SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Dendrobium Sonia

Hoa lan được trồng ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi (188,1ha), Bình Chánh (31,1ha). Sản lượng hoa lan cung ứng hàng năm khoảng 6,7 triệu chậu và 68,9 triệu cành đạt giá trị khoảng 613,9 tỷ đồng. Trong đó,  hai giống lan được trồng nhiều nhất là Mokara và Dendrobium. Lợi nhuận trồng hoa lan thu được bình quân 0,6-0,8 tỷ đồng/ha/năm.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Ở thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010 tổng diện tích trồng hoa - cây cảnh là 1.910 ha, trong đó diện tích trồng lan 190 ha. Về cơ cấu giống, Mokara là giống được gây trồng nhiều nhất (chiếm 44,8%), kế đến là Dendrobium (chiếm 39,6%), các giống khác chiếm trên dưới 8% gồm Cattleya và Vanda. Mỗi năm, thành phố tiêu thụ và trung chuyển khoảng 4 triệu chậu/cành lan. Năm 2015, diện tích sản xuất hoa - cây cảnh trên địa bàn Thành phố tăng 17,8% so năm 2010, đạt 2.250 ha. Tổng giá trị sản xuất hoa - cây cảnh tăng từ 1.257,4 tỷ đồng (năm 2010) lên 1.833,8 tỷ đồng (năm 2015), giá trị sản xuất bình quân đạt 700-900 triệu đồng/năm/1 ha. Trong đó, diện tích trồng hoa lan đạt 300 ha (tăng 57,9% so với năm 2010).

Thực tế, trên thị trường Thành phố hiện nay, hoa lan vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, cả về số lượng và chất lượng, mới đáp ứng khoảng 25%-30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, còn lại là từ các tỉnh khác trong nước và nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Cây giống

- Lan lai Dendrobium Sonia (D.ceasar x D.tomie) được tạo bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. 

- Xuất xứ: Thái Lan.

- Năng suất hoa Dendrobium Sonia bình quân: 8,5 phát hoa/m2/năm (4,18 phát hoa/cây/năm). Số hoa/phát hoa 10,5-11,0.

Qui trình kỹ thuật bón phân

Nhà lưới trồng lan: Tùy thuộc vào khả năng và mức độ đầu tư mà nhà lưới trồng lan được thiết kế theo kiểu đơn giản hay hiện đại, kết hợp tưới phun hay tưới thủ công sao cho đáp ứng yêu cầu thông thoáng, sạch sẽ và đặt ở vị trí có thể hưởng đầy đủ ánh sáng mặt trời từ hướng Đông và Tây.

Chế độ chăm sóc và bón phân

- Cây cấy mô sau khi đã qua giai đoạn huấn luyện trong bình cây mô, được chuyển vào môi trường nuôi trồng mới tại vườn ươm (100% xơ dừa đã xử lý). Ở giai đoạn này, cây được chăm sóc theo chế độ riêng, chủ yếu sử dụng phân bón lá với nồng độ và liều lượng thấp hơn một nửa so với mức khuyến cáo và định kỳ 3 ngày phun một lần. Loại phân bón sử dụng cho cây ở giai đoạn này là NPK 30-10-10 (250–500 ppm, phun 3 lần/ngày) và định kỳ 7-10 ngày bổ sung thêm axít amin tổng hợp (11%), Ca (25ppm), B (15ppm), Mg (10 ppm). Sau 5- 6 tháng, cây con đủ tiêu chuẩn chuyển qua vườn sản xuất (đạt chiều cao ≥10 cm và có từ 3 lá trở lên) thì có thể chuyển ra trồng ở vườn sản xuất.

Nếu áp dụng phân bón lá TSBio thì không cần dùng NPK. Nồng độ phân TSbio áp dụng là 1:400 (1 lít TSbio pha với 400 lít nước), phun định kỳ 7 ngày/lần.

- Ở vườn sản xuất, cây lan con trồng chậu được trồng ở môi trường mới gồm 50% xơ dừa cắt khúc và 50% than củi. Với Dendrobium Sonia, cây ở vườn sản xuất đạt từ 9 tháng tuổi trở lên đã có thể cho hoa bói; tuy nhiên, để duy trì sức khỏe của cây cũng như năng suất chất lượng hoa, chỉ nên tác động cho cây ra hoa từ sau 11 tháng trở đi. 

Nước tưới và kỹ thuật tưới

- Chất lượng nước tưới theo qui chuẩn quốc gia (QCVN 39-2011-BTNMT) là hoàn toàn an toàn khi tưới cho lan. Các thông số cụ thể theo bảng:

TT

Thông số

Đơn vị

Giá trị giới hạn

1

pH

 

5,5-9

2

Ôxy hòa tan (DO)

 

≥ 2

3

Tổng chất rắn hòa tan

mg/l

2.000

4

Tỷ số hấp phụ Natri (SAR)

 

9

5

Clorua (Cl-)

mg/l

350

6

Sun phát (SO42-)

mg/l

600

7

Bo (B)

mg/l

3

8

Asen (As)

mg/l

0,05

9

Cadimi (Cd)

mg/l

0,01

10

Crom tổng số (Cr)

mg/l

0,1

11

Thủy ngân (Hg)

mg/l

0,001

12

Đồng (Cu)

mg/l

0,5

13

Chì (Pb)

mg/l

0,05

14

Kẽm (Zn)

mg/l

2,0

15

Fecal, Coli (Chỉ quy định đối với nước tưới rau và thực vật ăn tươi sống)

số vi khuẩn/100ml

200

- Khi tưới nước cho lan, dù là tưới thủ công hay điều kiển tự động thì đều phải đảm bảo tia nước nhỏ, mịn và đều. Trong giai đoạn vườn ươm thì yêu cầu tia nước phun sương, nhưng đến giai đoạn vườn sản xuất thì cần tia nước phun mưa.

