SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình nuôi thỏ hộ gia đình

Thịt thỏ là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, hàm lượng đạm và nước cao, trong khi lượng mỡ và cholesterone thấp nên rất có lợi cho tim mạch và hệ tuần hoàn. Khác với chăn nuôi lợn, gà, vịt... thỏ có khả năng ăn được nhiều loại thức ăn thô, xanh. Do đó, người chăn nuôi có thể tận dụng nguồn sản phẩm phụ từ nông nghiệp hoặc rau lá cỏ có sẵn ngoài tự nhiên để làm thức ăn cho thỏ.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Hiện nay, nghề nuôi thỏ phát triển rất khả quan và hiệu quả nhờ đầu ra thông thoáng do sản lượng thịt thỏ cung cấp cho thị trường chưa nhiều và thịt thỏ là món ăn mới, ngon miệng, có thể chế biến đa dạng, phù hợp với các quán ăn từ bình dân đến các nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, giá bán thỏ thịt cũng ở mức ổn định với 70–80 ngàn đồng/kg thịt thỏ và 120 ngàn đồng/kg thỏ giống. Vì vậy, nuôi thỏ có thể xem như một nghề không những mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Điều kiện sản xuất

Nuôi thỏ quy mô hộ gia đình không yêu cầu cao về các điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, để tránh tác động đến môi trường xung quanh và gây hại sức khỏe con người, cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

  • Lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý: chuồng trại chăn nuôi cách xa khu sinh hoạt của gia đình càng tốt, không bị gió lùa hoặc đầu gió, thuận tiện cho chăm sóc, thuận tiện về nguồn nước, thuận lợi cho việc thu gom, xử lý chất thải.
  • Mật độ và diện tích chuồng nuôi: đảm bảo mật độ chăn nuôi từ 3-5 m2/con.
  • Xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi: xây dựng bể chứa chất thải lỏng và ủ phân có nắp đậy. Tiến hành thu gom phân, rác hằng ngày trước khi xịt nước rửa chuồng để đưa vào hố ủ hoai mục làm phân bón.
  • Vệ sinh, khử trùng chuồng trại: hằng ngày tiến hành dọn vệ sinh phân rác và nước tiểu vật nuôi, đồng thời định kỳ hàng tuần quy định 1 ngày để thực hiện tổng vệ sinh, phun khử trùng bằng thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.
  • Trồng cây xanh: nên trồng các loại cây như nhãn, vải, keo dậu, muồng… để tạo bóng mát và chắn được gió lạnh, gió nóng, ngoài ra cây xanh còn quang hợp hút khí CO2 và thải khí O2 rất tốt cho môi trường chăn nuôi.

Phương pháp thực hiện

Làm chuồng trại

Làm lồng cho thỏ từ những nguyên liệu có sẵn tại địa phương (tre, nứa, bương, gỗ, sắt…) mỗi ô dài 90 cm, rộng 60 cm, cao từ 45–50 cm. Đảm bảo chuồng chắc chắn, bền vững, dễ dàng vệ sinh, ít tốn công khi cho ăn và chăm sóc thỏ.

Đáy lồng phải nhẵn, phẳng, êm, ít thấm nước, có khe hở, lỗ thoát phân, nước tiểu, dễ tháo lắp và làm vệ sinh. Tốt nhất là làm đáy bằng các thanh tre hoặc gỗ cứng vót, bào nhẵn có bản rộng 1,4-1,5 cm, kết thành phên có khe hở 1,25 cm.

Lấy ống nhựa 110 (hoặc chai nước ngọt), cắt khúc khoảng 8-9cm dùng làm khuôn đổ máng ăn xi măng.

Ổ đẻ là một hộp gỗ kích thước 45x30x25cm, có ngưỡng cửa cao 12 cm.

Chỗ đặt lồng phải đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, chống gió lùa, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, dễ dàng quét dọn vệ sinh và thoát được phân rác.

Trong mỗi ô lồng bố trí một giá để thức ăn xanh, một máng thức ăn tinh bằng sành sứ hoặc tôn, sắt. Dụng cụ uống nước là máng chậu đổ bằng xi măng cao 8-10cm, rộng 10-15cm.

Trong trại thỏ phải có hàng rào cách ly để hạn chế sự xâm nhập của người lạ và các loài gia súc khác.

Thức ăn

  • Thức ăn: gồm thức ăn xanh và thức ăn viên, trong đó, thức ăn xanh gồm rau cỏ, lá cây, củ quả…là thức ăn chính, còn thức ăn viên là ngũ cốc, cám viên được coi như là thức ăn bổ sung.
  • Nước uống: thỏ đực giống và thỏ đang mang thai uống hơn 0,5 lít nước một ngày. Còn thỏ đang nuôi con cần đến hơn 1 lít nước mỗi ngày để có thể tiết được nhiều sữa nuôi con.

Lưu ý: thỏ từ 8 tháng tuổi trở lên nên hạn chế cho ăn cám viên để tránh bị béo phì.

Chọn giống

Đối với thỏ giống đực thì chọn con đầu và chân tay to, mập mạp, lông óng mượt, ngực nở, dương vật thẳng, tinh hoàn đều và nở nang, có lịch sử phối giống với tỷ lệ đậu thai từ 80% trở lên.

Đối với thỏ cái thì chọn con to, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có lưng, mông và xương chậu lớn, tốt nhất nên chọn lứa thỏ tơ, chưa phối giống lần nào, có 8 vú xếp thẳng hàng để có thể nuôi được 8 con thỏ con.

Chọn những con thỏ làm giống từ đàn đẻ 5-6 con/lứa trở lên và đạt 1,4-1,8 kg lúc 3 tháng tuổi làm giống.

Khi mua thỏ làm giống nên chọn loại 5–6 tháng tuổi để có thể phối giống và có thỏ con ngay.

Quy trình nuôi thỏ

Động dục: thỏ vào tuổi động dục từ 2,5 tháng tuổi, chu kì động dục kéo dài 10–16 ngày. Bắt đầu phối giống lần đầu lúc thỏ đực được 6 tháng tuổi, thỏ cái được 5 tháng tuổi và có dấu hiệu động dục. Khi thỏ cái động dục thì niêm mạc âm hộ sưng tấy, đỏ tươi, thấm ướt dịch nhờn thì mới có thể chịu đực. Nếu cho thỏ ăn tốt và thỏ to (3,3-3,5 kg) thì có thể mang con cái sang chuồng con đực và con đực sẽ tự kiểm tra xem con cái đã động dục hay chưa.

Phối giống:

Khi phối giống, nếu thỏ cái chịu đực thì nó sẽ dừng lại, nâng mông để thỏ đực nhảy phối, khi đó thỏ đực sẽ ngã trượt xuống một bên thỏ cái và có tiếng kêu. Sau một phút thì đưa con cái về lại ô chuồng của nó và ghi ngày phối vào phiếu để dự kiến ngày thỏ đẻ. Nếu sau 5 phút mà không phối được thì đưa thỏ cái trở lại chuồng của nó và cho phối lại vào ngày hôm sau.

Để biết kết quả phối giống, thực hiện khám thai cho thỏ cái sau ngày 15–20 kể từ khi phối giống.

Cho phối giống lần 2 sau khi đẻ 40 tiếng nếu thỏ cái đẻ khoảng 3-4 con, sau 9–12 ngày nếu thỏ cái đẻ 5-6 con và sau 20 ngày nếu thỏ cái đẻ 7–8 con.

Lưu ý:

  • Tránh tình trạng phối giống cận huyết.
  • Thời điểm phối giống nên vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn khi trời mát.
  • Càng kéo dài thời gian phối giống lần tiếp theo thì càng tốt cho sức khỏe thỏ mẹ.

Chăm sóc thỏ chửa và thỏ sinh sản:

Thời gian chửa của thỏ là 28-32 ngày. Trong thời gian thỏ chửa cần cho ăn thức ăn nhiều vitamin A, D, E và tăng cường thức ăn giàu protein để thỏ dưỡng thai tốt.

Thỏ thường đẻ vào vào ban đêm ngày thứ 30 sau khi phối giống. Trước khi thỏ đẻ 3-4 ngày thì đặt ổ đẻ vào chuồng thỏ mẹ. Ổ đẻ được lót bằng lớp phoi bào mềm hoặc cỏ khô, rơm khô mềm mại.

Nếu thỏ mẹ không biết tự nhổ lông làm ổ hoặc đẻ con ra ngoài ổ đẻ thì cần hỗ trợ nhổ lông bụng của thỏ mẹ và lấy đồ lót mềm của ổ khác làm tổ ấm rồi gom thỏ con đặt vào.

Nuôi dưỡng thỏ hậu bị giống:

Chọn thỏ đực, thỏ cái làm giống trên cơ sở các chỉ tiêu chọn lọc phẩm cấp giống và chọn lọc ngoại hình.

Lúc thỏ 3 tháng tuổi phải nhốt riêng từng ngăn, không cho thỏ ăn nhiều tinh bột hoặc các thức ăn giàu năng lượng. Khi thỏ đạt 5-6 tháng tuổi, có thể phối giống lần đầu cho thỏ.

Nên phối giống cho thỏ vào sáng sớm bằng cách đưa thỏ cái sang lồng thỏ đực. Để bảo đảm tỷ lệ thụ thai cao thì nuôi ghép 1 thỏ đực với 5-10 thỏ cái trong 1 đàn nuôi và cho thỏ phối lại lần thứ 2 sau lần phối thứ nhất 6 tiếng.

Nuôi dưỡng thỏ đẻ và thỏ nuôi con: thời gian này cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt, nước uống đầy đủ, nên bổ sung cho thỏ mẹ uống nước đường hoặc ăn mía để phục hồi sức khoẻ nhanh và tiết sữa nhiều.

Nuôi dưỡng thỏ con theo mẹ:

Thỏ con sau đẻ 15 giờ mới bắt đầu bú mẹ, trong 18 ngày đầu thỏ sống và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ.

Thường xuyên kiểm tra thỏ con bú no hay không, nếu thỏ bú no thì da căng, phẳng, nằm yên tĩnh trong ổ ấm, nếu thỏ đói thì da sẽ nhăn nheo và nằm cựa quậy liên tục.

Sau 18–21 ngày tuổi thì thỏ con ra ổ và có thể ăn thức ăn của thỏ mẹ. Vì vậy, lúc này cần chú ý tới thỏ con bú mẹ và ăn được bao nhiêu thức ăn để cung cấp thêm khẩu phần cho thỏ mẹ. Thức ăn thô xanh giai đoạn này phải là loại rau cỏ non để thỏ con tập ăn.

Cai sữa cho thỏ con lúc từ 28-42 ngày tuổi.

Xử lý chất thải

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng iodine 1 lọ/tháng và rắc vôi khử trùng tiêu độc.

Không cho người lạ ra vào khu chăn nuôi để đề phòng lây bệnh từ người sang thỏ.

Biện pháp phòng ngừa bệnh ở thỏ

Các bệnh thường gặp ở thỏ: tiêu chảy, tụ cầu trùng, ghẻ, nấm da, viêm mũi, bại huyết, cảm nóng, viêm ruột, bại liệt…

Biện pháp phòng ngừa và điều trị

  • Tiêu chảy: vệ sinh thức ăn sạch sẽ, phơi tái các loại thức ăn giàu nước. Nếu thỏ bị nặng thì cho uống Sulfaguanidin với liều 0,1 g/kg thể trọng/ngày, uống 3 ngày liên tục.
  • Tụ cầu trùng: hàng ngày vệ sinh chuồng trại, máng ăn và máng uống sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng. Đảm bảo thức ăn sạch sẽ, không bị ôi, mốc hay bị biến chất.
  • Bệnh ghẻ: tiêm thuốc có đuôi mectin như Hanmectin, Ivermectin dưới da gáy 1 lần cho thỏ từ 2 tháng tuổi với liều 0,5 ml/2 kg thể trọng.
  • Nấm da: tiêm thuốc trị nấm da với liều lượng 0,5 ml/3kg thỏ, tiêm 2 lần trong 3 ngày.
  • Viêm mũi: pha loãng Streptomixin và nhỏ vào mũi thỏ 4 lần/ngày, mỗi mũi 1 giọt.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

  • Tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn trong gia đình hoặc ngoài tự nhiên để làm thức ăn, góp phần giảm giá thành đầu vào khi nuôi thỏ.
  • Phân thỏ có thể được tận dụng làm phân bón cho cây trồng.
  • Thời gian xuất chuồng của thỏ nhanh, khoảng 3,5 tháng/con, lãi trung bình 120 ngàn đồng/con.

Thông tin chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Lê Thị Hồng Ánh – Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả