SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình quản lý bệnh hại bằng giải pháp sinh học trên nhóm rau ăn lá và ăn quả

Hiện nay, nhiều hộ canh tác cây trồng có thói quen sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc hóa học với nồng độ cao để giải quyết nhanh sâu bệnh hại hoa màu, dẫn đến tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau luôn ở mức báo động. Mô hình quản lý bệnh hại trên rau ăn lá và ăn quả bằng giải pháp sinh học sẽ giúp nông dân tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Vùng trồng rau chính của TP.HCM tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi, Hóc Môn với tổng diện tích gieo trồng gần 4.000 ha, đạt năng suất bình quân 20,8 tấn/ha. Trong đó, nhóm rau ăn lá và ăn quả như cải xanh, cải ngọt, rau muống, ớt, dưa leo được trồng phổ biến và là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù vậy, việc phòng trừ bệnh hại trên các loại rau này đang gặp nhiều khó khăn do một số loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn (30-35 ngày), hoặc khoảng cách giữa hai lần thu hoạch là khá sát nhau (dưa leo: 2-3 ngày/lần thu; ớt: 2 ngày/lần thu) nên việc sử dụng thuốc hóa học sẽ không đảm bảo thời gian cách ly dẫn đến tồn dư nhiều hóa chất trên sản phẩm. Bên cạnh đó, nếu bón phân hóa học không đúng, bón trễ hoặc bón với liều lượng quá cao sẽ tạo ra dư lượng nitrate trong sản phẩm, dẫn đến không đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Quy trình và phương pháp thực hiện

Phòng trừ bệnh hại rau ăn lá và ăn quả trên cơ sở sử dụng các giải pháp sinh học

Chuẩn bị đất: pha 60kg vôi bột/1.000m2 + 0,3kg Supergen 800WG/ha + nước nồng độ 1% rồi tưới trên mặt luống. Xử lý đất bằng chế phẩm NLU-Tri (Trichoderma virens T.41) với số lượng 10 kg/ha.

Chuẩn bị hạt giống: ngâm hạt giống trong dung dịch chế phẩm Wehg 0,1% 2 giờ trước khi gieo.

Bón phân: lượng phân bón sử dụng gồm 6kg Nitơ (13kg ure) + 2kg P2O5 (11kg super lân) + 1,5kg K2O (3kg kali sulfat).

  • Bón lót cho liếp ươm bằng phân lân hữu cơ vi sinh Komix USM với số lượng 25kg/100m2.
  • Bón lót cho liếp trồng bằng 2 tấn phân chuồng (được ủ hoai với 3kg BIMA Trichoderma) + 300kg phân lân hữu cơ vi sinh Komix USM.
  • Xử lý đất trước khi gieo trồng 7 ngày với 0,5 lít chế phẩm Wehg + 20 lít nước. Sau đó phun 2 lần, lần 1 là 10 NSC, lần 2 là 20 NSC và sử dụng 40 lít dung dịch thuốc đã pha (tỷ lệ 1:200) để phun ướt đều lên bề mặt lá vào chiều mát. Ngưng phun trước thu họach 10 ngày.  

Phòng trừ bệnh chết cây con và bệnh thối lá:

  • 7 và 14 NSM dùng chế phẩm NLU -TRI (1,2kg/1.000m2) để trừ bệnh chết cây con, lở cổ rễ bằng cách hòa 5g chế phẩm trong 10 lít nước rồi tưới vào gốc.
  • Từ 10 NSM: phun Senly 2.1SL và Olicide 9DD (cách nhau 10 ngày)
  • Từ 20 NSM (tỷ lệ nhiễm bệnh trên 5%): luân phiên phun các thuốc Vanicide 5DD, Diboxylin 8SL (số lần phun tùy thuộc vào tình hình bệnh trên ruộng).

Thuốc trừ sâu: sử dụng luân phiên các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như Vertimec 1.8EC, Cộng hợp 32BTN, Success 25SC khi sâu còn nhỏ tuổi.

Quy trình phòng trừ bệnh đốm lá hại rau cải

Chuẩn bị đất: pha 60kg vôi bột/1.000m2 + 0,3kg Supergen 800WG/ha + nước nồng độ 1% rồi tưới trên mặt luống. Xử lý đất bằng chế phẩm NLU-Tri (Trichoderma virens T.41) với số lượng 10 kg/ha.

Chuẩn bị hạt giống: ngâm hạt giống trong dung dịch chế phẩm Wehg 0,1% 2 giờ trước khi gieo.

Bón phân: lượng phân sử dụng gồm 6kg Nitơ (13kg ure) + 2kg P2O5 (11kg super lân) + 1,5kg K2O (3kg kali sulfat).

  • Bón lót cho liếp ươm bằng phân lân hữu cơ vi sinh Komix USM với số lượng 25kg/100m2.
  • Bón lót cho liếp trồng bằng 2 tấn phân chuồng (được ủ hoai với 3kg BIMA Trichoderma) + 300kg phân lân hữu cơ vi sinh Komix USM.
  • Xử lý đất trước khi gieo trồng 7 ngày với 0,5 lít chế phẩm Wehg + 20 lít nước.

Phòng trừ bệnh chết cây con và bệnh đốm lá:

  • 7 NSM sử dụng chế phẩm NLU - TRI để trừ bệnh chết cây con, lỡ cổ rễ bằng cách hòa 5g chế phẩm trong 10 lít nước rồi tưới vào gốc.
  • 10 - 15 NSM: luân phiên sử dụng Exin 4,5HP, Som 5SL và Olicide 9DD.
  • Khi bệnh xuất hiện với tỷ lệ cây mắc bệnh trên 5% thì luân phiên sử dụng Kasumin 2L, Actino-Iron 1.3SP (số lần phun tùy thuộc vào tình hình bệnh trên ruộng).

Thuốc trừ sâu: sử dụng luân phiên các loại thuốc BVTV như Vertimec 1.8EC, Cộng hợp 32BTN, Aztron DF 35000DMBU, Success 25SC.

Quy trình phòng trừ bệnh sương mai hại dưa leo

Chuẩn bị đất: pha 100kg vôi bột/1.000m2 + 0,3kg Supergen 800WG/ha + nước nồng độ 1% rồi tưới trên mặt luống. Xử lý đất bằng chế phẩm NLU-Tri (Trichoderma virens T.41) với số lượng 10 kg/ha.

Chuẩn bị hạt giống: ngâm hạt giống trong dung dịch chế phẩm Wehg 0,1% 2 giờ trước khi gieo.

Bón phân: lượng phân sử dụng gồm 9kg Nitơ + 6kg P2O5 + 7kg K2O, 2 tấn phân chuồng trộn với 6kg  chế phẩm BIMA (Trichoderma spp.) và 300kg phân lân hữu cơ vi sinh Komix USM.

Phun chế phẩm sinh học Wehg 3 lần vào các giai đoạn 15 NSM, 30 và 45 NSM với liều lượng 40 lít dung dịch thuốc đã pha (tỉ lệ 1:200) cho 1.000m2.

Phòng trừ bệnh chết cây con và bệnh thối lá:

  • Dùng chế phẩm NLU-Tri (T.41) 109 cfu/g với liều lượng 1,2kg/1.000m2 để tưới gốc ở giai đoạn dưa leo được 7 và 14 NSM.
  • Thuốc kích kháng: 10-20 NSM phun Olicide 9DD và Exin 4.5HP.
  • Sử dụng các thuốc Som 5SL, Actinovate 1SP phun cho cây khi bệnh mới xuất hiện từ 3-5%, số lần phun tùy thuộc vào tình hình bệnh trên ruộng.
  • Phun Diboxylin 8SL, Senly 2.1SL vào lúc 55 NSM.

Thuốc trừ sâu: sử dụng luân phiên các loại thuốc BVTV như Biocin, Success, Vertimec, Confidor, V-BT, Rotecide khi sâu còn nhỏ tuổi.

Quy trình phòng trừ bệnh thán thư hại ớt

Chuẩn bị đất: pha 100kg vôi bột/1.000m2 + 0,3kg Supergen 800WG/ha + nước nồng độ 1% rồi tưới trên mặt luống. Xử lý đất bằng 1,2kg chế phẩm NLU-Tri (Trichoderma virens T.41).

Chuẩn bị hạt giống: ngâm hạt giống trong dung dịch chế phẩm Wehg 0,1% 2 giờ trước khi gieo.

Bón phân: Lượng phân sử dụng gồm 18kg Nitơ + 9kg P2O5 + 16kg K2O; 2 tấn phân chuồng trộn với 6kg chế phẩm BIMA (Trichoderma); 600kg lân hữu cơ vi sinh Komix USM.

  • Phun định kỳ Clorua canxi (CaCl2) 14 ngày/lần.
  • Xử lý đất trước khi trồng bằng 0,5 lít chế phẩm Wehg + 20 lít nước.
  • Lúc chiều mát, phun ướt chế phẩm sinh học Wehg đều lên bề mặt lá vào các giai đoạn 25, 40 và 55 NST với liều lượng 40 lít dung dịch thuốc đã pha (tỉ lệ 1:200) cho 1000m2.

Phòng trừ bệnh chết cây con và bệnh thán thư quả ớt:

  • 7 và 14 NSM sử dụng chế phẩm NLU -TRI (1,2kg/1.000m2) để trừ bệnh chết cây con và lỡ cổ rễ.
  • Hòa 5g chế phẩm trong 10 lít nước tưới gốc. Lúc cây đẻ nhánh và ra hoa thì phun thuốc kích kháng Som 5SL, Exin 4.5HP và Olicide 9DD cho cây (số lần phun tùy theo mức độ bệnh trên ruộng).
  • Từ 55 NSM thì luân phiên sử dụng Bactecide 20AS, Actino-Iron 1.3SP, Diboxylin 8SL, Senly 2.1SL (tùy theo tình hình bệnh trên ruộng).

Thuốc trừ sâu: sử dụng luân phiên các loại thuốc BVTV như Vertimec 1.8EC, Trigard 100SL, Vi-BT, Vironone khi sâu tuổi còn nhỏ, kết hợp diệt sâu và trứng bằng tay.

 

Ưu điểm công nghệ

Ưu điểm

  • Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ có tác dụng trừ dịch hại mà không độc hại với các loại sinh vật có ích.
  • Tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch bệnh hại phát triển.
  • An toàn với sức khỏe con người và môi trường.

Hiệu quả kinh tế

  • Tổng chi phí sản xuất 1 ha rau cải (cải xanh, cải ngọt) theo quy trình phòng trừ bệnh chết cây con và thối lá là 37,22 triệu đồng, gồm: 32,2 triệu đồng (vật tư sản xuất: hạt giống, phân bón, vật tư, thuốc BVTV và 5 triệu đồng chi phí khác), tiết kiệm được 2,4 triệu đồng.
  • Tổng chi phí sản xuất 1 ha rau cải (cải xanh, cải ngọt) theo quy trình phòng trừ bệnh đốm lá là 36,78 triệu đồng, gồm: 31,78 triệu đồng (vật tư sản xuất: hạt giống, phân bón, vật tư, thuốc BVTV và 5 triệu đồng chi phí khác), tiết kiệm được 2,06 triệu đồng.
  • Tổng chi phí sản xuất 1 ha dưa leo theo quy trình phòng trừ bệnh chết cây con và bệnh sương mai 113,78 triệu đồng, gồm: 73,78 triệu đồng (vật tư sản xuất: hạt giống, phân bón, vật tư, thuốc BVTV và 40 triệu đồng công lao động), tiết kiệm được 5,17 triệu đồng.

 

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Công ty Trang Nông, ấp Đình, Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM.

Trường Đại học Nông lâm TP.HCM.