SpStinet - vwpChiTiet

 

Skeleton và chiến lược IP

Dựa trên nền tảng công nghệ vật liệu graphene tiên tiến và chiến lược R&D song hành với IP, Skeleton, một công ty khởi nghiệp của Estonia đã gặt hái thành công, trở thành công ty công nghệ về siêu tụ điện hàng đầu châu Âu, có vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức lưu trữ năng lượng. 

Siêu tụ điện

Pin hay ắc-quy để lưu trữ điện có chung nhược điểm là dung lượng hạn chế, tạo ra nguồn phế thải gây hại môi trường và thời gian nạp ắc-quy khá lâu. Siêu tụ điện hay tụ điện điện hóa (ultracapacitors, supercapacitors hay electrochemical capacitors), còn gọi là tụ điện lớp kép (double-layer capacitors) là loại tụ điện có thời gian nạp rất nhanh, mật độ năng lượng và độ bền cao, thân thiện với môi trường, phù hợp cho nhiều ứng dụng công suất nhỏ nhưng liên tục và đòi hỏi thời gian nạp nhanh. 

Phát triển siêu tụ điện được ghi nhận qua các cột mốc: năm 1853, Hermann von Helmholtz, nhà vật lý học người Đức mô tả khái niệm điện dung lớp kép (double-layer capacitance); năm 1954 công ty General Electric nộp đơn đăng ký sáng chế siêu tụ điện trên nền tảng điện dung lớp kép (H1); siêu tụ lớp kép bắt đầu được phát triển để thương mại hóa từ năm 1961 tại Trung tâm nghiên cứu SOHIO (Standard Oil of Ohio Research Center), bang Ohio (Mỹ) (H2 thể hiện sáng chế siêu tụ điện được SOHIO nộp đơn đăng ký sáng chế năm 1962) nhưng thất bại trong việc thương mại hóa và phải dừng lại. Từ năm 1990, công nghệ vật liệu nano (1 nano mét bằng một phần tỷ mét) phát triển, giúp phát triển các sản phẩm siêu tụ điện. Với vật liệu kích thước nano, các siêu tụ điện có điện dung rất lớn và kích thước nhỏ đã được sản xuất.

Ứng dụng thực tế của siêu tụ điện bắt đầu phát triển nhanh chóng trong những năm đầu của thế kỷ 21, với sự góp mặt của nhiều công ty như Nippon Electric Company (NEC), Maxwell Technologies, Panasonic, Siemens AG, Evans Capacitor Company, Carborundum  Company,  Loxus, Targray, Blue Solutions, MAST Carbon,…

Tuy nhiên, siêu tụ là loại thiết bị điện áp thấp nên bị hạn chế khi ứng dụng trên các mạch điện có điện áp cao, khi đó, cần phải ghép nối nhiều tụ lại. Việc ghép nối tiếp làm tăng điện áp, giảm điện dung và chuỗi các siêu tụ này sẽ tạo ra một hệ thống cấp điện cồng kềnh! Hơn nữa, sản xuất siêu tụ hiện nay có giá thành cao, nên việc sử dụng siêu tụ điện trong các thiết bị điện tử gia đình và các thiết bị di động chưa khả thi. Skeleton sản xuất và bán ra thị trường các siêu tụ điện khắc phục được các nhược điểm trên, mở ra triển vọng ứng dụng vô cùng to lớn, đang dần thay thế các tụ điện thông thường và pin sạc.

Một vài sáng chế về siêu tụ điện

H1: General Electric nộp đơn sáng chế “Low voltage electrolytic capacitor  (US 2800616), 1954.

H2: Standard Oil Company nộp đơn sáng chế “Electrical energy storage apparatus” (US3288641), 1962.

H3: Skeleton nộp đơn sáng chế “Supercapacitor with high specific density and energy density and method of manufacturing such supercapacitor”(EE05629 (B1)), 2010.

H4: Tallinna Tehnikaülikool và Skeleton nộp đơn sáng chế “A method for manufacture of electrochemical system of supercapacitor of flexible ultra-thin structure” (WO2017149044 (A1)), 2016.

Skeleton Technologies

Các nhà khoa học Taavi Madiberk, Oliver Ahlberg, Jaan Leis và Anti Perkson tại Đại học Tartu (University of Tartu), Estonia đã sáng lập công ty Skeleton Technologies (Skeleton) vào năm 2009. Skeleton chuyên nghiên cứu và sản xuất các siêu tụ điện, các mô-đun hay hệ thống lưu trữ năng lượng dựa trên những sáng chế tiên tiến về vật liệu nano carbon, cũng như cung cấp các giải pháp giúp cho doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn điện sử dụng và tiết kiệm năng lượng.

Các siêu tụ điện của Skeleton là giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả, thích ứng với nhu cầu sử dụng điện khi xa nguồn điện hoặc sử dụng năng lượng tái tạo như quang điện hay điện gió; sử dụng trong nhiều lĩnh vực như vận tải (như tàu hỏa, cần cẩu, ô tô, xe buýt, thang máy), lưới điện, sản xuất công nghiệp, hàng không vũ trụ. Ngoài ra, các siêu tụ nhỏ được sử dụng trong các phương tiện di động, pin dự phòng, đèn flash…  

Một số sản phẩm của Skeleton

SkelCap industrial cell

 SkelGrid

 SkelRack Module

SkelMod ultracapacitor modules

SkelStart Engine Start Module

SkelGrid Omni system

Từ khi thành lập đến nay, Skeleton luôn kiên định với mục tiêu đổi mới công nghệ lưu trữ năng lượng, hiện là công ty hàng đầu về các hệ thống lưu trữ điện và siêu tụ điện ở châu Âu. Các cột mốc trong quá trình phát triển của Skeleton được ghi nhận như sau:

  • Năm 2012 thương mại dòng sản phẩm đầu tiên;
  • Năm 2013 thu hút nhà đầu tư đầu tiên;
  • Năm 2014 xây xưởng sản xuất mới ở Viimsi (Estonia),
  • Năm 2015 ứng dụng các siêu tụ trong hệ thống phục hồi động lượng  (KERS) trên xe tải.
  • Năm 2017 mở rộng quy mô sản xuất ở Großröhrsdorf, Đức,
  • Năm 2018 mở rộng sản phẩm sử dụng trong các ngành công nghiệp khác.

Phát triển với tốc độ nhanh chóng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, qua 6 vòng gọi vốn, Skeleton Technologies đã thu hút được nguồn đầu tư lên đến 46,4 triệu Euro. Nguồn vốn huy động đã giúp công ty đầu tư mạnh vào sản xuất và tiến hành nghiên cứu và triển khai để gia tăng lợi thế cạnh tranh, đưa siêu tụ điện graphene, sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, đến thị trường rộng lớn. Đồng thời tạo được chuỗi giá trị tăng cao nhờ chuyển giao công nghệ dưới dạng chìa khóa trao tay các giải pháp lưu trữ năng lượng.

Tại hội nghị Ecosummit 2015 được tổ chức tại London, Skeleton nhận giải thưởng ECO15 London Award. Đây là giải thưởng ghi nhận các công ty khởi nghiệp theo hướng thông minh và bảo vệ môi trường tốt nhất (The best “smart green startup”) ở châu Âu. Skeleton nhận danh hiệu “Bloomberg New Energy Pioneer” năm 2017 từ tổ chức BNEF (Bloomberg New Energy Finance),  danh hiệu này được trao hàng năm cho đơn vị phát triển  hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn cầu.

Skeleton thu hút đầu tư

Ngày thông báo

Tên gọi  vòng vốn

Số nhà đầu tư

Tổng vốn đầu tư (€)

Nhà đầu tư

10/2/2017

Debt Financing (Vốn vay)

1

15

European Investment Bank (Eib)

3/8/2016

Series C

3

13

Firstfloor Capital

1/4/2016

Grant (Vốn tài trợ)

1

2,5

EASME - EU Executive Agency For SMEs

3/6/2015

Series B

1

9,8

Harju Elekter Group

31/7/2014

Series A

2

3,9

Estonian Venture Capital, UP Invest

1/4/2013

Venture round (Đầu tư mạo hiểm)

‘’

2,2

‘’

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: www.crunchbase.com

Quản lý IP tại Skeleton

Thành tựu Skeleton đạt được nhờ vào chiến lược nghiên cứu và triển khai (R&D) và bảo vệ tài sản trí tuệ (IP-Intellectual Property) được vạch ra từ lúc mới thành lập, được thực hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động và luôn song hành với chiến lược kinh doanh. Có thể tóm lược trong bốn giai đoạn sau:

  • Giai đoạn đầu: tập trung vào công nghệ vật liệu và sớm xác định chiến lược tập trung phát triển siêu tụ điện. Theo Madiberk: “Đó là sản phẩm doanh nghiệp nhắm đến vì có tiềm năng thị trường”. Khi đó, chiến lược IP trước tiên là xây dựng danh mục sáng chế, đặc biệt quan tâm đến phương pháp tổng hợp vật liệu nano carbon với cấu trúc lục giác (hexagonal graphene) để tạo nền tảng phát triển các ứng dụng.
  • Giai đoạn hai: tập trung nghiên cứu phát triển các siêu tụ điện, các mô đun, hệ thống tích trữ năng lượng, và triển khai chiến lược IP trong giai đoạn này. Đó là tiến hành phân tích tổng quan về công nghệ, phân tích đánh giá các sáng tạo và thiết kế các siêu tụ điện mà nhóm R&D đang tiến hành để nhận biết lợi điểm của những công nghệ giàu tiềm năng kinh doanh và các IP cần bảo vệ.
  • Giai đoạn ba: xây dựng các giải pháp thích hợp để thúc đẩy sáng tạo và tạo ra IP. Đây là thời điểm thích hợp huấn luyện nhân viên về IP, về vai trò và sự cần thiết phải quản lý IP. Madiberk nói: “Tất cả các tổ chức R&D cần có quyền sở hữu IP cơ bản và một vài IP đặc biệt, cũng như mở rộng kiến thức về IP”.
  • Giai đoạn bốn: thực hiện kế hoạch R&D chi tiết theo trình tự của chiến lược IP, trực tiếp ghi nhận và đánh giá việc sáng tạo IP và kết nối giữa mục tiêu nghiên cứu ngắn hạn với mục tiêu IP dài hạn. Kế hoạch R&D được vạch ra theo các mô-đun thành phần, các nhà khoa học sẽ chịu trách nhiệm phần thuộc chuyên môn của mình để cùng giải bài toán công nghệ tổng thể của công ty.

Xây dựng danh mục đăng ký sáng chế  nhằm bảo vệ các sáng tạo công nghệ tại các thị trường chính và phù hợp với tài chính của một doanh nghiệp khởi nghiệp là điều cần thiết. Skeleton xây dựng chiến lược IP ngay khi thành lập công ty để bảo vệ chắc chắn các sáng chế trong giai đoạn R&D ban đầu cho việc phát triển sản phẩm đầu tiên. Điều này tạo lợi thế cho doanh nghiệp khởi nghiệp tăng khả năng khai thác IP và thu hút đầu tư.

Có 2 bước để chọn IP cần phải bảo vệ, đó là: (1) Đánh giá nội bộ các IP cần được bảo vệ; (2) Hợp tác với người được ủy quyền về sáng chế bên ngoài để thực hiện đánh giá các sáng chế chi tiết hơn, tra cứu các sáng chế có trước đó và quyết định dự thảo nội dung bảo hộ theo cách tốt nhất.

Đối với IP không đăng ký bảo hộ, Skeleton thực hiện bảo vệ dưới dạng bí quyết kỹ thuật hoặc bí mật thương mại. Một hệ thống để bảo vệ IP với các mức độ khác nhau được thiết lập để bảo mật, tùy theo từng vị trí làm việc trong công ty, và chỉ bộc lộ khi cần thiết. Hệ thống này cũng được sử dụng để chuyển giao tri thức trong nội bộ công ty. Madiberk giải thích: “Biết những việc người khác đang tiến hành rất quan trọng. Các nghiên cứu sẽ không bị trùng lặp, không cần giải quyết một vấn đề đã được trả lời. Đó là cách tổ chức chuyển giao tri thức trong nội bộ”.

Madiberk thừa nhận rằng, ưu tiên trong chiến lược IP của Skeleton là "có được nhiều IP". Tuy nhiên, sẽ rất tốn kém khi nộp nhiều đơn đăng ký sáng chế, cũng như để duy trì bảo hộ cho nhiều sáng chế. Vì thế, Skeleton tập trung quản lý IP của mình ở châu Âu, vừa không ảnh hưởng đến chiến lược IP, nhưng cũng cho công ty nhiều lựa chọn trong việc bảo vệ IP với chi phí thấp.

Các dòng sản phẩm của  Skeleton đã chính thức phân phối ra thị trường năm 2012. Tuy nhiên, do ngân sách cho việc đăng ký bảo hộ sáng chế hạn chế, nên chỉ các sáng chế có nhiều tiềm năng khai thác thương mại, các IP có lợi thế cạnh tranh rõ ràng mới được đăng ký sáng chế, các IP còn lại sẽ được bảo vệ dưới dạng bí mật thương mại. Tính đến năm 2016, Skeleton đã nộp đơn hơn 20 sáng chế từ công nghệ vật liệu đến sản phẩm để bảo vệ toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ của công ty, thị trường lớn được nhắm đến là châu Âu (Đức, Pháp, UK và Estonia), và Mỹ.

Quản lý IP tại Skeleton thuộc trách nhiệm của người quản lý hoạt động R&D cùng với sự trợ giúp của ba chuyên viên trong bộ phận R&D. Đây là những chuyên gia được chọn dựa trên kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực phải chịu trách nhiệm về IP,  thường là qua sự giới thiệu. Nhờ đó, đảm bảo được sự liên tục trong phát triển IP, khai thác IP đã có như nguồn lực cho sáng tạo; tăng khả năng đánh giá những ý tưởng, thông tin về chuyên gia cũng như IP bên ngoài. Giám đốc điều hành sẽ hỗ trợ nhóm quản lý IP duy trì hoạt động dựa trên chiến lược IP của công ty. Điều quan trọng là nhóm IP có báo cáo hàng tháng về các IP cần phải bảo vệ, giúp công ty nắm được các vấn đề liên quan đến IP, đến công tác huấn luyện nội bộ cũng như trợ giúp phát triển các qui trình trong tổ chức.

Chiến lược IP cụ thể giúp cho các nhóm sáng tạo nhận thức được tầm quan trọng của quyền sở hữu IP, giúp họ tin vào tiềm năng việc nghiên cứu, giá trị của sáng tạo và biết cách bảo vệ IP. Đồng thời, giúp các nhà khoa học tiếp cận với hệ thống bảo vệ sáng chế  cũng như  biết sử dụng các công cụ tra cứu sáng chế phục vụ cho hoạt động nghiên cứu.

Anh Vũ (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả