Hạt điện tử mang điện “tấn công” Trái đất
25/11/2008
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, Trái đất đang bị “ném bom” bằng các tia điện tử năng lượng cao từ một hành tinh bí ẩn gần hệ mặt trời. Đây là công bố của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, Đức, Mỹ và nhà vật lý hạt nhân của Nga.
John Wefel, một trong những tác giả () của công trình nghiên cứu này thuộc trường Đại học Louisiana (bang Louisiana của Mỹ) cho biết: “Đây là một phát hiện lớn. Lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra nguồn gốc của các tia vũ trụ tách ra từ hệ Ngân hà”.
Luồng các hạt cơ bản - proton, neutron, điện tử và cả các hạt ion mang điện bay với tốc độ cao được gọi là tia vũ trụ Ngân hà. Các nhà khoa học đã đưa ra nhận định rằng, đa số các hạt mang điện này đều hoạt động ở tốc độ rất cao, gần với tốc độ của ánh sáng khi nổ sao băng và các sự kiện tương tự khác trên vũ trụ. Chúng bay về phía Trái đất từ tất cả các hướng.
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu các tia vũ trụ nhờ bộ tách sóng đặc biệt đã được chuyển lên tầng bình lưu ở Nam cực nhờ khinh khí cầu. Đúng như các nhà khoa học mong đợi, bộ tách sóng ATIC đã không chỉ ghi lại được hợp chất thông thường giữa proton và ion đối với các tia vũ trụ mà còn phát hiện ra hiện tượng bất thường - đó chính là các hạt điện tử năng lượng cao cũng có trong hợp chất này.
Trong thời gian 5 tuần quan sát vào năm 2000 và 2003, bộ tách sóng đặc biệt đã ghi lại được 70 hạt điện tử có năng lượng từ 300-800 GeV. Nguồn gốc của các hạt điện tử lạ này xuất phát từ một hành tinh lạ gần hệ mặt trời, không quá 1kilo parsec (mỗi parsec bằng 3,26 năm ánh sáng) - nhà khoa học Jim Adams từ Trung tâm NASA của Mỹ cho hay.
Ông Jim Adams giải thích rằng, các hạt điện tử bay trong vũ trụ sẽ nhanh chóng bị mất năng lượng khi gặp phải photon (quang tử) hoặc do sự tác động của trường điện từ trong hệ Ngân hà.
Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng, nguồn gốc của hạt điện tử mang điện bắt nguồn từ một hành tinh bí ẩn cách Trái đất vài trăm parsec, vì đường kính của hệ Ngân hà là gần 30.000 parsec.
“Tiếc là chúng tôi không thể chỉ ra vị trí chính xác về nguồn gốc của các hạt điện tử này trong vũ trụ” - Wefel cho biết. Mặc dù bộ tách sóng đặc biệt ATIC có thể xác định hướng mà các hạt điện tử này bay tới Trái đất, nhưng thiết bị này lại được đặt trên một chiếc khinh khí cầu bay và xoay theo chiều gió nên không thể xác định chính xác nguồn gốc của các hạt điện tử này.
Các nhà khoa học hy vọng rằng, kính thiên văn gama (đơn vị cường độ địa từ) có thể phát hiện ra nguồn gốc các hạt điện tử bí ẩn này.
LV (theo CAND)