Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Artemia là loại giáp xác nhỏ, chuyên sống ở những vùng nước mặn có biên độ muối rộng (từ vài ‰ đến 250‰ như ruộng muối). Artemia không có trong tự nhiên. Năm 1982, nó được du nhập thông qua thử nghiệm nuôi Artemia (từ dòng ở vịnh San Francisco, Mỹ) ở Nha Trang.
Sinh khối Artemia tươi sống từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là làm thức ăn cho một số loài ấu trùng cá. Artemia có hàm lượng đạm khá cao (55%) và hàm lượng acid béo không no nhiều nối đôi (Highly Unsaturated Fatty Acid - HUFA) lớn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các loài cá cảnh có giá trị kinh tế. Mặt khác, sinh khối Artemia có nhiều kích cỡ khác nhau nên phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá; chứa một lượng lớn các sắc tố carotenoid, phù hợp cho lên màu sắc tự nhiên của các loài cá cảnh.
Hiện nay, trên thị trường có nguồn sinh khối Artemia đông lạnh (giá thành thấp nhất khoảng 200 đồng/g) nhưng có nhiều hạn chế trong nuôi cá cảnh như: do là mồi chết nên không kích thích tính ăn và bắt mồi của cá cảnh, dễ bị phân hủy làm dơ nước và mất mỹ quan bể cá cảnh. Bên cạnh đó, hàm lượng protein của sinh khối Artemia đông lạnh thấp hơn so với sinh khối Artemia tươi sống.
Thực tế, việc nuôi nhân tạo Artemia (trong bể kính hoặc bể composite) thường gặp một số khó khăn như môi trường nuôi chưa phù hợp, thức ăn cho Artemia chưa thích hợp, nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho nuôi đang được sử dụng có giá thành cao, một số nguồn phải nhập khẩu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp dồi dào và đa dạng chủng loại. Vì vậy, việc sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp phù hợp để nuôi sinh khối Artemia tươi sống cung cấp cho cá cảnh là rất cần thiết hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi sinh khối Artemia cũng như nuôi cá cảnh.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình chuẩn bị sinh khối nấm men từ cơ chất cám gạo
Bước 1: Nhân giống cấp 1
Chuẩn bị môi trường YMM broth, pH 5,5. Phân phối vào các erlen 250 ml với thể tích môi trường là 100 ml. Hấp khử trùng ở 1210C trong 15 phút. Lấy sinh khối của 1 khuẩn lạc nấm men cấy chuyền vào erlen môi trường YMM broth đã chuẩn bị. Ủ lắc trong 24 giờ ở nhiệt độ 300C. Thu được giống cấp 1.
Bước 2: Nhân giống cấp 2
Chuẩn bị môi trường YMM broth, pH 5,5. Phân phối vào các erlen 500 ml với thể tích môi trường là 350 ml. Hấp khử trùng ở 1210C trong 15 phút. Cấy giống cấp 1 vào erlen môi trường đã chuẩn bị sẵn với tỷ lệ giống là 5%. Ủ trong 24 giờ ở nhiệt độ 300C. Thu được giống cấp 2.
Bước 3: Lên men
Chuẩn bị cơ chất: cám gạo, dùng rây rây cám bắp và cám mì, thu lấy phần mịn. Chuẩn bị môi trường lên men: pha cơ chất đã rây với nước với tỷ lệ 1.000 g cơ chất và 3.500 ml nước, khuấy đều hỗn hợp, điều chỉnh pH hỗn hợp đến giá trị là 5,5. Phân phối hỗn hợp đã pha vào các erlen 2.000 ml với thể tích 1.500 ml. Hấp khử trùng ở 1210C trong 20 phút.
Cấy giống cấp 2 vào erlen môi trường lên men đã chuẩn bị sẵn (tỷ lệ giống là 5% theo thể tích). Ủ trong 3 ngày ở nhiệt độ 300C. Sau lên men, tiến hành thu mẫu và đánh giá mật độ nấm men trong dịch lên men bằng phương pháp trải đếm trên môi trường PDA.
Bước 4: Kết thúc lên men và thực hiện autolysis
Sau 3 ngày lên men, cho các bình lên men vào nồi hấp 800C trong 30 phút. Sau đó, ủ ở 500C trong 24 giờ. Thu được hỗn hợp lên men.
Bước 5: Sấy và thu chế phẩm
Tiến hành sấy hỗn hợp ở 450C đến khi khô (đạt độ ẩm khoảng 12-15%). Xay mịn và thu được chế phẩm nấm men.
Quy trình nuôi sinh khối Artemia bằng công thức thức ăn kết hợp giữa 50% sinh khối nấm men + 50% thức ăn tôm sú
Bước 1: Chuẩn bị bể nuôi
Bể sử dụng để nuôi sinh khối Artemia là bể composite có thể tích 1m3, hình tròn, có lỗ thoát nước ở đáy bể. Bể được đặt ở nơi có mái che để tránh ánh nắng và hạn chế nước mưa. Bể nuôi và các dụng cụ được vệ sinh bằng cách ngâm với Chlorine với nồng độ 200ppm trong thời gian 1 ngày, sau đó được rửa sạch lại bằng nước ngọt và phơi khô. Sau đó, tiến hành lắp đặt hệ thống khí cho bể nuôi với số lượng 4 dây khí/bể để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy (>5 mg/L) cho bể nuôi.
Bước 2: Chuẩn bị nước nuôi Artemia
Nước nuôi Artemia là nước giếng đã xử lý được cấp vào bể nuôi với thể tích là 300 lít, chỉ tiêu chất lượng nước pH: 7,0 - 7,2, độ mặn nước là 35‰. Độ mặn của nước được thiết lập bằng cách pha muối hột hoặc nước ót vào nước giếng cho đến khi đạt mức yêu cầu. Tiến hành chạy máy sục khí để cung cấp oxy cho bể nuôi.
Bước 3: Ấp trứng
Trứng Artemia sử dụng là Artemia Vĩnh Châu cho ấu trùng khỏe và hiệu suất nở cao đạt 300.000 ấu trùng/g. Dụng cụ ấp là bình keo trong có thể tích 5 lít. Cung cấp ánh sáng bằng đèn neon liên tục trong suốt quá trình ấp trứng, đèn đặt cách xô ấp 20 cm. Nhiệt độ ấp: 28-300C; độ mặn: 35‰; mật độ ấp: 3g/lít; sục khí mạnh và liên tục. Sau 16-20 giờ, quan sát thấy trứng đã nở thì tiến hành thả giống. Lúc này đa số ấu trùng ở giai đoạn Instar I (khả năng thích ứng cao với những biến đổi của môi trường), rất thuận lợi trong việc cấy thả.
Bước 4: Thả giống
Giống sau khi ấp nở được lọc bỏ vỏ rồi đem thả ở giai đoạn Instar I vào lúc trời mát. Mật độ thả giống ban đầu 1.500 Nauplius/lít. Trước khi thả giống thì lấy nước trong bể nuôi cho chảy từ từ vào xô đựng giống cho giống quen dần với nước trong bể nuôi. Sau đó, thả vào vị trí các quả khí nhằm tránh trường hợp giống bị vón cục khi thả vào bể nuôi.
Bước 5: Chăm sóc
Thức ăn của Artemia là sinh khối nấm men kết hợp với thức ăn tôm sú. Công thức thức ăn là 50% sinh khối nấm men cám gạo + 50% thức ăn tôm sú.
Liều lượng và cách cho ăn: số lần cho ăn là 4 lần/ngày với thời gian cho ăn: 8h, 11h, 14h và 17h. Thức ăn được lọc qua lưới lọc 50 μm, lấy phần lọt qua lưới cho ăn, hạn chế thức ăn thừa. Sục khí nhẹ giúp cho ấu trùng bắt mồi dễ. Liều lượng cho ăn ban đầu là 2 g thức ăn/lần.
Lượng thức ăn được điều chỉnh bằng cách quan sát màu nước bể nuôi, biểu hiện bơi lội của Artemia và sự hiện diện thức ăn trong đường ruột (nếu thức ăn bị đứt quãng thì lượng thức ăn đưa vào không đủ và phải bổ sung thêm, ngược lại nếu nước có biểu hiện dơ, màu nước trắng đục lâu trong trở lại thì lượng thức ăn được điều chỉnh giảm).
Bước 6: Thu hoạch sinh khối
Trước khi thu, tắt khí để Artemia trưởng thành nổi lên trên, sau đó dùng vợt lưới có kích thước mắt lưới 1 mm để thu Artemia sinh khối bằng cách vớt Artemia sinh khối nhẹ nhàng. Sau khi thu Artemia sinh khối đem rửa sạch và sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Quy trình xác định được công thức thức ăn cho nuôi sinh khối Artemia thích hợp nhất là kết hợp giữa 50% sinh khối nấm men + 50% thức ăn tôm sú. Công thức này cho tỷ lệ sống cao (đạt 88,7%), năng suất sinh khối đạt 2,39g/L. Hàm lượng chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của cá với hàm lượng protein là 55,26%, lipd đạt 0,91% và có đầy đủ các acid amin cần thiết cho cá.
Sinh khối nấm men từ cơ chất cám gạo (lên men cám gạo với nấm men Saccharomyces cerevisiae) trong công thức thức ăn có ưu điểm là gia tăng hàm lượng dinh dưỡng của phụ phẩm nông nghiệp, giúp dễ tiêu hóa hơn, kích thước nấm men nhỏ nên phù hợp với cỡ mồi của Artemia. Điều này giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, rẻ tiền để nâng cao hiệu quả sản xuất sinh khối Artemia tươi sống.
Hiện tại thị trường thức ăn cho cá cảnh chủ yếu là trùng chỉ nhưng nguồn không ổn định do khai thác tự nhiên, dễ mang mầm bệnh,…Việc sản xuất được sinh khối Artemia tươi sống giúp chủ động được nguồn thức ăn an toàn, sạch bệnh, giàu dinh dưỡng phục vụ cho nuôi cá cảnh. Chi phí để sản xuất ra 1 g sinh khối Artemia khoảng 328 đồng/g.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Nguyễn Thị Loan
ĐT: 098 167 1319. Email: loannguyen84ht@gmail.com
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 38862726.
Lam Vân (CESTI)