SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt

Trong khi điều kiện đất đai sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và tình hình ngộ độc thực phẩm do rau không an toàn gây ra ngày càng tăng thì việc xây dựng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng và phù hợp với xu hướng phát triển: góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân.

I. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

1.1 Giới thiệu đặc điểm, đặc tính công nghệ ứng dụng

a) Công nghệ trồng cây trong nhà màng

Ở Hà Lan hiện có hơn 4.000 ha cây trồng không dùng đất. Tại Trung Quốc, hàng loạt các khu nông nghệp công nghệ cao ở hầu hết các tỉnh đều hình thành các mô hình trồng rau trong nhà kính, không dùng đất có hệ thống điều khiển tự động. Nổi bật là khu Cẩm tú Đại địa tại Bắc Kinh, các loại rau cải, rau muống, rau cần tây đã được trồng thủy canh với số lượng lớn, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thị trường. Trung tâm nghiên cứu và phát triển rau Châu Á (AVRDC) đã sử dụng hộp xốp thí nghiệm sản xuất 160 giống rau ăn quả, 39 giống rau ăn lá theo công nghệ thủy canh cho kết quả tốt. Ở Đức, Hà Lan, Bỉ đã sản xuất được “Rau xanh sinh thái”, “Trái cây sinh thái” để phục vụ người tiêu dùng. Khoa nông nghiệp, Trường Đại học Arizona (Mỹ) đã có nhiệm vụ nghiên cứu trồng cà chua thủy canh và đưa ra quy trình trồng cà chua theo công nghệ này từ chuẩn bị nhà kính, dung dịch dinh dưỡng, cây giống, kỹ thuật chăm sóc… cho tới thu hoạch. Trong công nghệ thủy canh còn chia ra: trồng cây nhúng chìm bộ rễ trong dung dịch (Deep flow hydroponics), trồng màng dinh dưỡng (Nutrient film technique), khí canh (Aeroponics), thủy canh hỗn hợp (Aggregate hydroponics) cũng có nghĩa là trồng cây trên giá thể. Cho đến nay đã có nhiều tài liệu phổ biến kỹ thuật trồng rau thủy canh và khí canh với những hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật trồng và thành phần dung dịch dinh dưỡng.

Ở nước ta trong những năm gần đây, trình độ kỹ thuật canh tác rau nói chung đã có những tiến bộ đáng kể. Nhiều nơi đã xây dựng các mô hình nhà kính, nhà màng, nhà lưới trồng rau từ đơn giản đến hiện đại. Phổ biến là mô hình nhà màng ở Đà Lạt để ươm rau giống, trồng các loại rau hoa cao cấp như hoa Hồng, hoa Cúc, ớt ngọt, xà lách, dâu tây. Nhà kính có hệ thống điều khiển tự động theo công nghệ Thụy Điển tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM; Nhà màng bán tự động của các nhà đầu tư tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao; Nhà màng có hệ thống điều khiển tự động theo công nghệ Israel ở các Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng; nhà màng trồng hoa của Đà Lạt Hasfarm, sản xuất giống của Công ty Lâm Đài. Các công nghệ, kĩ thuật trồng cây không sử dụng đất cũng đã được áp dụng. Những mô hình này bước đầu đã cho thấy những thành công nhất định như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ hoàn toàn tự động đến bán tự động đã được áp dụng khá phổ biến ở các địa phương. Trong đó phải kể đến các tỉnh đi đầu như: tỉnh Lâm Đồng với khoảng 1.000 ha nhà màng, nhà kính (trong đó có 240 ha trồng rau) và 242 ha nhà lưới (114,5 ha trồng rau), tỉnh Vũng tàu 40 ha nhà màng. Việc áp dụng công nghệ này đang trở nên phổ biến tuy nhiên chưa có đánh giá một cách cụ thể về hiệu quả kinh tế cũng như những ưu nhược điểm để có thể phổ biến nhân rộng cho các hộ nông dân có điều kiện đầu tư.

Hình. Dưa lưới trồng trong nhà màng

Việc ứng dụng các mô hình trồng cây trong nhà màng ở hầu hết các địa phương cho đến thời điểm hiện nay phần lớn mang tính phong trào, chưa thực sự có những khảo sát nghiên cứu đầy đủ. Các mô hình nhà màng đang được áp dụng tại Đà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi tại TP.HCM hoặc sao chép nguyên mẫu từ một số mẫu ở nước ngoài, hoặc từ mẫu nước ngoài nhưng thay đổi vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh tế. Việc áp dụng các mô hình này chưa có sự tính toán và nghiên cứu kĩ lưỡng về điều kiện khí hậu thời tiết đặc thù của mỗi địa phương. Sự thành công của các mô hình nhà màng khác nhau khi áp dụng tại Đà Lạt, một phần quan trọng có tính quyết định đó là sự thuận lợi về điều kiện khí hậu thời tiết tại đây. Bên cạnh đó là trình độ canh tác của nông dân, khả năng tiếp cận với công nghệ mới sớm và dễ dàng hơn giúp người nông dân, doanh nghiệp làm chủ được công nghệ, kỹ thuật canh tác trong nhà màng. Trong khi đó, các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng chưa có được sự thành công như mong đợi đó là do những nguyên nhân chính sau: i) áp dụng máy móc nguyên mẫu kiểu nhà màng răng cưa (sawtooth) là kiểu nhà màng được thiết kế cho vùng sa mạc vào điều kiện khí hậu nóng ẩm, thay đổi nhiều mùa trong năm của các tỉnh phía bắc. ii) Chưa có sự chuẩn bị tốt nhân lực, chưa làm chủ được quy trình kỹ thuật canh tác trong nhà màng phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương.

Tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao nhờ việc đúc kết được những bài học kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ nên đã tránh được những hạn chế nêu trên. Có thể nói kiểu nhà màng với mái thông gió cố định hiện đang được triển khai tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao là kiểu nhà phù hợp nhất cho vùng khí hậu nhiệt đới tại các tỉnh phía nam cả về mặt kết cấu, kỹ thuật, và hiệu quả kinh tế so với nhiều kiểu nhà màng hiện nay. Cấu trúc nhà theo kiểu này đảm bảo được khả năng thoát nhiệt tốt (khi trời nắng), hạn chế nước mưa tràn trong qua hệ thống thông gió (khi trời mưa); khả năng đối lưu không khí, khả năng thoát ẩm; khả năng chống chịu gió bão; dễ thi công và lắp đặt; đồng thời thể hiện được tính thẩm mỹ cao và hiện đại.

Các mô hình nhà màng trên thế giới

- Nhà màng công nghệ thấp: Nhà có chiều cao dưới 3 m, hệ thống thông gió hạn chế, không có hệ thống kiểm soát môi trường tự động nên thường rất rẻ và dễ dàng xây dựng. Cây trồng trong hệ thống nhà này có khả năng sinh trưởng, phát triển thuận lợi hơn so với trồng ở ngoài đồng, tuy nhiên chúng không tạo ra được điều kiện môi trường tối ưu và việc kiểm soát dịch hại gặp nhiều khó khăn.

- Nhà màng công nghệ trung bình: Nhà có tường thấp hơn 4 m, chiều cao nhà nhỏ hơn 5 m, có hệ thống thông gió ở mái hoặc ở tường, có hệ thống điều tiết nhiệt độ và hệ thống điều khiển môi trường tự động ở mức độ khác nhau. Nhà được bao phủ 1 – 2 lớp polyethylene hoặc kính. Hệ thống nhà lưới này tương đối cân bằng giữa chi phí đầu tư và năng suất sản phẩm, kếp hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và môi trường. Sản xuất cây trồng có hiệu quả và mức độ an toàn cao hơn sản xuất ngoài đồng ruộng. Có thể sử dụng hệ thống quản lý dịch hại không dùng hóa chất.

- Nhà màng công nghệ cao: Chiều cao tường nhà ít nhất phải trên 4 m kết hợp với mái để nhà có chiều cao lớn hơn 8 m, máng nước cao trên 3,5 m. Hệ thống thông gió tự nhiên ở mái chiếm trên 25% diện tích sàn hoặc hệ thống làm lạnh tự động, phần mái che có thể là màng plastic nhiều lớp, màng polycacbonat hoặc kính. Việc điều chỉnh môi trường được tự động hóa hoàn toàn. Cấu trúc nhà cho phép trồng cây và điều chỉnh môi trường tối ưu. Tuy chi phí ban đầu cao nhưng nhà lưới công nghệ cao tạo ra được các sản phẩm an toàn.

Nhà màng sử dụng trồng trong mô hình:

Nhà màng được thiết kế với nhiều kiểu khác nhau, tuy nhiên cần đảm bảo các điều kiện như: độ truyền sáng từ 85 - 90%; quy cách: độ cao cột (chiều cao từ mặt đất đến máng xối) từ 4 - 4,75m, khẩu độ mỗi gian nhà là 8m, cột cách cột (bước cột) là 4m. Với mái được lợp bằng màng Polymer (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng với quy cách 50 mesh.

Nhà màng mái thông gió cố định hiện được triển khai là kiểu nhà phù hợp nhất cho vùng khí hậu nhiệt đới tại các tỉnh phía nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cả về kết cấu, kĩ thuật, cả về mặt kinh tế. Cấu trúc nhà kiểu này đảm bảo khả năng thoát nhiệt tốt (khi trời nắng) không bị nước mưa tràn vào nhà thông qua hệ thống thông gió (khi trời mưa) khả năng đối lưu không khí, khả năng thoát ẩm, khả năng chống chịu gió bão, dễ thi công và lắp đặt; đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ cao và hiện đại.

Hình: Kiểu nhà màng cửa thông gió cố định

b) Công nghệ trồng cây trên giá thể

Về cơ bản, kiểu nhà trồng rau trên giá thể cũng giống như kiểu nhà trồng rau trên đất nhưng có những điểm khác, cụ thể như: mặt sàn nhà này phải sạch, thường thì được lót bằng loại bạt chuyên dùng lót sàn nhà màng. Để trồng rau, người ta có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau để làm giá thể. Ở nước ta, một số vật liệu có thể làm giá thể tốt là mụn xơ dừa, tro trấu, đá bọt núi lửa. Khi trồng bằng phương thức này, người ta cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Giá thể là nơi cung cấp cho rễ cả nước và không khí. Những khoảng trống trong giá thể với những kích thước khác nhau cho phép một giá thể có thể thể hiện hai khả năng giữ ẩm và thông thoáng khí cùng một lúc. Sau khi tưới, nước lấp đầy những lỗ lớn trong khoảng không rồi bị hút xuống đáy luống (chậu). Có hai loại nước tồn tại trong giá thể: loại sử dụng được ngay và một loại không sử dụng được. Loại sử dụng được liên kết yếu ớt với các thành phần trong giá thể và được hấp thụ bởi rễ cây. Loại không sử dụng được liên kết chặt với bề mặt hạt trong giá thể nên rễ cây không hút được. Khi cây sử dụng hết lượng nước sử dụng được cây sẽ bị héo do đó trong quá trình lựa chọn giá thể cần lựa chọn những giá thể có khả năng giữ ẩm và thông khí tốt.

Giá thể sử dụng trồng cây phải đạt được các tiêu chí như: tạo độ thông thoáng cho bộ rễ giúp chúng phát triển thuận lợi; đóng vai trò như một hệ thống dẫn nước và dinh dưỡng tới bộ rễ. Hiện nay có rất nhiều loại giá thể được sử dụng để trồng cây trong nhà kính, nhà màng. Việc sử dụng loại giá thể nào tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, hệ thống tưới đang sử dụng, loại cây trồng… Có thể chia giá thể trồng cây làm 2 nhóm chính gồm: nhóm các loại giá thể nhân tạo (rockwool, mốp xốp…) và nhóm các loại giá thể có nguồn gốc tự nhiên (mụn dừa, vỏ thông, tro trấu, than bùn…).

c) Công nghệ tưới nhỏ giọt

Ra đời cách đây khoảng 40 năm, kỹ thuật tưới nhỏ giọt được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế do tiết kiệm nước tưới, đã được áp dụng khá phổ biến ở một số nước. Không chỉ trong vườn thí nghiệm, phương pháp tưới nhỏ giọt đã được đưa vào sản xuất trong các nông trại, đặc biệt ở nơi thiếu nước, mang lại lợi tức lớn cho nhà nông. Một trong những nước có kỹ thuật tiên tiến nhất về lĩnh vực này có lẽ là Israel. Khác với các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á quanh năm lũ lụt, ở Israel, nước là vàng lỏng. Phần lớn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này là các cao nguyên đá. Có những điểm phải khoan sâu 5-6 km mới có nước phục vụ sinh hoạt và trồng trọt. Vì vậy việc sử dụng nước trong nông nghiệp phải hết sức tiết kiệm. Tuy thiếu nước nhưng Israel có 3/4 diện tích đất nông nghiệp được tưới bón, chỉ đứng sau Hà Lan. Bí quyết của nông dân Israel là phát triển những công nghệ và thiết bị hiện đại như tưới nhỏ giọt. Thiết bị tưới nhỏ giọt điều khiển bằng máy vi tính, tiết kiệm được khối lượng lớn nước,  80% sản phẩm xuất khẩu của Israel có sử dụng công nghệ tưới tiêu này.... Ưu điểm nổi trội của hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà kính và ngoài trời của Israel là tưới nước nhỏ giọt vào đúng bộ rễ cây, có thể tưới kèm phân bón, tiết kiệm được 30 - 60% lượng nước và phân bón.

