Phân tích di truyền sớm trong đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc cho thấy, loại virus này có chút khác biệt với loại gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV), nhưng tương đồng di truyền gần với một loại coronavirus đã được phân lập từ dơi.
Khi thông tin về CIVID-19 còn ít ỏi, trên cơ sở các kiến thức liên quan đến dịch do SARS-CoV và MERS-CoV, WHO đã xây dựng thành các khuyến nghị cho cộng đồng vào giữa tháng 1. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa các vụ dịch và đặc điểm của COVID-19 so với SARS-CoV.
Do sự bùng phát dịch tập trung vào Vũ Hán (Trung Quốc), WHO đã khuyến cáo các quốc gia có nhiều giao thương, du lịch qua đường hàng không với Vũ Hán cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế cộng đồng, và nếu có lây nhiễm, cần thực hiện các biện pháp loại trừ virus, như đã được áp dụng nhân vụ dịch SARS năm 2003. Cũng từ năm này, SARS-CoV đã được kiểm soát, và không còn lây lan trong cộng đồng.
Vụ dịch SARS năm 2003 được cho là do sự lan truyền một loại coronavirus đột biến từ động vật, được bán ở chợ động vật sống ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho một số người, sau đó nhanh chóng trở thành dịch viêm phổi, bùng phát tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của tỉnh Quảng Đông. Do chưa rõ tác nhân gây bệnh, một bác sĩ y khoa bị bệnh (đang điều trị cho bệnh nhân ở tỉnh Quảng Đông) đã tới Hồng Kông, trở thành một trường hợp minh chứng cho việc lan truyền dịch bệnh từ bệnh viện đến cộng đồng ở Hồng Kông và 3 quốc gia khác. Tác nhân gây bệnh sau đó được xác định là coronavirus (SARS-CoV). Các dịch SARS thường lan rộng, ví dụ như lây lan từ một khách sạn có khách hàng bị nhiễm bệnh sang những người khác. Một ổ dịch SARS tại một khu chung cư phức hợp lớn đã được nhận diện tác nhân gây bệnh là từ khí dung nước thải bị nhiễm virus.
COVID-19 được cho là đã lây nhiễm sang người từ các động vật hoang dã, vào tháng 11 hoặc tháng 12/2019, theo giải trình tự gen từ các trường hợp nhiễm bệnh sớm nhất. Dịch tễ học di truyền cho thấy, kể từ đầu tháng 12/2019, tại Vũ Hán, các trường hợp bị bệnh gần như hoàn toàn là do lây truyền từ người sang người, không còn là lan truyền từ động vật hoang dã. Sự lây nhiễm càng lớn trong vài tuần ở Vũ Hán, và người nhiễm bệnh tiếp tục khuếch đại chuỗi lây nhiễm qua các hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, nhân kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
COVID-19 có các đặc điểm dịch tễ khác với SARS-CoV, virus gây bệnh sao chép hiệu quả ở đường hô hấp trên, và dường như ít gây ra các triệu chứng bất thường, giống các coronavirus gây ra cảm lạnh thông thường ở người trong mùa đông. Các cá nhân bị nhiễm bệnh (có lượng virus ở đường hô hấp trên rất lớn trong giai đoạn tiền triệu chứng), trong quá trình di chuyển và làm việc bình thường, sẽ góp phần gia tăng phạm vi lan nhiễm. SARS-CoV không lây nhiễm trong giai đoạn tiền triệu chứng (người mới vừa bị nhiễm nhẹ). Hầu hết các trường hợp lây nhiễm SARS xảy ra khi người nhiễm đã bị bệnh nặng.
Do đó, có thể dễ dàng ngăn chặn dịch do SARS-CoV gây ra. Với COVID-19 thì khác.
David L. Heymann và Nahoko Shindo
WHO Scientific and Technical Advisory Group for Infectious Hazards