Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Dâm dương hoắc (Epimedium grandiflorum) là một loại thảo mộc lâu năm, một trong những loại thuốc cổ truyền Trung Quốc lâu đời được sử dụng rộng rãi. Hiện nay ở nước ta cũng đang được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y chuyên trị các bệnh như làm giảm căng thẳng và mệt mỏi, tráng dương, cường gân tráng cốt và khứ phong trừ thấp, trị suy nhược thần kinh, trị viêm phế quản mãn tính ở trẻ em, hạ ho, trừ đờm, thiểu năng sinh dục, hạ huyết áp và bảo hộ tế bào cơ tim, ức chế vi khuẩn lao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Epimedium cũng chống lão hóa, cải thiện chức năng miễn dịch, ức chế khối u và các hiệu ứng khác.
Do nhu cầu về nguồn dược liệu này rất lớn, vượt quá khả năng phục hồi của nguồn tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của loài này. Ở Việt Nam, nguồn cây dược liệu Dâm dương hoắc trong rừng đã cạn kiệt và không có khả năng phục hồi. Trên thị trường cũng không có nguồn cây giống Dâm dương hoắc thay thế; nguồn cung cấp dược liệu không ổn định.
Phương pháp nhân giống truyền thống thông qua gieo hạt và sinh sản vô tính bằng thân rễ có hiệu quả không cao, hệ số nhân rất thấp, chất lượng cây giống không đồng đều và phụ thuộc rất nhiều vào cây bố mẹ. Epimedium sản xuất từ hạt phải trải qua thời kỳ hạt Dâm dương hoắc ngủ đông lên tới 8-10 tháng do đó tỷ lệ nảy mầm khá thấp, cây con phát triển chậm, chất lượng cây con phụ thuộc vào hạt giống và cây bố mẹ. Với phương pháp nhân giống vô tính sử dụng thân rễ, lượng cây giống phụ thuộc vào lượng thân rễ của cây mẹ, chất lượng cây con phụ thuộc vào cây mẹ và có thể bị nhiễm bệnh do virus từ cây mẹ truyền sang.
Quy trình nhân giống Dâm dương hoắc theo phương pháp nuôi cấy mô giúp Epimedium tạo chồi bằng các môi trường cảm ứng, nhân nhanh chồi, tạo cây hoàn chỉnh và có thể đem trồng ngoài đất với tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp thiết lập hệ thống công nghệ nhân giống nhanh chóng tạo ra nhiều cây giống chất lượng trong một thời gian ngắn, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên hoang dã Epimedium, đảm bảo nguồn dược liệu trên thị trường.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình nhân giống in vitro cây Dâm dương hoắc
Diễn giải quy trình
Bước 1 (Vô mẫu tạo nguồn mẫu ban đầu):
Mẫu củ Dâm dương hoắc được loại bỏ sạch bụi đất bám vào, rửa bằng xà phòng và xả dưới vòi nước cho đến khi mẫu sạch không còn đất bám trên bề mặt. Đem vào tủ cấy rửa lại bằng nước tiệt trùng (từ 2 -3 lần). Chuyển mẫu qua bình tiệt trùng, tiến hành lắc mẫu với cồn 70o trong 30 giây, rửa lại bằng nước tiệt trùng (từ 2-3 lần) để loại bỏ cồn dính trên mẫu. Tiến hành lắc thủy ngân clorua 0,1% trong 12 phút (bổ sung 2 -3 giọt tween 20) và rửa sạch bằng nước tiệt trùng cho đến khi hết dung dịch khử trùng bám trên mẫu củ Dâm dương hoắc. Sau khi khử trùng, đặt mẫu củ Dâm dương hoắc trên môi trường MS trong 2 tuần nhằm loại mẫu nhiễm và mẫu chết.
Bước 2 (Tạo chồi từ mẫu củ Dâm dương hoắc):
Chuyển mẫu củ Dâm dương hoắc đã được loại nhiễm và chết sang môi trường MS có bổ sung 1mg/L BA và 1mg/L GA3 trong điều kiện nuôi cấy có nhiệt độ 22 ± 2oC, cường độ chiếu sáng 2000lux để tạo chồi từ củ. Nuôi cấy từ 2 đến 3 tháng để thu chồi từ củ Dâm dương hoắc.
