SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình sử dụng phân Urea S2 diện rộng trên rau cải bẹ xanh

Cải bẹ xanh thực hiện theo mô hình được trồng tại vùng trồng rau xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm ĐồngSử dụng Urea S2 theo mô hình đã giúp tăng năng suất, sinh trưởng của cây cải bẹ xanh, nâng cao tỉ lệ lợi nhuận cho người nông dân (lợi nhuận có thể lên đến 56 triệu đồng/ha).

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cải bẹ xanh có lá có màu xanh đậm hoặc xanh nõn chuối. Lá và thân cây có vị cay. Thành phần dinh dưỡng trong cải bẹ xanh gồm có vitamin A, B, C, K, axit nicotic, catoten, abumin…, nên được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng vì có nhiều lợi ích đối với sức khỏe cũng như có tác dụng phòng chống bệnh tật. Thời gian thu hoạch cho cải bẹ xanh trong khoảng từ 40–45 ngày.

Cải bẹ xanh thực hiện theo mô hình được trồng tại vùng trồng rau trên nhóm đất nâu đỏ bazan tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, trên 1 thửa ruộng với 3 ô lớn (diện tích mỗi ô là 1.000m2). Thời gian trồng từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2016 (2 vụ).

 

Quy trình và phương pháp thực hiện

Các biện pháp kỹ thuật như mật độ gieo trồng, tưới nước, bảo vệ thực vật và các biện pháp kỹ thuật khác áp dụng theo quy trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng (số 1251/QĐ-SNN ngày 13/12/2012) trên cây rau cụ thể như sau:

Giống: Chọn giống cải bẹ xanh Trang Nông được trồng phổ biến ở địa phương. Lượng giống trồng: 200.000 cây/ha.

Giống

Tuổi cây

Chiều cao

Đường kính cổ rễ

Số lá thật

Tình trạng

Cải bẹ

xanh

15-20

8-10

1,5-2,0

4-6

Cây  khoẻ  mạnh,  không  bị dập, không  dị  hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh.

Chọn đất

  • Đất canh tác: tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước. Rải vôi, tưới nước trước khi cày xới để diệt một số nấm hại trên mặt đất tồn tại từ các vụ trước.
  • Cày xới độ sâu 20-25 cm, phơi ải trong 2 tuần, dùng thuốc xử lý đất trước khi trồng cây 15 ngày để hạn chế sâu, bệnh hại. Sau đó bón phân lót cày lần cuối. Lên luống rộng: 1,1m, rãnh 20cm, luống cao: 15cm. Tưới ẩm đều trên luống trước khi trồng cây.

Trồng và chăm sóc

  • Mật độ, khoảng cách và phương pháp trồng:

+ Mật độ: 200.000 cây/ha

+ Khoảng cách trồng: hàng x hàng: 25cm, cây x cây: 20cm.

+ Trồng cây xong tưới đủ ẩm để cây con nhanh chóng phục hồi.

  • Chăm sóc: 5 ngày sau khi trồng kiểm tra đồng ruộng và trồng dặm những cây yếu, cây chết để đảm bảo mật độ.
  • Tưới nước: những ngày nắng, tưới buổi sáng sớm và chiều mát 2 lần/ngày đảm bảo ẩm độ 70-75%. Những ngày mưa nhỏ tưới 1 lần/ngày. Tưới nước sau khi mưa để rửa đất bám trên đọt non, trên lá hạn chế nguồn bệnh phát sinh và lây lan. Sau khi bón phân tưới vừa đủ đảm bảo phân tan.
  • Làm cỏ: Làm cỏ sạch trên luống, rãnh và xung quanh ruộng, làm cỏ trước khi bón phân kết hợp xăm xới tạo đất thoáng khí.

Phân bón: lượng phân bón cho cây cải bẹ xanh 1 ha/vụ như sau:

  • Phân chuồng hoai mục: 13 tấn; vôi bột: 1.000 kg.
  • Phân hóa học (lượng nguyên chất kg/ha): 138N - 64 P2O5 - 120 K2O.

Phòng trừ sâu, bệnh: cải bẹ xanh có thời gian sinh trưởng ngắn, ít bị sâu bệnh phá hoại, cần chủ động phòng trừ sâu bệnh kịp thời khi phát hiện có triệu chứng. Nhổ bỏ những cây bị bệnh tiêu huỷ tránh để  lây lan nguồn bệnh.

Biện pháp kỹ thuật canh tác: vệ sinh ruộng trồng, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy. Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Kiểm tra phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh.

Biện pháp sinh học

  • Sử dụng các chế phẩm sinh học thay thuốc hóa học, ngâm hỗn hợp: tỏi + gừng + ớt + rượu trong 15 ngày để trừ các đối tượng sâu hại trên cây rau.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…

Biện pháp hóa học: khi sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc) đọc hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Phun khi bệnh chớm xuất hiện. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  khi cần thiết.

Thu hoạch, phân loại và xử lý bảo quản sau thu hoạch

- Sau khi trồng 25–30 ngày tiến hành thu sản phẩm rau.

- Trước khi thu hoạch 2 ngày tưới rửa bớt đất, cát bám trên cây và phun nước vôi 1% (vôi hòa tan trong nước, để lắng lấy nước trong) đều trên cây để trung hòa dư lượng nông dược còn lại và diệt bớt một số vi khuẩn. Một ngày trước khi thu hoạch tưới rửa lại bằng nước sạch.

- Cắt tỉa lá già, lá có biểu hiện sâu, bệnh và đóng gói theo yêu cầu khách hàng.

 

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Sản phẩm phân bón khảo nghiệm urea S2 có hiệu quả cao trên cây rau cải bẹ xanh, với sự sinh trưởng phát triển tốt hơn so với đối chứng thể hiện ở chỉ tiêu khối lượng/cây ở cả 2 vụ đều cao hơn so với đối chứng.
  • Năng suất thực thu ở các công thức khảo nghiệm sản phẩm urea S2 đều cao hơn đối chứng, trong đó công thức 1 (100% urea S2) đạt năng suất cao nhất trung bình 2 vụ là 233 tạ/ha, cao hơn 37 tạ/ha so với đối chứng. Công thức 2 (80% urea S2) cũng cho năng suất trung bình 2 vụ rau cải bẹ xanh cao hơn đối chứng từ 14 tạ/ha (tương ứng 7%).
  • Phân urea S2 cho bội thu năng suất từ 10-34 tạ rau/ha ở vụ 1 và 18–40 tạ/ha ở vụ 2 so với đối chứng, mặc dù ở công thức 2 với lượng đạm bón cho rau là 80% so với lượng đạm của công thức đối chứng nhưng vẫn cho bội thu năng suất trung bình 2 vụ là 14 tạ/ha. Kết quả này cho thấy bón phân urea S2 cho cây rau cải bẹ xanh có thể giảm 20% lượng đạm so với bón phân urea mà năng suất vẫn đạt.
  • Các chỉ tiêu sinh trưởng ở các công thức sử dụng sản phẩm urea S2 cho kết quả trong đó công thức 1 (100% phân urea S2) các chỉ tiêu chiều cao cây và chỉ số diện tích lá cao hơn so với đối chứng. Trong đó, chiều cao cây không có sự chênh lệch rõ giữa các công thức qua 2 vụ.
  • Bón phân urea S2 cho thấy các chỉ tiêu sinh trưởng của cây cải bẹ xanh có xu hướng phát triển tốt hơn so với đối chứng, công thức 2 bón lượng phân đạm giảm 20% so với đối chứng nhưng khả năng sinh trưởng phát triển thể hiện ở các chỉ tiêu là tương đương với đối chứng.

Hiệu quả kinh tế

Với ước lượng chi phí phân urea S2 tương đương với urea, kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế của sản phẩm urea S2 (bảng 9) cho thấy công thức 1 cho tổng thu (93 triệu đồng/ha) và lợi nhuận cao nhất (56 triệu đồng/ha). Công thức 2 (80% sản phẩm phân N protect) cũng có tổng thu và lợi nhuận cao hơn so với đối chứng khoảng 6 triệu đồng/ha. Như vậy cho thấy sử dụng phân bón urea S2 làm tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường do giảm được 20% lượng phân đạm bón vào đất.

 

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Th.S Lâm Văn Thông

Đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau

Điện thoại: 0988.382.843

Email: thonglv@pvcfc.com.vn