SpStinet - vwpChiTiet

 

Sản xuất chế phẩm sinh học từ vi khuẩn Pseudomonas sp.

Chủng vi khuẩn Pseudomonas sp. (đã được định danh là chủng Pseudomonas putida ĐL7) được lên men tạo ra chế phẩm sinh học, giúp tăng khả năng phòng trừ bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra trên cây cà chua.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacaerum gây ra thường có các triệu chứng biểu hiện ngay sau khi vi khuẩn xâm nhập vào rễ hoặc phần thân sát mặt đất. Ở cây bị bệnh, ban ngày lá cây héo rũ xuống, ban đêm có thể phục hồi. Dần dần, hiện tượng héo tiếp tục lan đến các lá phía dưới, cuối cùng toàn bộ tán lá bị héo và cây chết hàng loạt.

Bệnh héo xanh hại cà chua là một trong những bệnh hại nghiêm trọng nhất ở hầu khắp các vùng trồng cà chua trên thế giới, nhất là các vùng có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt và những vùng khí hậu ấm và ẩm. Ở Việt Nam, bệnh héo xanh phổ biến ở các vùng sản xuất cà chua, khoai tây, thuốc lá, đậu phộng, với mức độ nhiễm bệnh biến động tùy thuộc chủng loại cây trồng, vùng sinh thái và có tính mùa vụ, tùy thuộc điều kiện thời tiết. Bệnh xuất hiện nhiều trong mùa nóng ẩm (tháng 4 đến tháng 10) và có xu thế giảm nhẹ ở những tháng mùa khô (tháng 11 đến tháng 3).

Việc dùng nhiều loại thuốc hóa học phòng chống bệnh trong thời gian dài sẽ làm mất cân bằng trong quần thể vi sinh vật đất có ích. Dư lượng thuốc trừ sâu hóa học sẽ gây tác hại đối với sức khỏe con người, vật nuôi và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Vì vậy, việc sản xuất chế phẩm sinh học dùng vi khuẩn Pseudomonas sp. có khả năng tạo ra kháng sinh giúp kiểm soát vi khuẩn R. solanacearum gây bệnh héo xanh trên cây cà chua là rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ P. putida ĐL7 có khả năng đối kháng với vi khuẩn R. solanacearum

Mô tả quy trình:

+ Nhân giống cấp 1:

- Giống vi khuẩn P. putida ĐL7 được nhân giống trong môi trường King’s B đã được hấp khử trùng ở 1210C trong 15 phút, nuôi cấy lắc 150 vòng/phút ở 280C trong 48 giờ.

- Lên men chính: chuyển 5% giống cấp 1 vào bioreactor chứa môi trường NBRIP - rỉ đường (National botanical research institute's phosphate - rỉ đường). Cài đặt, vận hành và duy trì các thông số cho hệ thống lên men (pH 7, DO 60-80%, nhiệt độ 280C). Quá trình lên men được tiến hành trong 28 giờ.

- Trộn sinh khối vi khuẩn vào chất độn phân trùn quế đã được hấp khử trùng ở 1210C trong 60 phút sao cho mật độ vi khuẩn trong chất độn trong khoảng 1010 CFU/g. Ủ ở 280C trong 3 ngày. Phơi đến khi độ ẩm đạt 15-20%.

+ Chế phẩm được đóng gói trong túi tráng bạc và bảo quản ở nhiệt độ 30 ± 20C.

+ Kiểm tra một số chỉ tiêu như: mật độ vi khuẩn P. putida ĐL7 trong chế phẩm (>1,0 x 108 CFU/g), độ ẩm (15-20%), hoạt tính đối kháng với vi khuẩn R. solanacearum (8 ± 0,2 mm).

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Quy trình cho phép tạo ra chế phẩm sinh học từ vi khuẩn P. putida ĐL7, có khả năng đối kháng với vi khuẩn R. solanacearum trong điều kiện nhà màng. Sau 6 tháng bảo quản, mật độ vi khuẩn P. putida ĐL7 trong chế phẩm là 2,76 x 108 CFU/g, độ ẩm 18,14% và hoạt tính đối kháng với vi khuẩn R. solanacearum vẫn giữ ổn định (8 ± 0,2 mm).

Liều lượng chế phẩm sinh học từ vi khuẩn P. putida ĐL7 là 3 g/cây có thể xem là mức tối thiểu mang lại hiệu lực phòng ngừa bệnh héo xanh do vi khuẩn R. solanacearum gây ra trên cây cà chua (khoảng 65%).

Chi phí cho sản xuất 1 mẻ lên men (quy mô 5L) khoảng 3,5 triệu đồng, tạo ra được 25 kg chế phẩm (giá thành khoảng 140,7 ngàn đồng/kg). Khi triển khai sản xuất ở quy mô lớn hơn (doanh nghiệp), giá thành sẽ thấp hơn nhiều.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. CN. Trần Hải My

ĐT: 0901 415 828. Email: haimytran272@gmail.com

2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 38862726.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả