SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình tái canh cây cà phê đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững

Trong điều kiện thiếu nguồn nước tưới, hạn hán đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ứng dụng các giải pháp giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, phân bón và chi phí công lao động là vấn đề quan trọng trong sản xuất.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 688,3 ngàn ha. Diện tích cà phê của Tây Nguyên chiếm khoảng 90% diện tích cả nước, trong đó diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi chiếm khoảng 15% (86.000 ha), diện tích cà phê từ 15-20 năm tuổi chiếm khoảng 25% (140.000 ha). Năm 2018, năng suất bình quân đạt 26 tạ/ha, 8 tháng đầu năm 2019 ước tính xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 1,17 triệu tấn đạt kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD (Cục Trồng trọt, 2019).

Trong thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu về các giải pháp kỹ thuật phục vụ cho tái canh và sản xuất cà phê bền vững ở Tây Nguyên như sử dụng giống năng suất cao, phẩm cấp hạt lớn và kháng bệnh gỉ sắt; giải pháp sử dụng phân bón hợp lý, cân đối; giải pháp tưới nước; trồng cây che bóng, quản lý sâu bệnh hại,...Các giải pháp này cũng đã được một bộ phận nông dân áp dụng có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất việc tái canh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do người nông dân nắm bắt về các tiến bộ kỹ thuật chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Đặc biệt là lựa chọn loại vườn trước khi thanh lý để đưa ra thời gian luân canh hợp lý chưa đảm bảo, nguồn gốc giống không rõ ràng, sử dụng các loại cây giống chưa thích hợp làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tái canh.

Hơn nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến thiếu nguồn nước tưới, hạn hán đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng thì việc ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, phân bón và chi phí công lao động là vấn đề quan trọng trong sản xuất cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện

* Nguồn giống

Trong vòng 20 năm qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cà phê và đạt được một số kết quả sau:    

– Giống cà phê vối TR4, TR5, TR6, TR7 và TR8 được công nhận chính thức và đưa vào sản xuất năm 2006 (Quyết định số 1086/QĐ-BNN-KHCN, ngày 14/04/2006).

– Giống cà phê vối TR9, TR11, TR12 và TR13 được công nhận chính thức và đưa vào sản xuất năm 2011 (Quyết định số 175/QĐ-TT-CCN, ngày 04/05/2011).

– Giống cà phê vối lai TRS1 được công nhận chính thức năm 2015 (Quyết định số 4539/QĐ-BNN-TT ngày 05/11/2015).

– Giống cà phê vối chín muộn chất lượng cao TR14, TR15 đã được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 2812/QĐ-BNN-TT, ngày 07/72016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các giống cà phê vối đã được công nhận và phổ biến trong sản xuất bằng con đường nhân giống vô tính. Việc tổ chức sản xuất cần dựa vào tính đặc trưng của mỗi giống để phân loại tầm chín, khuyến cáo bộ giống chín sớm, chín trung bình hoặc chín muộn, từ đó bố trí cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu và từng giai đoạn canh tác.

  • Bộ giống chín trung bình (tầm chín từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12)

Giống TR4: sinh trưởng khỏe, phân cành nhiều; năng suất thời kỳ kinh doanh đạt trên 7 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm trên 70%; khối lượng 100 nhân từ 17-18g; tỷ lệ tươi/nhân 4,1- 4,2; kháng gỉ sắt cao; thời điểm chín giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.

Giống TR5: năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt 5-6 tấn nhân/ha; kích cỡ hạt rất lớn, hạt loại R1 chiếm trên 90%, khối lượng 100 nhân từ 20-21g; tỷ lệ tươi/nhân 4,2-4,4; kháng bệnh gỉ sắt cao; thời điểm chín vào đầu tháng 11 đến đầu tháng 12.

Giống TR7: năng suất thời kỳ kinh doanh đạt trên 4 tấn nhân/ha, năng suất ổn định và không cách năm; hạt loại R1 chiếm trên 70%; khối lượng 100 nhân từ 17-18g; tỷ lệ tươi/nhân 4,3-4,4; thời điểm chín giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.

Giống TR8: sinh trưởng rất khỏe; cho năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt trên 4 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm trên 68%; khối lượng 100 nhân từ 17-18g; tỷ lệ tươi/nhân 4,3-4,4; bị bệnh gỉ sắt nhẹ; thời điểm chín từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.

Giống TR13: năng suất vào thời kỳ kinh doanh đạt trên 5 tấn nhân/ha, hạt loại R1 chiếm trên 90%; khối lượng 100 nhân từ 19-20g; tỷ lệ tươi/nhân: 4,2-4,4; kháng rất cao bệnh gỉ sắt; thời điểm chín tập trung vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12.

  • Bộ giống chín hơi muộn (chín từ giữa tháng 11 đến cui tháng 12)

Giống TR9: cành cơ bản nhiều, lóng đốt nhặt; năng suất 5-6 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm từ 95-98%; khối lượng 100 nhân 24-25g, tỷ lệ tươi/nhân 4,2-4,3; kháng gỉ sắt cao; thời điểm chín tập trung trong tháng 12.

Giống TR11: cành to, khỏe, tán khá rộng, lóng đốt hơi thưa; năng suất 5-6 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm 77,2%; khối lượng 100 nhân 18,5g; tỷ lệ tươi/nhân thấp 4,1-4,2; kháng gỉ sắt cao, hoàn toàn chưa bị bệnh; thời điểm chín tập trung trong tháng 12.

Một số lưu ý chăm sóc và sử dụng: thâm canh cao, vào thời điểm mưa nhiều sẽ khó tiếp hợp, ghép thích hợp trong mùa khô, tán lớn nên có thể trồng với khoảng cách 3,5x3,5m. Sử dụng hạt giống lai tổng hợp để trồng vì con lai của dòng TR11 rất ít phân ly.

Giống TR12: cành cơ bản nhiều, lóng đốt nhặt; năng suất trung bình 5 tấn nhân/ha, khối lượng 100 nhân trung bình 25g, hạt loại R1 đạt 98%, tỷ lệ tươi/nhân 4,3; kháng cao với bệnh gỉ sắt. Thời gian thu hoạch hàng năm từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12.

Lưu ý trong chăm sóc và sử dụng: thâm canh cao, tạo hình mạnh, cành tăm nhiều, tán nhỏ, hạt rất to, sử dụng như dòng bố mẹ trong sản xuất hạt lai là phù hợp.

  • Bộ giống chín muộn (tầm chín từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau)

Giống TR6:  cành khỏe, ít phân cành; năng suất đạt 5-6 tấn nhân/ha; hạt loại R1 chiếm trên 75%; khối lượng 100 nhân 17,5g; tỷ lệ tươi/nhân thấp 4,1-4,2; kháng gỉ sắt cao; thời điểm chín từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1 năm sau.

Một số lưu ý trong chăm sóc và sử dụng: thâm canh cao, có khả năng chịu hạn tốt, áp dụng những nơi có điều kiện bảo vệ tốt do đặc tính giống TR6 chín muộn.

Bên cạnh các giống cà phê vối đã được công nhận ở những giai đoạn trước, giai đoạn 2011 - 2015 đã chọn được 2 dòng cà phê vối (TR14, TR15) chín muộn, chất lượng cao và đặc biệt là có khả năng tiết kiệm được lượng nước tưới nhờ đặc tính sinh lý của giống. Đây là các dòng cà phê vối có nhiều ưu việt trong điều kiện biến đổi khí hậu khô hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm áp lực công lao động. Có thể khuyến cáo áp dụng cho những diện tích tái canh với quy mô lớn, có điều kiện an ninh, bảo vệ sản phẩm tốt. Ngoài ra, ở một số địa phương còn có một số giống cà phê có các đặc điểm nông học khá tốt, phù hợp với sinh thái của vùng như: Cà phê dây của Đắk Nông; Xanh lùn, Thiện Trường, Hữu Thiên của Lâm Đồng… cũng góp phần đáng kể trong việc bổ sung cơ cấu giống phục vụ chương trình tái canh cây cà phê.

* Giống cà phê vối lai TRS1: giống cà phê vối lai TRS1 được tạo ra từ 4 dòng vô tính TR4, TR9, TR11, TR12 bằng phương pháp lai tổng hợp có kiểm soát (tưới nước cách ly vào thời điểm hoa nở). Giống cà phê vối lai TRS1 có đặc tính nhân giống bằng hạt. Đây là giống cho năng suất cao, chất lượng hạt tốt không thua kém so với các giống chọn lọc bằng con đường vô tính. Năng suất trung bình trên 5 tấn/ha, khối lượng 100 nhân trung bình 20,1g, tỷ lệ tươi/nhân 4,1. Tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh gỉ sắt dưới 10%.

Lưu ý: nếu cưa ghép cải tạo những cây có năng suất thấp do đặc tính phân ly và những cây bị bệnh gỉ sắt nặng sẽ cải thiện tính đồng đều của vườn cây.

* Sản xuất cây giống

  • Sản xuất cây giống sạch bệnh: các phương pháp xử lý tuyến trùng trên đất ươm cây con gồm: xử lý nhiệt, sinh học, hóa học..Trong đó, biện pháp xử lý nhiệt cho 1 lớp đất mỏng khoảng 10-15cm bằng cách phơi nắng có kết hợp che phủ nilon thấu quang để nâng nhiệt độ bên dưới tấm phủ là biện pháp thực hiện đơn giản, rẻ tiền và không gây ô nhiễm môi trường. Sau khi cắm cây con vào bầu cần phải xử lý các loại thuốc hóa học, sinh học định kỳ và ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học.

Đối với nền đất để làm vườn ươm cần phải xử lý kỹ bằng vôi, thuốc xông hơi BASAMID, rạch rãnh thoát nước... để hạn chế tuyến trùng xâm nhập vào bầu đất.

  •  Sản xuất cây giống 2 năm tuổi có kích thước bầu lớn: hiện nay, một số mô hình trồng tái canh ngay sử dụng cây giống 2 năm tuổi có kích thước bầu lớn (30x40cm) khá thành công. Mô hình luân canh 1 năm tại Công ty Cà phê Tháng 10, sau 18 tháng trồng có khả năng sinh trưởng tốt, khá đồng đều, ở giai đoạn đầu cây con sinh trưởng khỏe hơn so với các loại bầu cây giống khác, tỷ lệ cây sống rất cao (đạt trên 97%) và tỷ lệ cây vàng lá thấp (5,5%).

Bảng 1. Khả năng sinh trưởng của cây cà phê vối bầu lớn sau 18 tháng trồng

Chỉ tiêu

Đường kính gốc
(mm)

Dài cành cơ bản
(cm)

Cặp cành cơ bản

1 tháng

18 tháng

1 tháng

18 tháng

1 tháng

18 tháng

Trung bình

7,0

39,2

25,9

117,4

6,7

18,5

CV (%)

20,0

9,9

25,5

9,1

18,4

13,4


Bảng 2. Tỷ lệ cây sống, cây vàng lá của cây cà phê vối bầu lớn sau 18 tháng trồng

Chỉ tiêu

Tỷ lệ cây vàng lá (%)

Tỷ lệ cây sống (%)

1 tháng

6 tháng

12 tháng

18 tháng

6 tháng

12 tháng

18 tháng

Trung bình

10,1

0,8

0,6

5,5

99,0

99,2

97,5


Mô hình tái canh ngay cà phê vối sau 18 tháng trồng


Mô hình tái canh ngay tại Công ty cà phê 706 sau 42 tháng trồng

* Các biện pháp kỹ thuật tái canh cà phê

  • Lựa chọn vườn cây: cần xác định loại vườn trước khi thanh lý để có thời gian trồng và luân canh phù hợp.

+ Vườn không phải tái canh

– Tuổi vườn cây dưới 25 năm, cây sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất từ 2 tấn nhân/ha trở lên, không bị bệnh vàng lá, chết cây thì tiếp tục khai thác.

– Tuổi vườn cây dưới 25 năm, cây sinh trưởng phát triển khỏe, có khả năng tái sinh chồi, bộ rễ tốt, rễ ngang không trồi lên mặt đất, quả nhỏ, năng suất kém, dưới 1,8 tấn nhân/ha thì cưa ghép cải tạo (vườn dưới 20 năm tuổi sẽ kéo dài chu kỳ khai thác).

– Tuyến trùng: tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong đất dưới 50 con/100g đất, tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong rễ dưới 70 con/5g rễ.

– Nấm: mật độ nấm Fusarium spp.Rhizoctoniaspp. trong đất dưới 103 cfu/g đất, tần suất xuất hiện nấm Fusarium spp.Rhizoctoniaspp trong rễ dưới 20%.

+ Vườn tái canh ngay

– Tuổi vườn cây trước thanh lý trên 20 năm, sinh trưởng kém, bộ rễ khỏe, có một vài vết thâm đen ở đầu rễ nhưng không bị vàng lá, chết cây do tuyến trùng và nấm gây hại, năng suất thấp, từ 1,8 tấn nhân/ha trở xuống.

– Tuyến trùng: tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong đất dưới 100 con/100g đất, tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong rễ dưới 150 con/5g rễ

– Nấm: mật độ nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp. trong đất từ 103 cfu/g đất trở xuống, tần suất xuất hiện nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp trong rễ từ 20% trở xuống.

+ Vườn luân canh 1 năm

– Tuổi vườn cây từ 20 năm trở lên, sinh trưởng kém, bộ rễ khỏe, có nhiều vết thâm đen hoặc u sưng ở đầu rễ, tỷ lệ cây chết cây vàng lá trước khi thanh lý dưới 10%, năng suất từ 1,8 tấn nhân/ha trở xuống.

– Tuyến trùng: tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong đất 100-150 con/100g đất, tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong rễ 150-200 con/5g rễ.

– Nấm: mật độ nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp. trong đất từ 103 cfu/g đất trở lên, tần suất xuất hiện nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp trong rễ trên 20-30%.

+ Vườn luân canh 2 năm

– Tuổi vườn cây trên dưới 20 năm tuổi, sinh trưởng kém, bị nhiễm bệnh ở mức trung bình, tỷ lệ cây chết, cây vàng lá trước khi thanh lý từ 10-20%, năng suất từ 1,8 tấn nhân/ha trở xuống.

– Tuyến trùng: tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong đất trên 150-200 con/100g đất, tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong rễ trên 200-250 con/5g rễ.

– Nấm: mật độ nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp. trong đất từ 103 cfu/g đất trở lên, tần suất xuất hiện nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp. trong rễ trên 30-40%.

+ Vườn luân canh từ 3 năm trở lên

– Tuổi vườn cây trên dưới 20 năm tuổi, sinh trưởng kém, bị nhiễm bệnh nặng, tỷ lệ cây chết, cây vàng lá trước khi thanh lý trên 20%, năng suất từ 1,8 tấn nhân/ha trở xuống.

– Tuyến trùng: tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong đất trên 200 con/100g đất, tổng số các loại tuyến trùng ký sinh trong rễ trên 250 con/5g rễ.

- Nấm: mật độ nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp. trong đất từ 103 cfu/g đất trở lên, tần suất xuất hiện nấm Fusarium spp.Rhizoctonia spp trong rễ trên 40%.

  • Xử lý trước trồng

+ Làm đất, vệ sinh đồng ruộng:

– Nhổ cây sau khi thu hoạch xong (tháng 11-12), cày rà rễ lần thứ nhất vào tháng 11-12; phơi đất sau 2 tháng cày rà rễ lần thứ 2 vào tháng 1-2; đào hố vào tháng 4-5.

– Phát quang bờ lô, xử lý cỏ dại.

+ Chuẩn bị hố trồng:

– Đào hố: kích thước 80x80x80cm

– Bón lót: phân chuồng (18 kg/hố), lân (0,5 kg/hố), vôi (1 kg/hố) trước khi trồng từ tháng 4-5.

  • Phương pháp trồng

– Vị trí đặt bầu: giữa hố trồng, trồng âm cách mặt đất 15-20 cm.

– Che bóng chắn gió: trồng dày muồng hoa vàng ở năm trồng mới (cách 1 hàng gieo 1 hàng muồng); trồng cây che bóng (cây keo dậu, cây muồng đen, cây keo me) với khoảng cách 9x12m.

  • Chăm sóc sau trồng

Chăm sóc, bón phân, tưới nước theo quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT năm 2016.

  • Phòng trừ sâu bệnh

– Sử dụng các loại chế phẩm sinh học có các thành phần Trichoderma, Paecilomyces, Bacillus, Metarhizium, Azotobacter, Streptomyces... hoặc chế phẩm có hoạt chất Abamectin để xử lý hố trước khi trồng và xử lý vào gốc cà phê hàng năm sau khi trồng. Cách thức xử lý các loại chế phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Sử dụng thuốc hóa học: khi vườn cây xuất hiện sâu bệnh hại.

+ Tuyến trùng: xử lý các loại thuốc có hoạt chất Ethoprophos (min 94%) vào tháng 6, chia làm 2 đợt cách nhau 20 ngày. Liều lượng và cách xử lý theo hướng dẫn trên bao bì.

+ Mối: sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Imidacloprid (min 96%) phun trên cây hoặc vào gốc những cây bị mối, phun lặp lại lần 2 sau 20 ngày. Xử lý vào lúc trời mát, đất ẩm.

+ Rệp: sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Spirotetramat (min 96%) phun lên lá những cây bị rệp tấn công, phun lặp lại làn 2 sau 20 ngày. Xử lý vào lúc trời mát, đất ẩm.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Khi áp dụng đúng và đồng bộ quy trình tái canh sẽ giúp người trồng cà phê xác định được thời gian luân canh hợp lý, rút ngắn thời gian bỏ hóa đất.

Các biện pháp kỹ thuật làm đất, xử lý đất, trồng và chăm sóc đảm bảo giảm tỷ lệ cây bị vàng lá, cây chết trên vườn. Sử dụng giống đúng nguồn gốc, chất lượng sẽ đảm bảo nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả của tái canh cây cà phê.

Thông tin liên hệ

ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai

Bộ môn Cây Công nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Điện thoại: 0937 127 864

Email: thanhmaiwasi@gmail.com

Thu Thủy (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả