SpStinet - vwpChiTiet

 

Giải pháp xử lý nước nuôi cá tra thâm canh

Hệ thống đất ngập nước kiến tạo chảy ngầm đứng, sử dụng nguyên lý cộng sinh giữa vi sinh vật và thực vật, thông qua các quá trình phân hủy kỵ khí, hiếu khí của vi sinh vật và quang hợp của thực vật để giải quyết hiện tượng phú dưỡng, suy giảm chất lượng nguồn nước mặt và lây lan bệnh dịch giữa các hệ thống nuôi trồng thủy sản.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cá tra là cá nước ngọt, được nuôi chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm gần đây, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước dồi dào và kỹ thuật nuôi không khó nên nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đang phát triển mạnh cả về diện tích lẫn mức độ thâm canh. Năm 2010, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL là 5.420 ha, sản lượng bình quân đạt 1,141 triệu tấn.

Theo ước tính, với sản lượng cá khoảng 1,5 triệu tấn thì lượng chất thải ra môi trường khoảng 1 triệu tấn (trong đó 900 ngàn tấn chất hữu cơ, 29 ngàn tấn nitơ và 9,5 ngàn tấn photpho). Với lượng đạm, lân này, nếu thải trực tiếp ra môi trường sẽ là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hóa, làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt.

Thêm vào đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản dựa vào nguồn cung dồi dào của nước ngọt có chất lượng tốt từ các con sông lân cận, nhưng do việc xả nước ao nuôi không được xử lý ra các con sông có nguy cơ làm giảm chất lượng nước và có thể là tác nhân làm lây lan bệnh dịch giữa các hệ thống nuôi trồng thủy sản khác nhau.

Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện

Thực nghiệm trên 2 mô hình là hệ thống đất ngập nước chảy ngầm ngang và ngầm đứng:

Thiết kế

Hai loại hệ thống đất ngập nước (ĐNN) chảy ngầm ngang (Hình 1A) và ngầm đứng (Hình 1B) được thiết kế để xử lý nước thải bể nuôi cá tra thâm canh kết hợp tuần hoàn kín, mỗi loại hệ thống bao gồm:

  • Bể cá tra (thể tích nước nuôi 1m3): mật độ nuôi là 142 con/m3, trọng lượng cá trung bình 9kg (cho cá ăn 3% trọng lượng cá ban đầu bằng thức ăn viên nổi 25% N (2 lần/ngày), sau đó cho ăn dựa theo nhu cầu ăn của cá);
  • Hệ thống chảy ngầm ngang (200x70x30cm): hộc đầu vào 40cm, lớp chất nền dày 20cm (khoảng 190 lít) là vỏ sò (Ø2-5mm), mực nước luôn giữ thấp hơn mặt chất nền 5cm. Còn đối với hệ thống chảy ngầm đứng (đường kính 80cm, cao 70cm), có lượng chất nền bằng trong hệ thống ngầm ngang, được thiết kế hệ thống phân phối nước trên bề mặt; và
  • Bể thu gom: có gắn máy bơm chìm và phao nổi để bơm nước tuần hoàn lại bể cá (Hình 1). Tỷ lệ thể tích bể xử lý nước của mỗi loại hệ thống NN và NĐ so với thể tích nước nuôi cá tra là 1:4,4. Trồng 15 cây bồn bồn trên hệ thống NN và 8 cây trên hệ thống NĐ.

Vận hành

Nước thải từ bể cá được bơm tới bể trồng cây, nước đầu ra của các bể này được tập trung lại ở một bể thu gom và bơm trở lại bể cá một cách tự động nhờ máy bơm thả chìm kết nối với phao điện (Hình 1). Hệ thống được vận hành 6 tuần trước khi thu mẫu để tạo điều kiện cho thực vật phát triển. Hệ thống chảy ngầm ngang (NN) được vận hành 24/24 giờ, tốc độ nước bơm từ bể cá là 1.400mL/phút. Hệ thống chảy ngầm đứng hoạt động nhờ bộ hẹn giờ (được cài đặt 100 phút nghỉ, 400 giây bơm), tốc độ nước từ bể cá là 23,1 lít/phút. Tốc độ nước được điều chỉnh bằng các van để đảm bảo đạt 200% lưu lượng nước trong bể cá được xử lý và tuần hoàn trong 1 ngày đêm.

Kết quả

  • Hệ thống đất ngập nước kiến tạo chảy ngầm đứng giúp cải thiện oxy trong nước của bể cá, đồng thời có khả năng duy trì hàm lượng các chất ô nhiễm TKN và NH4-N ở mức thấp hơn so với hệ thống chảy ngầm ngang.
  • Trong suốt quá trình nuôi, hệ thống đất ngập nước kiến tạo chảy ngầm đứng không cần thay nước mới nhưng cá vẫn sinh trưởng tốt. Do đó hệ thống này giúp tăng hiệu quả sử dụng nước, không xả thải chất ô nhiễm, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

  • Là mô hình nuôi thủy sản bền vững, áp dụng cho nông hộ, doanh nghiệp nuôi cá tra có diện tích đất trống lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
  • Cải thiện đáng kể lượng oxy trong nước của bể cá, duy trì hàm lượng các chất ô nhiễm TKN và NH4-N ở mức thấp.
  • Không cần thay nước mới trong suốt quá trình nuôi nhưng cá vẫn sinh trưởng tốt, tăng hiệu quả sử dụng nước, không xả thải chất ô nhiễm, thân thiện với môi trường.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Bộ môn Khoa học Môi trường (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ)

Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Điện thoại: 0292.3830 428

Email: pqlkh@ctu.edu.vn

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả