Hàng trăm ngàn con cua nhuộm đỏ bãi biển Mỹ
29/06/2015
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Hàng trăm ngàn con cua nhỏ màu đỏ xuất hiện trên bãi biển quận Cam, Nam California từ hôm 14-6 đến nay đã khiến người dân địa phương lo lắng lẫn thích thú, Washington Post ngày 17-6 đưa tin.
Có tên là Pleuroncodes planipes hay còn gọi là cua tuna, những con cua có bề ngoài giống tôm này thường tập trung ngoài khơi của bờ biển nhưng nay lại tìm thấy phơi mình trên mãi cát. Dọc bờ biển Dana Point, San Clemente, bãi biển Newport và Huntington cuối tuần qua xuất hiện hàng trăm ngàn con cua trôi dạt.
Các chuyên gia nhận định những con cua này có thể xuất hiện ở phía Bắc của California vì hiện tượng nước biển ấm lên bất thường.
“Chúng có khả năng di chuyển từ đáy biển lên trên mặt nước và bị sóng, thủy triều đẩy vào bờ hàng loạt. Thông thường, khi chúng ta thấy một lượng lớn cua tuna xuất hiện trên bãi biển nghĩa là luồng nước ấm đang xâm nhập vào đại dương”, Linsey Sala, một nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học của ĐH California San Diego, cho hay.
Hiện tượng cua đỏ dạt bờ hàng loạt được các ngư dân ghi lại ở vùng biển Nam California từ năm ngoái, năm nay lại xuất hiện lẻ tẻ trên đảo Catalina và vài nơi khác. Bắt đầu từ giữa tháng 6, hàng trăm ngàn con cua đỏ trôi dạt vào bãi biển San Diego.
Donna Kalez – người đứng đầu hội câu cá Dana Wharf – nói với báo địa phương rằng các thuyền trưởng đã phát hiện ra loài động vật giáp xác này lơ lửng trong nước nhiều tuần nay. Bây giờ, chúng bắt đầu trôi dạt vào bờ khiến mọi người rất tò mò, nổi lên trào lưu “tự sướng với cua đỏ”, trong khi nhiều người lại lo lắng và bắt những con cua này thả xuống nước.
“Hầu hết những con cua còn sống, vẫn đang bơi khá tốt khi trên mặt sóng. Tuy nhiên, một khi dạt bờ, chúng không thể đi đâu được nữa vì không đủ mạnh để ngược sóng bơi ra ngoài đại dương”, Donna Kalez cho biết.
Theo chuyên gia Linsey Sala, nước biển ấm lên có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có hiện tượng El Nino. Một luồng nước ấm khổng lồ có tên là “Blob” đã được các nhà nghiên cứu phát hiện ra, hình thành ở vịnh Alaska và ngoài khơi bờ biển California, được cho là nguyên nhân chính khiến cua dạt bờ.
Những con cua tuna không phải là sinh vật đầu tiên dạt bờ hạt loạt ở California vì hiện tượng nước biển ấm lên. Trước đó, những con sứa màu xanh sáng đã đã phủ dày bãi biển Bắc California trong mùa xuân 2015.
Nguồn: www.nld.com.vn