trích xuất DNA của muỗi, chúng ta có thể cấy DNA vào trứng ếch để phát hiện khí CO2", ông nói.
Các ứng dụng khác trong tương lai sẽ là những thiết bị phát hiện mùi xê-tôn phát ra từ bệnh nhân tiểu đường, hay aldehyde hoặc những chất gây dị ứng khác trong thực phẩm.
QA (Thanh Niên Online)