Như vậy, tưới nhỏ giọt bao gồm việc đặt ống trên mặt đất dọc theo phía các cây trồng, nước và dinh dưỡng từ từ nhỏ giọt nước vào đất ở vùng rễ. Bởi vì độ ẩm được giữ ở một phạm vi tối ưu, năng suất và chất lượng cây trồng được cải thiện. Tưới nhỏ giọt có thể được thiết lập để chạy tự động, hoặc điều khiển bằng tay. Ngoài ra, nhỏ giọt thủy lợi còn có lợi ích: Ngăn ngừa bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân, và hoa trái của cây; Cho phép các hàng giữa các cây vẫn còn khô, cải thiện tiếp cận và giảm cỏ dại phát triển; Tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và nước vì hệ thống này quá hiệu quả; Giảm lao động; Tăng hiệu quả trên mặt đất không đồng đều; Giảm rửa trôi của nước và chất dinh dưỡng dưới vùng gốc.

 

Hình. Hệ thống tưới nhỏ giọt

d) Về dinh dưỡng thủy canh trồng cây trên giá thể

Có nhiều loại hóa chất có thể sử dụng để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Tuy nhiên để chọn được loại hóa chất phù hợp cần chú ý một số điểm như: giá cả, khả năng hòa tan trong nước, khả năng cung cấp nhiều nguyên tố, các chất gây độc, gây ô nhiễm, tính dễ sử dụng.

Nguyên tắc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng thủy canh cũng giống như bón phân cho cây trồng kiểu truyền thống. Dung dịch dinh dưỡng thủy canh phải chứa đầy đủ các nguyên tố cần thiết mà cây trồng bình thường có thể có được từ đất. Sử dụng dinh dưỡng hợp lý không những giúp nâng cao năng suất cây trồng mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đối với kỹ thuật trồng cây không sử dụng đất vấn đề quản lý và sử dụng dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt cần phải cung cấp cân đối và đầy đủ các nguyên tố cần thiết.

Có tất cả 16 nguyên tố cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Chúng gồm có: các bon (C), hydro (H), oxy (O), photpho (P), kali (K), nitơ (N), lưu huỳnh (S), canxi (Ca), mangie (Mg), sắt (Fe), bo (B), mangan (Mn), đồng (Cu), kẽm (Zn), molypđen (Mo) và clo (Cl). Trong đó các nguyên tố C, H và O được cung cấp đầy đủ cho cây từ không khí (CO2 và O2) và nước (H2O). Các nguyên tố còn lại được gọi là các nguyên tố dinh dưỡng hay nguyên tố khoáng cần thiết cho cây. Một lượng rất nhỏ các nguyên tố này có thể được cây hút từ giá thể (như K, N, Ca…) hoặc từ nước tưới (như Ca, Mg…). Còn lại hầu hết chúng được cung cấp bởi người trồng qua dung dịch tưới. Các nguyên tố N, P, K, Ca, S và Mg là những nguyên tố cây sử dụng nhiều, được xếp vào nhóm các nguyên tố đa, trung lượng. Những nguyên tố còn lại cây cần lượng rất ít, được xếp vào nhóm nguyên tố vi lượng. Khi pha dung dịch dinh dưỡng cần trách hiện tượng kết tủa. Do đó, cần pha hỗn hợp các chất tương thích với nhau. Các loại phân bón phải tan hoàn toàn trong nước và hàm lượng tạp chất thấp nhất.

Có nhiều loại hóa chất có thể sử dụng để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng theo kiểu thủy canh. Tuy nhiên để chọn được loại hóa chất phù hợp cần chú ý một số điểm như: giá cả, khả năng hòa tan trong nước, khả năng cung cấp nhiều nguyên tố, các chất gây độc, gây ô nhiễm, tính dễ sử dụng. Nhu cầu về dinh dưỡng thay đổi khác nhau tùy thuộc vào loại cây trồng và tùy từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Bảng dưới đây cho biết khoảng nồng độ các nguyên tố cần thiết để pha dung dịch thủy canh.

Bảng: Giới hạn nồng độ các nguyên tố chính trong dung dịch thủy canh

TT

Nguyên tố

Nồng độ (ppm)

1

N (dạng NO3)

70-200

2

N (dạng NH4)

0-31

3

P

30-90

4

K

200-400

5

Ca

150-400

6

S

60-33

7

Mg

25-75

8

Fe

0.5-5

9

Mn

0.1-1

10

B

0.1-

11

Z

0.02-0.2

12

C

0.02-0.2

13

Mo

0.05-0.1

14

Cl

0-350

1.2 Vai trò và tình hình sản xuất dưa lưới

Dưa lưới (Cucumis melo L.) phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm và khô, nhiều ánh sáng. Nhiệt độ phát triển tối ưu từ 18 đến 28oC, phát triển chậm khi nhiệt độ dưới 12oC. Dưa lưới có thể chịu được nhiệt độ lên tới 40oC nhiều giờ mỗi ngày. Cây phát triển tốt trên đất nhiều mùn, pH 6 – 7, không chịu được đất quá chua và úng nước. Độ ẩm thích hợp 75 – 80%.

Dưa lưới là một trong những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, có mùi thơm đặc trưng thị trường tiêu thụ khá ổn định. Dưa lưới là nguồn chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, là chất có lợi cho sức khỏe giúp phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch. Đây còn là nguồn phong phú beta-carotene, acid folic, Kali và vitamin C, A. Trong 100 g Dưa lưới trái tươi cho 34 kcal; 1,84 g protein; 9 mg calcium; 15 mg magie; 2020 µg beta-carotene; 21 µg acid folic (vitamin B9); vitamin A 169 µg; vitamin C 12 mg; vitamin B1 0,041 mg; vitamin B6 0,079 mg và niacin 0,734 mg. Ngoài ra, Dưa lưới là trái cây giàu folate, một loại vitamin có vai trò quan trọng cho sức khỏe của tim, đồng thời ngăn chặn những khuyết tật ở thai nhi. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ thể có ít folate sẽ tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) ở những người cao tuổi. Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn những thực phẩm giàu chất folate như dưa lưới.

Trồng Dưa lưới theo hướng ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao là hướng đi được đánh giá có tính mới về khoa học và thực tiễn. Mục tiêu là xây dựng được quy trình trồng dưa phù hợp với điều kiện trồng trong nhà màng với sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch và an toàn. Việc canh tác trong nhà màng ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt là kiểu canh tác tiên tiến khá phổ biến hiện nay do có nhiều ưu điểm so với canh tác truyền thống: trồng được nhiều vụ trong năm, trồng cây trái vụ, tiết kiệm nước và ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Do đó, sẽ nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, góp phần tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Hình. Mô hình dươi lưới trồng trong nhà màng

Dưa lưới là một loại rau ăn quả quan trọng trong họ Bầu bí. Sản lượng Dưa lưới trên thế giới là 18 triệu tấn với các nước sản xuất chính là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ và Tây Ban Nha. Dưa lưới là loại cây trồng khá phổ biến ở nước ta, tuy nhiên do điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu, do đặc điểm thực vật học nên cây dưa được trồng chủ yếu ở miền Nam. Ở miền Bắc, do có mùa đông lạnh, giá rét, mùa hè lại có mưa bão nên trồng dưa thường cho năng suất, chất lượng thấp.

1.3 Thị trường tiêu thụ

- Giá bán sản phẩm dưa lưới: 40.000 đồng/kg.

- Tiêu thụ thông qua các cửa hàng bán lẻ của các đơn vị thu mua và cung cấp cho các siêu thị, và khách hàng thân thiết; đang xây dựng thương hiệu, tạo uy tín cho sản phẩm rau hữu cơ, dưa lưới và đã được khách hàng chấp nhận với đơn đặt hàng ổn định hàng tháng.

1.4 Đặc điểm nổi bật của mô hình

Sản xuất rau quả an toàn là xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập

- An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp: Đây là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay. Những năm gần đây, số trường hợp ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng và nhiều lô hàng của Việt Nam khi xuất khẩu bị phát hiện không đảm bảo về chất lượng, dư lượng hóa chất. Các tác nhân có thể làm mất an toàn gồm:

- Hóa học: Dư lượng vượt mức cho phép (MRL), chất độc tự nhiên, chất độc gây dị ứng, chất kìm hãm enzyme, tác nhân dị ứng và ô nhiễm hóa chất khác.

- Sinh học: Gồm vi khuẩn: Samonella, E. coli, Shigella, Campolybacter, Listeria monocytogenes, Clostridium butolinum, Bacillus cereus, Staphylococus aureus, Yersinia enterocolitica; ký sinh trùng: Crytosporidium, Cyclospoda, Giardia, Helminthes; và một số virus.

- Vật lý: Gồm các tạp chất lẫn vào sản phẩm trong quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển.

Sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn là xu hướng phát triển trong thời kỳ hội nhập:

- Khi hội nhập kinh tế, người tiêu thụ ngày càng được tự do lựa chọn nơi mua hàng và có vốn kiến thức càng cao về chất lượng của nông sản, sẽ đòi hỏi những tiêu chuẩn mới vừa cao về chất lượng và an toàn, vừa nghiêm khắc về quy trình sản xuất và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP - Good Agricultural Practices) sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường, đồng thời truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Trong thời kỳ hội nhập, các nhà sản xuất dưa lưới ở nước ta sẽ có nhiều cơ hội đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Do đó các nhà sản xuất cần phải cải tiến qui trình đáp ứng những yêu cầu mới khắt khe hơn của thị trường.

- Trong các hiệp định và cam kết của Việt Nam với WTO có Hiệp định SPS (hiệp định vệ sinh dịch tễ kiểm dịch động thực vật) được các thành viên của WTO đưa ra nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ. SPS khuyến khích các thành viên áp dụng các tiêu chuẩn hướng dẫn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm.

- Khi buôn bán, các tranh chấp về chất lượng, an toàn thực phẩm thường liên quan chặt chẽ từ khâu sản xuất - thu hoạch - sơ chế - vận chuyển - bảo quản và việc truy xuất nguồn gốc của một sản phẩm tạo ra ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình sản xuất là rất quan trọng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc và phương pháp truy xuất cần phải rõ ràng, khi một sản phẩm bị phát hiện có vấn đề về chất lượng hoặc an toàn, sản phẩm sẽ được truy xuất  ngay để có biện pháp giải quyết nhằm giảm thấp nhất mối nguy hại cho sức khoẻ con người. Bởi vậy khi nói đến thực phẩm chất lượng an toàn là cả một quá trình từ vườn đến bàn ăn.

- Ngày nay xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Phù hợp với xu hướng, chính sách phát triển nông nghiệp hiện tại

Theo quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí phân tích đất, nước, đào tạo, tập huấn quy trình VietGAP trong sản xuất, sơ chế. Hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá VietGAP.

Theo thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT, ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt thì thời gian giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực tối đa là 2 năm.

Mô hình đáp ứng mục tiêu về “Hình thành và phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tại các tỉnh, thành trong từng vùng sinh thái”, theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/3/2011 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Mô hình cũng thuộc diện ưu tiên theo mục c khoản 2 Điều 11 của Thông tư số 09/2013/TT-BKHCN về hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Cụ thể là thực hiện chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ cao) về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm dưa lưới theo mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng.

 Mô hình phù hợp với Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Ngoài ra, Nhiệm vụ cũng phù hợp với  kế hoạch Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh (số 1309/KH-UBND, ngày 28/03/2014).

Trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao cho sản phẩm an toàn, đạt chất lượng, theo tiêu chuẩn VietGAP: trước khi áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, người trồng trồng theo truyền thống, chạy đua lợi nhuận nên không quan tâm đến sản phẩm sạch, an toàn hay không. Vì vậy sản phẩm thường bị vượt ngưỡng cho phép của các chất độc hại như:  dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ và hóa chất bảo quản; dư lượng các kim loại nặng; Dư lượng các ký sinh trùng đường ruột và dư lượng đạm dạng Nitrat. Có một nguyên nhân khác thuộc về góc độ quản lý: đó là việc kiểm tra, kiểm soát, đánh giá, phân loại sản phẩm sạch và không sạch quá bất cập. Thiếu  đội ngũ có năng lực, thiếu phương tiện kiểm tra nhanh như (bộ kít hữu hiệu), thiếu cả cái tâm, một số cơ quan có thẩm quyến quản lý lại buông lỏng. Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới trong điều kiện nhà màng, thì sản phẩm được an toàn, đạt chất lượng nhờ nhà màng có mái che mưa và lưới chắn côn trùng xung quanh nên hạn chế tối đa sâu bệnh hại. Hiện nay công nghệ sản xuất dưa lưới đã từng bước công nghiệp hóa từng khâu, hoặc toàn bộ quá trình canh tác cả vụ, mặc dù điều kiện sản xuất và giống dưa lưới khác nhau nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm dưa lưới đạt chất lượng VietGAP và trên VietGAP. Vì vậy, việc ứng dụng công cao vào sản xuất dưa lưới là rất cần thiết, thay thế dần phương thức sản xuất truyền thống và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Về mặt công nghệ, mô hình sẽ thực hiện yêu cầu cấp thiết về: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật, công nghệ trồng dưa lưới từ thiết kế nhà màng ® chọn giống gieo ươm cây con ® tạo giá thể trồng ® hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ® kỹ thuật trồng và chăm sóc ® chế độ dinh dưỡng ® phòng trừ sâu bệnh ® thu hoạch, đáp ứng được các giải pháp, thông số kỹ thuật và chỉ tiêu chất lượng ổn định, đạt trình độ công nghệ cao, tương đương với các nước như Israel, Nhật Bản,… Công nghệ mới phải đồng bộ từ khâu thiết kế, lắp đặt hệ thống nhà màng đáp ứng nhu cầu của người sản xuất trong nước đồng thời phải phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng với giá thành thấp; Công nghệ đồng bộ tạo ra sản phẩm hàng hóa với sản lượng lớn, đảm bảo độ đồng đều cũng như chất lượng ổn định tạo được uy tín, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính luôn đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng phải luôn đảm bảo tính thường xuyên, ổn định và liên tục.

Tính mới và ưu việt của công nghệ được nghiên cứu hoàn thiện so với công nghệ đang áp dụng:

- Hệ thống nhà màng được thiết kế thích hợp hơn với điều kiện sinh thái tại khu vực TP.HCM. Việc lắp đặt, thao tác dễ dàng, không phụ thuộc vào nhà cung cấp; đặc biệt là giá thành sẽ giảm xuống từ 5-10% so với hiện nay.

- Quy trình tưới nước, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh được nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp và các thông số kỹ thuật hợp lý hóa cao và ổn định hơn; toàn bộ cả quá trình đều được xử lý, điều khiển, kiểm soát chặt chẽ bằng các phần mềm ứng dụng. Đây được xem là bí quyết của công nghệ mới so với công nghệ cũ đang áp dụng; tính ưu việt là tiết kiệm được tối đa vật tư, nguyên liệu và nhân công; chất lượng sản phẩm được nâng lên và giá thành hạ mức thấp nhất.

Nhiệm vụ thực hiện sẽ chuẩn hóa được trình độ công nghệ cao trồng dưa lưới, thay thế được các quy trình kỹ thuật công nghệ đang áp dụng thiếu đồng bộ, không ổn định, rủi ro cao khi áp dụng vào quy mô sản xuất lớn và không thể phổ biến, nhân rộng ra các địa phương có điều kiện sinh thái khác nhau.

Hiệu quả khi ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ mới đã được hoàn thiện:

- Làm chủ được quy trình kỹ thuật công nghệ cao; có thể phổ biến, nhân rộng, chuyển giao công nghệ áp dụng vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, có điều kiện về hệ sinh thái khác nhau, với chi phí thấp, chi khoảng 50% so với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu khắc nghiệt; Nâng cao được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần so với trồng lúa, lợi nhuận đem lại có thể đạt tối thiểu từ 750-800 triệu đồng/ha/năm.

 

II. CÁC YÊU CẦU - QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG DƯA LƯỚI TRÊN GIÁ THỂ TRONG NHÀ MÀNG ÁP DỤNG TƯỚI NHỎ GIỌT

2.1 Đánh giá, yêu cầu về lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình

- Môi trường: trồng cây trên giá thể nên tận dụng các giá thể là phế phụ phẩm nông nghiệp, nên giảm thiểu gây hại đến môi trường. Ngoài ra, áp dụng tưới nhhỏ giọt nên dinh dưỡng cung cấp trực tiếp cho cây, không bị thất thoát dinh dưỡng.

- Vật tư, thiết bị chủ yếu đảm bảo cho mô hình (nhiệm vụ) thực hiện: về nhà màng được thi công từ các công ty xây dựng nhà màng trong nước, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isreal, các loại hóa chất phân bón được áp dụng từ Jodan, Ấn Độ.

- Nhân lực triển khai mô hình (nhiệm vụ): gồm 6 cán bộ KHCN đúng chuyên môn, có kinh nghiệm trong sản xuất dưa lưới.

Hình. Nhà màng xây dựng tại Nhà Bè

2.2 Yêu cầu về nguyên liệu cho sản xuất của mô hình

a) Chuẩn bị nguyên vật liệu

Đất sạch, phân trùn quế, Dịch trùn quế, chậu trồng (có thể dùng túi nilong đen), xơ dừa (có thể mua tại các vựa kiểng, hoa kiểng trên toàn quốc), hạt giống dưa lưới.

Lưu ý: trồng dưa lưới là phải có phân trùn quế.

Hình. Xơ dừa

 

Hình. Phân trùn quế SFarmHạt giống dưa lưới

b) Giống

Tùy theo điều kiện và nhu cầu của thị trường có thể chọn giống có hình thức, chất lượng phù hợp. Hiện nay, giống Chu Phấn và Taki là hai giống được trồng khảo nghiệm và đánh giá là phù hợp với điều kiện nhà màng, tuy nhiên giống Taki do có độ Brix cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời có khả năng kháng bệnh tốt hơn nên được khuyến khích trồng nhiều hơn.

Tên giống

Năng suất
(kg/cây)

Loại giống

Thời gian sinh trưởng (ngày)

Nguồn gốc

Chu Phấn

1,5 – 2,0

F1

60 – 75

Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu - nhập từ Đài Loan

Taki

1,3 – 1,8

F1

60 – 75

Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Phát - nhập từ Nhật Bản

Cây giống khi trồng phải đạt các tiêu chuẩn tối thiểu:

+ Số ngày gieo ươm: 10 – 15 ngày

+ Chiều cao cây: 12 – 15 cm

+ Đường kính thân: 2 – 5 mm

+ Số lá thật: 2 – 3 lá

Tình trạng cây xuất vườn: Cây khoẻ mạnh, không dị hình, không bị dập nát, ngọn phát triển tốt, không có các biểu hiện nhiễm sâu bệnh.

c) Chuẩn bị cây con

Sử dụng các khay ươm cây để gieo hạt. Khay ươm thường làm bằng vật liệu xốp, có kích thước dài 50 cm, rộng 35 cm, cao 5 cm (có 50 lỗ/khay).

Sử dụng mụn xơ dừa hoặc trộn với tro trấu và phân hữu cơ để làm giá thể gieo hạt. Mụn xơ dừa: phải xử lý chất chát (tanin) trước khi trồng. Xử lý bằng cách ngâm và xả, thời gian xử lý là 7 - 10 ngày (lúc này nước xả đã trong) thì đem trồng được.

Phân hữu cơ: sử dụng phân trùn quế hoặc phân chuồng đã hoai mục. Phân này đã được xử lý nguồn bệnh bằng Tricoderma (Dùng 500gr Tricoderma pha với 150 – 200 lít nước cho 5-6 khối phân chuồng rồi tưới hoặc phun xịt đều dịch pha lên đống ủ. Ủ bạt để giữ ẩm và giữ nhiệt từ 10-15 ngày. Định kỳ đảo trộn để đảm bảo bào tử phân tán đều và cung cấp oxy).

Giá thể dùng gieo hạt gồm phân hữu cơ, mụn xơ dừa và tro trấu đã qua xử lý và được phối trộn theo tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân hữu cơ + 10% tro trấu, giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay, sau đó tiến hành gieo 1 hạt/lỗ. Khi gieo xong tưới nước giữ ẩm và hằng ngày tưới nước giữ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm đồng đều, khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Sau khi thấy hạt nảy mầm, bắt đầu xuất hiện lá thật thứ nhất thì phun phân bón lá Growmore 30-10-10 để phun qua lá, nồng độ là 1g/lít nước.

Trong vườn ươm cần chú ý: Phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ là môi giới truyền bệnh virus cho dưa lưới (triệu chứng được miêu tả giống phần phòng trừ sâu bệnh). Ngoài ra cần phòng trừ bệnh héo rũ cây con. Tốt nhất cây nên gieo trong nhà màng có lưới ngăn côn trùng.

d) Chuẩn bị giá thể trồng

  • Trồng đất:

- Luống rộng 1,2m, cao 40 cm, khoảng cách giữa các luống 40 - 60 cm

- Bón vôi: khử trùng đất, cung cấp nguồn Canxi, điều chỉnh độ pH của đất trồng

- Sử dụng một số chế phẩm sinh học để phòng trừ nấm bệnh và cải tạo đất: Chế phẩm nấm Trichoderma, chế phẩm diệt tuyến trùng, chế phẩm nấm xanh Metarzhium diệt sùng cắn rễ, chế phẩm EM cung cấp hệ vi sinh vật phân giải, tăng độ màu mỡ của đất giúp cây hấp thu dinh dưỡng nhanh và phòng trừ được nấm bệnh trong đất (chế phẩm nấm xanh Metarzhium và chế phẩm EM có tại Trung tâm).

- Làm cỏ: Quản lý cỏ dai tốt sẽ hạn chế được sâu hại. Sử dụng màng phủ nông nghiệp là biện pháp phổ biến.

- Sau mỗi vụ trồng nên lật đất, lấy hết rễ cũ, phơi nắng để diệt trừ nguồn bệnh

  • Trồng trong giá thể:

- Giá thể được sử dụng là mụn xơ dừa, trước khi trồng cần phải xử lý tanin. Sử dụng hồ chứa để xử lý mụn xơ dừa bằng cách ngâm và xả, sáng bơm nước vào hồ đến đầy, chiều xả sạch nước, thời gian xử lý từ 7 - 10 ngày (lúc này nước xả đã trong) thì đem trồng được.

e) Trồng và chăm sóc

  • Trồng cây:

- Nên trồng vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng để tránh tổn thương cây con, không nén quá chặt. Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây không bị héo. Cần trồng dự phòng 5-10% cây con đúng tuổi để dặm.

- Đối với trồng túi nilon: trồng 1 cây/túi

- Đối với luống trồng: trồng 2 hàng/luống và cây x cây: 40 cm.

  • Mật độ, khoảng cách trồng:

- Mùa khô: trồng hàng kép: hàng x hàng 1,4 m, cây x cây 40 cm theo kiểu nanh sấu, mật độ: 2.500 – 2.700 cây/1000 m2.

- Mùa mưa: trồng hàng kép, cây x cây 50 cm, hàng x hàng 1,4 m, mật độ 2.200 - 2.500 cây/1000 m2.

- Từ 7-10 ngày sau trồng, tiến hành kiểm tra, trồng dặm lại các cây bị chết.

  • Tưới nước và bón phân:

- Tưới nước: sử dụng nước giếng khoan hay nước sông suối, pH từ 6 - 7, nước không mặn, không phèn. Chế độ tưới cho dưa lưới được thực hiện như sau:

Giai đoạn

Lượng nước (lít/cây/ngày)

Trồng – 14 ngày

0.5 - 0.8

Trồng 15 ngày – ra hoa

1 - 1.8

Đậu quả - thu hoạch

2 - 2.5

- Bón phân: Lượng phân bón có thể khác nhau, tùy vào độ màu mỡ của đất.

Loại phân

Bón lót

Tưới thúc

Bón thúc

Tổng lượng phân kg/1000m2)

5-10 ngày sau trồng

45-55 ngày sau trồng

Vôi

50

-

-

50

Phân chuồng

1,000

-

-

1,000

NPK 15:15:15:4

70

-

10

80

Lân

20

 

 

20

DAP

-

5

-

5

KNO3

-

-

5

5

  • Chăm sóc:

- Khi trồng được 7 - 10 ngày, bắt đầu treo dây cố định cây, đến giai đoạn ra hoa tiến hành thụ phấn bằng Ong hoặc thụ phấn thủ công cho dưa lưới.

- Thụ phấn thủ công: thụ phấn bằng thủ công là lấy bông đực để chụp vào bông cái, thụ phấn từ lúc sáng sớm và thụ trước 9h sáng để đảm bảo hạt phấn còn sống.

- Sử dụng Ong mật để thụ phấn, thả 1 thùng ong/1.000 m2 (thùng ong có 3 cầu)

- Tỉa bỏ các cành nách để tạo thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và sự tiêu hao dinh dưỡng.

- Mỗi cây để lại từ 1- 2 quả, để quả ở lá thứ 10 – 15. Sau đó tỉa hết các cành nách tạo thông thoáng và hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng. Sau khi quả có đường kính từ 2 – 4 cm thì tiến hành hãm ngọn (lúc này cây đã có lá thứ 23- 25, tương đương khoảng 40 ngày sau trồng) để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

2.3 Yêu cầu về máy móc thiết bị cần có cho mô hình

- Máy bơm nước và dinh dưỡng

- Máy phun phân,thuốc

- Máy đo EC, pH

2.4 Yêu cầu về điện nước

- Nước tưới: được khoan trực tiếp từ địa điêm triển khai

- Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho diện tích 1.000 m2

- Lắp đặt hệ thống kiểm soát nguồn nước: hệ thống lọc nước RO.

Quy trình trồng sử dụng giá thể và tưới nhỏ giọt nên không hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường.

2.5 Quy trình, kỹ thuật chăm sóc

Ứng dụng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt (được Bộ NNPTNT công nhận tiến bộ KHCN).

Tóm tắt quy trình trồng dưa lưới trên giá thể:

Bước 1. Chuẩn bị nhà màng

Nhà màng được thiết kế với nhiều kiểu khác nhau: Kiểu nhà kính, nhà màng kiểu cổ điển, nhà màng kiểu răng cưa, kiểu mái vòm, kiểu hình ống, nhà lưới,...Tuy nhiên cần đảm bảo các điều kiện như: độ truyền sáng từ 85 - 90%; quy cách: độ cao cột (chiều cao từ mặt đất đến máng xối) từ 4 - 4,75m, khẩu độ mỗi gian nhà là 8m, cột cách cột (bước cột) là 4m. Với mái được lợp bằng màng Polymer (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng dày 50 mesh.

Hình: Kiểu nhà màng thông gió cố định

Bước 2. Chọn giống

Chọn các giống dưa lưới: Chu Phấn, Thúy Phương, Taki… có khả năng thích nghi với điều kiện nhiệt độ cao và cho năng suất cao.

Bước 3. Chuẩn bị cây con

Ngâm hạt trong nước ấm 45 - 500C (2 sôi + 3 lạnh) trong 2 giờ.

Sử dụng các khay ươm cây (loại 50 lỗ) để gieo hạt, mỗi lỗ 1 hạt. Giá thể cần được làm ẩm trước khi gieo. Hàng ngày tùy vào điều kiện thời tiết để tưới nước đủ ẩm để giúp hạt nảy mầm. Có thể ủ hạt giống cho nảy mầm rồi tiến hành gieo vào khay. Có thể dùng mụn dừa hoặc trộn với tro trấu và phân hữu cơ để làm giá thể gieo hạt.

Trong vườn ươm cần chú ý: Phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ là môi giới truyền bệnh virus cho dưa lưới. Ngoài ra cần phòng trừ bệnh héo rũ cây con. Tốt nhất cây nên gieo trong nhà màng có lưới ngăn côn trùng. Ngoài việc cung cấp đủ ẩm cho cây, cần chú ý tưới dinh dưỡng cho cây. Có thể dùng dung dịch thủy canh với nồng độ = 1/3 tưới cho cây con.

Cây con sau gieo từ 10 – 12 ngày thì có thể tiến hành trồng.

Bước 4. Chuẩn bị giá thể trồng

Giá thể được sử dụng là mụn dừa, phân trùn quế, tro trấu, trước khi trồng cần phải được khử trùng và xử lý một số chất chát, mụn dừa được sử lý 7- 10 ngày bằng cách ngâm xả nước. Giá thể sau khi xử lý được cho vào các các túi nilon trồng cây (tỷ lệ phối trộn 70 xơ dừa + 20 trùn quế + 10 tro trấu), kích thước túi 40 cm x 40 cm. Chú ý không nén giá thể chặt quá. Các túi giá thể được đặt trên các tấm đỡ hoặc đặt trực tiếp trên nền nhà màng.

Bước 5. Thiết bị tưới

Thiết bị tưới cho kiểu trồng trong túi được sử dụng loại một đầu cắm tưới nhỏ giọt và giây tưới nhỏ giọt loại 60 hoặc 80 cm. Trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới cần có: Bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây, ống tưới, bộ lọc và bộ định giờ. Ngoài ra, cần trang thiết bị thêm một số dụng cụ như máy đo pH, máy đo EC. Tùy điều kiện và cấu trúc nhà màng có thể lắp thêm hệ thống làm mát bằng phun sương, quạt thông gió, hệ thống điều kiển tự động.

Bước 6. Trồng và chăm sóc

  • Mật độ trồng

Dưa lưới trồng trong nhà màng với mật độ 22.000 – 28.000 cây/ha. Với khoảng cách hàng 1,4 m. Tiến hành trồng hàng kép.

  • Tưới nước và bón phân

- Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp.

- pH cho dịch tưới là: từ 5,5 - 6,5

  Quá trình tưới nước cho cây nên tưới dư khoảng 10%.    

  • Chăm sóc

Sử dụng Ong để thụ phấn cho dưa lưới. Mỗi cây để 1 – 2 quả ở cành cấp 1 tại vị trí lá thứ 8 – 13 tùy vào tình hình sinh trưởng của cây. Sau đó tỉa hết các cành nách để tạo thông thoáng và hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng. Khi dưa lưới đạt khoảng 25 lá thì tiến hành bấm ngọn.

  • Phòng trừ sâu bệnh hại

- Sâu hại: Dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số loài sâu hại: bọ phấn trắng và bọ trĩ. Có thể sử dụng các loại thuốc để phòng trừ: Abamectin, Confidor, Radiant, Ascend, Mospilan...

- Bệnh hại: Dưa lưới trồng trong nhà màng thường bị một số bênh như: héo rũ cây con, phấn trắng, sương mai...Có thể sử dụng các loại thuốc: Ridomin, Aliette, Anvil...

Bước 7. Thu hoạch

  Đối với dưa lưới sau khi trồng khoảng 60 - 65 ngày thì cho thu hoạch.

2.6 Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

a) Thu hoạch 

 Cây sau nở bông 30 – 40 ngày (dưa vỏ trơn), 45 – 55 ngày (dưa lưới, hamiqua)  là có thể thu hoạch. Khi cây tuyển trái có thể lấy chỉ màu làm dấu phân biệt ngày nở bông để phán đoán ngày thu hoạch (nếu là giống dưa khi chín vỏ không chuyển màu) hoặc nhìn vào màu sắc vỏ trái (giống dưa chín chuyển màu). Thu hoạch lúc tản sáng, khi nhiệt độ còn thấp.

b) Bảo quản sau thu hoạch

- Xử lý dưa lưới bằng dung dịch H2O2 (10-50ppm) hay chlorine (100ppm) có thể giảm thiểu hầu hết những vi sinh vật gây hại trong đó có Salmonella spp. và tăng thời gian bảo quản thêm 4 đến 5 ngày so với quả không xử lý.

- Có nhiều phương pháp bảo quản dưa lưới: kiểm soát nhiệt độ, nồng độ CO2, O2, xử lý 1 – MCP, sử dụng màng bao sinh học,…

 2.7 Vấn đề tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khách hàng sỉ hiện tại: siêu thị Vinmart, siêu thị BigC,…Hệ thống bán lẻ của các đơn vị thu mua.

 

III. ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, CHẤT LƯỢNG CÔNG NGHỆ CỦA MÔ HÌNH

Hiện nay Dưa lưới được chọn là cây trồng “tiêu chuẩn” để canh tác trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong cả nước vì những lý do sau:

- Dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định, năng suất canh tác  cao trên một đơn vị diện tích trong nhà màng.

- Khi trồng trong nhà màng thì sẽ hạn chế được sâu bệnh hại vì các cây trồng thuộc họ Dưa thường rất dễ bị sâu bệnh khi gặp điều kiện bất lợi. Đặc biệt là thời kỳ đậu quả vì quả Dưa lưới có mùi thơm và vị ngọt rất hấp dẫn côn trùng. Nếu canh tác theo kiểu truyền thống (ngoài đồng ruộng) thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc BVTV để phòng, trừ.

- “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, vì vậy canh tác các cây họ Dưa chỉ phù hợp vào mùa khô, còn mùa mưa thì không thuận lợi. Tuy nhiên việc canh tác trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì chủ động được thời tiết, không quá lệ thuộc vào tự nhiên (mùa mưa vẫn trồng được). Do đó đảm bảo quá trình sản xuất được liên tục, không theo mùa vụ như lối canh tác truyền thống.

Nhà màng là yếu tố quyết định về hiệu quả SX, đặc biệt trong bối cảnh phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiệt độ tăng cao trong mùa hè, lũ lụt trong mùa mưa. Do vậy, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng để sản xuất là rất cần thiết.

Cây sinh trưởng phát triển tốt, chỉ nhiễm sâu bệnh hại ở mức độ nhẹ, cho năng suất, chất lượng quả cao. Cây trồng trong nhà màng nên có thể sản xuất 3 vụ/năm, sản xuất trái vụ. Việc sử dụng nhà màng cũng kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng, giảm chi phí đầu tư, công lao động và hạn chế đáng kể sử dụng thuốc BVTV. Ðây là những ưu điểm nổi bật của mô hình trồng dưa trong nhà màng và công nghệ tưới nhỏ giọt. 

 

IV.  ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ MÔ HÌNH

4.1 Hiệu quả về kinh tế

Sau khi kết thúc nhiệm vụ trong thời gian 2 năm thì tổng doanh thu đạt 735 triệu đồng, trong đó lợi nhuận 231,570 triệu đồng (tương đương 115,785 triệu đồng/1.000 m2/năm). Như vậy, sau khi thu hoạch đợt 1 vẫn có thể tiếp tục đầu tư duy trì sản xuất trong những năm tiếp theo nhằm khai thác tối đa cơ sở vật chất và trang thiết bị.

So sánh về thời gian trồng, chăm sóc đến thu hoạch chỉ 65 ngày và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất (khoảng 1.000 m2/nhà), thì trồng dưa lưới có thu nhập cao hơn cây mãng cầu và các loại cây khác trong khu vực gấp nhiều lần. 

Bên cạnh đó trồng loại cây này lại không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng do ít sử dụng thuốc trừ sâu và có khoảng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Song song đó, dưa lưới được tưới nước và bón phân bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Cách này vừa giúp tiết kiệm nước và phân bón vì cung cấp chất dinh dưỡng và lượng nước đến tận gốc, đúng nhu cầu trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

4.2 Hiệu quả về xã hội

Đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm rau an toàn của người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Số lao động có việc làm trực tiếp là 5 lao động (khi mở rộng diện tích 4.000 m2) với mức lương trung bình là 5 triệu đồng/tháng/người x 12 tháng = 60 triệu đồng/năm/người lao động.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công nghệ trồng rau theo công nghệ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

Sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng, người tiêu dùng tin tưởng yên tâm về sức khỏe khi sử dụng sản phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng và người dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp được sản xuất trong nước so với các nước trong khu vực trong quá trình hội nhập. Có khả năng nhân rộng và phát triển quy mô sản xuất lớn theo hướng liên kết hình thành chuỗi giá trị gia tăng, đảm bảo cho phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Phát huy được tiềm lực khoa học và công nghệ trong nước, nắm vững và làm chủ được quy trình kỹ thuật công nghệ cao đưa vào ứng dụng triển khai; rút ngắn được khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp với các nước trong khu vực; tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cao trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái của từng vùng; góp phần thực hiện thành công tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái của từng vùng nông nghiệp, nông thôn tại khu vực phía Nam; tạo ra quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, làm thay đổi tư duy nhận thức của lực lượng nông dân về tiếp thu ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; góp phần thực hiện thành công về xây dựng nông thôn mới. Tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế - xã hội của nông dân các vùng nông thôn từ áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch và phát triển bền vững.

4.3 Hiệu quả về môi trường

Giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

4.4 Khả năng nhân rộng

Thành phố Hồ Chí Minh có thị trường tiêu thụ lớn  và có cơ sở vật chất nên mô hình có tính ứng dụng cao, mô hình nhân rộng tốt và triển vọng lớn.

Quy trình đáp ứng với tiêu chí VietGAP, phù hợp biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay, vì vậy  sự thành công của mô hình có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển nền nông nghiệp nước ta theo hướng nông nghiệp hiện đại và bền vững trong giai đoạn 2016-2020.

 

V. ĐỊA CHỈ CHUYỂN GIAO, TƯ VẤN

5.1 Địa chỉ mô hình sản xuất tiêu biểu

Địa chỉ triên khai mô hình: 1208, Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.       

5.2 Địa chỉ cung cấp giống và vật tư nông nghiệp

Các công ty, cửa hàng cung cấp giống, vật tư trên địa bàn thành phố.

 

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả