Theo ban tổ chức, với chủ đề “Ngập và tắc”, cuộc thi đã thu hút 57 bài dự thi của các bạn sinh viên đang sống và học tập tại TP.HCM. Đây là sân chơi bổ ích, góp phần cổ vũ phong trào khởi nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của giới trẻ. Đồng thời tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, cũng như tìm kiếm các giải pháp, phương án ứng dụng thực tiễn giải quyết các vấn đề môi trường, giao thông, đô thị tại TP.HCM.
Các bài dự thi tại vòng bán kết được đánh giá có tính sáng tạo, thể hiện nhiều tâm huyết, có tính thực tiễn cao. Các dự án bao gồm: Kích thích tăng tốc dòng chảy trong ống cống (nhóm sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông); Thu phí giao thông nội ô để chống kẹt xe (Dương Nguyễn Kim Ngân, ĐH Huế); Máy ép rác hữu cơ tự động sử dụng trong hộ gia đình (nhóm sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM); AUP Ứng dụng kiếm chỗ đỗ xe tự động (Nguyễn Phương Linh, ĐH Tài chính Marketing); Kéo dài thời gian cống tràn (Nguyễn Thành Thái, ĐH Kiến trúc TP.HCM); Ứng dụng theo dõi xe gom rác trực tuyến (Bùi Lê Ngọc Thảo, ĐH Tôn Đức Thắng); Làn đường riêng cho xe đạp (Nguyễn Thị Cẩm Tiên, ĐH UEF); Bó vỉa hè thấm tiêu định hướng, kết cấu thấm tiêu định hướng để giảm ngập nước mưa và chống lún trong thành phố (nhóm sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM); Hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo sớm ùn tắc giao thông (Võ Hoàng Trang, ĐH Hồng Bàng); Ứng dụng Chungxe (Phạm Minh Tuyền, ĐH Kinh tế Quốc dân).
Sinh viên trình bày ý tưởng về Máy ép rác hữu cơ tự động trước ban giám khảo vòng bán kết. Ảnh: LV.
“Máy ép rác hữu cơ tự động sử dụng trong hộ gia đình” dựa trên nguyên lý hoạt động của động cơ thủy lực tại nhà máy xử lý rác nhưng có thiết kế nhỏ gọn hơn và có thể đặt vào khu vực bếp của hầu hết nhà phố hiện nay. Rác hữu cơ sau khi ép thành viên có thể dùng làm phân bón cho cây trồng. Máy có cấu tạo gồm: van, xilanh, máy bơm, bình chứa, đường ống cấp nước, cổng nhận rác, khuôn chứa rác, khay nhận nước thải khi ép, bình chứa nước thải sau khi ép rác. Nhóm tác giả đang tiến hành những thử nghiệm ban đầu và tiếp tục nghiên cứu để có sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo chia sẻ của tác giả dự án “Hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo sớm ùn tắc giao thông”, hiện tại đèn tín hiệu giao thông có 3 loại đèn cơ bản là đỏ, vàng, xanh để thể hiện hiệu lệnh cho phép di chuyển, dừng lại. Dự án này đề xuất thêm một hàng đèn điều khiển tín hiệu mới, đặt song song với hàng đèn tín hiệu cũ nhằm cảnh báo người đang tham gia giao thông rằng khu vực phía trước, bên trái hoặc bên phải đang có ùn tắc giao thông. Các phương tiện giao thông khi thấy tín hiệu đèn cảnh báo tắc đường có thể lựa chọn di chuyển sang đường khác để đến được vị trí mong muốn.
“AUP Ứng dụng kiếm chỗ đỗ xe tự động” có điểm mới là cho phép người dùng đặt chỗ đỗ xe theo thời gian định trước thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. AUP có thể định vị bãi gởi xe xung quanh và cho biết trước mức giá gởi xe, có chức năng tính phí và thanh toán online. Tác giả của ý tưởng này chia sẻ mong muốn ứng dụng tiện ích công nghệ góp phần cải thiện tình trạng gây bức xúc về các bãi giữ xe trong thành phố, giúp người dùng tìm kiếm và đặt chỗ đỗ xe một cách hợp lý, thuận tiện hơn.
Cuộc thi “Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu” do Báo điện tử Một Thế Giới phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nam và UEF tổ chức. Vòng chung kết sẽ diễn ra ngày 27/4/2018. Tại đây, 5 dự án xuất sắc nhất sẽ cùng tranh tài để giành giải chung cuộc gồm: một giải nhất trị giá 40 triệu đồng; một giải nhì 20 triệu đồng, một giải ba 10 triệu đồng và hai giải khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Những dự án có tính khả thi sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư để triển khai, ứng dụng vào thực tế.