- Lan Dendrobium Sonia yêu cầu được tưới nước hàng ngày với lượng nước bình quân 4 lít/1m2/ lần tưới. Vào mùa khô, mỗi ngày tưới 2 lần, nhưng sang mùa mưa thì số lần tưới giảm đi (1 lần/ngày hoặc vào những ngày có mưa thì không cần phải tưới).

Ghi chú: Luôn xác định không được để giá thể bị ướt quá hoặc khô quá. Độ ẩm vườn duy trì 65-70%, độ ẩm giá thể 60-65% và nhiệt độ vườn: 26- 31oC. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, ngoài tưới nước cho cây thì việc tưới nước cho nền vườn cũng cần được duy trì.

Bón phân

- Giai đoạn tăng trưởng (cây từ 1–9 tháng tuổi ở vườn sản xuất): duy trì phun dung dịch dinh dưỡng NPK 20-20-20 mỗi tuần một lần. Bên cạnh, bổ sung các loại dinh dưỡng sau: (i) [(P1000 ppm + Ca90 ppm + B40 ppm) phun 1 lần/tuần]  và (ii) phân bón gốc HCSH chậm tan dạng túi lưới 7 gram/túi/cây (phân HT-11), định kỳ 2 tháng đặt gốc 1 lần.

- Giai đoạn 9–12 tháng tuổi (chuẩn bị cho hoa): Sử dụng hỗn hợp (P1000 ppm + Ca90 ppm + B40 ppm) + (50% VC+ 50% HC), phun 1 lần/tuần.

- Giai đoạn ra hoa (lan đủ 12 tháng tuổi):

+ Bón gốc phân HCSH (HT-11): 1 túi/cây, định kỳ 2 tháng đặt 1 lần;

+ Bón lá NPK 20-0-20 (pha 10 ml/L) : phun mỗi tuần một lần;

+ Phun hỗn hợp (1250 +70+40) + (20+15+3) + (50% VC+ 50% HC), 8 lần/vụ.

- Giai đoạn sau thu hoạch: khi được chăm sóc tốt, lan Dendrobium Sonia có thể ra hoa quanh năm mà không có một mùa vụ chính rõ ràng nào.

Cách thức chăm sóc cây sau thu hoạch:

+ Vệ sinh cây mẹ: bấm tỉa lá bị héo vàng, hủy bớt những giả hành già yếu và già cỗi.

+ Bổ sung dinh dưỡng theo công thức như giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng trong vòng 1 tháng, sau đó tiếp tục áp dụng bón theo công thức ở giai đoạn sinh trưởng sinh sản.

Thu hoạch hoa cắt cành

- Khi có một nửa số hoa/phát hoa nở thì có thể bắt đầu thu hoạch. Dùng kéo sắc cắt sát gốc phát hoa khoảng 2,5-3,0cm.

- Hoa thu hoạch xong được bó lại thành từng bó với 30 hay 50 cành/bó tùy theo yêu cầu khách hàng. Sau đó xếp cẩn thận vào các thùng carton chuyên dùng và để trong phòng thoáng mát trước khi chuyển đi.

- Độ bền hoa cắt cành (cắm lọ, nước thông thường): 24-28 ngày.

Quản lý bảo vệ vườn lan

Trong quá trình chăm sóc, cần chú ý vệ sinh vườn sạch sẽ nhằm hạn chế tối đa nguồn nấm gây bệnh hại lan:

 - Vệ sinh vườn hàng tuần: nhổ cỏ dại ở các lối đi và trong chậu trồng; cắt bỏ lá/thân/phát hoa bị khô héo, đưa ra ngoài và đốt.

- Hàng tháng: phun thuốc sát trùng mỗi tháng một lần xung quanh vườn, sàn vườn và mái lưới bằng dung dịch cloramin B (20 g/L) sẽ hạn chế được dịch muỗi hút dịch nụ hoa.

- Với lan, bệnh bồ hóng, nhện đỏ, đốm lá,... thường xuyên xuất hiện, do đó khi phát hiện có bệnh phải phun thuốc ngay để tránh lây lan diện rộng. Một số loại thuốc trừ bệnh sử dụng có hiệu quả: Norsheld (pha 1g/ 1 lít nước), Olicide–9.DD, Orchid- 9.AA. Liều lượng sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Ghi chú:  Các ký hiệu Cyt (cytokinin), Ntp (nitrophenol), AbA (acid absisic).

Ưu điểm của công nghệ - Hiệu quả kinh tế

- Mô hình trồng lan qui mô hộ gia đình chỉ cần hệ thống nhà lưới đơn giản hay trung bình kèm hệ thống tưới tự động công nghệ Isael, có thể áp dụng một cách dễ dàng và hiệu quả về mặt nông học cho mọi người trồng lan Dendrobium Sonia.

- Việc áp dụng loại phân bón, liều lượng bón và thời điểm bón phù hợp góp phần làm tăng năng suất và chất lượng hoa lan Dendrobium Sonia, từ đó nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng hoa lan.

- Mô hình cho phép tăng thêm 83% thu nhập so với kiểu canh tác hiện hữu của nhà vườn (1.370 triệu/ha so với 736 triệu/ha).

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Vũ Thị Quyền – Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Sinh vật cảnh

Điện thoại: 0908 460 789

Email: vuquyen.seed@gmail.com

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả