SpStinet - vwpChiTiet

 

Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước

Nghề nuôi tôm ở Việt Nam hiện nay không những mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi, mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi siêu thâm canh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Trong năm 2019, sản lượng thủy sản của Việt Nam đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước đó với sự đồng đều từ tất cả các ngành lẫn các loại. Tính chung trong cả năm 2019, tổng sản lượng tôm đạt 1.034,8 nghìn tấn, tăng 6,8%. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 20,6% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 696,2 triệu USD. Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kì vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2020.

Thời gian gần đây, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh gặp nhiều khó khăn: tôm nuôi chậm lớn hơn so với những năm đầu chuyển đổ, bệnh tôm xuất hiện nhiều và diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường...Trong khi đó, các giải pháp nuôi tôm bằng quy trình hóa chất, kháng sinh trước đây chưa mang lại hiệu quả ổn định, mà ngược lại, do áp dụng lâu, đã làm cho nghề nuôi tôm đứng trước những thách thức lớn về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm cảnh khó khăn.

Hiện nay, một số hộ nuôi vẫn còn tình trạng thiếu ý thức: xả nước thải, nước tôm nhiễm bệnh trực tiếp ra kênh rạch công cộng, ảnh hưởng chung đến vùng nuôi. Tình trạng bồi lắng quá nhanh của các tuyến kênh dẫn đến thiếu nước cục bộ ở một số khu vực; dịch bệnh có xu hướng lây lan mạnh, khó kiểm soát.

Ngoài nguyên nhân khách quan (thời tiết biến đổi, con giống kém chất lượng, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng...), sự chủ quan trong quy trình nuôi (nhất là việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh) đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu long. Giải pháp nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học tháo gỡ các bất cập nêu trên, giúp phát triển ngành nuôi tôm bền vững.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước ứng dụng kỹ thuật Biofloc, tái sử dụng một phần chất thải sinh ra trong ao nuôi (như phân tôm, thức ăn dư thừa, xác tôm lột…) để tạo thành nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Sơ đồ vận hành hệ thống ao nuôi

Mô hình hoạt động theo nguyên lý duy trì tỷ lệ carbon: nitơ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dị dưỡng phát triển kết hợp các vật chất hữu cơ trong ao nuôi tạo thành các hạt lơ lửng trong nước (hạt floc) làm thức ăn cho tôm.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước đã được Tổng cục Thủy sản công nhận tiến bộ kỹ thuật vào ngày 03/5/2017.
  • Quy trình này dễ thực hiện, phù hợp với quy mô nông hộ và quy mô trang trại, phù hợp với tình hình nuôi tôm siêu thâm canh ở những vùng có độ mặn không ổn định và triều cường thấp. Chi phí đầu tư ở mức độ phù hợp, nông dân dễ tiếp cận.
  • Tính đến nay, quy trình đã ứng dụng trên 1.472 địa chỉ tại 23 tỉnh/thành trên cả nước tiếp nhận công nghệ với tỷ lệ thành công lên đến 96% (giai đoạn ương) và 83% (giai đoạn nuôi).

Hiệu quả kinh tế

  • Việc sử dụng các hạt floc giúp người nuôi giảm được lượng thức ăn viên công nghiệp góp phần giảm chi phí nuôi từ 10-20% so với cách nuôi thông thường.
  • Mô hình cho phép giảm hiện tượng tôm chết dưới 1 tháng tuổi; tăng năng suất trung bình từ 100-200 tấn/ha, tăng số vụ nuôi từ 3-4 vụ/năm và đặc biệt giảm rủi ro lây nhiễm do không hoặc ít thay nước từ các ao nuôi ra ngoài môi trường, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh

Địa chỉ: Ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Điện thoại: 02913.980.879

Email: trucanhth@gmail.com

Thu Thủy (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả