SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống lúa-tôm

Theo thống kê Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khoảng 5 năm gần đây hệ thống canh tác tôm - lúa đã phát triển mạnh ở nhiều tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, từ vài chục ngàn ha năm 2005 đã tăng lên khoảng 160 ngàn ha năm 2011, có thể đạt 180 ngàn ha vào năm 2015 và 200 ngàn ha năm 2020. Tổng kết thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy mô hình canh tác tôm – lúa có hiệu quả và tính bền vững cao và dễ tiếp cận các điều kiện theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Sản xuất lúa hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế (USDA, EU, JAS) là một mô hình mới và không dễ thực hiện. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) phải tuân theo 4 nguyên lý đối với sản xuất hữu cơ đã được IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movement - Liên đoàn Quốc tế về Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ) chấp nhận từ ngày 25/9/2005, đó là:

  • Sức khỏe: NNHC gìn giữ và gia tăng sức khỏe của đất, cây trồng, động vật và con người như một thể thống nhất không thể tách rời.
  • Sinh thái: NNHC dựa trên các hệ thống sinh thái sống và theo chu kỳ, tác động lẫn nhau, cùng tồn tại và nâng đỡ cùng nhau.
  • Sự công bằng: NNHC xây dựng trên những mối quan hệ mà đảm bảo sự công bằng liên quan đến môi trường chung và các cơ hội sống cho tất cả con người, sinh vật và cây trồng.
  • Gìn giữ môi trường: NNHC cần phải quản lý trong một sự cẩn trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của các thế hệ hiện tại, tương lai và môi trường.

Hệ thống canh tác nông - ngư kết hợp, đưa nuôi trồng thủy sản vào các hệ thống nông nghiệp (cây trồng) truyền thống đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá là hệ thống canh tác bền vững. Mô hình canh tác tôm – lúa chính là việc ứng dụng những kiến thức ấy để biến cái khó lâu đời của người nông dân trồng lúa vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng trong mùa khô) thành nguồn tài nguyên quí giá để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.

Về mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học, sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Nhờ đó, mô hình này góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống lúa - tôm là một điển hình đã được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chọn giống

Lúa hữu cơ sản xuất bắt đầu từ việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và hạt giống thuần, không sử dụng giống biến đổi gen, chịu được hạn, mặn và thiên nhiên khắc nghiệt.

Chọn tôm giống thả nuôi, đồng thời kết hợp lấy nguồn tôm cá tự nhiên ngoài môi trường theo cống bọng vào trong ao.

Chuẩn bị nguồn nước

Đối với lúa: tháo nước cạn, rửa mặn nhiều lần; đắp bờ bao và kiểm tra cống không để nước và chất ô nhiễm trôi dạt vào ruộng.

Đối với tôm: xổ cạn nước, nạo vét và xử lý ao đầm, rồi cho nguồn nước mới vào.

Làm đất

Xới đất bằng máy hoặc làm bằng tay, cày trục để xuống lúa. Các dụng cụ phải được rửa bằng vòi phun mạnh, tránh mang đất đai từ nơi khác đến.

Đất được cải thiện chất lượng bằng cách sử dụng các loại phân hữu cơ được phép sử dụng

Gieo sạ và thả con giống

Đối với lúa: thời điểm xuống giống thường vào đầu mùa mưa (cuối tháng 6 âm lịch) và thu hoạch vào độ cuối tháng 10 âm lịch. Hết vụ lúa thì chuyển sang sản xuất một vụ tôm trong thời gian khô hạn, xâm nhập mặn. Vụ tôm sẽ kéo dài đến đầu mùa mưa năm sau.

Đối với tôm: sau khi thu hoạch lúa thì chuẩn bị thả tôm (vào đầu tháng 12 âm lịch). Thả tôm sú giống ban đầu với mật độ từ 3-5 con/m2 mặt nước, khoảng 2 tháng sau thả thêm 2-3 con/m2 mặt nước, tháng kế tiếp bổ sung thêm cua giống

Canh tác lúa trên vùng nuôi tôm là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất. Nếu chuyên canh tôm lâu dài, nước mặn sẽ ngấm sâu vào tầng đất dưới, làm đất bị thoái hóa, không thể sử dụng cho các mục đích trồng trọt sau này.

Phân bón

Chỉ được phép sử dụng các loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, giống đã được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền (không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học, tổng hợp, giống GMO) hoặc áp dụng một loạt các biện pháp tự nhiên và sinh học để giảm thiểu tác động của sâu bệnh và cỏ dại mà không cần đến thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa học.

Thu hoạch và bảo quản

Đối với lúa: dùng liềm cắt tay hoặc máy tuốt lúa (sử dụng máy xay xát lúa riêng hoặc kiểm tra vệ sinh để tránh ô nhiễm). Thu hoạch khi trời nắng ráo để thuận tiện cho phơi đập, giảm thất thoát và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Lúa được phơi trên sân hoặc bạt (được làm vệ sinh sạch, tránh lẫn các tạp chất).

Đối với tôm: đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch, thu hoạch 2 lần/tháng theo kỳ nước rong và thu hoạch dứt vụ tôm khi mùa mưa mới bắt đầu.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, chính quyền địa phương các xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã nghiên cứu xây dựng dựng quy trình và sản xuất lúa hữu cơ, tổ chức hệ thống liên kết bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ (USDA, EU, JAS).  Kết quả, năm 2015, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng thu nhập cho nông dân.

Tính toán hiệu quả kinh tế lúa hữu cơ, mô hình gần 50 ha, năm thứ nhất:

 - Năng suất trung bình lúa hữu cơ năm 2015 là 4,29 tấn/ha, năng suất lúa canh tác vô cơ bằng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học được tính bình quân/ha theo báo cáo của UBND xã Long Hòa năm 2015-2016 là 5,40 tấn/ha (hộ đạt cao nhất là 6,2 tấn/ha; thấp nhất là 5,5 tấn/ha).

 - Giá sàn thu mua lúa hữu cơ tươi thời vụ 2015 là 5.800 đồng/kg, thực tế thu mua lúa khô cho nông dân mô hình lúa hữu cơ là 8.700 đồng/kg. 

 - Lúa vô cơ bán tại ruộng cùng thời điểm là 5.400 đồng/kg, tính ra giá lúa khô tương đương 6.480 đồng/kg (chênh lệch từ tươi sang khô là 20%).

 Các doanh nghiệp phối hợp đã thu mua cao hơn giá thị trường 25% cho năm thứ 1 (2015); 35% cho năm thứ 2 và 55% cho năm thứ 3 (giá thu mua thực tế qua các năm là 8.700 đồng/kg; 9.280 đồng/kg; và 10.440 đồng/kg). Trong khi đó, giá mua lúa vô cơ cố định trong 3 năm là 6.480 đồng/kg.

 Như vậy, với mỗi ha sản xuất, nông dân theo mô hình lúa hữu cơ có thu nhập chênh lệch so với sản xuất lúa vô cơ theo các năm là 2,331 triệu, 4,819 triệu và 9,795 triệu đồng/ha (lợi nhuận sản xuất lúa hữu cơ năm thứ nhất là 24,023 triệu đồng/ha; năm thứ hai là 26,511 triệu đồng/ha và năm thứ ba là 31,487 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa vô cơ đem lại lợi nhuận 20,592 triệu đồng/ha).

 Tỷ suất hiệu quả đồng vốn cao nhất năm thứ ba sản xuất lúa hữu cơ là 2,4; kế đó là năm thứ hai (2,0) và năm thứ nhất (1,8). Trong khi sản xuất lúa vô cơ chỉ là 1,4.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Họ và tên: TS. Lê Quý Kha và TS. Nguyễn Công Thành

Nơi công tác: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Địa chỉ liên hệ: 121 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận

Điện thoại: 0975401681

Email: lquykha@gmail.com

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả