Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Hoài sơn (Dioscorea persimilis, Prain et Burkill) là cây thuốc quý, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Trong các công dụng, Hoài sơn quý nhất là khả năng bồi bổ tỳ vị, phế và thận. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy, tinh bột Hoài sơn giúp làm chậm hấp thu đường sau ăn, có khả năng làm giảm chỉ số HBAP1c, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng tiểu đường, nhờ ổn định đường huyết tự nhiên và bền vững.
Nguồn dược liệu cây Hoài sơn hiện nay trên thị trường phần lớn nhập từ Trung Quốc với chất lượng không ổn định, nguồn gốc không rõ ràng. Phần còn lại được thu hái trong tự nhiên. Tuy nhiên, do tác động của việc khai thác quá mức và bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân khác, đã làm cho nguồn cây thuốc này bị giảm sút nghiêm trọng trong tự nhiên. Vấn đề đặt ra là cần phát triển các vùng trồng chuyên canh cây dược liệu Hoài sơn để cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành dược, chế tạo các thuốc, các hoạt chất có hiệu lực chữa bệnh cao.
Với phương pháp sản xuất giống truyền thống như giâm hom, trồng từ củ hoặc củ khí sinh của loại dược liệu này sẽ không đủ nguồn cây giống cho các vùng trồng cây dược liệu Hoài sơn bởi hệ số nhân thấp. Do đó, kỹ thuật vi nhân giống cây Hoài sơn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật sẽ giúp nâng cao hệ số nhân, cung cấp số lượng lớn cây giống với chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình nhân giống in vitro cây Hoài sơn
Diễn giải quy trình
Giai đoạn 1: nhân nhanh cụm chồi in vitro cây Hoài sơn
Bước 1 (khử trùng mẫu cấy):
Đoạn thân non cây Hoài sơn có mang chồi ngủ được làm sạch sơ bộ bằng xà phòng và rửa dưới vòi nước chảy trong 10 phút để loại bỏ đất và các chất bám trên bề mặt. Mẫu được đưa vào tủ cấy và được khử trùng bằng cồn 700 trong 30 giây, rửa lại bằng nước cất vô trùng 3 lần. Sau đó lắc trong dung dịch sodium hypoclorite 2,5% trong 7,5 phút, tiếp tục với sodium hypoclorite 1,75% trong 5 phút và Tween 80, rửa lại bằng nước cất vô trùng (3–5 lần). Mẫu sau khi được khử trùng sẽ được cắt thành những đoạn nhỏ chứa mắt ngủ và đặt trên môi trường MS. Mẫu được theo dõi 2 tuần ở nhiệt độ 250C, chiếu sáng 12 giờ.
Bước 2 (cảm ứng tạo cụm chồi từ chồi ngủ):
Mẫu sau khi khử trùng ở bước 1 được đặt trên môi trường MS + BAP 0,2 mg/L + Kinetin 1 mg/L. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 14 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 Lux.
Bước 3 (cảm ứng tạo cụm chồi in vitro):
Cụm chồi Hoài sơn in vitro được tách ra thành những cụm nhỏ và cấy chuyển qua môi trường MS + Kinetin 1,5 mg/L + NAA 0,2 mg/L. Nuôi cấy lỏng lắc với tốc độ máy lắc là 60 vòng/phút. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 14 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 Lux.
Giai đoạn 2: Ra rễ và tạo cây Hoài sơn hoàn chỉnh
Bước 4 (ra rễ và tạo cây hoàn chỉnh):
Nồng độ chất điều hòa sinh trưởng thực vật IBA kết hợp NAA để tạo rễ và môi trường khoáng dinh dưỡng phù hợp cho cây Hoài sơn in vitro phát triển là môi trường khoáng cơ bản MS có bổ sung đường sucrose 30 g/L, agar 8,0 g/L, IBA 0,8 mg/L kết hợp NAA 0,4 mg/L, pH 5,8.
Bước 5 (ra vườn ươm):
Thành phần giá thể phù hợp cho cây Hoài sơn in vitro phát triển ngoài vườn ươm là đất - xơ dừa - tro trấu - phân trùn với tỷ lệ phối trộn 30-30-20-20.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Công nghệ nhân giống in vitro giúp tạo số lượng lớn cây giống Hoài sơn trong thời gian ngắn, chất lượng cây đồng đều, cây con khỏe mạnh, sạch bệnh. Nhờ vậy có khả năng cung cấp đủ cây giống cho các vùng chuyên canh loại dược liệu này. Bên cạnh đó, quy trình kết hợp thêm phương pháp nuôi cấy lỏng lắc cho phép tăng hệ số nhân chồi 9,2 lần, giúp giảm công lao động cấy chuyền, giảm lượng môi trường sử dụng, tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá thành của cây giống.
Cụ thể, chi phí sản xuất cây giống Hoài sơn in vitro là 1.500 đồng/cây, giá bán đề nghị là 3.000 đồng/cây. Cây Hoài sơn nuôi cấy mô sau khi được chăm sóc 4 tuần ngoài vườn ươm sẽ đạt kích thước 10-15 cm, được bán với giá 4.000 đồng/cây (giá thị trường từ 4.500–5.000 đồng/cây).
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
1. CN. Nguyễn Văn Toàn
ĐT: 0792816981.
Email: vantoanttut@gmail.com; nguyenvantoan0203@yahoo.com.vn.
2. CN. Vũ Thị Thúy Hằng
ĐT: 0704 887 828.
Email: vuthuyhang0310@gmail.com.
3. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 6264 6103.