Bước 3 (Nhân chồi):
Chồi củ Dâm dương hoắc được tách từ các chồi mọc lên từ củ, đặt trong môi trường MS có bổ sung 1mg/L BA và 0,5mg/L Kin trong điều kiện nuôi cấy có nhiệt độ 22 ± 2oC, cường độ chiếu sáng 2000lux. Sau 1 đến 2 tháng nuôi cấy, mẫu chồi củ phát sinh chồi mới.
Các bình chồi Dâm dương hoắc.
Bước 4 (Ra rễ):
Chồi củ Dâm dương hoắc được đặt trong môi trường MS có bổ sung 1mg/L IBA và 0,5mg/L NAA để cảm ứng tái sinh rễ. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 22 ± 2oC, cường độ chiếu sáng 2000lux. Cây Dâm dương hoắc hoàn chỉnh được nuôi cấy đạt chuẩn từ 4 - 6cm, số rễ 3 - 4 rễ, chiều dài rễ 3 - 5cm, sẽ được đem huấn luyện chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Bước 5 (Trồng ngoài vườn ươm):
Cây Dâm dương hoắc đủ điều kiện (chiều cao 4 - 6cm, số rễ 3 - 4 rễ) được trồng trong giá thể mụn dừa, đặt trong phòng nuôi cây 2 tuần ở điều kiện nhiệt độ 30oC có phủ nylon, sau đó đem ra ngoài vườn ươm và giữ phủ nylon trong 1 tuần. Sau 15 ngày trồng thì tiến hành bỏ nylon ra để cho cây thích nghi với điều kiện vườn ươm, ánh sáng vườn ươm được che khoảng 60% (3000 - 4000lux), nhiệt độ khoảng 30 - 33oC, độ ẩm từ 70 - 75% được duy trì bằng cách tưới ngày 3 - 4 lần (phun sương). Tưới dinh dưỡng trong giai đoạn này với liều lượng 1g/L, tuần tưới từ 1 - 2 lần. Sau 40 ngày trồng, tăng dinh dưỡng cho cây lên với liều lượng 1g/L và tuần tưới 2 lần. Sau 50 ngày trồng ngoài vườn ươm, có thể tăng cường độ ánh sáng lên từ 4000 - 5000lux, nhiệt độ 30 - 35oC, độ ẩm từ 65 - 70%.
Cây Dâm dương hoắc đủ điều kiện trồng ngoài vườn ươm.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Phương pháp nhân giống in vitro với những ưu điểm như không giới hạn về môi trường địa lý, thời tiết, phẩm chất cây mẹ tốt được di truyền cho cây con, vì vậy có thể tạo số lượng lớn cây Dâm dương hoắc trong thời gian ngắn, chất lượng cây đồng đều, cây con khỏe mạnh, sạch bệnh.
Cho đến nay, trong nước chưa có nơi nào tiến hành nhân giống cây Dâm dương hoắc, do gặp khó khăn trong việc lấy mẫu hạt, thân củ cũng như bản chất ngủ đông của hạt Dâm dương hoắc khá dài. Những nghiên cứu về nhân giống Dâm dương hoắc trên thế giới còn khá ít. Trên thị trường Việt Nam cũng không có cây tươi Dâm dương hoắc, chủ yếu nhập từ Trung Quốc thông qua hình thức mua bán nguyên liệu làm dược liệu. Do đó, không có nguồn cây giống cung cấp cho thị trường.
Quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô giúp chủ động kế hoạch sản xuất, cung cấp nguồn cây giống tốt cho các vùng trồng dược liệu, không phải cạnh tranh giá bán với các trung tâm nhân giống khác. Với hệ số nhân giống là 3.7, chi phí sản xuất dự tính cho 1000 cây khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, ở bước chuyển cây mô ra ngoài vườn ươm cần thêm công đoạn thuần hóa trong phòng mát, do đó giá thành sản xuất cho cây Dâm dương hoắc hậu cấy mô khoảng 200 ngàn đồng/cây. Khi áp dụng sản xuất quy mô công nghiệp sẽ giảm được giá thành, có tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần phục hồi và bảo vệ nguồn dược liệu quý Dâm dương hoắc.
Hiện nay, Sàn Giao dịch Công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) đang tiếp tục đồng hành cùng nhóm tác giả trong hoạt động hỗ trợ kết nối, tư vấn chuyển giao quy trình này cho các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu.
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Phan Thị Hồng Thủy
ĐT: 0931 305 287. Email: hongthuyitb@gmail.com
2. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: (028) 6264 6103.
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: pgdcn@cesti.gov.vn.
Lam Vân (CESTI)