SpStinet - vwpChiTiet

 

Kinh doanh cấp phép công nghệ

Cấp phép sử dụng công nghệ là mô hình kinh doanh mang lại thành công cho TechnoCarbon Technologies, một công ty sáng tạo trong lĩnh vực vật liệu có quy mô nhỏ tại Munich, Đức. Kolja Kuse, giám đốc điều hành TechnoCarbon Technologies nhấn mạnh: “Không có quyền sở hữu tài sản trí tuệ, chúng tôi sẽ không có mô hình kinh doanh”.

Sáng tạo là nền tảng kinh doanh

Kolja Kuse, người đứng đầu công ty TechnoCarbon Technologies (sau đây gọi tắt là TechnoCarbon), là cha đẻ của ý tưởng CarbonFibreStone  (CFS), công nghệ nền tảng của TechnoCarbon.

Khởi đầu năm 1995, lúc đó Kuse là kỹ sư điện tại Đại học Aachen (Aachen University), khi nhìn thấy người anh là thợ gia công đá đang cắt tấm granite trong nhà để xe, ông nãy sinh ý tưởng về một mặt bếp nhẵn bóng, phẳng phiu không một vết gợn bằng đá. Không để ý tưởng trôi qua, Kuse thử thực hiện và ông nhớ lại: “Nó trông rất đẹp, nhưng khi đun nóng đến một nhiệt độ nào đó, đá bị giãn nở và rạn nứt”.

Để giải quyết vấn đề này, Kuse cố gắng nén các cạnh bằng máy nhưng không thành công và cho biết thêm: “Các kỹ sư cơ khí và chuyên gia về vật liệu bảo tôi rằng anh không thể ngăn đá giãn nở, điều này là không thể. Vì thế nên từ bỏ ý tưởng đó”! Giải pháp đến một cách tình cờ khi Kuse bay từ nhà đến Munich tham dự một hội nghị, ông nhặt được một tờ rơi bỏ trên ghế ngồi giới thiệu về sản xuất sợi carbon. Kuse đã biết về sợi carbon khi bị đun nóng sẽ co lại theo chiều dọc, và tự hỏi, điều gì xảy ra nếu phủ sợi carbon lên đá granite? Để giải đáp câu hỏi trên,  ông cùng với các chuyên gia tiến hành thử nghiệm phủ sợi carbon lên đá granite để làm mặt bếp. Thật ngạc nhiên, mặt bếp được chế tạo khi đun không có vấn đề gì xãy ra, không bị nứt.

Qua nhiều năm nghiên cứu thử nghiệm tiếp theo, TechnoCarbon đã nghiên cứu thành công loại vật liệu mới, được đặt tên là CarbonFibreStone (CFS), kết quả của kết hợp giữa sợi carbon và đá tự nhiên (như đá granite hay đá basalt,…), bao gồm một tấm đá và một lớp sợi carbon tinh khiết phủ trên một hoặc hai mặt. Qua nhiều nghiên cứu kiểm định tại Đại học Khoa học ứng dụng Munich (Munich University of Applied Sciences), CFS được xác định rắn chắc như thép, nhẹ như nhôm, chống mài mòn, chống biến dạng mỏi và chịu được lực va đập, có thể tạo ra nhiều hình dáng và kích thước theo đa dạng ứng dụng khác nhau. CFS có thể được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, từ sử dụng như là loại vật liệu nhẹ trong xây dựng có thể chống động đất, đến sử dụng trong xe hơi, tàu thuyền chống được va đập, dụng cụ thể thao, đồ nội thất,…., TechnoCarbon  tin vào tiềm năng ứng dụng vô tận trong tương lai của CFS.

Tháng 9/2005, CFS được trình làng lần đầu tiên tại hội chợ thương mại Materialica (Materialica Fair) ở Munich, sau đó, CFS tiếp tục được giới thiệu tại mười sáu hội nghị và hội chợ trên khắp thế giới trong vòng 2 năm. Năm 2007, tại Hội chợ thương mại Materialica, CFS được đánh giá cao và nhận giải thưởng sản phẩm tốt nhất (Best Product award), và được ghi nhận bởi Material ConneXion, đơn vị tư vấn và lưu trữ thông tin nổi tiếng về vật liệu có trụ sở ở New York-Mỹ, với chứng nhận vật liệu tuyệt hảo (Material of Excellence certification).

Bảo vệ tài sản trí tuệ

Hoạt động kinh doanh chủ yếu là cấp phép sử dụng công nghệ, nên quyền sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng. Đó chính là lý do mà Kuse rất quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ (IP - Intellectual Property). Ông nhấn mạnh: “Không có quyền sở hữu IP, chúng tôi sẽ không có mô hình kinh doanh”, và đã nộp đơn bảo hộ nhiều sáng chế tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đức (DPMA-German Patent and Trademark Office), và bảo vệ sáng chế trên thị trường quốc tế thông qua Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT- Patent Cooperation Treaty). 

Năm 1995, công nghệ CFS dùng cho mặt bếp là sáng chế đầu tiên được nộp đơn bảo hộ quốc tế theo hệ thống PCT. Đến tháng 7/2010, TechnoCarbon có 12 sáng chế nộp đơn đăng ký bảo hộ theo PCT. Ngoài ra, các nhãn hiệu cũng được nộp đơn đăng ký bảo hộ tại DPMA là TechnoCarbon Technologies, CFS, Carbonstone  và SCT.

Mô hình kinh doanh qua cấp phép

TechnoCarbon xác định cấp phép là cách tốt nhất để đưa công nghệ ra thị trường và đến được đa số khách hàng. Vật liệu CFS có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nên TechnoCarbon không có chuyên môn  lẫn kinh nghiệm để triển khai ứng dụng trong đa dạng các ngành công nghiệp, trong khi các nhà sản xuất sẽ có nhiều ý tưởng mới cộng với chuyên môn và kinh nghiệm để mở rộng ứng dụng CFS trong lĩnh vực của mình. Cấp phép sử dụng công nghệ, một mặt sẽ đảm bảo doanh thu từ bản quyền cho TechnoCarbon;  mặt khác, mỗi thỏa thuận cấp phép sử dụng sẽ phát triển ứng dụng CFS trong lĩnh vực công nghiệp thuộc lĩnh vực chuyên môn và giàu kinh nghiệm của đối tác. Ngoài ra, TechnoCarbon luôn chú trọng liên kết, hợp tác với các cơ quan khoa học và đối tác trong các ngành công nghiệp để nghiên cứu triển khai ứng dụng CFS.

Đáng chú ý là thỏa thuận cấp phép đầu tiên với Spring Switzerland AG, một công ty Thụy Sĩ chuyên về vật dụng nhà bếp, để triển khai ứng dụng CFS làm mặt bếp, sản phẩm thành công và đưa ra thị trường; kế đến là thỏa thuận với Zai AG, đơn vị chuyên sản xuất ván trượt của Thụy Sĩ để phát triển sản phẩm Spada, loại ván trượt sử dụng đá tự nhiên đầu tiên. Vật liệu sử dụng để chế tạo Spada là đá granitic gneiss tự nhiên từ  Swiss Alps (là một phần của dãy núi Alpes nhưng nằm trong phạm vi Thụy Sĩ) phủ lớp sợi carbon. Nhờ CFS chống được va đập và đá sử dụng trong ván trượt Spada nhẹ hơn nhôm nên Spada có đặc tính ưu việt hơn hẳn, mở ra xu hướng mới trong thiết kế ván trượt.

Để phát triển việc cấp phép chuyển giao công nghệ ra nước ngoài, TechnoCarbon đã hợp tác với Granidus, một tổ chức phi chính phủ ở Berlin hoạt động trong lĩnh vực khai thác cơ hội chuyển giao công nghệ. Sự hợp tác giữa TechnoCarbon và Granidus được kỳ vọng mang đến cho các nước đang phát triển công nghệ vật liệu chắc chắn, an toàn, dễ dàng sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sẵn có. Thực hiện định hướng phát triển ứng dụng các công nghệ của mình tại các nước đang phát triển, TechnoCarbon lên kế hoạch dành đến 80% lợi nhuận từ các thỏa thuận cấp phép để hỗ trợ chuyển giao công nghệ CFS. Song song đó, TechnoCarbon cũng quan tâm đến các thỏa thuận cấp phép chéo (cross-licensing arrangements) với những công ty công nghệ ở các nước đang phát triển, nhằm khuyến khích các công ty công nghệ tự phát triển các ứng dụng về CFS cho nhu cầu tại địa phương và sau đó tiếp tục hỗ trợ trong việc đề xuất cấp bằng sáng chế.

TechnoCarbon, công ty nhỏ gọn với 10 nhân viên, đã thành công thông qua mô hình hoạt động sáng tạo, tích cực bảo vệ IP và lợi nhuận có từ thỏa thuận cấp phép chuyển giao công nghệ. Mô hình kinh doann này nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng rất khó thành công. Hiện TechnoCarbon vẫn tiếp tục làm việc với đối tác tại các viện nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển nhiều ứng dụng hơn nữa cho công nghệ CFS và tạo thêm cơ hội cấp phép chuyển giao công nghệ.


Sản phẩm ván trượt  Spada,  Ảnh: Zai AG

Thanh CFS có mặt cắt 2x3 cm có độ cứng cao, chiều dài bền vững với biên nhiệt độ rộng, được làm từ granite và phủ toàn bộ bên ngoài bằng lớp sợi carbon 1mm. Ảnh: Techno Carbon

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả