Các loại vắc-xin COVID-19 đã được chuyển từ giai đoạn thử nghiệm đến giai đoạn sử dụng trên người chỉ trong vòng chưa đến 1 năm. Đây được xem là một điều thần kỳ trong y học, bởi một loại thuốc hoặc thiết bị y tế mới thông thường phải tốn đến 10 năm mới được phê duyệt và ứng dụng rộng rãi lên người.
Tại sao quá trình này thường mất quá nhiều thời gian? Vì cần có thời gian để tuyển dụng tình nguyện viên cho các thử nghiệm lâm sàng, tiến hành các thử nghiệm, phân tích dữ liệu, nộp các thủ tục giấy tờ phù hợp và nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Trong trường hợp vắc-xin COVID-19, tất cả các bước đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều.
Công nghệ giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm sản phẩm y tế. (Ảnh: iStockphoto)
Đó là do các công ty dược phẩm và cơ quan quản lý đã kết hợp trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây, thiết bị theo dõi sức khỏe cùng một số công nghệ khác để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng bằng cách sử dụng telehealth và các quy trình tương tự. Thông qua những thử nghiệm từ xa hoặc lấy bệnh nhân làm trung tâm, những thử nghiệm lâm sàng phi tập trung như vậy có thể góp phần hợp lý hóa quy trình phê duyệt và giảm gánh nặng về mặt thời gian cho người tham gia.
Tháng 9/2019, Hiệp hội Tiêu chuẩn IEEE (IEEE SA) đã khởi xướng chương trình DCT Industry Connections Program nhằm kết nối và triển khai một số nội dung gồm: tiêu chuẩn dữ liệu và công nghệ mới; phòng thí nghiệm thử nghiệm và đào tạo; quy trình công việc kỹ thuật được chứng nhận đáng tin cậy và hợp lệ; các công nghệ y tế kỹ thuật số từ xa; sử dụng trí tuệ nhân tạo, blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán được thiết kế để tăng tính hiệu quả và độ an toàn của người tham gia trong khi tăng tốc các hoạt động thử nghiệm.
“Chúng tôi đang trải qua một sự thay đổi không thể đảo ngược và mang tính đổi mới trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng, trong đó các thử nghiệm lâm sàng phi tập trung được kích hoạt bởi công nghệ sẽ trở thành xu hướng chủ đạo,” Isaac R. Rodriguez-Chavez Chavez (đồng phụ trách chương trình DCT Industry Connections Program) nói.
Các thử nghiệm lâm sàng phi tập trung dự kiến sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng tình nguyện viên vì mọi người có thể tham gia thoải mái tại nhà hoặc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe gần nhất. Các loại thuốc đang được nghiên cứu sẽ được gửi qua đường bưu điện hoặc qua cơ sở y tế. Sức khỏe của tình nguyện viên có thể được kiểm tra bằng ứng dụng di động, y tế từ xa hoặc thiết bị đeo.
Nhờ sự góp sức của công nghệ, giờ đây khâu thử nghiệm lâm sàng đã có thể giám sát từ xa những người tham gia (theo những cách thức khác nhau), thu thập và xác thực dữ liệu thử nghiệm. Dữ liệu có thể được phân cấp với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain và điện toán đám mây.
Do các công ty dược phẩm phần lớn đều quan tâm đến việc tiến hành các thử nghiệm như vậy, vì có thể theo dõi nhanh quá trình phát triển thuốc và giảm chi phí, nên đã có một số công ty sẵn sàng rót tài trợ.
Vấn đề là họ chưa thực sự tin tưởng vào phương thức kỹ thuật, vì bị phụ thuộc vào nhiều công nghệ liên quan, đồng thời vẫn còn đó những lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân và khả năng tuân thủ những quy định về bảo mật dữ liệu, vì dữ liệu phải có thể được phân phối, chấp nhận, sử dụng và khai thác.
Hoàng Kim (CESTI) - Theo IEEE Spectrum