Với chiều dài sải cánh lên tới 2,5 mét, loài hải âu mày đen giao phối trên những hòn đảo cận Nam cực vào mùa hè, đẻ trứng vào tháng 10 và trứng nở vào tháng 12. Cuối tháng 3 sang năm, những chú hải âu con bắt đầu đạt được kích thước tương tự như một chú hải âu trưởng thành.
Khí hậu ảnh hưởng đến loài chim biển này theo nhiều cách phức tạp. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình ma trận quần thể để tính toán các tác động kết hợp của biến đổi khí hậu và đặc điểm chức năng đến chim hải âu để tìm hiểu về toàn bộ vòng đời và sự tăng trưởng của quần thể chim hải âu bị ảnh hưởng như thế nào khi khí hậu thay đổi. Ngoài ra, những đặc điểm chức năng như kích thước cơ thể, thời gian sinh sản và hành vi tìm kiếm thức ăn đều có tác động đến các đặc điểm về nhân khẩu học, như sự sống còn và quá trình sinh sản của hải âu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những thay đổi về nhiệt độ bề mặt biển vào cuối mùa đông ảnh hưởng lớn nhất đến tốc độ tăng trưởng của quần thể hải âu, thể hiện qua sự tồn tại của chim non trong năm đầu tiên trên biển. Ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu đối với loài chim biển thường xảy ra gián tiếp.
Tiến sĩ Stéphanie Jenouvrier, nhà sinh thái học về chim biển tại Viện Hải dương học Woods Hole cho biết: “Nhiệt độ bề mặt biển thường được sử dụng như một chỉ số thức ăn cho động vật ăn thịt, vì nhiệt độ biển tăng thường dẫn đến suy giảm lượng thức ăn sơ cấp trong hệ sinh thái và làm giảm số lượng con mồi.”
"Khi nhiệt độ đại dương tăng lên, số lượng chim hải âu vị non sống sót hơn và quần thể chim dự kiến sẽ bị giảm mạnh." Jenouvrier nói thêm.
Trong số các đặc điểm chức năng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hành vi tìm kiếm thức ăn trong giai đoạn tiền sinh sản có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của quần thể. Đối với các quần thể chim có các cá thể dành nhiều thời gian hoạt động trên mặt nước, và có hoạt động tìm kiếm thức ăn thấp thì tỷ lệ tăng trưởng số lượng cá thể được dự đoán sẽ giảm tới 5,3% mỗi năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những thay đổi về quy mô và cấu trúc quần thể đã bị tác động bởi khí hậu qua các mùa khác nhau trong suốt vòng đời của hải âu mày đen. Nghiên cứu này cũng làm sáng tỏ vai trò quan trọng của giai đoạn vị thành niên và mùa đông - hai phần không được đề cập trong vòng đời của loài chim di cư này.
"Chim hải âu và các loài chim biển khác là những loài động vật ăn thịt có tuổi thọ cao, chúng bay một khoảng cách rất dài trên biển để tìm kiếm thức ăn và làm tổ trên đất liền. Là một chỉ báo quan trọng về tình trạng của hệ sinh thái, việc nghiên cứu cách thức các loài chim biển đối mặt với biến đổi khí hậu có thể giúp chúng ta dự đoán những tác động sinh thái lên toàn bộ mạng lưới thực phẩm biển." TS. Christophe Barbraud thuộc CNRS, đồng tác giả của nghiên cứu, kết luận.