SpStinet - vwpChiTiet

 

Máy rửa cho dây chuyền rửa và đóng gói thanh long xuất khẩu

Thanh long Việt Nam hiện đã vươn ra các thị trường khó tính như các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc,...mang về một lượng ngoại tệ không nhỏ. Tuy nhiên, các thị trường này yêu cầu trái phải được rửa thật sạch.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Là một loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trước đây, thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường này không yêu cầu cao về rửa sạch trái, nhưng giá trị xuất khẩu thấp và thường bị ép giá.

Để lưu thông được ở các thị trường khó tính, đòi hỏi trái phải được rửa sạch. Trong các khâu sơ chế, công đoạn rửa làm sạch thanh long là khâu phức tạp, tốn nhiều công lao động. Đây là khâu không chỉ chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sơ chế, mà còn ảnh hưởng nhiều đến việc đánh giá chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, đa số máy rửa thanh long tồn tại những hạn chế như:

  • Khi rửa thanh long ruột đỏ, độ sạch chỉ đạt 60-70%, làm mất thời gian phân loại và  tốn chi phí rửa lại.
  • Tỉ lệ gãy tai 10-25%: tỉ lệ phế phẩm do gãy tai còn cao (trung bình 30-60 trái/tấn). Với thanh long xuất khẩu tại thời điểm cao giá (20.000–30.000 đồng/kg), thiệt hại cho nhà đóng gói 300.000–900.000 đồng/tấn.
  • Hệ thống lọc thủ công, cần nhiều nhân công làm sạch lưới lọc.

Một số nguyên nhân khiến chất lượng máy rửa không đạt yêu cầu:

  • Chọn nguyên lý rửa, thùng ngâm và máy rửa không hợp lý, khiến thời gian ngâm không đủ. Trái bị quẩn và phải đẩy thủ công làm gãy tai trái trong thùng ngâm. 
  • Máy rửa không có khả năng đảo mặt trái, trái chồng chất lên nhau khiến vòi phun không rửa được những vết bẩn ở trái phía dưới. 
  • Sử dụng vòi phun cố định nên dù bố trí rất nhiều vòi phun nhưng không thể đi qua mọi điểm trên bề mặt trái. Bố trí vòi phun không hợp lý các tia nước triệt tiêu nhau.
  • Lọc cố định mau tắc, tốn nhân công làm sạch liên tục cho bộ phận lọc.

Máy rửa thanh long trong mô hình sử dụng nguyên lý “rửa phun thủy động kết hợp quay” với “đảo trái”, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng làm việc và hạ giá thành sản xuất, đảm bảo phục vụ tốt cho xuất khấu và nội tiêu.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Nguyên lý vận hành

Trái thanh long sau khi được làm sạch cuống và hốc trái được băng tải đưa vào thùng ngâm với kết cấu đặc biệt. Chiều dài thùng ngâm được tính toán đảm bảo cho trái có đủ thời gian ngâm trong nước và không bị quẩn, giảm gãy tai. Sau đó, trái được vớt lên bằng xích tải rồi đưa qua cụm vòi rửa sơ bộ (vòi cố định áp suất thấp).

Sau khi rửa sơ bộ, thanh long được đưa sang xích tải rửa, rửa áp suất cao với các cụm vòi động (cụm vòi quay thủy động). Các cụm vòi quay thủy động có thể quay quanh trục cố định 200-400 vòng/phút, nên có khả năng quét vào các khe và mặt sau của tai trái, nơi mà các vòi cố định không thể phun tới. Tốc độ quay căn cứ theo góc áp suất và lưu lượng vòi phun. Hơn nữa, với việc thiết kế hệ thống xích tải phân đoạn, trái thanh long không bị chồng lên nhau và đảo được mặt trái trong quá trình rửa. Nhờ vậy, máy rửa sạch được thanh long. Sau khi rửa, thanh long được làm khô bằng quạt cao áp trước khi đi qua băng tải phân loại và đóng gói. Đặc biệt, chất bẩn sau khi rửa được lọc bằng hệ thống lọc tự động, giúp giảm tối đa nhân công phục vụ máy và tăng hiệu suất làm việc.

Hình 1. Cung cấp thanh long  bẩn vào máy rửa

Hình 2. Phân loại và đóng gói thanh long sau khi rửa

Kết quả ứng dụng máy rửa tại Công ty TNHH MTV Hoàng Huy (Ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho thấy, năng suất máy đạt 3-4 tấn/giờ. Khi rửa thanh long ruột trắng độ sạch 98-99%, thanh long ruột đỏ đạt 96%-97%. Độ gãy tai dưới 4%. Độ gãy tai phế phẩm trung bình 1,9 trái/tấn, đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường như Úc, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, EU…

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Tỉ lệ rửa sạch thanh long ruột đỏ của máy đạt trung bình 96-97% (các máy thế hệ cũ chỉ đạt trung bình 65%). Khi so sánh về máy có cùng năng suất rửa thanh long ruột đỏ 3,5 tấn/giờ, các thông số như sau:

-Năng suất máy rửa công nghệ mới là 3,36 tấn/giờ (96%x3,5) ứng với mức tiêu thụ điện 25 kWh, chi phí năng lượng riêng là 7,44 kWh/tấn. Với giá điện trung bình 1.500 đồng/kWh, để rửa một tấn thanh long ruột đỏ mất 11.160 đồng tiền điện.

-Năng suất thực tế máy cũ khoảng 2,1 tấn/giờ (65%x3,5) ứng với mức tiêu thụ điện 30 kWh, chi phí năng lượng riêng là 14,28 kWh/tấn. Chi phí rửa một tấn thanh long ruột đỏ là 28.570 đồng tiền điện.

Ở máy thế hệ cũ tỉ lệ gãy tai cao (10-25%), tỉ lệ phế phẩm do gãy tai trung bình 30-60 trái/tấn. Với thanh long xuất khẩu tại thời điểm cao giá (20.000–30.000 đồng/kg), thiệt hại cho nhà đóng gói 300.000–900.000 đồng/tấn. Ứng dụng máy rửa công nghệ mới, tỉ lệ gãy tai chỉ còn trung bình 2 trái/ tấn, thiệt hại cho nhà đóng gói chỉ còn 20.000–40.000 đồng/tấn.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Đào Vĩnh Hưng

Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

Địa chỉ: 54 Trần Khánh, P. Tân Định, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 0902 426 700

Email: daovinhhung2030@gmail.com

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả