Kiểm tra lao phổi không cần chụp X-quang
23/11/2012
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học Bangladesh và Hà Lan đã phát triển thiết bị chẩn đoán bệnh lao phổi và đặt tên là eNose (electronic nose - mũi điện tử). Cơ chế hoạt động của eNose được các nhà nghiên cứu mô tả trong tờ Tạp chí Nature Materials.
Thông thường để chẩn đoán bệnh lao phổi, các bác sĩ phải chỉ định lấy đờm của bệnh nhân để soi dưới kính hiển vi, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy này mất nhiều thời gian, có thể vài tuần, có khi vài tháng. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần chụp X-quang phổi mới có thể kết luận nhiễm bệnh. eNose có thể khắc phục được những phiền toái này.
Với cách chẩn đoán mới, bệnh nhân được yêu cầu thở vào một túi khí, sau đó khí được dẫn qua những cảm biến bằng oxit kim loại nằm bên trong thiết bị. Những cảm biến đó sẽ phát hiện ra hợp chất hữu cơ dễ bay hơi do Mycobacterium tuberculosis - một loại vi khuẩn gây ra bệnh lao - sinh ra. Sau đó, dữ liệu từ các cảm biến được phân tích với sự hỗ trợ của máy tính và được so sánh với các thông số bình thường. Thiết bị có khả năng xác định nhanh một vài chủng vi khuẩn khác ngoài M.tuberculosis.
Sau khi được dùng thí điểm trong chương trình phòng chống lao quốc gia của Bangladesh, eNose đã cho thấy sự đơn giản, nhanh gọn và độ nhạy cao của nó. Theo Zeaur Rahim, nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu, đây là một phát minh mang tính cách mạng, mang đến sự thuận tiện cho người sử dụng ở những nơi có tỉ lệ nhiễm lao cao. Hơn nữa, thiết bị mới này giúp giảm được rủi ro lây nhiễm do không cần phải xử lý trực tiếp các bệnh phẩm.
Ngoài ra, eNose còn có lợi thế ở tính chính xác và khả năng chẩn đoán sớm. Đó là điều rất cần thiết đối với việc kiểm soát bệnh lao phổi ở những nước có bệnh lao hoành hành.
eNose khi được đưa ra thị trường có tên thương mại là DiagNose. Nó sẽ làm giảm chi phí cho mỗi lần kiểm tra bệnh lao xuống dưới 10 đô la, là một số tiền rất thấp so với phương pháp chẩn đoán truyền thống.
Nguồn: Báo Đất Việt