Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và Nhật Bản hiện vẫn là các khu vực tiêu thụ hoa lan cắt cành lớn nhất, mặc dù Trung Quốc cũng đang trở thành thị trường quan trọng. Chỉ riêng 25 nước thuộc EU đã chi trung bình 13,7 tỷ USD/năm (CBI, 2007) cho tiêu dùng hoa lan cắt cành, chủ yếu là Dendrobium và Oncidium, chiếm trên 50% tổng mức tiêu dùng hoa lan thế giới. Trong đó, Đức đứng đầu với khoảng 3 tỷ euro/năm. Năm nước có nhu cầu lớn tiếp theo là Anh (2,82 tỷ), Pháp (1,85 tỷ), Ý (1,62tỷ), Tây Ban Nha (0,99 tỷ) và Hà Lan (0,89 tỷ), Nhật Bản có nhu cầu tiêu dùng 5,4 triệu USD hoa lan cắt cành/năm, Mỹ 5,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hoa lan Cattleya, Oncidium và Dendrobium chiếm phần lớn trong tổng số lượng sản xuất và tiêu thụ hoa lan trên thế giới. Đây là những chi lan phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với ngành sản xuất hoa lan của các nước trên thế giới. Những năm gần đây, nhờ việc mở rộng phát triển sản xuất các chi lan này đã đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế đáng kể cho các nước như Thái Lan, Đài Loan, Singapore,Trung Quốc...
Diện tích trồng hoa lan ở Việt Nam còn ở mức hết sức khiêm tốn, chỉ chiếm 10% diện tích các loại hoa đang được trồng. Sản xuất hoa lan ở Việt Nam tập trung theo 2 hướng chính:
- Sản xuất theo quy mô công nghiệp các loài lan mới lai tạo hoặc được nhập nội (lan Mokara, Dendrobium, Hồ điệp).
- Khai thác và nuôi trồng các loài hoa lan bản địa (lan rừng)
Như vậy, vấn đề sản xuất, kinh doanh, hoa lan ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn ở dạng tiềm năng. Trong khi đó, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới là rất lớn. Những hoạt động kinh doanh và xuất khẩu trong thời gian qua chỉ mới có ý nghĩa khởi động, hứa hẹn một sự phát triển trong tương lai dựa trên những điều kiện tự nhiên thuận lợi sẵn có để phát triển ngành trồng lan.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Giai đoạn vườn ươm
Chọn giống
Chọn những giống cắt cành siêng hoa và một số giống trang trí được thị trường ưa chuộng. Những giống cắt cành siêng hoa: Dend.Sonia Esakul, Dend. Somlak White 5N, Dend. Sonia White, Dend. Aridang Green,… Một số giống Dendrobium thường dùng để trang trí như: Den.Burana Charming, Nona Red, Ceasar Green, Burana Gold,…Các giống Dendrobium nắng dùng để trang trí như: Dend. Pink, Dend. Caesar Red, Dend. King Hóc Môn, Dend. Trắng Bà Liễu, Dend. Caesar White, Dend. Kinh hổ mang, Dend. Móng rồng,…
Chuẩn bị giá thể
Giá thể trồng lan Dendrobium trong giai đoạn vườn ươm có thể sử dụng các loại sau:
- Mụn dừa: phải xử lý chất chát (tanin) trước khi trồng. Xử lý bằng cách ngâm và xả, thời gian xử lý là 7-10 ngày (lúc này nước xả đã trong) thì đem trồng được.
- Vỏ dừa: chọn những vỏ dừa già, khô để làm giá thể trồng. Trước khi trồng cần xử lý chất chát (tương tự như xử lý mụn dừa).Sau khi ngâm xong, tiến hành cắt khúc (1x2x4 cm) và đập dập để tạo độ mềm và thoáng, giúp rễ phát triển tốt.
Chuẩn bị cây con
Trước khi chuyển cây con ra khỏi chai, cần để chai mô ít nhất 2 tuần trong điều kiện thoáng mát, không có ánh sáng trực tiếp nhằm giúp cây thích nghi dần với điều kiện tự nhiên.
Tiêu chuẩn cây con khi ra khỏi chai mô:
- Cây con cao 4-5 cm trở lên (đo theo chiều cao vuốt lá)
- Lá có màu xanh mướt, mọc thẳng, cứng cáp không bị biến dị.
- Rễ khỏe, có từ 5 rễ trở lên chiều dài rễ 2 cm, không có rễ hư.
- Cây sinh trưởng tốt, không bị nhiễm bệnh gây hại.
Kỹ thuật ra cây con
Dụng cụ để lấy cây con ra khỏi chai có thể dùng móc nhỏ bằng sắt hoặc inox và kẹp. Tuy nhiên, nên dùng loại móc nhỏ vì thao tác nhanh và ít làm tổn thương cây hơn so với kẹp. Cho vào chai mô một ít nước, lắc nhẹ cho bong lớp thạch ra rồi dùng móc sắt nhẹ nhàng kéo từng cây ra khỏi chai (chú ý xoay phần gốc hướng ra miệng chai), tránh làm tổn thương các lá non. Cây con lấy ra thả ngay vào chậu nước, nhẹ nhàng rửa sạch cho tới khi vuốt phần rễ cây thấy không còn nhớt sau đó xếp lên rổ nhựa cho ráo nước. Trong quá trình rửa nên loại bỏ những rễ, lá, cây bị hỏng.
Tiến hành phân loại theo kích thước (để tiện chăm sóc về sau) rồi xếp cây con lên khay, rổ nhựa (kích thước 30x50x15 cm) có lót 1 lớp mụn dừa mỏng để giữ ẩm hoặc xếp trực tiếp lên giàn ươm hoặc xếp trên giàn ươm đã được trãi 1 lớp mụn dừa dày từ 10–15 cm.
Trồng cây ra giàn ươm
- Cây được huấn luyện trên giàn từ 1-2 tuần, khi đầu rễ có màu sáng trắng thì có thể đem trồng được.
- Sử dụng chậu nhựa đen để trồng, kích thước 1,5 inch (tương đương 3,4 cm).
- Dùng miếng vỏ dừa chặt khúc, nhẹ nhàng đặt cây con vào giữa miếng vỏ dừa sao cho cổ rễ cây con cao hơn đỉnh của xơ dừa 1-2 mm (tránh đọng nước). Sau đó, đặt vào chậu sao cho vừa đủ chặt (quá chặt làm hư rễ và quá lỏng làm rớt cây con ra). Khi trồng xong, cây được đặt vào khay nhựa 112 lỗ. Khi cây sinh trưởng phát triển tốt cần bố trí mật độ thưa dần để đảm bảo cho cây nhận đủ ánh sáng.
Chăm sóc
- Chế độ ánh sáng: ánh sáng thích hợp nhất trong giai đoạn vườn ươm khoảng 25-30% nắng (tương đương khoảng từ 4.000–6.000 lux). Phản ứng với ánh sáng của các giống Dendrobium là khác nhau nên cần tùy thuộc vào thực tế để điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp.
- Chế độ gió: gió nhẹ là thích hợp giúp nhà lưới được thông thoáng và giảm nhiệt độ ít bệnh. Gió nhiều làm cây nhanh khô, giảm ẩm nhanh không thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển.
- Chế độ nước tưới: ẩm độ thích hợp cho cây con vào khoảng 70-75%. Việc giữ ẩm cho cây con rất quan trọng, nếu tưới quá ẩm rễ cây dễ bị úng, cây vàng, chậm lớn. Ngược lại thiếu ẩm rễ phát triển kém, hạn chế hấp thu dinh dưỡng. Nước tưới cho cây yêu cầu không mặn, phèn, không cứng (chứa Ca2+, Mg2+,…), pH tối ưu từ 5,5-6,8.
Khi tưới nước cần chú ý nguyên tắc: tưới tạo độ ẩm xung quanh môi trường trồng sẽ tốt hơn thay vì chỉ tưới ẩm cục bộ trong chậu hay trong giá thể. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng gắt hoặc tưới quá muộn làm cây dễ bị bệnh. Cũng có thể bổ sung tưới nước dưới giàn ươm hoặc trên mái che nhằm tăng ẩm độ, giảm nhiệt độ vườn ươm.. Tùy điều kiện thời tiết có thể tăng số lần tưới trong ngày.
Ở giai đoạn này, cây cần nhiều đạm hơn lân và kali. Lượng phân cây cần rất ít, vì vậy khi phun phải chú ý đến nồng độ.
Sử dụng các loại phân vô cơ như Growmore 30-10-10, 20-20-20, kết hợp xen kẽ với phân hữu cơ như phân cá Alaska, Seaweed, Black Earth, Humix,…và các loại phân có tác dụng kích thích ra rễ như Vitamin B1, Terra-short4, N3M.
Liều lượng sử dụng :
- Cây từ 0-3 tháng tuổi : phun ¼ liều lượng khuyến cáo, phun 2 lần/tuần.
- Cây từ 3 tháng tuổi trở đi : phun ½ liều lượng khuyến cáo, phun 2 lần/tuần.
Phun 2 lần phân vô cơ xen kẽ 1 lần phân hữu cơ và 1 lần kích thích rễ.
Giai đoạn vườn sản xuất
Thời vụ trồng: có thể trồng quanh năm, tránh xuống giống vào lúc mưa nhiều vì cây dễ bị bệnh.
Chuẩn bị giá thể trồng
Có thể dùng than củi, vỏ dừa cắt khúc hoặc vỏ dừa đóng thành từng miếng, vỏ trấu trộn với mụn dừa, vỏ đậu phộng...để trồng lan Denrobium. Ưu điểm của vỏ dừa và mụn dừa là giữ ẩm tốt và rẻ tiền nhưng sau 1 thời gian sẽ bị rong rêu bám nhiều làm hạn chế sự hấp thu của rễ lan, vào mùa mưa giá thể giữ ẩm cao nên cây rất dễ bị bệnh khuẩn lá, thối rễ. Ưu điểm của than củi là thoáng, sạch, tuy nhiên giá thành cao. Vì vậy để giảm giá thành sản xuất có thể trộn hỗn hợp giá thể theo tỉ lệ :1/3 than củi + 2/3 vỏ đậu phộng để trồng lan Dendrobium.
Xử lý giá thể :
- Than củi được đập thành từng cục kích thước từ 1- 2cm được ngâm rửa kỹ.
- Vỏ đậu phộng : để thành đống, phun nước rữa, phơi ráo. Trước khi trồng, tiến hành phun ngừa thuốc trị nấm và côn trùng. Thuốc nấm có thể sử dụng như như Ridomil (Metalaxyl, Mancozeb) 3 g/L, thuốc trừ sâu như Regent (Fipronil) 0,1g/L.
Cách trồng
Tuỳ theo chất lượng cây giống và đặc tính của từng giống mà sau cây con sau 4 tháng trồng ngoài vườn ươm có thể đem ra trồng ngoài vườn sản xuất. Ở thời điểm này cây có chiều cao từ 4-5 cm và có 3-5 lá.
Có thể sử dụng chậu nhựa đen hoặc đất nung (đường kính 12- 15cm) để trồng lan Dendrobium. Đầu tiên, bỏ hỗn hợp giá thể vào khoảng 1/2-2/3 chậu. Đặt cây vào cạnh hông chậu, sao cho chồi mới nhất hướng vào giữa chậu, tạo đường thẳng vuông góc với đường thẳng nối 2 quai chậu, sau đó phủ 1 ít chất trồng để giữ cho cây lan đứng vững, đem xếp ngay hàng trên giàn lan.
Chăm sóc
Chế độ nước tưới: nước phải đảm bảo như nước ở vườn ươm, pH tối ưu từ 5,5–6,8. Tuỳ theo điều kiện thời tiết mà có chế độ tưới thích hợp để đảm bảo độ ẩm không khí từ 60–70%. Nếu thời tiết bình thường thì tưới 1-2 lần/ngày, tưới vào lúc sáng sớm trước 9 giờ sáng và trước 4 giờ chiều. Những ngày nắng gắt và tiết trời khô lạnh có thể tưới bổ sung.
Chế độ ánh sáng: thời gian đầu mới trồng nên che thêm 1 lớp lưới (50% ánh sáng), khi cây đã hồi phục, rễ phát triển thì bắt đầu tháo lưới từ từ, nên tháo vào chiều mát hoặc những ngày râm mát để cây không bị sốc hoặc có thể bị cháy lá.
Chế độ dinh dưỡng: khi cây mới trồng thì sử dụng Vitamin B1 hoặc các loại phân kích thích rễ khác như: N3M, Terrosort4,…và các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao: Growmore (30-10-10), phân hữu cơ (Alaska, Seaweed, Black Earth, Humix), để phun cho cây. Khi rễ đã ổn định chuyển sang sử dụng phân Growmore 20-20-20.
Liều lượng:
Cây từ 3-12 tháng sau trồng (tính từ giai đoạn vườn ươm): phun ½-1 liều lượng khuyến cáo, phun 2 lần/tuần.
Cây từ 12 tháng trở lên: phun theo liều lượng khuyến cáo, phun 1 lần/tuần. Đồng thời kết hợp với bón gốc phân hữu cơ Riger, phân tan chậm (14-14-14) 3 tháng/lần với liều lượng: 3g Riger/chậu, 2g phân tan chậm/chậu.
Khi cây trồng ra chậu khoảng 6-8 tháng thì bắt đầu cho bông bói (đa số là những giả hành đầu tiên nên cành bông rất ngắn và ít hoa), vì thế cần cắt bỏ đợt bông này để tập trung dinh duỡng nuôi các chồi mới.
Khi các chồi mới ngưng phát triển chiều cao và kích thước thì trên ngọn bắt đầu phân hoá mầm hoa. Vì thế, giai đoạn này cần sử dụng các loại phân kích thích ra hoa để phun cho cây như: 6-30-30, 10-30-30, 15-30-15…Ở giai đoạn vườn sản này cần chú ý đến liều lượng và nồng độ phân bón, vì nó ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển và khả năng ra hoa của cây.
Phòng ngừa sâu bệnh
- Vườn trồng đảm bảo luôn thông thoáng.
- Tránh tưới nước quá ẩm vào chiều tối.
- Thường xuyên vệ sinh xung quanh vườn hạn chế côn trùng ẩn nấp, thu gom lá vàng, lá bị bệnh.
Thu hoạch
- Tuỳ theo nhu cầu thị hiếu thị trường và giống mà có thể thu cắt cành hoặc bán cả chậu.
- Nếu thu cành thì khi thấy 2/3 số hoa trên cành nở là có thể thu hoạch. Sau đó đem vào nhà mát phân loại rồi bó thành từng bó 50-100 hoa nở/bó. Gói giấy báo cẩn thận rồi đem đi tiêu thụ.
Một số bệnh hại thường gặp trên Dendrobium
Bệnh đốm lá do nấm Cercospora sp.
Triệu chứng: bệnh thường xuất hiện trên lá. Vết bệnh phân bố đều cả hai mặt lá, triệu chứng ban đầu là những chấm tròn màu nâu xám hay vàng nâu, xung quanh vết bệnh có quầng vàng. Mặt dưới lá có những đốm đen nhỏ li ti. Khi cây bệnh nặng lá có màu vàng và dễ bị rụng.
Bệnh đốm lá do nấm Cercospora sp. gây hại. Bệnh thường phát sinh ở những vườn lan có độ ẩm cao và phát triển vào mùa mưa. Đặc biệt đối với những vườn thiếu dinh dưỡng và chăm sóc kém, bệnh gây hại nặng, lá vàng và dễ rụng.
Biện pháp phòng trừ:
- Dọn vệ sinh vườn, thu gom toàn bộ tàn dư thực vật và đem ra xa để chôn hoặc đốt.
- Phun thuốc phòng bệnh khi mới ra cây (cây còn nhỏ, chưa xuất hiện triệu chứng bệnh).
- Đối với cây bệnh nhẹ: cắt tỉa phần vết bệnh trên lá sau đó bôi thuốc trị nấm.
- Khi phun thuốc trị bệnh phải phun ướt đều hai mặt lá, tốt nhất là buổi sáng sớm khi vừa ráo sương để khỏi bị mưa rửa trôilàm giảm hiệu quả của thuốc, buổichiều hoặc sáng hôm sau có thể phun bổ sung phân bón lá hoặc phân vi lượng tăng sức đề kháng cho cây.
- Khi cần thiết có thể sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật sau: Ridomyl Gold 68 WP, Dipomate 80 WP, Dithane M-45 80WP, Antracol 70WP,..
Bệnh thối nhũn do vi khuẩn
2 loại vi khuẩn gây bệnh trên Dendrobium được xác định là Erwinia spp. và Pseudomonas gladioli pv. gladioli. Bất kỳ phần nào của cây cũng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng thường bắt đầu ở trên lá. Giai đoạn đầu bệnh xuất hiện những đốm màu xanh xẩm, không có hình dạng rõ rệt.Khi bệnh tiến triển, những đốm to hơn, màu sắc biến đổi từ màu xanh xẩm đến nâu, mọng nước và cuối cùng toàn bộ lá bị nhũn. Lá bị bệnh thường có mùi hôi. Lá bị vàng hoặc vàng xung quanh đốm, cuối cùng lá rụng. Bệnh nếu không chữa trị kịp thời sẽ lan xuống thân và toàn bộ cây bị nhũn. Môi trường ẩm ướt và thiếu ánh sáng là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh vườn thường xuyên.
- Giữ vườn luôn khô ráo, thoáng mát.
- Hạn chế tưới nước cho cây vào buổi chiều tối.
- Kịp thời theo dõi những cây bị bệnh, tiêu hủy ngay.
- Có thể sử dụng các loại thuốc như Steptomycin, Starner 20WP, Kasumin 2L,… để phòng và điều trị.
Bệnh do Phytophthora gây ra
Bệnh gây hại trên lá, thân, rễ, trên cây con và cả trên hoa.
Trên lá xuất hiện những đốm màu xanh tối sau chuyển sang màu xanh vàng và màu nâu hoặc đen mọng nước. Thân bị nhũn, có màu đen. Bệnh phát triển nhanh ở điều kiện nóng ẩm và có độ ẩm không khí cao.
Biện pháp phòng trừ:
- Giữ vườn luôn thông thoáng.
- Kịp thời cách ly cây bị bệnh.
- Sử dụng các loại thuốc như: Ridomyl Gold, Dithane M-45 80 WP, Dipomate 80 WP, Aliette 800WG, Antracol 70WP, Topsin M 70WP,… để phòng và điều trị.
Bệnh đốm hoa
Do nấm Botrytis sp. gây ra. Trên cánh hoa xuất hiện những đốm đen nhỏ li ti màu nâu sáng hoặc màu đen. Trong điều kiện độ ẩm cao những đốm đen này lan nhanh và có thể phủ kín và gây hại hết toàn bộ cánh hoa.
Biện pháp phòng ngừa:
- Bỏ những hoa bị bệnh.
- Giảm ẩm độ và tăng cường độ thông thoáng cho vườn trồng.
- Có thể sử dụng các loại thuốc nấm để điều trị như: Ridomyl Gold, Dithane M-45 80 WP, , Aliette 800WG, Topsin M 70WP, …
Ruồi đục bông:Contarinia maculipennis
Gây thối nhũn trên hoa lan, dễ nhận thấy trên phát hoa non, nụ và hoa. Phát hoa bị hại trở nên cong queo, phần đọt của phát hoa có màu trắng ngà và bị thối nhũn.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng, mương rãnh, làm sạch cỏ dại. Ngắt bỏ tất cả các nụ hoa và phát hoa bị nhiễm bệnh và tiêu hủy ngay trong ngày, không đổ vào hố chôn rác.
- Sử dụng các loài thiên địch, ký sinh ruồi đục bông như: nhện, kiến,…Kiến có thể bắt nhộng trong đất. Có thể sử dụng bẫy dính màu vàng để thu hút bắt thành trùng.
- Sử dụng thuốc thẩm thấu để tiêu diệt ấu trùng, xử lý đất để tiêu diệt giai đoạn nhộng.
- Rải thuốc hạt xuống phần đất bên dưới giàn lan nhằm tiêu diệt giai đoạn nhộng. Các loại thuốc có thể sử dụng như: Diaphos 10H, Sago Super 3G. Vì các lứa ruồi gối nhau nên cần chú ý rải thuốc 10–15 ngày/lần để diệt nhộng. Phun thuốc diệt ruồi trưởng thành vào chiều tối. Các loại thuốc thường sử dụng như: Marshal 200SC, Sec Saigon 25EC, Dragon 585EC, Amico 10EC,…khi phun pha chung với dầu khoáng SK Enpray 99EC hoặc chất bám dính để tăng hiệu lực phòng trừ.
Nhện đỏ (Brevipalpus phoenicis)
Nhện tấn công ở mặt dưới lá.Những cây bị nhện gây đỏ gây hại còi cọc và rụng lá. Trên lá xuất hiện những đốm nhỏ lõm li ti màu nâu và tạo những màng nhện. Trên phát hoa và hoa cũng cùng triệu chứng tương tự.
Biện pháp phòng trừ:
- Thời tiết khô, nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhện. Tăng độ ẩm và độ ẩm ướt trên lá, nhiệt độ thấp có thể hạn chế sự phát triển của chúng.
- Nếu bị nhiễm nhẹ, chỉ cần dùng vòi nước xịt mạnh thì có thể rửa trôi, làm giảm số lượng nhện.Nên phối hợp các loại thuốc và thường xuyên thay đổi thuốc để tránh kháng thuốc.
- Sử dụng thuốc đặc trị nhện đỏ như: Nissorun 5 EC (Hexythiazox), Kinalux 25EC (Quinalphos), Comite 73 EC (Propargite), Ortus 5EC (Fenproximate), Alfamite 15 EC (Pyridaben),…
Rệp sáp
Các loài rệp đều có đặc điểm chung là tiết ra một lớp sáp che chở cho cơ thể, lớp này hình thành nên một lớp vỏ cứng, có hình dạng, màu sắc và kích thước khác nhau. Gây hại bằng cách chích hút. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng. Khi mật số rệp sáp cao, chúng còn là tác nhân tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rệp gây hại chủ yếu vào mùa nắng.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh cho vườn thông thoáng, cắt bỏ các cây, lá có nhiều rệp.
- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất.
- Phòng trị rệp sáp rất có hiệu quả khi dùng thuốc bảo vệ thực vật nhóm Lân hữu cơ, Bi-58, Suprathion 40EC, Xi-men 2SC, Dầu khoáng DC-Tron Plus 98.8EC, ... phun trực tiếp vào chỗ có rệp đeo bám.
- Sâu ăn lá, sâu róm cắn phá đầu rễ non, lá non. Sử dụng thuốc như: Abamectin, Sumi Alpha ( Esfenvalerate),…để phòng trị.
Ốc sên, ốc nhớt
Là các loài nhuyễn thể thường tập trung cắn phá vào ban đêm. Các đoạn rễ non, cây non, chồi, phát hoa là những mục tiêu cắn phá chính của chúng. Sử dụng thuốc bả mồi Molucide, Toxbait (Metaldehyde),…để dẫn dụ.
Các điều kiện sản xuất
Yêu cầu về vườn ươm cây
- Vườn được thiết kế theo kiểu mái vòm hoặc chữ A, cao 4–5 m, xung quanh che lưới chắn gió nhưng phải thật thoáng mát, tuyệt đối không cho ánh sáng trực tiếp.
- Vườn phải có mái che mưa, lưới cắt nắng hai lớp trong đó lớp phía dưới có thể di chuyển để điều chỉnh ánh sáng.
- Vườn phải thoáng mát, nhiệt độ trong vườn không được cao hơn nhiệt độ bình thường bên ngoài.
- Giàn cây nên thiết kế cách mặt đất tối thiểu 70-80 cm. Chiều rộng luống khoảng 1,2–1,6 m tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Vật liệu làm giàn có thể là tre, gỗ, hoặc bằng sắt tùy điều kiện kinh tế nhưng phải đảm bảo chắc chắn.
Tùy khả năng mà vườn có thể thiết kế thêm lưới chống côn trùng xung quanh, hệ thống tưới phun, hệ thống phun sương làm mát không khí trong nhà, hệ thống tưới phun làm mát trên mái,…
Yêu cầu về vườn sản xuất
- Nhà lưới có chiều cao từ 3,5–4 m.
- Đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng.
- Chịu được dông, gió lớn tại khu vực trồng.
- Vật liệu làm khung nhà có thể bằng xi măng (10x10 cm) hoặc bằng sắt.
- Sử dụng lưới che 50% ánh sáng. Có thể sử dụng lưới màu xanh hoặc đen.
Yêu cầu về luống trồng
- Luống được bố trí tuỳ theo khu vực đất trồng, tốt nhất nên bố trí theo hướng Đông - Tây và đồng thời trải lưới theo hướng Bắc - Nam.
- Luống trồng được thiết kế bằng giàn sắt, rộng 1,0-1,4 m; cao 0,8-1 m; dài tuỳ theo kích thước vườn nhưng để tiện chăm sóc tốt nhất là từ 10-15 m, bên trên đặt trực tiếp vỉ nhựa đen loại 15 lỗ hoặc 12 lỗ đường kính 12 cm.
Yêu cầu về hệ thống tưới
- Vòi phun được bố trí với khoảng cách 2x2 m, vòi được lắp ở độ cao 2 m, bán kính vòi phun 2 m.
- Những luống ngoài rìa thường chịu nắng và gió nhanh khô, nên bố trí béc phun dày hơn.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
- Chủ động nguồn hoa cung cấp cho thị trường.
- Sản phẩm đảm bảo chất yêu cầu về tính đồng đều và chất lượng.
- Hiệu quả kinh tế đạt 45-50 triệu đồng/1000m2/năm.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Họ và tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt
Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Điện thoại: 0935.805.869
Email: hoanghietcnc@gmail.com