SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình sản xuất cá hải mã vằn thương phẩm

Mô hình nuôi thương phẩm cá hải mã vằn được xây dựng thành công tại Cần Giờ, có thể nhân rộng nhằm cung cấp con giống cho thị trường cá cảnh tại TP.HCM và xuất khẩu đi các nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cá hải mã vằn (Hippocampus comes, Cantor 1850) còn gọi là cá ngựa, phân bố chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới như Philippines, Malaysia, Australia, Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, cá hải mã vằn phân bố ở các vùng nước ven bờ từ Bắc vào Nam, đặc biệt là ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận, nơi có các rạn san hô.

Cá hải mã vằn đã được dân gian dùng như một vị thuốc quý trong y học cổ truyền ở khu vực Đông Á đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, do cá có hình dạng đặc biệt nên rất được nhiều người ưa chuộng làm cảnh.

Việc sinh sản nhân tạo, dinh dưỡng, mật độ nuôi và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá hải mã vằn đã được Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện thành công. Trong năm 2016-2017, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (TP.HCM) đã tiến hành thử nghiệm nuôi hải mã vằn trong hệ thống tuần hoàn nước và cho sản xuất giống hải mã vằn, bước đầu ghi nhận cá thích nghi và tăng trưởng tốt trong điều kiện chất lượng nước tại Cần Giờ. Hơn nữa, Cần Giờ có nguồn thức ăn ngoài tự nhiên (mysid, ruốc, động vật phù du copepoda, acetes,…) luôn dồi dào và ổn định vế số lượng cũng như chất lượng; có một diện tích lớn vùng nuôi thủy sản nước lợ, nên có thể tận dụng các ao nuôi này để gây nuôi một lượng lớn các loài động vật phù du làm thức ăn cho cá ngựa. Đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai sản xuất giống cá ngựa cũng như hoạt động nuôi cá ngựa thương phẩm cung cấp ra thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Xây dựng và thiết kế trại giống

- Vị trí xây dựng trại: trại phải nằm trên vùng đất cao có thể tránh được úng lụt hoặc thủy triều lớn hàng năm, đảm bảo được nguồn nước mặn; vị trí thuận tiện (cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, nguồn điện,…); môi trường nước và đất không bị ô nhiễm bởi các chất thải từ công, nông nghiệp (như hóa chất, dầu khí, kim loại nặng, thuốc trừ sâu,…).

- Trại sản xuất: thiết kế phù hợp với năng lực sản xuất con giống. Dự kiến sản xuất theo từng đợt (số lượng cá con sinh ra được tính theo tháng, theo năm), do đó, trại xây dựng trên diện tích khoảng 100m2. Nhà có mái che và tường rào bảo vệ.

- Thiết bị của trại giống: các bể composite có thể tích khác nhau (bể lắng 5m3, bể chứa 5m3, bể lọc sinh học 1m3,…); máy bơm nước, ống dẫn nước, van các loại, hệ thống sục khí, dụng cụ đo độ mặn, pH, kính hiển vi, nhiệt kế, cân, bình oxy, thau, xô, ca,…

- Bể nuôi: lắp đặt hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước. Nước từ 3 bể nuôi về bể lọc sinh học (gồm giá thể là tấm bùi nhùi và hạt nhựa kaldness có sục khí mạnh để cung cấp oxy cho vi khuẩn có lợi hoạt động). Bể lọc có chức năng lọc sinh học sau khoảng 20 ngày kể từ khi thiết lập (đo hàm lượng nitric trong bể trước khi thả cá nuôi). Sau đó, nước được bơm qua bể san hô (thể tích 300 lít), qua hệ thống tách đạm, giúp loại bỏ những vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước (protein skimmer), cho chảy qua đèn UV để diệt khuẩn trước khi đi vào bể nuôi.

