Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Việt Nam là nước nhiệt đới, có thảm thực vật, nguồn hoa phong phú, là tiền đề cho nghề nuôi ong. Nhờ vào sự phát triển diện tích của các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, rừng trồng và tự nhiên, Việt Nam có tiềm năng khai thác khoảng 40.000 tấn mật ong/năm.
Tại Châu Á, tuy không giữ ngôi vị quán quân về xuất khẩu mật ong, song Việt Nam đã khẳng định vị trí của mình khi, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong khi đó, ngoài thị trường Mỹ đang nhập khẩu khoảng 90% mật ong, Việt Nam còn có thể tiến vào thị trường Châu Âu. Nhu cầu của thị trường rất lớn, nhưng khó khăn hiện nay của ngành mật ong Việt Nam là thiếu kiến thức về kỹ thuật nuôi và quản lý chất lượng sản phẩm.
Thực tế, mật ong sau thu hoạch có độ ẩm từ 21-24% nên rất dễ bị lên men. Khi bị lên men, mật ong có mùi khó chịu và chứa nhiều nấm mốc, hàm lượng butanol và etahnol cao, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Với độ ẩm này, mật ong không để lâu được, thường chỉ sau 2 tháng đã chuyển màu và phát sinh nấm mốc. Trong khi đó, tại các trang trại, xí nghiệp, nông dân vẫn sử dụng cách sơ chế truyền thống nhờ vào phơi sấy dưới ánh nắng tự nhiên hoặc hơi nóng trực tiếp. Hệ quả là, các sản phẩm sau sơ chế mất chất dinh dưỡng và không đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Vì vậy, đầu tư ứng dụng hệ thống cô đặc mật ong, vừa nâng cao năng suất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, vừa giúp tăng thời gian bảo quản của sản phẩm và các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là bài toán mà các đơn vị sản xuất cần cân nhắc trong quá trình kinh doanh của mình.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Hệ thống cô đặc mật ong sử dụng hệ thống máy sấy bơm nhiệt kết hợp với bộ cấp nhiệt phụ để có thể điều chỉnh chính xác nhiệt độ sấy cần cung cấp cho buồng sấy nhằm làm khô không khí sấy trước khi đưa trở lại buồng sấy và tận dụng nguồn nhiệt từ bơm nhiệt tạo ra để làm nóng khí sấy. Hệ thống sử dụng phương pháp tách ẩm để làm khô hoàn toàn không khí trước khi đưa trở lại lò sấy, giúp sản phẩm khô nhanh hơn, dù sấy ở nhiệt độ thấp hay nhiệt độ cao.
Hệ thống máy sấy bơm nhiệt bao gồm một giàn nóng, một giàn lạnh, hệ thống ống trao đổi dung môi, van tiết lưu, hệ thống điều khiển. Giàn nóng sẽ đốt nóng không khí sấy trước khi đưa vào buồng sấy. Giàn lạnh được thiết kế tách ẩm không khí sấy. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp thêm nhiệt bằng bộ điện trở đặt trước máy quạt nhằm tăng nhiệt trong trường hợp giàn nóng thiếu nhiệt lượng. Khí sấy luôn được làm khô trước khi vào buồng sấy nên sẽ không có trạng thái bão hòa hơi nước khi sấy ở nhiệt độ thấp, đây chính là ưu điểm rất lớn của công nghệ sấy bơm nhiệt.
Quy trình
- Mật được cung cấp vào khoang chứa theo ống dẫn. Sau đó được bơm lên trên đỉnh tháp rồi phun xuống qua các tầng sàn.
- Không khí do quạt cung cấp thổi qua dàn bay hơi. Một phần ẩm được ngưng tụ và tách ra khỏi không khí làm cho lượng chứa ẩm giảm. Sau đó, không khí tiếp tục được đưa qua dàn ngưng và gia nhiệt đến 50oC và được đưa đến buồng sấy.
- Không khí sấy đi từ dưới lên, mật ong được phun thành giọt đi từ trên xuống. Quá trình tiếp xúc giữa mật và không khí khô diễn ra, mật lắng xuống đáy xyclon và được lấy ra ngoài, không khí mang nước theo ống dẫn tới quạt rồi qua dàn bay hơi. Chu trình cứ diễn ra liên tục, mật ong được bơm lên đỉnh tháp rồi phun xuống, tiếp xúc không khí khô cho đến khi đạt ẩm độ yêu cầu thì được lấy ra ngoài và được đưa đến bồn chứa.
- Không khí lưu động với chế độ hồi lưu tuần hoàn nên hệ thống kín hoàn toàn, không cần cung cấp không khí mới. Các quá trình gia nhiệt, tách ẩm không khí sấy được thực hiện nhờ hệ thống lạnh.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
Các thành phần trong mật ong như hàm lượng nước, hydroxy methylfurfural (HMF), diastase đạt các tiêu chuẩn quy định; hàm lượng vitamin C và các chỉ tiêu vi sinh trong phấn hoa cũng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; không bị mất màu, mất mùi; loại bỏ nước (chỉ còn 17–18% theo tiêu chuẩn quốc tế).
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể đáp ứng được quy mô sản xuất hộ gia đình tại vùng nguyên liệu mật ong với sản lượng thấp.
Hiệu quả kinh tế
Hệ thống có mức đầu tư kinh phí thấp, tiêu thụ điện năng thấp.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM
Ðịa chỉ: Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM
Người liên hệ: Nguyễn Văn Lành
Ðiện thoại:. 0917.11.83.09
Email: nvlanh@hcmuaf.edu.vn