Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Cây đinh lăng dược liệu được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh cho con người, rất dễ trồng và dễ sống, ít bị sâu bệnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Nguyễn Huy Văn (2012) cho biết, hàng năm Tổng công ty Dược Traphaco cần 400 tấn rễ đinh lăng để làm thuốc, nhưng hiện nay nguồn cung cấp này không ổn định do chưa chủ động trong sản xuất đinh lăng. Năm 2014, tại xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hưng, Nam Định, Traphaco đã phối hợp cùng với Công ty TNHH Hiệp Hưng Xanh và Dự án Biotrade khởi công Trung tâm Giống đinh lăng theo tiêu chuẩn GAP-WHO. Mỗi năm trung tâm sẽ cung cấp khoảng từ 0,6–1,0 triệu cây giống đinh lăng, cung cấp đủ cho 40ha diện tích vùng trồng, đảm bảo 50% sản lượng tiêu thụ của Traphaco. Ở thời điểm hiện tại, Traphaco đã có hơn 10 ha diện tích đinh lăng trồng theo tiêu chuẩn GAP-WHO tại Nam Định, cung cấp sản lượng 90 tấn/vụ cho cho công ty. Công ty sẽ tiếp tục khảo sát và mở rộng vùng trồng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Đăk Nông, Đăk Lăk,...
Theo số liệu của chi cục thống kê huyện Hải Hậu (2014) có 457 ha cây dược liệu hàng năm, trong đó chủ yếu là cây đinh lăng. Gia đình nào cũng có ít nhất từ 50-150m2 trồng đinh lăng. Những hộ trồng diện tích lớn quy mô từ 1.000-3.000m2 quy hoạch trồng đinh lăng Theo mô hình vườn ao chuồng. Mỗi năm, Hải Hậu xuất bán ra thị trường từ 1.500-2.000 tấn sản phẩm đinh lăng tươi cung cấp cho các tiểu thương và công ty dược phẩm Traphaco. Vùng Đồng Nai có nhược điểm là đất chua nhưng được khắc phục bằng công thức phân bón thích hợp như: rắc vôi bột, tro trấu và phân bò ủ hoai mục,…nên đinh lăng ở đây cho thu hoạch năng suất cao.
Hiện nay đã có rất nhiều vùng trồng cây đinh lăng lá nhỏ có diện tích 5,0ha xuất hiện, góp phần đa dạng hóa nguồn gen cây thuốc ở miền Đông Nam Bộ và phát triển dược liệu đinh lăng, cung cấp cho các công ty dược phẩm phía Nam sản xuất thuốc, không phải mua dược liệu từ miền Bắc, giúp giảm chi phí vận chuyển và hạ giá thành sản phẩm.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Chọn giống
Đinh lăng thường được trồng bằng phương pháp giâm cành, thu hoạch sau 3–5 năm. Phương pháp này đơn giản và thuận lợi để phát triển nhưng có những hạn chế như khó thu được lượng cành giâm lớn trên diện tích rộng, chất lượng cành giâm không cao do số lượng cành thu được từ một cây ít. Tuy nhiên, khâu chọn giống đinh lăng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, hầu như năng suất cây trồng và phẩm chất thành phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng cây giống. Đinh lăng cấy mô là giải pháp nhân cây giống an toàn đảm bảo được số lượng lớn cây giống đồng nhất về kích thước đảm bảo năng suất cây trồng và thành phần dược phẩm ổn định.
Trồng ở giai đoạn vườn ươm
Đối với cây trồng từ cây nuôi cấy mô
Cây đinh lăng cấy mô đạt tiêu chuẩn cao 4–5 cm, rễ phát triển đồng đều và khỏe. Trước khi chuyển cây con ra khỏi chai cần để chai mô ít nhất 2 tuần trong điều kiện thoáng mát, không có ánh sáng trực tiếp nhằm giúp cây thích nghi dần với điều kiện tự nhiên.
Dụng cụ lấy cây con ra khỏi chai có thể sử dụng móc hoặc kẹp. Tuy nhiên, nên dùng loại móc nhỏ bằng sắt hoặc inox vì thao tác nhanh và ít làm tổn thương cây hơn so với kẹp. Cho vào chai mô một ít nước, lắc nhẹ cho bong lớp thạch ra rồi dùng móc sắt nhẹ nhàng kéo từng cây ra khỏi chai (chú ý xoay phần gốc hướng ra miệng chai), tránh làm tổn thương các lá non. Cây con lấy ra thả ngay vào chậu nước, nhẹ nhàng rửa sạch cho tới khi vuốt phần rễ cây thấy không còn nhớt sau đó xếp lên rổ nhựa cho ráo nước. Trong quá trình rửa nên loại bỏ những rễ, lá bị hỏng.
Tiến hành phân loại sơ bộ theo kích thước (để tiện chăm sóc về sau) rồi trồng cây con vào khay ươm có trải lớp giá thể cao khoảng 3-5 cm, khoảng cách trồng 5x5 cm. Giá thể ươm cây gồm 70% mụn xơ dừa + 20% phân hữu cơ + 10% tro trấu. Khay ươm cần để ở vị trí thoáng mát, giữ ẩm cho cây bằng cách tưới phun sương thường xuyên tránh làm khô đọt, chú ý che mưa 100% và che nắng bằng hai lớp lưới cắt nắng 50% trong 4–5 ngày. Khi cây bắt đầu cứng cáp, ta tiến hành chăm sóc như sau:
- Ánh sáng: tăng dần ánh sáng bằng cách kéo bớt 1 lớp lưới che sáng giúp cho cây dần thích nghi với điều kiện tự nhiên.
- Tưới nước: duy trì tưới nước 2 lần/ngày.
- Bón phân: bón bổ sung phân hữu cơ gốc với liều lượng bằng ½ lượng hướng dẫn, bón 1 tháng/lần. Kết hợp phun phân hữu cơ với liều lượng phun bằng ¼ liều lượng hướng dẫn, phun 1 lần/tuần.
- Sau khoảng 2,5 đến 3 tháng, cây phát triển đồng đều, cao 15–20 cm, ta có thể đem trồng ra ngoài đồng ruộng.
Đối với cây trồng bằng cành giâm
Chọn nhánh cây có đường kính thân khoảng 1,5–2cm, cắt nhánh thân thành từng đoạn ngắn (hom giống) khoảng 18-20 cm bằng dao bén, tỉa bớt lá để hạn chế thoát nước, chấm gốc hom giống vào thuốc kích thích ra rễ như Atonik, NAA, N3M, Root… sau đó ghim hom giống sâu 5-7 cm vào khay hay bầu nilon có lớp đất hay giá thể tơi xốp dày khoảng 15-18 cm, dùng 4 ngón tay ấn xung quanh gốc ghim giúp cố định.
Để hom giống sau khi giâm cành vào nơi thoáng râm mát. Tưới nước đủ ẩm bằng vòi nước nhẹ. Sau thời gian 25-30 ngày thì lá non bắt đầu nhú ra là hom giống đã ra rễ, khi thấy ra nhiều lá mới dài được 10 cm thì có thể đem ra trồng (thời gian 50-60 ngày sau khi giâm cành).
Trồng ở giai đoạn vườn sản xuất
Thời vụ trồng: có thể trồng quanh năm nếu chủ động nguồn nước tưới, tốt nhất vào đầu mùa mưa vào tháng 5 đối với miền Nam hay vào mùa xuân từ tháng 1–4 đối với miền Bắc.
Làm đất: đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng nhưng cũng chịu hạn, chịu bóng nhưng không chịu úng ngập. Có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát. Khi trồng đại trà, diện tích rộng phải cày bừa làm đất tơi. Đất cày, bừa, tơi, xốp, lên luống rộng 60 cm, cao 25–30 cm. Nếu trồng ở vùng đồi dốc cần phải cuốc hố sâu 20cm, đường kính hố 40 cm.
Mật độ trồng: 40x50 cm hoặc 50x50 cm, mật độ khoảng 40.000–50.000 cây/ha.
Kỹ thuật trồng
- Đối với cây trồng bằng cây nuôi cấy mô: cây giống được chuyển từ vườn ươm xuống vườn sản xuất, chọn những cây phát triển đồng đều, cứng cáp đặt vào giữa hố lấp đất đầy hố, lèn chặt gốc và tưới nước ngay. Cần duy trì tưới nước 1-2 lần/ngày trong vòng 1 tháng.
- Đối với cây trồng bằng cành giâm: đặt cây nghiêng một góc 300, trồng cây cách cây 40–50 cm, hàng cách hàng 40–50 cm.
Bón phân:
- Bón lót: 10–15 tấn phân chuồng/ha. Toàn bộ lượng phân trộn đều lớp đất mặt rồi trồng (đối với cây giống nuôi cấy mô) hoặc trộn đều với 1 ít lớp đất mặt rồi cho vào hố (đối với trồng đất dốc hay trồng bằng cành giâm). Bón trước khi trồng 10–15 ngày.
- Bón thúc: bón phân hữu cơ xung quanh gốc theo vòng tròn tán lá theo liều lượng khuyến cáo, bón 3 tháng/lần. Ngoài ra, bổ sung thêm phân trùn quế giữa mỗi lần bón thúc, mỗi gốc bổ sung 0,5-2 kg.
Chăm sóc
Đinh lăng có thể trồng ở những nơi có điều kiện ánh sáng khác nhau. Tuy nhiên cây phát triển tốt ở điều kiện bóng râm nên có thể trồng xen trong vườn cây có bóng râm, hoặc che một lớp lưới giảm bớt ánh sáng 50% trong điều kiện trồng nơi chiếu sáng quá mạnh.
Đinh lăng mới trồng cần tưới nước đầy đủ để cây mau phục hồi và phát triển tán lá. Thời kỳ cây còn nhỏ, dưới 1 năm tuổi, cây sinh trưởng mạnh hầu như quanh năm vì vậy, cần cung cấp đủ nước, diệt trừ cỏ dại thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng là rất cần thiết. Trong năm thứ nhất việc tưới nước cần phải duy trì từ 3-4 ngày/lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì.
- Làm cỏ cần tiến hành thường xuyên, từ 2 - 3 lần/năm.
- Từ năm thứ 2 trở đi cần tỉa bớt lá và cành, mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 9. Mỗi gốc chỉ để 1 - 2 cành to, tập trung dinh dưỡng nuôi cành chính và củ.
Phòng trừ sâu bệnh hại: đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu là sâu cuốn lá, sâu xanh,…Có thể dùng thuốc sinh học như Biocin (hoạt chất Bacillus thuringiensis gây hại ở đường ruột trên sâu) để phun cho cây. Vì đây là cây làm thuốc nên chỉ sử dụng các thuốc sinh học để phun cho cây mà không dùng các loại thuốc trừ sâu độc hại.
Thu hoạch, chế biến, bảo quản: đinh lăng trồng được từ 3 năm trở lên mới thu hoạch. Đinh lăng có thể thu hoạch quanh năm, song tốt nhất là vào tháng 11-12
- Lá: thu được đem hong gió cho khô, sau đó đem sấy khô.
- Rễ và thân rửa sạch, cắt rời rễ lớn, bóc vỏ thân, rễ, đem hong gió. Rễ nhỏ đường kính dưới 10 mm không bóc vỏ. Rễ cần phơi, sấy liên tục đến khi khô giòn.
- Củ và rễ tươi đã thu hoạch cần chế biến ngay không nên để quá 5 ngày.
- Cần bảo quản nơi khô ráo, sạch, chú ý phòng ẩm và mối mọt dễ phát sinh. Vỏ rễ, vỏ thân thời hạn sử dụng 2 năm. Nếu chế thành cao lỏng, dung môi rượu 450C sẽ bảo quản được lâu và tiện sử dụng hơn. Lá thời hạn sử dụng 6 tháng.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả mô hình
- Tỷ lệ sống cao.
- Sản phẩm đồng đều về chất lượng cũng như mẫu mã.
Thông tin liên hệ chuyên gia hỗ trợ
Họ và tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt
Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Điện thoại: 0935.805.869
Email: hoanghietcnc@gmail.com