Biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học
27/04/2015
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Quy trình sản xuất ethanol sinh học từ rơm rạ và các phụ phẩm khác hiện rất phức tạp và không hiệu quả vì quá trình giải phóng glucose đòi hỏi điều kiện nhiệt độ cao và môi trường acid. Quy trình này phân tách chất thải thành các hợp chất độc hại cho men (furfural và hydroxymethylfurfural) nên cản trở quá trình lên men.
Mới đây, Đại học East Anglia (Anh) đã nghiên cứu 70 chủng nấm men và xác định được 5 chủng men có khả năng biến chất thải nông nghiệp (rơm, mùn cưa và lõi bắp...) thành ethanol sinh học.
Năm chủng này có khả năng chống lại hợp chất độc hại furfural và cho sản lượng ethanol cao nhất. Trong đó, S. cerevisiae NCYC 3451 thể hiện khả năng kháng furfural cao nhất. Dòng gene của chủng nấm này có liên quan đến nấm men dùng sản xuất rượu Sake.
Theo nhóm nghiên cứu, các chủng nấm men mới được phát hiện là ứng viên cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng trong sản xuất ethanol sinh học trong tương lai. Ước tính mỗi năm có thể sản xuất hơn 400 tỷ lít ethanol sinh học từ chất thải cây trồng.
Theo KHPT