Lần đầu tiên tế bào cơ tim nhân tạo được cấy vào cơ thể người
04/02/2020
KH&CN nước ngoài
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka, Nhật Bản đã công bố hoàn thành một ca cấy ghép tim bằng cách đặt các tấm chứa tế bào cơ tim làm bằng vật liệu phân hủy được vào các khu vực bị tổn thương, thay vì thay thế hoàn toàn trái tim cho bệnh nhân.
Các nhà khoa học sử dụng các tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng iSP - chế tạo bằng cách tái lập trình từ các tế bào trưởng thành, thường là tế bào da hoặc máu, trở về trạng thái đa tiềm năng tương tự như tế bào phôi. Ở trạng thái này, các tế bào iSP có thể trở thành bất cứ dạng tế bào nào con người mong muốn, mà trong trường hợp này, các nhà khoa học Nhật Bản đã chọn chế tạo thành các tế bào cơ tim.
Hình minh họa. Nguồn: iStock
Bệnh nhân trải qua ca phẫu thuật này mắc chứng thiếu máu cục bộ cơ tim, trong đó lượng máu cung cấp cho cơ tim không đủ, cần phải cấy ghép tim toàn phần. Các nhà nghiên cứu hy vọng các cơ tim nhân tạo sẽ tiết ra một loại protein giúp tái tạo các mạch máu mới và cải thiện chức năng tim của bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi trong một năm tới. Các nhà khoa học cũng lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật cho 9 bệnh nhân có tình trạng tương tự trong vòng 3 năm tiếp theo.
Nếu tất cả các ca phẫu thuật này đều thuận lợi, cơ tim nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ trở thành một phương án thay thế hiệu quả cho cấy ghép tim toàn phần. Bởi lẽ, việc nuôi cấy tế bào gốc sẽ nhanh chóng hơn là tìm một người hiến tạng phù hợp, cũng như hệ miễn dịch của cơ thể sẽ thích ứng nhanh hơn với tế bào, thay vì cả một cơ quan mới.
Phạm Nhật