SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình nhân giống Lan Mokara

Ngày nay, mức sống của người dân không ngừng được cải thiện, kéo theo là nhu cầu sử dụng hoa nói chung, và hoa lan nói riêng, cũng tăng nhanh, không chỉ ở những dịp lễ tết mà còn trong đời sống thường ngày. Mô hình nhân giống lan Mokara là một trong những phương pháp hiệu quả để tạo ra số lượng lớn các giống lan có chất lượng tốt, góp phần khắc phục tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường hoa lan hiện nay.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường kinh doanh hoa lan tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu cây cảnh trong nước tăng cao. Tại TP.HCM, việc sản xuất hoa lan tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi (188,1 ha) và huyện Bình Chánh (31,1 ha) với sản lượng hàng năm khoảng 6,7 triệu chậu, 68,9 triệu cành, giá trị khoảng 613,9 tỷ đồng. Trong đó, giống lan Mokara là nhóm giống chủ lực trong việc phát triển diện tích và cung cấp sản phẩm hoa lan cắt cành tại TP.HCM do hiệu quả cao, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu cũng rất lớn.

Số lượng hoa lan giống Mokara cung cấp cho TP.HCM chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan và hầu hết không được kiểm định, nên đôi khi không đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cây giống lan Mokara cao cũng gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích sản xuất. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước nhân giống và cung cấp giống lan Mokara cấy mô, nhưng số lượng còn khiêm tốn và chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Vì vậy việc đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật để phục vụ cho nhân giống in vitro và hướng đến lai tạo các giống lan Mokara cũng như các giống lan khác là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

 

Quy trình và phương pháp thực hiện

Điều kiện sản xuất

Yêu cầu về lựa chọn địa điểm thực hiện

Sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống lan Mokara tạo ra số lượng lớn cây giống đồng nhất về mặt di truyền, sạch bệnh, chất lượng cây giống tốt, tỷ lệ sống cao.

Chuyển các bình cây giai đoạn cấy chuyền sau cùng (3 tháng trước khi ra vườn ươm) đem nuôi ở điều kiện nhiệt độ và ánh sáng tự nhiên.

Yêu cầu về nhà xưởng, khu đất và trang thiết bị

Môi trường: phòng nuôi cấy đầy đủ tiện ích như: Nhà vệ sinh, hệ thống nước thải, rác thải đúng tiêu chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường đất và nước tại chỗ nuôi cấy, cũng như khu vực xung quanh.

Hệ thống phòng nuôi cấy: phòng vô trùng (50 m2); phòng nuôi cây (200 m2); phòng pha, hấp môi trường (20 m2); khu rửa dụng cụ, ra cây (20 m2); nhà huấn luyện cây (100m2); vườn ươm cây con (1.000 m2).

Vườm ươm: đảm bảo tối thiểu các yêu cầu:

  • Phải có mái che mưa, lưới cắt nắng hai lớp trong đó lớp phía dưới có thể di chuyển để điều chỉnh ánh sáng.
  • Vườn ươm phải thoáng mát, nhiệt độ bên trong vườn ươm không được cao hơn nhiệt độ bình thường bên ngoài.
  • Giàn ươm cây có chiều cao cách mặt đất từ 70–80 cm, chiều rộng từ 1–1,4 m, chiều dài tùy vào chiều dài của vườn ươm (tốt nhất từ 15–20 m). Vật liệu làm giàn có thể là tre, gỗ, hoặc bằng sắt tùy điều kiện kinh tế nhưng phải đảm bảo chắc chắn.

Trang thiết bị

  • Phòng cấy vô trùng: tủ cấy vô trùng (hãng Shin saeng –Hàn Quốc).
  • Phòng chuẩn bị môi trường: cân phân tích 4 số lẻ (0,0001-210 g), cân kỹ thuật (0,01-3.100 g), máy đo pH để bàn, máy khuấy từ gia nhiệt, tủ lạnh, lò viba, máy cất nước 1 lần, nồi hấp vô trùng.
  • Phòng nuôi cây: kệ nuôi cây 5 tầng và đèn chiếu sáng, máy đo nhiệt độ và ẩm độ, máy đo cường độ ánh sáng.
  • Phòng huấn luyện cây: máy đo nhiệt độ và ẩm độ, máy đo cường độ ánh sáng.
  • Vườn ươm hậu cấy mô: máy đo nhiệt độ và ẩm độ, máy đo cường độ ánh sáng, máy xịt thuốc, hệ thống tưới phun sương.

Nhân lực

  • Cán bộ khoa học công nghệ đúng chuyên môn: 3 người.
  • Kỹ thuật viên và công nhân lành nghề: 11 người

Giống

Các giống Mokara chủ lực cần nhân: Full Moon (Vàng chanh), Kenyku (Tím đậm), Chao Praya Gold (Vàng mai), Chao Praya Sunset Gold (Vàng chao Sunset), Bangkhuntien (Vàng nến)…

 

Phương pháp thực hiện

Chọn cây mẹ

Chọn cây cho hoa có màu sắc đẹp, siêng bông (cho nhiều phát hoa trong 1 năm), số hoa trên phát hoa nhiều, phát hoa dài, có thể chia nhánh. Bên cạnh đó, nên chọn cây không bị rụng lá chân, ra rễ nhiều và nhanh, đồng thời phát triển mạnh về chiều cao, lá dài nhưng không bó chặt vào thân.

Khử trùng mẫu

Lấy mẫu: lấy phát hoa 10 ngày tuổi (kích thước từ 4-5 cm) thu từ các cây mẹ đã tuyển chọn.

Cách làm: rửa sạch mẫu dưới vòi nước đang chảy để loại hết các bụi bẩn bám trên bề mặt và dùng bông thấm cồn 700 lau sạch từ 2-3 lần. Sau đó lắc phát hoa trong nước xà phòng bột loãng từ 15-30 phút, tiếp tục rửa sạch phát hoa và rửa lại bằng nước cất vô trùng xong chuyển vào tủ cấy.

Trong tủ cấy, phát hoa được rửa bằng nước cất vô trùng 2-3 lần.

Dùng nhíp sạch gắp các phát hoa này sang một bình vô trùng mới, lắc phát hoa với cồn 700 và rửa lại bằng nước cất 3-4 lần. Tiếp tục dùng nhíp sạch gắp các phát hoa sang một bình vô trùng mới khác, lắc phát hoa trong dung dịch khử trùng javel Mỹ Hảo sau đó rửa lại với nước cất vô trùng.

Tiến hành tách các lớp bao ở vị trí đốt của phát hoa, sau đó cắt thành các lát mỏng có độ dày khoảng 3-5 mm, mỗi lát mang 1 đốt. Tỷ lệ mẫu sống và vô trùng đạt 70 %.

Tạo chồi

Sau khi đã tạo được nguồn mẫu sạch, tiến hành nuôi cấy các đốt phát hoa trên môi trường tạo chồi.

Nhân nhanh PLBs, chồi: tách các chồi hoặc PLBs hình thành từ các phát hoa.

Tăng trưởng cây: sau khi tạo được lượng chồi cần thiết thì cấy chuyền chồi sang môi trường mới để chồi phát triển thành cây con (sử dụng môi trường nuôi cấy có thành phần cụ thể theo quy trình).

Tiếp tục cấy chuyền chồi định kỳ 2 tháng một lần vào môi trường tăng trưởng để cây con đạt tiêu chuẩn ra vườn ươm (chiều cao cây khoảng 4-5 cm, 3-4 lá, 3-4 rễ, rễ dài 1-3 cm).

Huấn luyện cây: cây con đạt tiêu chuẩn về chiều cao, số lá, số rễ sẽ được đưa ra khỏi phòng nuôi và bắt đầu giai đoạn huấn luyện thích nghi.

Triển khai sản xuất

Từ một mô hoa lan được chọn nuôi cấy đến khi ra cây con và chuyển ra vườn trồng mất thời gian khoảng từ 8 đến 11 tháng.

Khi cây con cao 5-7 cm và có từ 3-4 lá có thể chuyển sang cấy vào bầu đất mùn vô trùng có bổ sung các chất dinh dưỡng. Sau một thời gian cây phát triển ổn định thì chuyển cây vào chậu, sau chuyển chậu một tuần mới được bón phân và lúc này cây đã có đủ sức chống chọi với bệnh tật.

Một số vấn đề phát sinh trong quá trình nhân giống

Virus: đây là tác nhân gây hại nguy hiểm. Khi một mẫu cấy nhiễm virus có thể lây nhiễm cho vô số cây con khác. Vì vậy cần đảm bảo mẫu cấy ban đầu không bị nhiễm virus.

Vi khuẩn: cây bị nhiễm do vi khuẩn thường gặp trong nuôi cấy mô. Có thể khắc phục bằng cách cấy đỉnh sinh trưởng hoặc dùng kháng sinh

Nấm: nguyên nhân gây nhiễm là do khử trùng bề mặt mẫu cấy chưa sạch hoặc hoá chất khử trùng chưa thích hợp, nhiễm do thao tác cấy chuyền hoặc bởi côn trùng nhỏ...

Hiện tượng thừa nước: biểu hiện của hiện tượng là lóng ngắn hơn cây bình thường, mọng nước, giòn, dễ gẫy, màu sắc bất thường. Nguyên nhân do:

  • Mẫu cấy: tuỳ loài giống, độ dài thời gian và số lần cấy chuyền, cách đặt mẫu cấy trên môi trường.
  • Môi trường: loại và nồng độ agar, nồng độ của khoáng, loại và nồng độ auxin.
  • Bình chứa quyết định thành phần và nồng độ khí.

Sự hóa nâu: mẫu cấy và môi trường có màu nâu hoặc đen sau khi cấy và gây chết mô. Để khắc phục cần:

  • Để các mẫu đã cấy vào trong tối hoặc nơi ít ánh sáng hơn.
  • Cấy chuyền nhiều lần, có thêm chất oxy hoá vào môi trường nuôi cấy.
  • Ngâm trong nước máy hoặc trong các chất oxy hoá như Acid ascorbic, acid citric...

 

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm:

  • Đáp ứng nhu cầu về giống lan Mokara cho địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
  • Chủ động được nguồn giống phục vụ cho sản xuất hoa lan trong nước.
  • Tạo việc làm cho người dân địa phương.
  • Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy invitro.
  • Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

Hiệu quả kinh tế:

Chi phí hoạt động hằng năm: 1,258 tỷ đồng. Trong đó: nguyên vật liệu năng lượng chiếm 350 triệu (hóa chất, vật tư nhân giống khoảng 150 triệu đồng; vật tư trồng, chăm sóc cây hậu nuôi cấy mô khoảng 100 triệu đồng; chi phí điện nước khoảng 100 triệu đồng); công lao động (kỹ thuật khoảng 180 triệu đồng; phổ thông: 528 triệu đồng); khấu hao cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị khoảng 200 triệu đồng. Sau 3 năm triển khai thực hiện, tổng doanh thu trung bình/năm của mô hình là 1,506 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí hoạt động và 10% thuế, lợi nhuận mô hình mang lại khoảng 223 triệu đồng/năm.

 

Thông tin chuyên gia, hỗ trợ

HTX hoa lan Huyền Thoại – Địa chỉ: ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Vườn lan ông Phạm Xuân Hiệp – Địa chỉ: xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Vườn lan ông Trần Công Điện – Địa chỉ: xã Lộc Vĩnh, huyện Lộc Hưng, tỉnh Tây Ninh.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM.