SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình sản xuất lan Dendrobium

Lan Dendrobium có giá trị cao nhưng muốn trồng thành công thì người trồng phải nắm được một số đặc điểm về sinh trưởng, điều kiện sống cũng như một số biện pháp kỹ thuật phù hợp để làm tăng giá trị sản phẩm của lan Dendrobium để có thể cạnh tranh trong ngành công nghiệp hoa lan ngày càng phát triển như hiện nay.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Lan Dendrobium là nhóm hoa lan rất phong phú về màu sắc và hình dạng hoa, cũng như thích nghi tốt với môi trường sống khác nhau. Vì thế, nhóm lan này chiếm thị phần lớn trên thị trường hoa lan trồng chậu và cắt cành. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong năm 2017, diện tích trồng lan đạt 359 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2018 ước đạt 5,2 triệu chậu lan (tăng 2,8% so với cùng kỳ), 5,8 triệu cành lan (tăng 3,6% so với cùng kỳ).

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Thiết kế nhà lưới trồng lan

- Khung nhà lưới: tùy theo quy mô trồng mà diện tích nhà lưới có thể khác nhau. Nhà lưới có chiều cao từ 3,5-4,0 m là phù hợp, vừa chống chịu được giông, gió tại khu vực trồng, vừa đảm bảo được sự thông thoáng che mát cho giống Dendrobium phát triển. Trụ nhà lưới có thể làm bằng trụ bê tông (kích thước 15x15 cm hoặc 20x20 cm) hoặc bằng sắt có tráng kẽm (ɸ 90x3,5 mm). Chiều cao trụ từ 3,5–4,0 m sau khi đã trừ phần trụ chôn xuống dưới đất.

Lưới che mát dùng cho nhà lưới trồng lan Dendrobium nên sử dụng loại lưới che 50% ánh sáng. Màu sắc lưới nên dùng loại xanh đen là phù hợp. Lưới che nên căng dọc chiều dài của luống trồng và đảm bảo hướng tốt nhất là theo hướng Đông - Tây để tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây lan.

- Giàn treo hay giàn đặt chậu: Giàn trồng lan được thiết kế theo hướng vuông góc với đường đi ánh sáng, do hoa lan thích ánh nắng buổi sáng, không thích ánh nắng chiều. Nếu không thiết kế được như ý muốn thì phải chú ý khi cây ra phát hoa, đến một thời điểm phải xoay chuyển chậu ở các vị trí khác nhau, nếu không phát hoa sẽ mọc nghiêng hết về phía mặt trời mọc, chậu hoa sẽ mất cân đối và không đẹp.

  • Giàn treo: tốt nhất là làm bằng thép không rỉ, hoặc gác bằng cây tầm vông, tre hay ống nước tròn để móc chậu lan. Giàn treo nên làm cao khoảng 1,8m để khi đi vào chăm sóc không bị đụng đầu. Các cây treo phải gác song song, cách nhau khoảng 30cm, cứ 5 cây treo tạo một lối đi rộng 0,6m để tiện đi lại và chăm sóc.
  • Giàn để chậu lan: cao khoảng 0,8m làm bằng thép không rỉ. Các giàn được thiết kế song song, cách nhau một lối đi khoảng 0,6m để dễ chăm sóc. Kiểu trồng này không phải tốn móc treo, đồng thời tiết kiệm được diện tích, đặt được nhiều chậu. Đây là mô hình trồng phổ biến nhất hiện nay ở các nhà vườn.

Thời vụ trồng

Lan Dendrobium thuộc nhóm ưa nóng và ưa sáng. Nhiệt độ thích hợp từ 25-350C. Đối với khu vực phía Nam, cây lan Dendrobium có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn nên trồng vào thời điểm bắt đầu mùa mưa (từ tháng 5-11), khi nhiệt độ ngoài trời giảm, ẩm độ không khí cao, cây nhanh phục hồi và ra rễ sớm. Thời điểm cuối mùa mưa, khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, vào ban đêm (khoảng tháng 11-12 Dương lịch) nhiệt độ xuống thấp dễ gây hiện tượng vàng lá, tuột lá chân trên cây lan, do đó không nên xuống giống vào thời điểm này.

Chọn giống

Giống lan Dendrobium rất phong phú, tùy vào sở thích của người trồng để chọn giống cho phù hợp.

Cây giống lan Dendrobium hiện đang được các nhà vườn sử dụng trồng sản xuất là cây cấy mô từ những cây lan có kiểu hoa đẹp, lạ, dễ tiêu thụ. Cây lan cấy mô có ưu điểm là cây sạch bệnh, số lượng nhiều, độ đồng đều cao, dễ chăm sóc và thu hoạch cùng lúc. Người trồng lan có thể chọn cây giống theo 2 dạng như sau:

  • Cây lan cấy mô còn trong chai đã phát triển đầy đủ thân, lá, rễ đủ tiêu chuẩn ra vườn ươm: khi đưa chai mô ra khỏi phòng thí nghiệm, chuyển về vườm ươm không làm vỡ môi trường thạch ở bên trong. Sau đó xếp chai vào khu vực vườn ươm có mái che để thuần hóa cây giúp cây thích nghi dần với điều kiện ngoại cảnh bên ngoài phòng thí nghiệm. Thời gian này mất khoảng 7-10 ngày. Sau đó lấy cây ra khỏi chai, rải trên rổ có giá thể là xơ dừa hoặc dớn trắng, tiếp tục giữ cây trong nhà có che. Phun qua một lượt thuốc phòng trừ nấm bệnh (Antracol 70WP, Ridomil Gold 68WG hoặc Aliette 800WG), liều lượng pha thuốc là 1g/lít nước. Tuần đầu tiên phun nước đủ ẩm giá thể, không để úng dễ làm cây bị thối lá, thối rễ. Tiếp theo, định kỳ phun chất kích thích ra rễ (1 tuần/lần) liên tục 3-4 tuần, lượng phun 1–1,5 ml/l nước. Sau đó, định kỳ phun luân phiên phân bón lá (NPK 30-10-10, Phân bón lá trùn quế BiO 01) 1 tuần/1 lần. Khi cây ra rễ mới, phát triển  khỏe sẽ tiến hành bó cây bằng xơ dừa, đặt vào vỉ nhựa tiếp tục chăm sóc.
  • Cây lan lứa: giai đoạn cây mô ra vườn ươm khoảng 6 tháng tuổi, lúc này cây cao khoảng 8-10cm, có từ 1-2 giả hành/cây.

Cây giống mang về được sắp xếp vào chỗ mát 1–2 ngày. Cắt bỏ lá vàng, lá gãy dập, đặt cây vào vỉ nhựa, hoặc xếp vào rổ để cây đứng thẳng. Phun qua một lượt thuốc phòng trừ nấm bệnh (Antracol 70WP hoặc Ridomil Gold 68WG hoặc Aliette 800WG), liều lượng pha thuốc là 1gr/ 1lít nước. Sau 2-3 ngày phải trồng vào chậu.

Giá thể và cách trồng

+ Giá thể trồng: than gỗ và xơ dừa. Than dùng được chặt vừa nhỏ (1x3x2 cm) để tạo độ thông thoáng cho rễ cây hô hấp. Than được xả sạch qua nước trước khi dùng.  Xơ dừa được chặt khúc theo chiều dài 4–5 cm, rộng khoảng 3–4 cm, được ngâm nước khoảng 3-5 ngày, vớt ra xả lại nước cho bớt chất chát, để ráo nước trước khi trồng.

+ Cách trồng: trồng cây sát mép chậu và hướng chồi phát triển nằm phía trong. Trồng chặt và không bị lung lay để cây nhanh bén rễ. Sau khi trồng, xếp chậu lên giàn được che 2 lớp lưới (loại lưới che 50% ánh sáng), pha Vitamin B1 (1ml/l) phun ướt đẫm cây và giá thể. Khoảng 1 tuần sau có thể tiến hành phun phân bón và chăm sóc bình thường.

Tưới nước

Độ pH nước thích hợp với lan Dendrobium từ 6,0-7,0. Đối với các vùng có chất lượng nước ngầm tốt, nhà vườn có thể sử dụng nước không qua xử lý để tưới thẳng cho lan.

Nếu thiếu nước cây sẽ không phát triển và có thể bị chết khô. Khi nhìn thấy thân cây hoặc lá cây bị nhăn nheo là cây bị thiếu nước. Vào mùa hè chúng ta có thể tưới 2 lần/ngày, còn mùa đông chỉ tưới mỗi ngày một lần là đủ. Tưới quá nhiều nước, cây sẽ bị úng thủy, thối rễ và tạo cho cây dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm rồi chết. Vào những thời điểm ban đêm có sương mù hoặc lạnh, việc tưới sớm vào buổi sáng có thể giảm bớt được hiện tượng phát sinh bệnh trên lá do độ ẩm cao.

Phân bón

Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lan Mokara mà chế độ phân bón được điều chỉnh cho phù hợp. Phân bón cho lan Dendrobium về cơ bản chia theo 03 giai đoạn:

+ Giai đoạn 6 tháng đầu sau khi trồng: giai đoạn này cây lan còn yếu, bộ rễ chưa phát triển nên cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm cao nên kết hợp kết hợp cùng chất kích thích ra rễ để cây nhanh ra rễ và lá mới, nhanh lên giả hành mới. Lần lượt phun luân phiên như sau: Phun NPK 30 – 10 – 10 + BiO 01 => 30 – 10 – 10 => 20 – 20 – 20 +BiO 02 => NPK 30 – 10 – 10 (Liều lượng 1,5–2gr/l), đồng thời kết hợp luân phiên với chất kích thích ra rễ (Terasorb 4, Vitamin B1, Rootplex…), liều lượng 1g/1lit  nước trong mỗi lần phun phân. Định kỳ phun 7 ngày/1 lần.

+ Giai đoạn 12-18 tháng (Giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa và nuôi hoa): phun theo quy trình NPK 30 – 10 – 10 + BiO 01 => 20 – 20 – 20 => NPK 20 – 20 – 20  + BiO 02 => NPK 6-30-30. Chất kích thích được phun kèm như giai đoạn đầu.

+ Kích thích ra hoa: sau khi cắt hoa hoặc đến giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa phun 6-30-30/10-55-10 để kích thích ra hoa. Phun định kỳ 3-4 ngày/1 lần. Kết hợp sử dụng phân bón lá trùn quế BiO 02,03,04. Khi xuất hiện phát hoa có thể phun bổ sung chất kích thích kéo dài phát hoa như HQ 102, Dekamont. Phun từ 1-2 lần/tháng.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Để kiểm soát sâu bệnh phát sinh trong vườn lan cần lưu ý những điểm sau:

-Cây lan giống được mua về cần phải kiểm tra kỹ các biểu hiện sâu, bệnh trên cây. Nếu cây khỏe mạnh không bị sâu bệnh hại sẽ tiến hành trồng chung với những cây khác. Tuy nhiên, nên phun một lượt thuốc phòng bệnh trước khi trồng bằng Ridomil Gold 68WG hoặc Carbenzim 500FL hoặc Staner 20WP…)

-Thường xuyên vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng, loại bỏ lá bị bệnh, nụ hoa bị sâu cắn phá. Xung quanh vườn không để nhiều cây cối rậm rạp tạo nơi ẩn náu cho côn trùng gây hại.

- Không nên trồng nhiều tầng (chậu treo phía trên, bên dưới là giàn để chậu), nếu cây treo ở trên bị bệnh sẽ làm rơi bào tử nấm bệnh xuống cây bên dưới khi tưới nước hoặc phun phân.

- Sau khi trồng khoảng 2 năm phải thay giá thể trồng. Nếu sử dụng giá thể bằng xơ dừa, thời gian thay sẽ ngắn hơn do xơ dừa dễ bị hoai mục, đọng nước, là môi trường thuạn lợi cho nấm bệnh phát sinh gây hại rễ.

- Thường xuyên quan sát vườn lan để phát hiện những cây lan bị sâu bệnh gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho vườn lan 7- 10 ngày/lần. Sử dụng luân phiên các loại thuốc khác nhau.

  • Thuốc trừ bệnh thường dùng là Aliette 800WG , Staner 20WP, Score 250EC, Mataxyl 50WP, Ridomil Gold 68WG, Dithane M45 80WP, Antracol 70WP.
  • Thuốc sâu: Sherpa25EC, Confidor100SL, Admire50EC, Regent800WG, Suprathion40EC.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Tận dụng đất vườn trống
  • Tận dụng công lao động nhàn rỗi
  • Thời gian xuất vườn nhanh: Trung bình từ 10-12 tháng sau trồng.

Hiệu quả kinh tế

-Chi phí đầu tư:

  • Xây dựng nhà lưới 1.000m2: 160 triệu
  • Giàn để chậu: 37 triệu
  • Hệ thống tưới phun: 25 triệu
  • Chi phí cây giống:90 triệu
  • Vật tư, nguyên liệu 1 năm: 35 triệu
  • Công lao động 1 năm: 36 triệu

- Lợi nhuận đạt được từ mô hình: 120 triệu/1.000m2/12 tháng

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Phòng Thực nghiệm Cây trồng – Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM

2374 QL 1A, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Tp.HCM

Email: tncaytrong@gmail.com

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả