Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Theo số liệu FAOSTAT (2012), dưa lưới (Cucumis melo L.) đạt sản lượng hàng năm là 134 tấn/ha. Sản lượng hàng năm trên thế giới tăng từ 9 triệu tấn, sản lượng trong năm 2012 đã lên 32 triệu tấn. Diện tích trồng năm 2007 là 1,2 triệu ha, đến năm 2012 là 1,3 triệu ha. Các nước sản xuất dưa lưới nhiều nhất trên thế giới là Trung Quốc với 600.000 ha, Tây Á (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq) 220.000 ha, Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Mexico, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ) 200.000 ha, Bắc Phi (Ai Cập, Ma rốc, Tunisia) 110.000 ha, Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh) 130.000 ha, Châu Âu (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hy Lạp) 95.000 ha, Rumani 50.000 ha, Nhật Bản 8.500 ha và Hàn Quốc 11.000 ha.
Dưa lưới ở nước ta, ngoài các giống thuần truyền thống được trồng từ lâu như dưa lưới vân lưới trắng Hà Nội, dưa mật Bắc Ninh, dưa vàng Hải Dương có trái nhỏ ăn thơm, ngọt mát, trong những năm gần đây, Công ty Giống cây trồng Nông Hữu đã đưa vào sản xuất một số giống dưa lưới lai F1 nhập nội cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, quả to, màu sắc phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng như: giống 1349, 235, dưa Thu mật (246), Thiên hương (221), Thu hoa (1217), Kim cô nương (1382), Nữ thần (1054). Các giống này đều thuộc dạng trái cao, nặng khoảng 1,5 kg, phẩm chất thơm ngon, độ đường cao (từ 15-18 độ), năng suất cao, ổn định, chống chịu một số bệnh nứt dây và thối do vi khuẩn.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Các công đoạn chuẩn bị
Chuẩn bị nhà màng
Nhà màng được thiết kế với nhiều kiểu khác nhau như: kiểu nhà kính, nhà màng kiểu cổ điển, nhà màng kiểu răng cưa, kiểu mái vòm, kiểu hình ống, nhà lưới,...Tuy nhiên, cần đảm bảo các điều kiện như độ truyền sáng từ 85-90%; độ cao cột (chiều cao từ mặt đất đến máng xối) từ 4-4,75m, khẩu độ mỗi gian nhà là 8m, bước cột là 4m, mái được lợp bằng màng polymer (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng 50 mesh.
Kiểu nhà màng thông gió cố định
Thiết bị tưới
Trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có: bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc, van từ và đồng hồ hẹn giờ (timer).
- Máy bơm thường dùng động cơ điện hay dầu, xăng, có khả năng bơm nước lên độ cao 3,5 m. Có thể lắp thêm rơle tự đóng mở (đối với hệ thống bơm điện, để tự động bơm nước vào bồn).
- Ống nhựa PVC cứng đường kính 30-40 hay 60 mm làm ống dẫn nước chính và loại đường kính 16-21 hay 26 mm làm ống dẫn phụ. Ống chính và phụ cần được chôn sâu 20-30 cm để kéo dài tuổi thọ của ống.
- Ống nhựa dẻo đường kính 16 mm và một trong những loại vòi phun tia li tâm, phun tia cố định, nhỏ giọt. Sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60 cm, đường kính 4 mm; dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống đẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống 16mm. Bố trí mỗi hàng là 1 đường dây dẫn, mỗi túi ni lông cắm 1 dây tưới nhỏ giọt nên mật độ dây tưới tương đương mật độ túi ni lông. Có thể chế đầu nhỏ giọt bằng ống và van của hệ thống truyền dịch dùng trong y tế. Tất cả đường đoạn cuối của ống nhánh cần được che phủ tránh nắng và rêu phát triển trong ống và cần thường xuyên giặt rửa lưới lọc nước trên bồn. Sau mùa tưới, mở khóa đầu các ống nhánh, xả bỏ cặn toàn bộ hệ thống.
Chọn giống
Chọn các giống dưa lưới như Taki, Tazoti, Taka, Seaweet, giống AB,…có khả năng thích nghi với điều kiện nhiệt độ cao và cho năng suất cao.
Chuẩn bị cây con
Khay ươm gieo hạt: thường làm bằng vật liệu mốp xốp, có kích thước 50x30x5 cm (loại 50 lỗ/khay).
Thành phần giá thể: sử dụng mụn xơ dừa, phân trùn quế (1,5 N - 0,5 P2O5 - 0,5 K2O) và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích).
Xử lý giá thể:
- Mụn xơ dừa: phải xử lý chất chát (tanin) trước khi trồng.
- Phân trùn quế: được xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm sinh học BIMA.
Gieo hạt: giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay, tiến hành gieo 1 hạt/lỗ (hạt khô không cần ủ), độ sâu hạt gieo từ 0,5-1cm, sau đó bổ sung thêm một lớp giá thể phủ lên trên bề mặt.
Chăm sóc: khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hàng ngày, tưới nước giữ ẩm đảm bảo cho hạt nảy mầm đồng đều. Khi hạt nảy mầm và xuất hiện lá thật thứ nhất, tiến hành phun phân bón lá Growmore 30-10-10 với nồng độ là 1g/lít nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây con. Sau khi gieo từ 10-15 ngày thì có thể tiến hành trồng.
Chuẩn bị giá thể trồng
Cách xử lý giá thể trồng cũng như xử lý phân trùn quế tương tự như giá thể gieo ươm cây con.
Giá thể được sử dụng là hỗn hợp mụn dừa, trùn quế và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích).
Giá thể sau khi xử lý được cho vào các các túi ni lông trồng cây (túi có màu trắng, kích thước túi 40x40 cm, được đục lỗ xung quanh đáy túi (16 lỗ); 6 kg giá thể/túi).
Kỹ thuật trồng
Trồng và chăm sóc
Mật độ trồng
Dưa lưới trồng trong nhà màng với mật độ 22.000–28.000 cây/ha, với khoảng cách hàng 1,4 m. Tiến hành trồng hàng kép.
Tưới nước và bón phân
- Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp.
Bảng: Nồng độ dinh dưỡng tưới (ppm) cho dưa lưới trồng trong nhà màng
Giai đoạn
|
N
(ppm)
|
P
(ppm)
|
K
(ppm)
|
Lượng dung dịch tưới
(lít /cây/ngày)
|
1. Trồng – bắt đầu ra hoa
|
180
|
44
|
270
|
0,8
|
2. Bắt đầu ra hoa – tạo lưới
|
220
|
56
|
300
|
1,5- 1,8
|
3. Tạo lưới - thu hoạch
|
200
|
56
|
330
|
2,0 -2,5
|
Ngoài ra, bổ sung thêm một số phân vi lượng như: Fe, Cu, Zn, Mo, Bo,…
- pH cho dịch tưới: 5,5-6,5
Chăm sóc
Sử dụng ong để thụ phấn cho dưa lưới. Mỗi cây để 1–2 quả ở cành cấp 1 tại vị trí lá thứ 8–13 tùy vào tình hình sinh trưởng của cây. Sau đó tỉa hết các cành nách để tạo thông thoáng và hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng. Khi dưa lưới đạt khoảng 25 lá thì tiến hành bấm ngọn.
Phòng trừ sâu bệnh hại
- Sâu hại: dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số loài sâu hại: bọ phấn trắng và bọ trĩ. có thể sử dụng các loại thuốc để phòng trừ như Abamectin, Confidor, Radiant, Ascend, Mospilan...
- Bệnh hại: dưa lưới trồng trong nhà màng thường bị một số bệnh như héo rũ cây con, phấn trắng, sương mai...Có thể sử dụng các loại thuốc Ridomin, Aliette, Carbendazim, Anvil...
Thu hoạch
Dưa lưới sau khi trồng khoảng 60-65 ngày sẽ cho thu hoạch.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- So với canh tác truyền thống, hệ thống chăm sóc cây trồng trong nhà màng hiện đại mang lại nhiều lợi ích: bảo vệ cây trồng trước các điều kiện thời tiết bất lợi; tiết kiệm công lao động trong các khâu tưới nước, bón phân, làm cỏ, phun thuốc; năng suất tăng gấp 1,5-2 lần so với trồng truyền thống.
- Nhà màng có mái được lợp bằng màng polymer và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng nên hạn chế được một số loại sâu bệnh hại trên cây.
- Kiểm soát được các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…) do đó, sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo an toàn, đạt chất lượng.
- Tưới nhỏ giọt, còn gọi là vi tưới, đưa nước trực tiếp trên mặt đất đến gốc cây trồng liên tục dưới dạng từng giọt giúp cung cấp một cách đều đặn lượng nước tưới cần thiết theo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, tiết kiệm nước, tránh được hiện tượng tập trung muối trong nước tưới, không gây ra hiện tượng xói mòn đất, không tạo nên váng đất đọng trên bề mặt và không phá vỡ cấu tượng đất, đảm bảo phân bố độ ẩm đều quanh gốc rễ, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ không khí, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, quang hợp,…góp phần ngăn chặn sự phát triển của sâu bệnh và cỏ dại quanh gốc cây (nước chỉ cung cấp làm ẩm gốc cây), giúp cho cây trồng sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, đạt năng suất cao.
- Tưới nhỏ giọt sử dụng cột nước áp lực làm việc thấp, lưu lượng nhỏ nên tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành, đảm bảo năng suất tưới, năng suất lao động được nâng cao không ngừng vì có khả năng cơ khí hóa, tự động hóa nông nghiệp ở khâu nước tưới. Tưới nhỏ giọt tạo điều kiện cho cơ giới hóa, tự động hóa thực hiện tốt một số khâu như phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học kết hợp với tưới nước.
- Tưới nhỏ giọt phụ thuộc rất ít vào các yếu tố thiên nhiên như độ dốc của địa hình, thành phần và cấu trúc đất tưới, mực nước ngầm nông hay sâu, ảnh hưởng của sức gió... Tưới nhỏ giọt phù hợp với mọi địa hình nông nghiệp Việt Nam.
Một số điểm hạn chế
- Chi phí đầu tư xây dựng nhà màng ban đầu lớn, để đầu tư 1.000 m2 nhà màng cần có tối thiểu 80 triệu đồng cho mô hình nhà màng đơn giản (cột thép và dây cáp), từ 300–350 triệu đồng cho kiểu nhà kiên cố và tốt nhất là nhà màng có hệ thống nhà điều hành của Israel, Hà Lan có điều khiểu tưới nước và phân bón tự động, có hệ thống làm mát giữ nhiệt độ ổn định 27-280C, có hệ thống mái che 3 lớp di động, khung chịu được sức gió trên 120km/h với giá 1,2 tỷ đồng.
- Yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, tuân thủ theo quy trình.
- Hệ thống ống tưới nhỏ giọt hay bị tắt nghẽn do bùn cát, rong, tảo, tạp chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng không hòa tan... Chính vì vậy, nguồn nước tưới của hệ thống tưới nhỏ giọt cần phải được xử lý qua bộ lọc.
-Tưới nhỏ giọt không có khả năng làm mát cây và cải tạo vi khí hậu như tưới phun mưa, không có khả năng rửa lá giúp cây quang hợp tốt.
- Tưới nhỏ giọt cần phải có vốn đầu tư ban đầu, người đầu tư phải có trình độ tiếp cận kỹ thuật tưới.
- Khi tưới nhỏ giọt bị gián đoạn, cây trồng sẽ xấu đi nhiều so với các phương pháp tưới khác.
Hiệu quả kinh tế
Lợi nhuận đem lại khi trồng dưa lưới trên giá thể áp dụng tưới nhỏ giọt trồng trong nhà màng đạt 25,5 triệu đồng/1.000 m2/vụ (tương đương 102 triệu đồng/1.000 m2/năm).
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Họ và tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt
Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Điện thoại: 0935.805.869
Email: hoanghietcnc@gmail.com