- Nguồn nước:

  • Nguồn nước phải xử lý để đảm bảo các chỉ tiêu cho nuôi cá hải mã vằn (độ mặn 25-30‰; nhiệt độ nước 28-300C; pH 7,5-8,5; DO trong nước 5,00-5,34 ppm; kim loại nặng < 0,01 mg/l;…)
  • Xử lý nguồn nước: nước nuôi được bơm trực tiếp từ hệ thống kênh cấp nước vào bể lắng 5m3, diệt khuẩn bằng Chlorin A 30 ppm có sục khí mạnh 24-48 giờ. Sau đó bơm qua bể chứa 5m3 thông qua hệ thống lọc thô (gồm 2 cột lọc bằng composite chứa đầy vật liệu lọc cát và than hoạt tính có công suất 4 m3/giờ) sau đó cung cấp nước cho hệ thống nuôi.

Vận hành trại giống

Nuôi vỗ và sinh sản hải mã vằn

Cá bố mẹ được nuôi chung trong hệ thống lọc tuần hoàn, bể nuôi có thể tích 1 m3 có sục khí và đặt dưới mái che, mật độ nuôi 150 con/bể. Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi vỗ là mysid, ruốc. Cho cá ăn ngày 2 lần, lượng cho ăn tùy theo nhu cầu của cá. Sau khi cho ăn 2 giờ cần siphon loại bỏ thức ăn dư thừa. Cá sau khi thành thục sinh dục tiến hành chọn 3 cặp cá bố mẹ bố trí vào 3 thau nhựa thể tích 150 lít nước. Theo dõi sức sinh sản thực tế và thời gian tái phát dục của mỗi cặp cá bố mẹ.

Nuôi thương phẩm cá hải mã vằn

- Gây nuôi copepoda thức ăn cho cá giai đoạn 1-30 ngày tuổi:

  • Diện tích ao nuôi: tùy theo điều kiện sẵn có, tuy nhiên, khuyến cáo diện tích ao nuôi nên từ 3.000–6.000 m2 để dễ chăm sóc và quản lý.

  • Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1,2-1,5m, tiến hành gây nuôi copepoda. Cám gạo được cho vào trong chậu lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sục khí mạnh trong 24-48 giờ sau đó tạt đều khắp ao nuôi. Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng 300 kg (hoặc 30 ppm) trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao.

- Ương nuôi cá hải mã vằn từ 1 đến 90 ngày tuổi:

Cá được nuôi trong các bể composite 1 m3, hệ thống tuần hoàn, với mật độ 100 con/bể, độ mặn 25‰. Thức ăn sử dụng cho cá từ 1-30 ngày tuổi là copepoda, artemia giàu hóa bằng selco. Giai đoạn cá từ 30-90 ngày tuổi thức ăn là mysid, acetes. Ngày cho cá ăn 4 lần (7 giờ, 11 giờ, 13 giờ và 16 giờ), cho ăn theo nhu cầu của cá. Siphon thức ăn thừa và phân ngày 2 lần.

Sơ đồ tóm tắt quy trình sản xuất giống hải mã vằn

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Mô hình có thể áp dụng tùy theo điều kiện cơ sở vật chất của trại nuôi để sản xuất và nuôi cá hải mã vằn. Hầu hết các trại sản xuất giống tôm sú ở nước ta đều có đủ điều kiện để vừa sản xuất cá hải mã vằn, vừa nuôi cá đạt kích thước thương phẩm mà không cần đầu tư thêm nhiều trang thiết bị đắt tiền khác.

Hiệu quả kinh tế của mô hình này được tính toán trên thực tế một đợt nuôi 6 tháng, với diện tích nuôi là 100m2. Cụ thể, chi phí đầu tư ban đầu cho nuôi cá hải mã vằn trung bình là 181,5 triệu đồng. Doanh thu trung bình của trại nuôi cá hải mã vằn với diện tích 100m2 sau 6 tháng nuôi đạt 112 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí hoạt động (khoảng 70,484 triệu đồng), lợi nhuận trung bình nhận được 41,516 triệu đồng (tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu là 37,07%).

Tại Cần Giờ, với nguồn thức ăn tại chỗ ổn định về số lượng, chất lượng và vị trí địa lý gần TP.HCM nên việc tiêu thụ cá sẽ thuận lợi hơn. Cá cảnh là nghề kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một nghề chiếm vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Vì vậy, việc sản xuất cá hải mã vằn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. KS. Tăng Minh Trí

ĐT: 036 2732 780. Email: minhtritang@gmail.com

2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 3886 2726.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả