SpStinet - vwpChiTiet

 

EKSPLA- Khởi nghiệp từ cửa hẹp

Khởi đầu với vốn liếng khá khiêm tốn, EKSPLA đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu thế giới nhờ sáng tạo và phát triển ứng dụng laser trong nghiên cứu và sản xuất công nghiệp

Laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hóa học, vật liệu bán dẫn, năng lượng, điện, cơ khí, công nghệ thông tin, chế tạo vật liệu kim loại, y học, hàng không vũ trụ, sinh học, kiến trúc,…Một số nguồn laser thông dụng có thể kể đến là laser bán dẫn (semiconductor laser), laser thể rắn (solid-state laser), laser sợi quang (fiber laser), laser thể khí (gas laser).

EKSPLA

EKSPLA là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về lĩnh vực laser ở Litva, có nguồn gốc từ xưởng thực nghiệm EKSMA Co., được Viện Vật lý (Institute of Physics) -  Học viện Khoa học Litva (Lithuanian Academy of Sciences) thành lập năm 1983. Bộ phận sản xuất và thiết kế laser được tách ra từ EKSMA vào năm 1992, hình thành nên EKSPLA hoạt động độc lập dưới hình thức tư nhân, không có hỗ trợ trực tiếp của chính phủ hay đầu tư nước ngoài. Đầu năm 2004, EKSMA  tăng số cổ phần nắm giữ EKSPLA lên 99,61% và nắm quyền kiểm soát.

EKSPLA thực hiện các nghiên cứu liên quan đến laser, sản xuất các hệ thống laser và các thành phần để phục vụ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng trong công nghiệp. Mục tiêu nhắm đến các giải pháp tiên tiến hiệu suất cao, tập trung vào thiết kế và chế tạo sản phẩm đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn cho nghiên cứu và triển khai, các ứng dụng tùy biến theo các yêu cầu thiết kế, thông số kỹ thuật của khách hàng. Ban đầu EKSPLA cung cấp các hệ thống laser hiệu suất cao tùy chỉnh cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, sau đó mở rộng phạm vi sản phẩm sang các hệ thống laser được tiêu chuẩn hóa để ứng dụng trong công nghiệp. 

Những ý tưởng mới, kiến ​​thức sâu rộng của các kỹ sư, các nhà vật lý cùng với đội ngũ nhân viên lành nghề và giàu kinh nghiệm là nguồn lực để EKSPLA sở hữu độc quyền nhiều sáng chế, cộng với nguyên tắc cơ bản là cải tiến liên tục trong mọi hoạt động đã giúp EKSPLA trở thành công ty hàng đầu trên toàn cầu về laser. EKSPLA có ưu thế về picosecond lasers (công nghệ mới, với tia laser picosecond có xung cực ngắn tính đến 1/1.000 tỉ giây, tạo nên bước đột phá trong điều trị sắc tố, trẻ hóa da bằng laser), và là một trong số ít công ty trên thế giới sản xuất quang phổ kế SFG (SFG spectrometers) để khảo sát bề mặt vật liệu. Các sản phẩm ứng dụng trong công nghiệp được nghiên cứu, phát triển gồm các hệ thống laser hiệu suất cao, laser diod trạng thái rắn, laser sợi quang siêu nhanh (ultrafast fibre lasers), bộ tạo dao động thông số quang (optical parametric oscillators), các hệ thống  laser trong cắt may và quang điện tử…

Định hướng thị trường

Sản phẩm đầu tiên của EKSPLA được bán tại sự kiện ra mắt lần đầu trong một triển lãm quốc tế ở Đức. Không lâu sau, sản phẩm sáng tạo của EKSPLA được đối tác Nhật chú ý và khởi đầu cho hoạt động cung ứng các hệ thống laser đến các đại học hàng đầu trên thế giới. Theo Andrejus Michailovas, giám đốc khoa học của EKSPLA, đặc tính đơn nhất từ các sản phẩm laser của EKSPLA cùng với giá cả cạnh tranh và tùy biến theo yêu cầu là các yếu tố thuyết phục khách hàng. Trong đó, yếu tố đặc biệt quan trọng thu hút các phòng thí nghiệm nghiên cứu là chế tạo sản phẩm theo yêu cầu đặc biệt cao của khách hàng. Đến nay, các hệ thống laser EKSPLA được hơn 30 phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu và quang phổ Nhật Bản sử dụng, khoảng 90% sản phẩm bán ra ở hơn 60 quốc gia, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.  

Năm 2005, EKSPLA nhắm đến thị trường laser ứng dụng trong công nghiệp, vớinhiều tiềm năng phát triển. Mở rộng ứng dụng laser tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của laser trong phát triển một số ngành công nghiệp như bán dẫn, y tế, xử lý vi mô vật liệu, đo lường, công nghệ sinh học và khoa học sự sống... Tuy nhiên, phát triển thị trường trong lĩnh vực công nghệ cao là rất phức tạp, phải đáp ứng được nhu cầu đa dạng, có tính chọn lọc cao của thị trường và cần có những nghiên cứu công nghệ mới, đòi hỏi đầu tư và không ít rủi ro.

EKSPLA chú trọng nghiên cứu phát triển các công nghệ có khả năng sử dụng cả trong phòng thí nghiệm lẫn công nghiệp và đã gặt hái thành công. Doanh số hiện tại của EKSPLA đến từ các đơn vị nghiên cứu và khu vực công nghiệp đã cho thấy hướng đi đúng. EKSPLA hiện nắm giữ 50% thị trường laser picosecond toàn cầu, nhiều công ty và viện nghiên cứu trên thế giới trở thành khách hàng thường xuyên của EKSPLA.

Bảo vệ tài sản trí tuệ

Ban đầu EKSPLA cung cấp các hệ thống laser theo yêu cầu cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm theo yêu cầu khách hàng thuộc thị trường ngách nhỏ lẻ khiến đối thủ không để ý, nên khả năng bị sao chép công nghệ rất thấp. Khi đó EKSPLA thật sự không cần thiết phải bảo vệ công nghệ thông qua bằng sáng chế. Khi nhắm đến khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp, sản phẩm sẽ được sản xuất hàng loạt và chuẩn hóa, các sản phẩm thành công trên thị trường có khả năng bị sao chép nên cần được bảo vệ. Thêm vào đó, EKSPLA có bài học đầu tiên về tài sản trí tuệ (IP) vào năm 2000, khi trở thành “bị cáo” xâm phạm sáng chế của một công ty khác. Một năm mệt mỏi trong đàm phán với nguyên đơn và chứng minh không xâm phạm sáng chế đã giúp EKSPLA nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sáng chế: không chỉ bảo vệ sáng chế của mình, mà còn dễ dàng chứng minh không xâm phạm sáng chế người khác.

EKSPLA thực hiện các hoạt động liên quan đến IP để bảo vệ thành quả sáng tạo trên thị trường, khi triển khai sản phẩm laser ứng dụng trong công nghiệp: danh mục IP được xây dựng, các nhà quản lý lập mục tiêu nộp 2 đơn sáng chế mỗi năm và dành kinh phí riêng cho hoạt động này; giám đốc khoa học là người quyết định công nghệ nào được nộp đơn. Ngoài ra, EKSPLA còn cân nhắc việc chọn biện pháp bảo vệ công nghệ (qua đăng ký sáng chế hay dưới dạng bí mật thương mại hoặc kết hợp cả hai). Thường công nghệ cốt lõi ban đầu sẽ được nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, các yếu tố công nghệ đặc biệt được phát triển sau đó được bảo vệ dưới dạng bí mật thương mại.

Để quản lý hiệu quả các chi phí cho hoạt động IP, hàng năm EKSPLA xem xét lại danh mục IP, và đôi khi, từ bỏ duy trì bảo hộ với các sáng chế không có triển vọng thương mại. Bổ sung thêm chi phí cho việc quản lý IP, EKSPLA nhận hỗ trợ từ công quỹ thông qua các chương trình dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để nộp đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT - The Patent Cooperation Treaty) hay Công ước sáng chế châu Âu  (EPC - European Patent Convention).  EKSPLA đã nộp đơn đăng ký sáng chế đầu tiên ở Mỹ, sau đó tập trung nguồn lực bảo vệ các sáng chế tại châu Âu, nơi có các đối thủ chính cạnh tranh với EKSPLA, chủ yếu tại các thị trường Litva, Pháp, Đức, Vương Quốc Anh hoặc Ý. Nếu cần thiết và kinh phí cho phép, mở rộng vùng địa lý bảo hộ sáng chế tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Sỹ, các nước vùng Bắc Âu và Baltic. Đến nay, EKSPLA đã có 12 sáng chế đăng ký trong nước và quốc tế.

Các sáng chế đóng vai trò quan trọng tạo nên danh tiếng của EKSPLA, thu hút sự quan tâm của khách hàng, chứng minh khả năng sáng tạo khi tiến hành liên minh với các đối tác hay thực hiện việc gọi vốn cho các dự án, đồng thời nâng cao vị thế  khi trở thành đối tác chuyên môn sâu cho các dự án quốc tế.

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả