SpStinet - vwpChiTiet

 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn nhãn

Nhãn là loại cây dễ trồng, ăn ngon và có giá trị kinh tế. Tuy nhiên tình hình thời tiết ngày càng biến động (nắng nóng, mưa nhiều, ngập úng, gió bão), nhà vườn cần có các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong sản xuất. Đặc biệt là các thời điểm nhạy cảm của cây nhãn như giai đoạn xử lý ra hoa, ra hoa, đậu trái,…

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Ở nước ta, nhãn được trồng với diện tích hơn 73.000 ha, sản lượng đạt hơn 500.000 tấn/năm (năm 2016). Các giống nhãn phổ biến ở các tỉnh phía Nam là: nhãn xuồng (xuồng cơm vàng, xuồng cơm ráo), nhãn tiêu, nhãn long, nhãn idor (edor). Do dịch bệnh chổi rồng gây thiệt hại lớn cho nhãn tiêu, từ các năm 2007-2012, nhiều nhà vườn đã thay thế bằng nhãn xuồng, nhãn idor,...

Ngoài tiêu thụ nội địa, nhãn còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada,…Nhãn được xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái tươi hoặc sấy khô; được các nhà xuất khẩu thu mua trực tiếp từ nhà vườn trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP (hoặc thông qua người thu gom/vựa địa phương).

Tuy sản lượng cao, nhưng mẫu mã, chất lượng trái nhãn đạt yêu cầu xuất khẩu còn thấp vì nông dân chưa chú ý áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và quy trình sản xuất trái cây an toàn.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Kỹ thuật trồng

Chuẩn bị cây giống

Chọn cây có thân thẳng, vững chắc, chiều cao từ 60cm trở lên (đối với cây chiết). Số lá trên thân chính đầy đủ, từ vị trí chiều cao cây đến ngọn. Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng đặc trưng của giống.

Thiết kế vườn trồng

Khi vườn có quy mô lớn trên 3 ha, nên thiết kế lô trồng theo kiểu bàn cờ có các trục đường chính và hệ thống đường lô. Trong vườn phải thiết kế mương thoát nước, kích thước ngang 1,5-2 m, sâu 1-1,5 m, cứ 4-6 hàng nhãn có 1 mương lớn, mỗi hàng nhãn có 1 rãnh nhỏ kích thước ngang 0,4-0,5m, sâu 40-50m.

Thiết kế hệ thống tưới

Hiện nay hệ thống tưới áp dụng trên vườn nhãn phổ biến là tưới phun trên tán và dưới tán. Khi cây còn nhỏ thì lắp đặt 1 béc tưới/cây, khi cây lớn thì lắp 1 béc phun/4 cây.

Khoảng cách và mật độ trồng

Cây nhãn ở miền Đông Nam bộ thường được trồng với khoảng cách 5x5 m, 5x6 m, 6x6 m, 6x8 m (tương đương 208-400 cây/ha).

Chuẩn bị hố và cách trồng

Hố có kích thước tối thiểu 60x60x60 m, trộn đều 20-30 kg phân hữu cơ hoai, 200-300 g hỗn hợp NPK (16:16:8) và 0,5-1 kg vôi với đất mặt rồi gạt xuống hố.

Khi trồng dùng dao cắt đáy bầu, đặt cây xuống giữa mô, mặt bầu bằng với mặt mô. Rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và lấp đất lại nén đất xung quanh, cắm cọc giữ chặt cây con. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô đậy kín mô. Tưới nước giữ ẩm cho cây mỗi ngày một lần (nếu thời tiết khô, nắng). Trời mưa không tưới.

Kỹ thuật chăm sóc

Phủ gốc giữ ẩm

Vào mùa nắng cần phủ kín xung quanh tán cây (bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô), độ dày tối thiểu là 5 cm. Phủ cách gốc 20–30 cm.

Quản lý cỏ dại

Cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây. Thông thường, làm cỏ 4-5 đợt/năm kết hợp mỗi lần bón phân. Có thể trồng xen một số loại cây khác trong vườn nhãn để lấy ngắn nuôi dài.

Bón phân

Sau khi trồng, cây nhãn bắt đầu ra đợt đọt non thứ 2 thì bón phân. Năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, phải tưới cách gốc 20-25cm để tránh phân làm cháy rễ. Hàng năm bón thêm phân hữu cơ hoai mục 5-10 kg/cây. Đối với vườn nhãn cơm vàng từ 7-8 năm tuổi trở đi, 800g N + 600g P2O5 + 1.000g K2O + 30kg phân bò hoai/cây/năm.

Khuyến cáo bón phân cho cây nhãn:

Tuổi cây

Số đợt bón (đợt/năm)

Liều lượng (g/cây/năm)

N

P2O5

K2O

1

4-6

100

50

100

2

4-6

200

70

150

3

4-6

300

100

200

4-6

4-5

400-600

300-400

400-800

Khi cây cho năng suất ổn định

4-5

800

600

1.000

Phương pháp bón phân: đào rãnh xung quanh tán cây rộng 20-30cm, sâu 5-10cm, lượng phân bón được cho vào rãnh, sau đó lấp đất lại và tưới nước. Hoặc rải phân xung quanh tán cây, lấy lá khô quanh gốc che phủ lại. Tốt nhất, nên bón phân qua đường ống tưới, sử dụng loại phân bón dễ tan trong nước, có thể chia thành nhiều lần bón (6-8 lần/năm).

Tỉa cành tạo tán

Giai đoạn cây con: cần tỉa tạo hình để có bộ khung vững chắc, tán đều. Cắt bỏ cành vống, cành đâm vào tán, cành xà, cành sâu bệnh. Khi cây được 1,2m thì bấm ngọn, giữ 3-4 cành chính, mỗi cành chính giữ lại 2 cành cấp 2, trên mỗi cành này giữ lại 2 cành nữa cho tới khi tán cây có được 24-32 cành.

Giai đoạn kinh doanh: sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ những cành đã mang trái và cả cành không mang trái ở vụ trước nhằm tạo ra bộ tán đều và đồng loạt, cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc bên trong tán. Đọt non đầu tiên ra sẽ tỉa các cành yếu, chỉ giữ lại 1-2 cành khỏe, mập.

Xử lý ra hoa

Xử lý ra hoa giúp cây ra hoa tập trung hơn, làm cây ra trái trái vụ để có giá bán tốt hơn. Biện pháp xử lý ra hoa tùy thuộc vào điều kiện canh tác nơi trồng, giống trồng.

Xử lý ra hoa nhãn xuồng cơm vàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phương pháp xiết nước: sau khi thu hoạch tiến hành cắt tải cành, bón phân, tưới nước để cây ra được 2 cơi đọt. Phòng trừ sâu bệnh hại cho bộ lá. Khi cơi đọt thứ 2 già thì ngưng tưới nước đồng thời phun MKP 0:52:34. Thời gian ngưng nước 3-4 tuần nhằm tạo stress cho cây. Sau đó tưới đẫm lại hàng ngày (trong 5-7 ngày). Nhịp độ tưới thưa dần 3-4 ngày/lần cho tới khi nhú bông. Khi có hoa thì nhịp độ tưới trở lại bình thường.

- Phương pháp tưới clorat kali (KCLO3): khi cơi đọt thứ 2 già thì ngưng tưới nước đồng thời phun MKP 0:52:34 cho mau già. Sau 1 tuần dùng dung dịch KCLO3, lượng dùng 30-40g nguyên chất cho 1 m đường kính tán, hòa trong 30-40 lít nước vào đất quanh tán, cách gốc 50 cm. Sau đó, trong tuần đầu tưới nhẹ giúp hóa chất thấm vào rễ. Lưu ý không dùng clorat kali quá cao gây cháy chóp rễ, 1 tuần sau khi tưới clorat kali thì phun MKP lần 2. Khoảng 35-40 ngày sau xử lý nhãn sẽ ra hoa.

Xử lý ra hoa nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long

- Sau khi thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước cho cây ra đọt. Khi cơi đọt thứ 3 được khoảng 4 tuần tuổi thì phun phân bón lá MKP 0:52:34 (50g/bình 8 lít) hoặc loại phân bón lá khác có hàm lượng lân và kali cao cho lá mau già.

- Khi cơi đọt thứ 3 được 5 tuần tuổi (có màu xanh nhạt) thì đổ quanh tán, cách gốc 50 cm dung dịch clorat kali (hòa 30-40g clorat kali/1m đường kính tán), cần 30-40 lít nước để hòa thuốc. Sau đó tưới nhẹ mỗi ngày để hóa chất thấm vào rễ. Đổ thuốc được 2 -3 ngày thì khoanh cành. Chiều rộng vết khoảng 2-3mm, chú ý chừa vài cành để nuôi bộ rễ.

- Khi cơi đọt thứ 3 được 6 tuần (tức sau khi xử lý ra hoa 1 tuần) thì phun thêm 1 lần MKP nồng độ như trên. Sau xử lý clorat kali khoảng 35-40 ngày cây sẽ nhú mầm hoa. Tiến hành chăm sóc cây.

Xử lý ra hoa nhãn Idor

Thời điểm xử lý clorat kali khi lá của cơi đọt thứ 3 chuyển từ màu xanh nhạt sang xanh đậm tức khoảng 40-45 ngày tuổi. Lượng clorat kali sử dụng từ 40-60g/1m đường kính tán, 30-40 lít nước để hòa thuốc/cây.

Tưới nước

Cây còn nhỏ vào mùa khô tưới 2-3 ngày/lần. Giai doạn kinh doanh cần nước vào các thời điểm: sau khi thu hoạch cắt tỉa cành bón phân lần 1 để cây mau ra đọt, thời kỳ ra hoa, thụ trái, và giai đoạn phát triển trái. Các giai đoạn không cần tưới: lá tược đã trưởng thành tới khi cây ra hoa, thường sau 20 ngày của đợt đón hoa đến khi phát hoa nhú ra và trước thu hoạch từ 2-3 tuần.

Tăng đậu quả, hạn chế rụng quả non

Dùng phân bón lá có chứa GA3 nồng độ 20ppm hoặc H3PO3 1g/10 lít nước, phun vào các thời điểm trước khi cây ra hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả.

Vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như: Chống rụng trái, Thiên Nông,...từ khi trái có đường kính 0,3-0,5cm.

Tỉa trái trên chùm

Tiến hành tỉa trái khi trái có kích thước cỡ hạt đậu nành. Tỉa những trái bị sâu bệnh, trái dị hình, trái ở đầu ngọn của chùm.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Bọ xít nhãn (Tessaratoma papillosa Drury)

Nếu mật độ ít dùng vợt bắt, nếu nhiều sử dụng thuốc như Cyrux 25 EC, Reasgant 3.6EC, 5EC. Tạo điều kiện để 2 loài thiên địch (kiến vàng và ong ký sinh) phát triển.

Sâu đục gân lá (Acrocercops hierocosma Meyr)

Tỉa cành để các đợt ra lộc tập trung dễ kiểm soát. Phòng ngừa khi nhãn ra lá non và khi có 5% lá bị hại. Loại thuốc sử dụng như Cymbush 10 EC, Cyrermap 10 EC, Cyperan 25 EC, Aztron 7.000DBMU. Nồng đồ theo khuyến cáo, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.

Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis)

Vệ sinh vườn bằng cách thu gom những trái bị nhiễm đem tiêu hủy. Cắt tỉa cành sau khi thu hoạch cho vườn thông thoáng. Dùng bẫy đèn với ánh sáng đen để bẫy trưởng thành. Phun thuốc nếu có khoảng 1% số trái trong vườn bị tấn công, có thể dùng các loại thuốc 3-4 lần như: thuốc nguồn gốc vi sinh Bacillus thuriensis, thuốc gốc cúc, Cypermethrin (Cypermap 25 EC, Cyrux 25 EC, Sherbush 25EC, SecSaigon 50EC) vào 14 ngày trước thu hoạch.

Sâu ăn bông (Thalassodes falsaria; Comibaena sp.)

Phòng trừ bằng cách phun thuốc Cymbush 10 EC, Applaud, Tungrin 5EC, 10EC, 25EC, luân phiên 3 lần, khi bông vừa nhú, lần sau cách lần trước 7 ngày.

Rệp sáp (Pseudococus sp.)

Phun nước vào tán cây để rửa trôi rệp. Nên tỉa bỏ những trái bị nhiễm ở giai đoạn đầu để tránh sự gia tăng mật độ rệp sáp. Tìm diệt các loại kiến có hại để hạn chế sự lây lan. Hạn chế trồng xen với những loại cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu. Phun thuốc khi thấy mật độ rệp sáp cao, các loại thuốc như Pyrinex, Supracide, Admire, DC Tronplus,...Khi phun có thể kết hợp các loại chất bám dính  để tăng hiệu quả sử dụng thuốc.

Bệnh thối trái (do nấm Phytophthora sp.)

Để phòng trị, nên tỉa bỏ các cành gần mặt đất vì khi trái gần chín sẽ dễ nhiễm bệnh từ đất trong mùa mưa. Cần lưu ý cắt bỏ và thu gom các trái bị bệnh rơi rụng trong vườn đem tiêu hủy. Phun luân phiên Mataxyl 25WP, Dizeb M45 80WP, Aliette 80 WP theo nồng độ khuyến cáo, khoảng 2-3 lần, cách ly ít nhất 14 ngày trước thu hoạch.

Bệnh khô cháy hoa (do nấm Phyllostica sp. hoặc Pestalotia sp.)

Tỉa thoáng tán cây cho ánh sáng xuyên qua tán cây làm giảm độ ẩm sẽ hạn chế được bệnh. Phòng trị bằng các loại thuốc Bendazol 50WP, Score 250EC, COC 85WP theo khuyến cáo vào giai đoạn trước khi hoa nở để phòng bệnh.

Bệnh chổi rồng (đọt chổi)

Trồng giống kháng bệnh như xuồng cơm vàng, nhãn idor, cắt tỉa cành đồng bộ. Vệ sinh vườn, cắt bỏ và tiêu hủy các chồi bị bệnh. Phun nước với áp lực mạnh để hạn chế mật độ nhện. Bón phân cân đối để ra đọt đồng loạt và phun thuốc trừ nhện vào giai đoạn chồi non. Các loại thuốc sử dụng Confidor, Ortus, Comite,... phun liên tục 2-3 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày. Nên luân phiên các loại thuốc hóa học.

Thu hoạch, bảo quản

Thời gian thu hoạch

Nhãn xuồng thu hoạch từ  84-86 ngày, nhãn idor 130-135 ngày. Cần xác định đúng độ chín mới thu hoạch. Trái chín có da láng, màu sậm, thịt đặc, hột đen, vị ngọt, hương vị thơm đặc trưng.

Thời điểm thu hoạch

Thu hoạch vào sáng sớm, cắt nguyên chùm trái bỏ bớt lá và cho vào sọt có lót lá.

Bảo quản

Bảo quản trong điều kiện thường (25-300C) nhãn có thời gian bảo quản ngắn (3-4 ngày) là vỏ đã đổi màu. Bảo quản ở nhiệt độ 180C, ẩm độ môi trường không khí 90-95% sẽ giữ được màu sắc và độ tươi của quả nhãn lâu hơn. Dùng bao nilon có 15-20 lỗ nhỏ/dm2 để bảo quản nhãn sẽ hạn chế được cường độ hô hấp của quả tươi và bảo quản quả nhãn kéo dài hơn 2-4 ngày so với cách bảo quản thông thường.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn như trên có thể áp dụng để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, đem đến nhiều lợi thế so với sản xuất truyền thống.

Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật này sẽ nâng cao được năng suất từ 10-20% và tăng chất lượng trái. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% cho người sản xuất. Ước tính, lợi nhuận vườn nhãn xuồng giai đoạn kinh doanh đạt 275 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận là 3,67 lần.

Các biện pháp dễ thực hiện, có thể nhân rộng ở các vùng trồng nhãn như huyện Cần Giờ, Củ Chi (TP.HCM), huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) và những vùng có điều kiện tương tự. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhà vườn sản xuất nhãn.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững

Địa chỉ: Khu 6, ấp Bàu Cát, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Người liên hệ: ThS. Vũ Mạnh Hà

Điện thoại 0987171725

Email: ha.nnbenvung@gmail.com

Website: nongnghiepbenvungcsa.com

Xem video giới thiệu tại đây

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả