Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Hawaii là nơi trồng ổi lớn nhất thế giới. Năm 1996, sản lượng thu hoạch đạt 7 triệu tấn, năm 1999 sản lượng đạt 4,8 triệu tấn. Năm 2000, sản lượng gia tăng đáng kể, tăng 48,6% so với năm 1999 và đạt 7,2 triệu tấn. Phần lớn lượng ổi thu hoạch được dùng cho chế biến và chỉ một lượng nhỏ được dùng để ăn tươi. Ở Ấn Độ, ổi được trồng phổ biến với diện tích khoảng 1,5 triệu ha, hàng năm cho sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn. Malaysia cũng là một trong những nước sản xuất ổi lớn nhất trên thế giới. Năm 1990, sản lượng ổi của Malaysia chỉ đạt 25.200 tấn, nhưng đến năm 1995 sản lượng thu hoạch là 79.500 tấn/năm.
Ở Việt Nam, ổi được trồng ở cả hai miền Nam và Bắc. Tuy nhiên, chỉ ở miền Nam ổi mới được trồng tập trung và quy hoạch thành từng vùng lớn như ở đồng bằng sông Cửu Long, hoặc các vùng lân cận thị xã Cam Ranh.
Ở Việt Nam, hiện nay ổi đang được trồng và phát triển thành một loài cây có tính thương mại. Tại miền Bắc, ổi được trồng tập trung tại các vùng Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà của tỉnh Hải Dương, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức của Hà Tây và Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội.
Các tỉnh phía Nam phát triển giống ổi quả to, nhiều thịt, thơm nhẹ và được trồng tập trung thành vườn lớn ở miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Thời vụ trồng
Ổi có thể trồng được quanh năm. Ở miền Bắc trồng vào tháng 3-5 (vụ xuân hè) và tháng 8-10 (vụ hè thu); ở miền Nam trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5-6).
Chuẩn bị đất và hố trồng
- Đất trồng: đất tơi xốp, thoáng, giữ nước tốt, đặc biệt đất phù sa rất tốt cho cây ổi.
- Đào hố: đào hố và bón lót trước khi trồng 1-3 tuần; hố có kích thước 50x50x50-100 cm; mật độ trồng hàng cách hàng từ 2,5-3,0 m; cây cách cây từ 2,5-3,0; tương đương 1.400-1.500 cây/ha.
Chú ý: đối với đất đã san lắp, chiều sâu yêu cầu phải đến tầng đất mặt và sâu xuống bên dưới tầng đất mặt từ 20-30 cm tùy theo độ dày tầng san lấp.
Trồng và chăm sóc
- Trồng bằng cây ghép hoặc cành chiết, chọn mua cây khỏe, sạch bệnh, đúng giống, nếu là cây ghép phải tỉa bỏ các mầm cây phát sinh bên ngoài mắt ghép;
- Tháo, bỏ các vật liệu quanh bầu; đặt cây vào giữa hố, lấp đất phủ mặt bầu từ 1->2 cm; cắm cọc buộc giữ cây khỏi bị gió rung, sau đó tưới ẩm ngay cho cây.
- Tạo tán: là việc làm cần thiết trong suốt quá trình khai thác quả trên cây, thường xuyên cắt tỉa bỏ mầm dại từ gốc ghép; khi cành ghép dài 50-70 cm bấm ngọn cho ra các cành cấp 2 và tiếp tục như thế cho cây ra cành cấp 3; cắt tỉa để lại 3 -5 cành cấp 1 phân đều ra các hướng; trên các cành cấp 1 tỉa bỏ các cành tăm, cành mọc sâu vào trong tán; hạ thấp chiều cao cành xuống dưới 1,5-1,7 m; tạo thế cây phát triển cân đối, thuận tiện chăm sóc, thu hoạch và tăng khả năng chống đổ ngã.
Ổi Đài Loan có thể ra quả quanh năm và ra trên các mầm cây bật từ nách lá, cây càng nhiều mầm nách càng nhiều quả. Để có nhiều mầm nách, thường làm trẻ hóa cây bằng cách gây tổn thương cơ giới: sau mỗi lần kết thúc thu quả lại bấm ngọn hoặc vít cành, tùy theo vị trí của cành để xác định cách bấm tỉa, hay vít cành cho hợp lý. Đối với các cành vượt cao quá tầm với thì dùng kéo cắt hạ thấp độ cao, đối với các cành vượt ngang ngoài tán nên dùng dây mềm buộc vít cong cành vào phía trong; các cành còn lại chỉ ngắt bỏ 5-10cm ngọn cành, trên các cành vít cong, cành bấm tỉa sẽ phát sinh các mầm mới, thêm hoa, nhiều quả. Cần kết hợp hài hòa giữa cắt tỉa với vít cành để tránh gây tổn thương nhiều cho cây, tiêu hao năng lượng, yếu cây, giảm năng suất.
- Tưới nước: luôn đảm bảo độ ẩm cho cây ổi, khi gặp mưa lớn phải tháo hết nước ngay.
- Để quả: mỗi chùm hoa sau khi đậu quả chỉ để lại 1 quả/chùm (nếu chùm có hơn 2 quả thì chỉ chừa lại 1 quả tốt nhất).
Bón phân
- Bón lót (cho 1 hố trồng): 0,5kg vôi bột + 1kg Super lân + 0,5-0,7kg NPK (16-16-8) + 5kg phân gia cầm hoặc phân chuồng hoai mục; vôi bột rải lót đáy hố, phủ lớp mỏng đất hoặc xơ dừa mịn, số phân còn lại trước khi đưa tiếp xuống hố cần trộn đều với lớp đất mặt và xơ dừa mịn; khi trồng gỡ bỏ túi nilon bao bầu; đặt cây trồng ngay ngắn giữa hố, lấp đất kín phủ mặt bầu 1->2cm, nén nhẹ xung quanhcho chắc gốc, rồi tưới đẫm nước.
- Bón thúc: sau khi trồng một tháng, bón xung quanh gốc (đường kính tăng dần theo tán lá), lượng bón trung bình từ 50g ->200g NPK (16–16-8)/cây/tháng tùy tình hình sinh trưởng của cây. Khi cây ổn định tán lá (sau trồng 6->8 tháng) bắt đầu cho quả bón NPK (20–20-15) bón mỗi tháng 0,2–0,3 kg đến khi quả bắt đầu chín. Từ năm thứ 3, tốt nhất để dưới gốc cây 1 bao phân gia cầm 25–30kg (tận dụng vỏ bao lân, đạm để đựng), miệng bao buộc kín, đáy bao đục 1 vài lỗ nhỏ, mỗi lần bơm nước dưỡng cây, tưới đẫm vào bao cho rỉ nước phân xuống đất để rễ cây hút; 4-6 tháng thay 1 bao phân mới, phân cũ rải ra vườn;
Ngoài ra sau mỗi lần bao quả, bón thúc thêm mỗi cây 0,3-0,4kg Kali sunfat hoặc Kali clorua để tăng chất lượng quả.
- Sử dụng phân bón lá: sau khi trồng khoảng 10 ngày có thể sử dụng các loại phân bón lá hữu cơ để cây nhanh phục hồi sau trồng (phun và tưới gốc khoảng 2 lần, mỗi lần cách nhau 7–10 ngày). Sau đó phun phân bón lá có NPK:16-16-8 để cây ra nhiều nhánh và dưỡng lá. Sau trồng khoảng 6–12 tháng, phun phân bón lá NPK:10–50 –10, (phun lúc bấm ngọn) phun 2 lần và mỗi lần cánh nhau 7–10 ngày để kích thích cây ra hoa.
+ Thời kỳ ra nụ chuẩn bị nở hoa: phun phân bón lá siêu ra hoa tăng đậu quả để tăng số lượng quả trên cây và giảm quả biến dạng.
+ Thời kỳ mang quả: để hạn chế rụng quả dùng phân bón lá siêu Canxi, siêu Bo, sau đó dùng phân bón lá NPK:6–20–20 phun 2 lần cách nhau 10 ngày để tăng trọng lượng quả.
+ Trước khi thu hoạch 20 ngày: phun phân bón lá NP:0–25–25 giúp tăng chất lượng quả thu hoạch.
Khai thác quả
Sau khi hoa đậu 10 ngày (đường kính quả 0,5-1cm), tiến hành tỉa quả, tỉa bỏ các quả còi cọc, quả sâu bệnh, chỉ chừa lại 1 quả tốt nhất trên chùm. Tùy theo cây khỏe hay yếu mà xác định lượng quả để lại trên cây cho hợp lý. Cành yếu, cành vượt để ít quả, cành khỏe, cành ngang để nhiều quả. Để có quả to, hợp thị hiếu người tiêu dùng, bán được giá thì cây 1-3 năm tuổi nên để 60-80 quả/cây; cây 4-5 năm tuổi để 200-250 quả/cây.
Khi quả to đẫy, màu xanh chuyển sang sáng thì thu hoạch, nên thu vào buổi sáng, trước khi thu 10-15 ngày không nên phun thuốc bảo vệ thực vật.
Phòng trừ sâu bệnh
Không được tưới phân tươi, nước đã bị ô nhiễm cho cây để chống các bệnh chết cây;
Trên giống ổi Đài Loan có 3 đối tượng sâu bệnh gây hại chính là sâu róm, rệp sáp và ruồi đục quả. Cần áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Sâu róm: trong năm thường xuất hiện với mật độ cao từ tháng 2-4, hại hoa, quả non và mầm ngọn, có thể phun trừ hiệu quả bằng thuốc Sherpa 2-3%, Trebon 2%.
- Rệp sáp: chích hút dịch cây, gây hại các lá non, lộc non và quả cây. Sử dụng Suprathion 40EC để phun trừ, nên hỗn hợp thuốc phun trừ với bệnh sương mai và sâu róm.
- Ruồi đục quả gây hại quả trong suốt quá trình phát triển của quả. Ruồi đục vỏ quả, đẻ trứng vào đó, hóa dòi đục ăn vào ruột quả, phòng trừ không kịp thời có thể thất thu cả vườn quả. Để phòng trừ đối tượng này biện pháp bao quả là hiệu quả nhất.
Kỹ thuật bao quả (kết hợp với quá trình tỉa định quả trên cây):
Bao quả bằng 2 túi, lưới xốp và nilon trắng kích thước 10x12cm, lồng túi xốp bao quả, sau đó bao bên ngoài 1 túi nilon, đáy được đục vài lỗ nhỏ để thoát hơi nước, tránh thối quả. Đưa miệng túi vào bao quả, xoắn miệng túi và buộc 2 đầu vào cuống quả, như vậy sẽ đảm bảo cho đến khi quả chín không bị nhiễm bất cứ sâu bệnh nào,. Ngăn chặn sự tiếp xúc của các chất độc hại có thể tác động đến quả từ việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, môi trường… để sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể tận dụng túi lưới xốp bao hoa quả để bao ổi, tiết kiệm chi phí, nhưng phải xử lý túi trong dung dịch xút (nước xà phòng) để diệt trừ tồn dư sâu, bệnh.
Lưu ý: theo dõi ngay sau khi cây ra hoa và đậu quả, phải phun phòng một số bệnh như ruồi đục quả, rệp sáp, bệnh sương mai... sau 10 ngày tỉa bao quả và tỉa định quả; trong 1-2 năm đầu, vườn cây chưa khép tán, có thể trồng xen các cây khác như cà pháo, ớt, đậu nành hoặc đậu xanh để tăng thu nhập, giữ ẩm cho đất, chống xói mòn và hạn chế cỏ dại.
Ưu điểm của công nghệ
- Tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt.
- Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
- Họ và tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt
- Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
- Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
- Điện thoại: 0935.805.869
- Email: hoanghietcnc@gmail.com